“MẤY LỜI TÂM PHÚC RUỘT RÀ…”
“Dương chi tịnh thủy Biến sái tam thiên Tính KHÔNG bát đức lợi nhân thiên…” Chữ KHÔNG là một trong những chữ hay được nhắc tới trong...
“Dương chi tịnh thủy
Biến sái tam thiên
Tính KHÔNG bát đức lợi nhân thiên…”
Chữ KHÔNG là một trong những chữ hay được nhắc tới trong đời sống xã hội và tâm linh Việt, là một trong những biểu tượng gốc rễ của nhà Phật. Chữ KHÔNG trong “tứ cú mê” luôn là đề tài được bàn luận từ Thiền môn tới quán bia. Trong Anh văn, nghĩa của chữ KHÔNG là “emptiness” – sự trống rỗng. Thông tin này được nói đến ở nhiều nơi, một trong những nơi khiến tôi nhớ nhất là bản Tâm Kinh Bát Nhã được chỉnh sửa lại bởi Sư Ông Nhất Hạnh.
Khi chúng ta thật tâm mong muốn điều gì, cả vũ trụ sẽ hỗ trợ chúng ta thực hiện điều mình muốn. Có một đôi câu trong Cư Trần Lạc Đạo của Đức Trần Nhân Tông mà tôi rất nhớ :
“Nguyền mong thân cận minh sư, quả bồ đề một đêm mà chin
Phúc tình cờ gặp tri thức, hoa ưu đàm mấy kiếp đơm bông”.
Chẳng biết cái tâm của tôi có mong muốn gì thật không (hiểu mình vẫn là một điều trăn trở với kẻ hèn này) nhưng tôi thỉnh thoảng được gặp những bậc trí thức đúng nghĩa, học rộng hiểu sâu nhưng sự khiêm cung và tính cầu thị chẳng bao giờ mất trong suy nghĩ của họ. Đó có thể là một hai anh thầy giáo gàn (người đời gán thế chứ thực ra họ có một thế giới rất riêng tư và kín đáo), một cô giáo sống hòa hợp cùng thiên nhiên (tỉ dụ với suy nghĩ là đất mình – mình sống, đất chuột – chuột sống, không ai phạm vào thế giới của ai nên mọi thứ đều vui vẻ), đó là một nhà nghiên cứu có nhiều tính hư rất người, rất nhạy cảm về ngôn ngữ và đã trải qua bao lần chính biến…
Tôi biết đến nhà nghiên cứu từ lâu, qua những vần thơ ông sáng tác về 64 quẻ Dịch (dù đấy không phải điểm nổi bật nhất từ ông). Ông am tường về Đông Á học, mang cái nhìn đôn hậu và hài hước, được nhiều người biết đến bởi sự quảng bác của mình. Một nhà trí thức đúng nghĩa, dành cuộc đời nghiên cứu những đam mê cá nhân và chẳng màng học hàm, học vị. Có những người may mắn được đi từ KHÔNG đến SẮC. Ông chẳng may mắn (cũng như bao kẻ đồng tộc đương thời), phải đi từ SẮC về KHÔNG. Nhưng phải chăng vì vậy mà cái KHÔNG được ông kể tới luôn thật nhẹ nhàng và dễ hiểu. SẮC và KHÔNG như tôi nghĩ thường như lòng bàn tay với mu bàn tay. SẮC và KHÔNG từ ông như cái bát và phần không gian trong lòng bát. Vật chất giúp ta cầm, nắm nhưng thứ chúng ta cần sử dụng lại là khoảng trống rỗng/khoảng không trong lòng bát. Nếu không có khoảng không ấy, ta biết làm gì để chứa cơm, chứa thức ăn? Nếu lòng bát đặc thì ta biết làm gì và cái bát có còn là cái bát? Ta cần cả hai điều đó, cả SẮC và KHÔNG, chẳng bỏ đi, thiếu đi được thứ gì cả! Từ suy nghĩ ấy, ta chợt nhớ lạị đoạn cuối trong bài “Lương Chiêu Minh thái tử phân kinh thạch đài” của cậu Bảy Chiêu ngày nào :
“Ngã độc Kim Cương thiên biến linh,
Kì trung áo chỉ đa bất minh
Cập đáo phân kinh thạch đài hạ,
Chung tri vô tự thị chân kinh .”.
Tôi tạm xin dùng bản dịch là :
“Ta đọc Kim Cương hơn nghìn biến,
Áo chỉ trong kinh không tỏ nhiều.
Cho đến dưới đài đá chia kinh,
Mới hiểu không chữ mới là chân kinh”
Phải chăng chân kinh không phải chỉ là phần chữ, mà gồm cả khoảng trắng giữa các con chữ? Suy nghĩ này tương tự như một điều tôi hay được nghe từ những bạn bè tôi rằng âm nhạc phải chăng là khoảng lặng giữa các nốt nhạc?
Tôi kiến thức nông cạn, chỉ dám xin viết tới đây. Mấy câu viết linh tinh bên trên chỉ là suy nghĩ thiển cận cá nhân, chắc hẳn nhiều người đã biết nhưng kẻ hèn này nhân một lúc cao hứng, mạo muội viết ra, chẳng thể tránh khỏi sự chê cười của hào kiệt trong thiên hạ. Nếu có gì chưa phải, xin được mọi người lượng thứ và chỉ bảo.
P.s : Có một sự tình cờ vui vui rằng nhà nghiên cứu tôi được gặp cũng tên là Chiêu, là con thứ bảy trong gia đình có đông anh chị em.
Gác Sơn Thái
Tháng Giêng, năm Đinh Dậu
Trần Quốc Tuấn kính đề.

/chuyen-tro-tam-su
- Hot nhất
- Mới nhất