https://www.artstation.com/artwork/QzqnqE
https://www.artstation.com/artwork/QzqnqE

1. Viết

Có một vấn đề mà tôi nghĩ là có tồn tại, dù không biết nó có tồn tại ở nhiều người hay không. Một cảm giác về việc viết và lý do mà chúng ta vẫn tiếp tục đọc. Một người nào đó không viết đôi khi không phải vì không có gì để viết, mà chỉ đơn giản vì họ không thấy những gì họ nghĩ hiện lên một cách chính xác (hoặc gần chính xác) thông qua những gì họ viết. Trong phần lớn thời gian, việc ngừng viết, hoặc không viết, rất đơn giản. Đó không phải khi ta không còn gì hay không có gì để viết, mà đó là khi ta có rất nhiều thứ để nghĩ nhưng nó dường như hay hơn chỉ khi ta dùng để nghĩ. Những chuyện vốn đang vượt ngoài tầm diễn đạt hiện tại.
Cá nhân tôi khi viết những dòng này, trong lòng vốn đã lăn tăn đến hàng trăm việc khác. Những việc mà, vốn vẫn chưa thể nói ra thành chữ, thành câu, thành lời, và trình bày nó dưới một trình tự dễ chịu để một ai đó đọc hoặc lắng nghe. Những việc mà vốn tôi còn chưa tìm đủ từ vựng để có thể bắt đầu nói về nó.
Đó là khi ta chọn cách im lặng. Im lặng không phải là giữ sự yên tĩnh cho không khí. Im lặng là việc ta giữ kín rất nhiều thứ đang nằm bên dưới vẻ ngoài ồn ào của bản thân. Ta không cảm thấy như mình đang bị bịt miệng, vì vốn đã chẳng buồn muốn lên tiếng. Nhưng sâu thẳm bên trong, chúng ta biết rằng mình đang giữ im lặng, và sẽ có những khoảnh khắc chúng ta muốn lên tiếng. Trong lúc đó, ta sẽ đi tìm những người viết khác để mượn câu chữ và cách diễn đạt của họ, để có thể ngồi xuống và ngắm nhìn những gì mình thường nghĩ hiện lên bên trong lời người khác. Sẽ thật khó để biết điều này có ý nghĩa gì. Chuyện này không phải tốt, không phải xấu, không phải khó khăn cũng chẳng phải cơ hội, không tích cực cũng chẳng tiêu cực.
Ta nói rằng nó là vậy.
Viết không phải đi tìm những câu trả lời chưa từng tồn tại. Không phải cầm đuốc đi đến đâu, sáng tỏ mọi thứ đến đó. Viết là việc một người mù loạng quạng bước đi bên trong một thế giới ngập tràn ánh sáng. Và miễn là khi nào ta còn đi, ta sẽ còn thấy rằng, à, thì ra ta và thế giới đều đang tồn tại.
Bạn không cần nhìn thấy rõ thế giới (và bản thân), để nói về thế giới (và bản thân). Bạn nói, để thấy thế giới và bản thân dần hiện ra.
Rồi lại biến mất.

2. Tư bản

"Có lẽ mày nên dời việc buồn của mày qua cuối tuần", tôi cười bảo với thằng bạn, "hoặc là buồn nhưng nhịn đến cuối tuần rồi xả nhé". Bối cảnh là nó có gặp chút chuyện buồn, và hẹn mọi người đi cà phê để tâm sự, sau đó vẫn muốn đi tiếp tăng hai để "liệu trình chữa lành" phát huy đầy đủ hiệu quả. Tất nhiên là một số người đã rơi bớt khi nghe đến tăng hai, bởi vì "mai còn phải đi làm".
"Xã hội tư bản trật tự hóa lối sống của mày, nên việc buồn cũng nên có trật tự một chút", tôi lại cười bảo. Bản thân cái xã hội ấy đã tạo ra rất nhiều lý do hợp lý để người ta ngừng cuộc vui, hoặc ngừng nỗi buồn của mình lại. Bởi vì mai phải đi làm. Tôi nghĩ mọi người về sau khi muốn chơi xấu nhau hoặc có nhu cầu làm nhau buồn, thì cũng nên có đạo đức mà chờ đến cuối tuần. Bởi vì mai người ta còn phải đi làm.
Nhưng hình như mọi người đã thực sự làm thế thật?
Tôi nghĩ không hiếm người đã (hoặc thậm chí đang) có suy nghĩ "thôi để thi đại học xong rồi chia tay" hoặc đại loại vậy, như một nghĩa vụ đạo đức nhằm tránh làm tổn thương hay ảnh hưởng đến cuộc đời của người khác vào thời điểm quan trọng của họ. Tư bản đã tạo ra những cột mốc quan trọng như vậy, và hiển nhiên là toàn bộ những vấn đề khác của con người hay của thế giới đều bớt quan trọng đi so với các cột mốc ấy. Bố mẹ bạn, bạn bè của bạn hay thậm chí một người qua đường cũng sẽ biết rằng việc bạn chia tay ai đó, ít quan trọng hơn việc đủ điểm để giành học bổng du học hay ít nhất là không trượt Đại học Y. Cuộc đời của bạn sẽ rẽ hướng khi thất bại ở những sự kiện như vậy, họ bảo. Đúng là nó sẽ rẽ hướng thật. Chỉ là, đừng nhầm lẫn rằng đó là lẽ tự nhiên. Lẽ tự nhiên là chúng ta luôn ảnh hưởng đến cuộc đời của nhau, và luôn bước vào những đoạn rẽ nhánh cuộc đời một cách vô thức. Còn việc một số sự kiện được kỳ vọng sẽ thay đổi đời một ai đó vốn là trật tự của tư bản, là vấn đề của tư bản, và chúng ta xui xẻo (hoặc may mắn) sống trong trật tự ấy. Đừng hiểu lầm rằng tôi có hàm ý phủ nhận những thứ hay ho khác của xã hội tư bản, hay đề cao quá mức cảm xúc nhất thời của con người hay tương tự vậy. Tôi chỉ đang nói những gì mình nghĩ thôi.
Nhưng bí mật của việc sống trong một thế giới đã có trật tự sẵn là ta khó mà hình dung được về một-thế-giới-khác. Ý tôi là ta rất khó thực sự tạo ra được một thế giới nguyên bản mà nó không phải là: (1) đảo ngược lại tất cả những đặc điểm của tư bản, (2) chọn lọc ra những gì mình không thích ở tư bản và thay thế nó bằng thứ bất kỳ và (3) dựa trên những xã hội mà-ta-được-bảo-là không phải tư bản. Ý tôi là, mọi người vốn vẫn luôn hình dung về một thế-giới-không-phải-tư-bản, dựa trên... tư bản?! Giống như một người đứa trẻ gặp trauma với gia đình, việc nó có trong đầu mình một hình dung về gia đình lý tưởng trong tương lai sẽ hoàn toàn ngược lại với gia đình hiện có của nó, thực ra vẫn là biểu hiện của trauma.
Cũng như, bí mật của việc chia tay là khi bạn đã nghĩ rằng cần phải chia tay, bất kể là sẽ bạn nghĩ sẽ chia tay sau một năm, sau hai năm, sau thi đại học, sau thi SAT, sau khi hoàn thành dự án, sau khi người yêu bớt stress, sau khi người yêu đã trưởng thành hơn, sau khi người yêu đã có ít đi những rắc rối trong cuộc sống... thì thực ra việc chia tay đã hiện ra trước mặt. Việc chia tay vốn đã hiện ra ngay khi bạn nghĩ về nó, và bạn không thể câu giờ. Trên thực tế, mong muốn câu giờ ấy chính là thứ dẫn tới dấu mốc chia tay. Và trên thực tế, sự câu giờ chỉ giúp đẩy nhanh quá trình.
Sự chuyên nghiệp, bạn sẽ bảo. Gạt bỏ chuyện đời tư và cảm xúc cá nhân để hoàn thành nhiệm vụ được giao ấy chính là sự chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp như cách Chris Rock vẫn bình tĩnh hoàn thành phần dẫn của mình sau khi bị bạn đấm vào mồm ngay trên sân khấu. Chuyên nghiệp như cách một người sếp gạt đi chuyện gia đình để hoàn thành nốt dự án quan trọng của công ty. Chuyên nghiệp như cách cô nhân viên quệt nhanh dòng nước mắt đang lăn dài trên má để xong nốt những việc cần hoàn thành gấp vào cuối tháng.
Xã hội tư bản đề cao sự chuyên nghiệp lên trên hết, hơn là anh dũng, hơn là gan dạ, hơn là chính trực và hơn cả sự thành thật. Chúng ta đã có một tượng đài anh hùng mới.
Ngoài việc muốn nhắc rằng (để cho cẩn thận), đó là những gì tôi nghĩ chứ không hẳn là một sự thật, tôi cũng muốn thừa nhận rằng mình không muốn bình luận về những điều mình vừa đề cập (và không phải vì ngại nói ra hay giấu diếm, mà vì tôi không biết cách bình luận thật).
Tôi chỉ mong rằng, chúng ta, sau những khoảnh khắc chuyên nghiệp, vẫn còn một khoảnh trống nào đó để có thể thành thật với bản thân, hoặc có thời gian để ở bên cạnh những người đang cần khoảng trống đó.

3. Lời khuyên

Viết đến một mức nào đó bạn sẽ ngừng muốn đưa ra lời khuyên hay giải pháp. Có lẽ vì kém, như tôi chẳng hạn, nên không có khả năng khuyên. Hoặc cũng có thể vì người ta nhận ra họ khuyên không nổi nữa, hoặc nhận ra không phải vấn đề nào cũng có giải pháp, hoặc nhận ra là không phải cứ tìm ra được giải pháp rồi thì mới có quyền nói hay viết.
Tôi nghĩ cái gì vốn có thể khuyên thì người ta cũng đã khuyên nhau hết cả rồi. Nhớ uống nước đầy đủ, chẳng hạn vậy. Hoặc đừng chồng túi bóng lên đầu vì sẽ khó thở lắm. Nhưng có nhiều chuyện khác vốn bản thân mỗi người cũng đang phải tự tìm ra câu trả lời cho mình, hoặc người đã có câu trả lời rồi thì nhận ra không nhất thiết đó cũng là câu trả lời người khác cần.
Hoặc chỉ đơn giản là do tôi nghĩ quá như vậy.
Nhưng mà đúng là tôi hay nghĩ quá lên thật. Chẳng hạn như lúc đi xe, tôi hay nghĩ những chuyện đại loại: sao người ta khi nghe chuyện ai đó đang không hạnh phúc trong một mối quan hệ thì sẽ khuyên nên dừng lại và rời đi, thậm chí khuyên rất sốt sắng, nhưng lại thường bảo nhau "ráng thêm một chút, chịu khó chịu đựng đi" khi nghe ai đó đang không hạnh phúc trong công việc, hay không hạnh phúc với cuộc đời nói chung.
Khi cảm thấy không hạnh phúc hay đau khổ, thì là không hạnh phúc hay đau khổ thật mà, tôi nghĩ. Có lẽ người ta nghĩ rằng sự không hạnh phúc hay đau khổ liên quan đến công việc có thể chỉ là lười biếng hay "chưa biết cách", mà chẳng ai lại lười biếng hay "chưa biết cách" yêu đương cả.
Nhưng quả thực, không hạnh phúc hay đau khổ, thì là không hạnh phúc hay đau khổ thật mà... Làm sao có thể giả vờ cảm thấy như vậy được : (
Thế nên tôi có một giả thuyết khác, có lẽ chúng ta chỉ còn khuyên nhau ở những chỗ và những lúc mà, khi đó và ở đó vẫn còn lựa chọn. Ta vẫn khuyên mọi người bỏ việc nếu ở đó vẫn còn lựa chọn, như cách người ta có thể chọn yêu người khác. Ta không thực sự biết cách giúp đỡ lẫn nhau trong nhiều chuyện, ta chỉ biết cổ vũ nhau thử làm gì đó khác xem liệu có hiệu quả hay không. Đoạn cuối của vấn đề không phải lúc nào cũng là giải pháp, hay việc vấn đề đó được giải quyết dứt điểm. Đoạn cuối của vấn đề đơn giản là khởi đầu của-một-thứ-gì-đó-khác. Liền sau cuốn sách "Ý nghĩa cuộc đời là gì?" không phải là cuốn "Ý nghĩa cuộc đời là như thế này", mà chỉ đơn giản chỉ là những cuốn sách khác. Chúng chỉ là những cuốn sách nằm cạnh nhau trên cùng một giá sách mà không cần phải được sắp xếp theo một trình tự logic. Việc của ta là tiếp tục đọc, và cùng cổ vũ nhau tiếp tục đọc. Quá trình đi tiếp này có thể không hẳn vẫn tốt cho từng cá nhân, nhưng chắc là nó tốt cho tập thể. Bởi đôi lúc lời khuyên đến từ việc một ai đó đã thấy được điều gì đó khi họ "thử làm gì đó khác".
Tôi cũng không biết mình viết cái mớ này ra để làm gì, chỉ mong rằng sau khi đọc xong, suy nghĩ đầu tiên bật lên trong đầu của bạn không phải là "thật mất thời gian".
"Bí mật của việc 'chơi đồ' là không nên có cảm giác mình đang cần phải làm ngừng trạng thái hiện tại của tâm trí lại để làm việc gì đó gấp. Nếu không là badtrip đấy", tôi nói với bạn của mình khi cả đám nhìn vào thằng bạn đang nỗ lực tỉnh táo sau bi thuốc lào được 'châm hộ' hơi chuyên nghiệp quá mức của bạn bartender của quán. Vì cái nỗ lực cố gắng tỉnh táo ấy chỉ khiến nó trông "quằn" hơn, và thực sự đang trải qua cảm giác "quằn" hơn bên trong tâm trí. Lời khuyên này cũng đúng với nhiều chất kích thích khác.
Lời khuyên này cũng đúng với việc sống, tôi nghĩ vậy.