Nhà mình có hai mẹ con. Mẹ từ khi sinh ra và lớn lên đều vất vả, chân lấm tay bùn. Càng vất vả hơn để me nuôi con khôn lớn đến ngần này. Con biết rằng dẫu mẹ học hành không cao, nhưng mẹ đã nuôi lớn con chính bằng tình yêu thương, bằng sự hy sinh của mình.

1. Câu chuyện "canh bạc" và ngày con "nếm mùi" Hà Nội

Con vẫn nhớ như in từng cung bậc cảm xúc của những ngày ấy. Năm 2015, hình thức thi tốt nghiệp THPT Quốc gia tiếp tục được thử nghiệm với tụi con. Hồi đó học sinh không thi ở tại các trường ở địa phương. Ai nấy ở các tỉnh thành nhỏ thì đều phải khăn gói quả mướp lên thành phố, các khu vực tổ chức kỳ thi tập trung. Tùy theo sắp xếp phân chia thì sẽ thi ở các khu vực là các trường Đại học khác nhau.
Bữa đó mới chỉ là con trai đi thi thôi, mẹ chưa hề có phản ứng gì về việc con học hành sau này ra sao cả. Trước giờ mẹ cũng nghe theo các bác, anh chị trong nhà định hướng cho con, chứ nghĩ về xã hội, nghĩ về việc con xa nhà, mẹ thấy phức tạp và lo lắng rất nhiều.
Cái ngày con chưa biết Hà Nội là gì, may mắn là có anh chị họ ở trên Hà Nội, mẹ lại chăm sự nhờ. Nhà anh chị ở khu Cầu Diễn, biết thằng em khó khăn nên anh cũng sắp xếp công việc để đưa em đi thi trong mấy ngày.
Hôm con đi xe khách lên Hà Nội - lần đầu tiên con tự ngồi xe một mình đi xa. Mẹ dặn dò con nhiều lắm, rồi nhờ bác chở con đi, vì mẹ không biết đến việc đi xe cộ là gì. Con cũng vâng dạ miết, để mẹ yên tâm hơn. Lên thủ đô, con không khỏi ngỡ ngàng vì tốc độ và tài năng của mấy ông anh, ông chú chạy xe ở bến xe Mỹ Đình. Và không gì khác, đó là cảm giác choáng ngợp của nơi thị thành đông đúc, nóng nực những ngày hè.
Địa điểm thi của con ở Triều Khúc, anh chạy xe mấy buổi sáng đưa con đi thi, quãng đường cỡ khoảng gần nửa tiếng, không khí thì rõ tấp nập xô bồ. Trưa hôm đấy con nhớ là hai anh em ăn trưa ở một quán cơm bình dân nào đó rồi vào khuôn viên Đại học Hà Nội nằm ghế đá nghỉ trưa. Lúc đấy con còn mang vở văn ra đọc lấy mấy chữ để chiều đi thi mẹ ạ. Chắc anh cũng thấy nóng bức vất vả quá, hôm sau anh mướn phòng nhà nghỉ để con đỡ vất vả.
Hồi cấp 3 con có học hành có đứng top, nhưng là top của lớp cá biệt, học hành cũng tạm ổn thôi. Con biết sức của mình đến đâu so với kỳ vọng của các bác trong gia đình mà. Nhà mình muốn con vào môi trường Quân đội hoặc Sư phạm vì học ở đó không mất học phí.
Con tự lượng sức mình, có tham khảo và tính toán chuyển sang một ngạch khác là Hướng dẫn du lịch. Hồi đó khi biết điểm, thí sinh sẽ nộp hồ sơ vào một trường Đại học cho lần tuyển sinh 1 - và đối với một số trường, tụi con có thể theo dõi được thứ tự xếp hạng của cá nhân so với các thí sinh đối thủ cùng bảng. Chúng con cũng có thể theo dõi thông tin điểm chuẩn dự kiến trên website của các trường Đại học.
Và câu chuyện "canh bạc" xảy ra vào ngày 20/08/2015 - ngày cuối cùng để chốt hồ sơ xét tuyển vào các trường. Sáng hôm đó con trai mẹ còn lóc cóc ra nhà bạn xem thứ hạng đua rank đến đâu. Con thấy mình tụt xuống so với các bạn khác trong chuyên ngành con đăng ký. Thế là con nằm ngoài khoảng chỉ tiêu của trường, bữa đó con gửi hồ sơ vào Đại học Văn hóa. Con bị sốc, con rất lo lắng và không biết nên làm gì tiếp theo.
Cuối cùng con đưa ra một quyết định cá nhân là rút hồ sơ nộp sang trường khác. Lúc bấy giờ con chỉ ngắm đúng chuyên ngành hướng dẫn du lịch mà tia các trường đào tạo tốt về ngành này thôi, nên con đã rất kỳ vọng.
"Mẹ ơi, mẹ còn tiền không? Mẹ cho con tiền để con lên Hà Nội thay đổi hồ sơ ạ".
Mẹ bòn ví ra hơn 200 nghìn, tức tốc con bắt xe khách lên Mỹ Đình. Tới nơi con đi xe ôm ra Đại học Văn hóa, rút hồ sơ xong lại xe ôm tiếp, con chạy qua Đại học Mở Hà Nội (giờ là Trường, bữa đó là Viện). Lúc đó, con thấy điểm của mình cao hơn điểm chuẩn dự kiến mà website trường đề ra. Mặc dù không chắc chắn được gì, nhưng con vẫn phải gửi niềm tin bằng cách nộp hồ sơ vào trường.
Con phải ngồi quán net bên ngoài tới tận chiều, cố gắng chờ đợi xem có thay đổi gì về điểm chuẩn dự kiến hay không. Con cũng rất lo lắng, con sợ cả nhà thất vọng vì con.
Và đến chiều hôm ấy, điểm chuẩn dự kiến của trường vẫn không thay đổi, con quyết đặt hết cửa vào Đại học Mở, thành bại thế nào mươi ngày sau sẽ rõ. Rồi con bồn chồn bắt xe về quê, bữa đó sao mà con cũng thấy mình may mắn, mẹ đưa hơn 200 nghìn, loay hoay xe cộ đi lại về đến nhà thấy vẫn dư 5 nghìn.

2. Mẹ đã khóc, mẹ không muốn con đi học Đại học

"Hay là con ở nhà, đi làm công ty, học hành xa nhà, có mỗi hai mẹ con, mẹ không yên tâm!"
Nghĩ lại, con thấy kỷ niệm này quả thật rất sâu sắc. Con phải dùng từ "đấu tranh" mẹ ạ, vì mẹ con mình đã rất căng thẳng, ngày qua ngày. Con nghĩ tùy vào mỗi gia đình mà không ít bạn vướng vào câu chuyện có nên học đại học hay không, học ngành này hay ngành nào?
Tại sao mẹ lại nghe các bác, tại sao nhà mình lại muốn con học Quân đội hoặc Sư phạm? Bởi vì không ai khác ngoài mẹ, mẹ hiểu rằng mẹ không thể lo được cho con về kinh tế. Mẹ không đủ dũng cảm để con ra ngoài xã hội tự bươn chải, tự bơi.
Trước cái ngày con chốt hồ sơ và đợi kết quả, từ đợt thi xong cơ, con ở nhà cũng đi làm thêm như những mùa hè trước đó. Khoảng thời gian trước ngày biết kết quả, có giấy báo nhập học, hai mẹ con đều rất bình thường về vấn đề này. Vì nó chưa đến...
Câu chuyện con gặp phải là tư tưởng (con không biết có thể gọi là định kiến hay không nữa) của đa phần bộ phận phụ huynh, bà con làng trên xóm dưới. Nó đến bất chợt từ vài câu nói kiểu như: Học làm gì ra trường có việc đâu? Về nhà đi làm công nhân lương tháng ổn định? Học hành giờ xin việc phải có tiền bạc hoặc quan hệ thật tốt? Cái A nhà bà B học xong giờ về làm công nhân kìa, học làm gì cho tốn công tốn tiền?...
Ban đầu mẹ đã không nghĩ thế, nhưng thực sự là con hiểu, những tư tưởng đó của mẹ xuất phát từ chuyện lo lắng, suy nghĩ cho con. Con cũng hiểu nỗi lo lớn nhất của mẹ là: Mẹ không có tiền lo cho con đi học Đại học đâu. Rồi cộng dồn thêm lời ra lời vào của người nọ người kia, làm cho mẹ càng khó nghĩ.
Con thấy việc con làm công tác tư tưởng với mẹ không khó, nhưng con lại rất vất vả để đấu tranh với câu chuyện mà mẹ mình nghe từ những người khác. Giờ nghĩ lại, cả hai mẹ con mình đều rất tự hào phải không mẹ. Dù vẫn để mẹ phải lo lắng nhiều, nhưng con trai mẹ cũng đã trưởng thành sau một chặng đường dài. Nghĩ lại ngày đó, con cũng rất can đảm. Con đã giải quyết bài toán đó bằng duy nhất một câu nói:
"Con có thể tự lo cho mình được mà, mẹ cứ yên tâm."
Mặc dù con đã thành công trong việc thuyết phục mẹ để đi học Đại học. Nhưng con biết nếu con lên Hà Nội thì con cũng rất lo cho mẹ. Mẹ thì yếu, lại mang bệnh trong người. Còn mẹ ở nhà cũng ngày đêm lo nghĩ cho con, vì trước giờ hai mẹ con ở nhà cơm cháo đều có nhau. Rồi chẳng ai bảo ai, nhưng ai cũng sợ, con thiếu mẹ, mẹ thiếu con, ăn uống chểnh mảng lắm, sống khó khăn lắm!
Lúc đấy, nhà mình vẫn đang dùng bếp rác, con lại càng thêm lo. Được một tháng con tranh thủ làm thêm, điều con đã làm được duy nhất cho mẹ ngày ấy là thay thế bếp rác bếp củi bằng 1 chiếc nồi cơm điện, 1 chiếc bếp ga. Con cũng thấy yên tâm hơn rất nhiều.
Ai trong mỗi chúng ta đều ít nhiều có suy nghĩ rằng bản thân chúng ta sống sao cũng được, một mình sống thế nào cũng xong, rồi chúng ta áp lực nhất chính là chúng ta lo lắng cho những điều mà chúng ta không làm được. Mẹ thương con nhiều lắm, cực kỳ nhiều, và ngày con đi học, con biết mẹ đã luôn luôn rất nhớ con.
Con không thể phủ nhận là anh chị ở trên này đã giúp đỡ con rất nhiều, cả công sức, cả tiền bạc. Nếu không có số tiền đóng phí kỳ học đầu tiên của anh chị cho con, thì con cũng chưa biết mình có hướng nào giải quyết không nữa. Nhưng ít nhất là lúc đó, con đã đỡ đi một mối lo.
Khi con vượt qua tất cả và đến giờ phút này, điều mà con tự hào nhất chính là việc con xác định được trách nhiệm của bản thân. Điều con tự tin làm được chính là việc mình có thể tự lo được mọi thứ cho chính mình. Hai điều đó giúp cho gia đình mình yên bình hơn, mẹ không còn phải nghĩ ngợi quá nhiều. Tất nhiên, mẹ vẫn luôn là mẹ, lúc nào cũng lo lắng cho con từ khi con bước chân đi ra đường, tới tận khi con về đến nhà an toàn không sứt mẻ thì mẹ mới yên tâm.
Câu chuyện của mỗi người mỗi khác, khó khăn là khác nhau, nhưng quan trọng nhất, con nghĩ chỉ cần con có đủ can đảm và dũng khí, vượt qua vỏ bọc và trưởng thành một cách cứng rắn nhất, chúng ta sẽ thắng. Tranh cãi chưa bao giờ là vui cả, đặc biệt là trong gia đình, mỗi cái lo đều xuất phát từ tình yêu thương. Vì vậy mà những điều đó không sai, nhưng mình cần xác định được trách nhiệm với bản thân mình càng ngày càng lớn. Con không đặt nặng việc mình phải lo được cho người khác như thế nào, mà là việc mình làm chủ được cuộc sống của chính mình, và lo lắng được cho chính mình một cách tốt nhất. Bởi vì khi con thấy mẹ không còn phải suy nghĩ nhiều về con nữa, mẹ đẹp hơn rất nhiều!
Quyết định đúng đắn nhất năm 2015 ấy chính là việc con đi học Đại học, sau đó con đã tích lũy được những va vấp trong cuộc sống. Con tích lũy được những điều mà ở một nơi xô bồ tấp nập đã rèn cho con trưởng thành hơn, cứng rắn hơn, bản lĩnh hơn rất nhiều.
Con cảm ơn cuộc đời này, vì đã cho con được là con của Mẹ!