Một xã hội như thế nào mới thật sự là công bằng, bình đẳng? Thu nhập từng người khác xa nhau học vấn khác xa nhau ngay từ lúc sinh ra tôi và bạn cũng đã có hai bố mẹ khác nhau. Những gì cha mẹ tôi và bạn có thể cho con cái cũng khác nhau. Dẫn đến một loạt những hệ quả, khiến tôi và bạn đã không bình đẳng một chút nào rồi.

Quả thật bình đẳng tuyệt đối là thứ viễn tưởng như bắt con người tìm ra chữ số cuối cùng của số Pi vậy. Thế nên chúng ta không thể mong chờ vào một sự bình đẳng tuyệt đối, nhưng tôi nghĩ hoàn toàn chúng ta có thể tin tưởng vào sự tiến bộ xã hội mang đến những điều kiện bình đẳng hơn. Bình đẳng không nên hiểu theo nghĩa cực đoan là mọi người phải được phân chia tài sản đồng đều, mà nên có thấu tình đạt lý. Một sự bình đẳng hiển nhiên như vậy là bình đẳng trong giáo dục.

Mọi trẻ em sinh ra trong các gia đình ngẫu nhiên, không trẻ em nào có quyền chọn cha mẹ vậy nên các em cần được bình đẳng về học tập tức là mọi trẻ em đều phải có quyền tiếp cận một cách tự do nhất đến giáo dục. Có nghĩa là trẻ em không phải chịu bất cứ chi phí gì cho giáo dục. Ngoài việc đến trường với bộ quần áo có thể tự may hoặc đồng phục, với bộ sách vở có thể mua riêng hay thậm chí được cấp sẵn. Trẻ em không nên chịu bất cứ khoản đóng góp nào cho việc xây dựng nhà trường. Vậy những chi phí này lấy ở đâu ra? Chắc chắn chỉ có thể từ ngân sách của chính phủ cụ thể hơn là thuế. Nhưng như thế chắc chắn sẽ có những gia đình không thể nộp đủ mức thuế để chi cho con họ, vậy thì hẳn sẽ có sự bức xúc giữa người phải nộp thuế nhiều người thì nộp ít người thì quá khó khăn đến mức phải miễn thuế. Liệu có công bằng không khi tôi đang đề xuất một sự công bằng mà lại đem đến điều bất công khác? Sẽ là công bằng nếu chúng ta thay đổi suy nghĩ đi một chút, tại sao chúng ta không xem tri thức tương lai của đất nước như tài sản quốc gia? Nếu đã vậy thì mọi công dân đều phải có trách nhiệm giúp đỡ những tri thức tương lai ấy được giáo dục trong điều kiện tốt nhất, bất kể nguồn gốc hay xuất thân giàu nghèo, tùy theo khả năng của từng người. Sẽ thật vô lý khi chẳng ai phản đối chuyện vũ trang quốc phòng hay nói cách khác là bảo vệ tài sản quốc gia. Nhưng lại không xem việc cho trẻ em những điều kiện giáo dục tốt nhất một cách tự do nhất như là phát triển tài sản quốc gia vậy.

Thật ích kỷ cho ai cứ luôn so đo thiệt hơn lợi hại cá nhân, thực tế những gì họ mất đi chẳng khiến họ chết đói hay nghèo đi, chẳng qua là họ vẫn chỉ muốn đầu tư cho bản thân mình, cái lợi ngắn hạn trước mắt cho bản thân họ hơn là đầu tư cho tương lai của đất nước mà chính họ cũng được hưởng lợi trong tương lai tốt đẹp ấy. Hẳn sẽ có nhiều người lo ngại về sự quan liêu khi sẽ có nhiều người cố tình trục lợi, nhưng tôi nghĩ họ trục lợi thì sẽ có sự phán xét của luật pháp việc của chúng ta không phải lo xem có bao nhiêu kẻ xấu ngoài kia mà lo xem làm thế nào để giảm bớt những kẻ xấu đó, vậy thì không còn gì chắc chắn hơn là đầu tư cho giáo dục.