Trời mưa, từ góc sân nhà để xe tôi nhìn bầu trời dưới những tàu lá chuối đã rách nát. Tôi thấy buồn.
Hôm nay mẹ tôi đi khám bệnh. Bà bị phát hiện bệnh hạt xơ dây thanh và cần yêu cầu phải phẫu thuật. Tôi chỉ mấy ngày nữa thôi sẽ sang Hàn Quốc 4 tháng học. Tôi lo cho sức khoẻ của mẹ tôi.
Mẹ tôi là giáo viên, một người giáo viên tận tuỵ và tâm lí. Mẹ chọn đứa học sinh nghịch nhất để làm lớp trưởng, mẹ đã từng đi dọn cho một đứa bé ị đùn thay vì quát mắng nó, mẹ không ngăn cấm chuyện tình cảm của những đứa bé lớp 5 mà chỉ nhắc nhở phải chú ý việc học. Công việc giảng dạy khiến gần như cả năm trời từ sáng tới chiều mẹ tôi luôn phải nói, đôi khi nếu có ức chế học sinh sẽ phải quát tháo lên thật to. Lũ học trò tiểu học thường rất nghịch ngợm và việc học theo mô hình kiểu Vi en ( mô hình kiểu mới) sẽ khiến mẹ tôi phải nói nhiều hơn để lớp trật tự. Và có lẽ đó là nguyên nhân mẹ mắc bệnh.
Cùng là nghề dạy học nhưng dạy học ở các cấp khác nhau, tôi đôi khi thấy thương mẹ tôi khi nghĩ về các giảng viên ở trường Đại học. Ở trường đại học, các giảng viên có bộ loa để giảng, dùng slide để giảng bài thay vì dùng phấn, được mọi người tôn trọng và đó là vì học vấn và địa vị. Nhưng giáo viên tiểu học thì không như vậy, họ không có loa hay mic, họ quen với phấn bảng, giẻ lau và bụi phấn. Các sinh viên là những người đã bước vào tuổi trưởng thành, vì vậy ý thức trong lớp học sẽ tốt hơn những học sinh tiểu học, ít nhất là trong khoản giữ trật tự trong lớp cho nên giảng viên không cần phải nhắc nhở nhiều. Những áp lực từ trường học cũng khác nhau, nếu như ở bậc đại học các giảng viên cứ dạy, sinh viên tiếp thu được hay không thì kệ, thì ở tiểu học, người giáo viên phải cố gắng đảm bảo học sinh phải biết được những kiến thức nền tảng này kia. Giáo viên tiểu học biết được rằng nếu học sinh nhỡ một bài sẽ không thể học những kiến thức mới, vì vậy sẽ cố gắng truyền tải kiến thức tới học sinh. Họ chịu áp lực không chỉ từ phía nhà trường mà còn từ phụ huynh, những người có thể buông một lời thiếu suy nghĩ “ tại cô không biết dạy mà con tôi ...”.
Khi nghĩ về chuyện học ở trường Đại học giá như tôi có thể buông lời đó với giảng viên vì có những giảng viên đi dạy chỉ thực sự là kiếm tiền, hoặc để kiếm chút fame để làm công việc khác, có mấy giảng viên là tận tâm với nghề và vì sinh viên. Nhất là ở nhiều trường khi mà muốn được giảng viên cho qua môn ư, phải có polyme hoặc thứ gì đó đáng giá của bạn, bao gồm trinh tiết. Thế nhưng xã hội này chẳng phải đánh giá cao những người liên quan tới đại học ư ? Đúng rồi đại học là học lớn mà, học nhỏ sao bằng được học lớn. Nhưng bạn biết không mẹ tôi hay nhiều người giáo viên tiểu học khác đã phải hy sinh rất nhiều, và tôi thấy đau xót khi sự hi sinh mà không được công nhận.
Mẹ tôi dạy ở một trường biên giới, tổng số học sinh một lớp chỉ khoảng vào hơn 20 đứa. Mẹ cũng đi dạy gần được 25 năm rồi,  và phải thêm tầm 10 năm nữa mẹ mới nghỉ hưu. Nói chung là cơ sở vật chất thì không được bằng ở thành phố hay trung tâm, nhưng gần đây cũng được cải thiện nhiều và trường mới trở thành một trường chuẩn quốc gia thôi. May thay vì mẹ tôi dạy ở đây vì càng xa trung ương mọi thứ sẽ được nới lỏng, cũng chẳng cần phải gồng mình hay tranh giành chạy đua thành tích, áp lực từ phụ huynh cũng bờt được phần nào. 
Mẹ tôi bị khản cổ từ rất lâu rồi, nhưng không đi khám vì ở đây dịch vụ không tốt và các bác sĩ không có chuyên môn cao, vả lại nếu đi tận Hà Nội thì thật là xa, lại còn lại nước, lạ cái và mọi thứ thì đắt đỏ. Mẹ trước đây có xuống khám bệnh nhưng không phát hiện và giờ khi phát hiện thì lại phải phẫu thuật. Thật là buồn vì vào đúng thời điểm tôi không ở đây. Tôi nhớ lúc tôi bị đau dù chỉ một chút mẹ sẽ đưa tôi đi khám còn giờ mẹ ốm, tôi chẳng làm được gì cứ thế đi thôi. 
Tôi buồn vì tôi muốn bên cạnh mẹ lúc mẹ phẫu thuật, nhưng bên mẹ vẫn còn bố và em trai nên tôi thấy an tâm phần nào.
Tôi thấy có lỗi vì để mỗi lần mẹ phải hét lên với tôi trong những lần cãi vã, chắc những lần đó cổ họng mẹ tôi rát lắm...
Năm sau em trai tôi sẽ vào cấp 3, học ở gần nhà thì không được vì trường cấp 3 ở đây không được tin tưởng. Tôi cũng sẽ ra trường vào năm sau. Tôi vẫn còn đang phân vân cho sự nghiệp của mình, và tôi cũng thấy cần phải nhanh chóng hơn để báo đáp bố mẹ. Dù có lựa chọn thế nào tôi vẫn muốn nhắc nhở bản thân một điều rằng gia đình vẫn luôn là ưu tiên số 1 của tôi. Tôi mong ai cũng có sức khoẻ và mong mẹ của tôi sớm khỏi bệnh.