"Ly hôn là một bước đi tiến bộ, chứ không phải thụt lùi. Hạnh phúc của con người chỉ có được khi họ có sự tự do lựa chọn, và sự lựa chọn đó không bao giờ hết hạn. Hạnh phúc là không cố định, không ai có thể chắc chắn rằng cảm xúc và hạnh phúc trong hôn nhân sẽ mãi mãi không bao giờ thay đổi." - Lê Hoàng 
Lê Hoàng nói đúng mà, rất rất nhiều người chỉ vì cái gông cùm hôn nhân mà tự chúng ta đánh mất tự do và sự giải phóng của mình. Hôn nhân đáng lẽ chỉ là một thứ khế ước tạm thời, nay trở thành xiềng xích trói buộc. Đương nhiên rằng cần nỗ lực để tiếp tục vun đắp tình yêu sau khi cưới, nhưng chỉ qua trải nghiệm mới hiểu có nhiều thứ không thể cứ cố gắng là sẽ như mình muốn, sau khi cưới mình mới nhận ra sự khác biệt quá lớn của nhân cách người chồng/vợ so với khi yêu chẳng hạn, khiến tan hết sạch cảm xúc để nỗ lực vun đắp tình yêu. Nhiều người không dám ly hôn vì sợ định kiến, sợ mất mặt, sợ con cái khổ mà cố gắng chịu đựng để giả vờ hạnh phúc, đó là tự tay kết liễu hạnh phúc của chính mình. Trước mắt gọi là giữ được gia đình nhưng hậu quả lâu dài âm thầm nhất là tâm lý của chính mình và cả tâm lý của con cái bị ảnh hưởng rất nặng nề. Nếu tình yêu không dựa trên cảm xúc thực sự mà phải gắng gượng và giả tạo chỉ vì sợ hãi định kiến, nó thực sự có hại hơn mình tưởng rất nhiều. Hương Giang chưa trải nghiệm, không có được cái nhìn sâu và nhiều góc cạnh. Cách nhìn của HG đại diện tiêu biểu cho định kiến khắt khe và cứng nhắc về khái niệm hôn nhân, coi nó thiêng thiêng đến mức không được phép chạm vào hoặc phá bỏ. Hơn nữa, cách nói chuyện của HG với bậc tiền bối lớn tuổi hơn quá gay gắt, nếu không muốn nói là vô lễ.

Để hiểu hơn, ta có thể lấy Anna Karenina làm ví dụ. Anna là nhân vật trong cuốn tiểu thuyết được tôn vinh bậc nhất của Lev Tolstoy. Anna là một người phụ nữ đẹp, tinh tế và có đời sống tinh thần rất mực phong phú. Chồng của nàng là một người đàn ông có địa vị cao trong xã hội cả về danh tiếng lẫn tài chính, nhưng lại là một người chồng lạnh lẽo, thô thiển và sợ hãi trước việc đi sâu vào đời sống tâm hồn vợ mình. Hai người sống với nhau như hai người xa lạ dưới một mái nhà để duy trì một gia đình êm ấm theo chuẩn mực của xã hội. Nhưng sự khác biệt đó làm cho cuộc hôn nhân trở nên cứng ngắc, bí bách và gượng ép. Sự êm ấm giả tạo ấy sẽ bị phá vỡ khi xuất hiện người thứ ba đủ đồng điệu để cho người ta dám đánh đổi vì hạnh phúc của mình,  thay vì chấp nhận cam chịu một cuộc đời lạnh lẽo vô cảm. Trong khi đó, tất cả những gì người chồng quan tâm là thể diện, là danh dự của bản thân trước xã hội chứ không phải là cảm xúc của người vợ. Bi kịch của Anna là ở chỗ nàng quá dũng cảm khi dám phá bỏ cái định kiến xiềng xích của hôn nhân nhưng cái thói trì trệ của lối sống cũ, cái quay lưng khắc nghiệt của xã hội và sự mờ mịt của con đường phía trước đã đẩy Anna tới cái chết. Nàng đã lao đầu vào giữa đường ray xe lửa vì quá sức chịu đựng và bế tắc, và bởi vì xã hội coi trọng một cuộc hôn nhân giả tạo hơn một tình yêu chân thực.