Lý Thuyết Là Đủ, Giờ Là Hành Động
Có bao giờ bạn cảm thấy mình đang mắc kẹt trong vòng lặp của việc phát triển bản thân? Bạn đọc hết cuốn sách này đến cuốn sách khác,...
Có bao giờ bạn cảm thấy mình đang mắc kẹt trong vòng lặp của việc phát triển bản thân? Bạn đọc hết cuốn sách này đến cuốn sách khác, xem cả tá video truyền cảm hứng, ghi chú đầy một cuốn sổ về cách cải thiện cuộc sống. Nhưng rồi sao? Mọi thứ vẫn như cũ. Bạn vẫn trì hoãn, vẫn chẳng thay đổi được gì.
Mình đã từng và còn bị cuốn vào nó lâu nữa, cứ nghĩ rằng biết nhiều sẽ làm mình giỏi hơn. Nhưng sự thật nó phũ: biết mà không làm thì chẳng khác gì không biết. Cái bẫy lớn nhất của phát triển bản thân không phải là bạn không đủ kiến thức, mà là bạn cứ nghĩ nhiều quá, đọc nhiều quá, và… chẳng làm gì cả.
Đã đến lúc bạn phải thoát khỏi cái bẫy đó. Đây không phải là về việc bạn đọc bao nhiêu cuốn sách hay học bao nhiêu điều mới. Đây là về việc bạn hành động ngay bây giờ (tới đây bạn tắt được rồi :v) ?.
Để bắt đầu, mình muốn chia sẻ một câu nói nổi tiếng của
Lý Tiểu Long:
“Tôi không sợ người đã luyện tập 10,000 cú đá một lần, nhưng tôi sợ người đã luyện tập một cú đá 10,000 lần.”
Một bài học về sự chuyên môn hóa và tầm quan trọng của việc lặp đi lặp lại để đạt đến sự thành thạo. Lý Tiểu Long không chỉ muốn nói về việc luyện tập thể thao, mà còn nói đến sức mạnh của việc tập trung vào một kỹ năng duy nhất và làm nó thật sự hoàn hảo qua việc lặp đi lặp lại.
Khi một người chỉ học một kỹ năng duy nhất và thực hành nó hàng nghìn lần, họ sẽ làm chủ được nó một cách sâu sắc. Trong khi đó, một người học quá nhiều kỹ năng khác nhau mà không lặp lại đủ để trở nên thành thạo thì sẽ không thể đạt được sự xuất sắc trong bất kỳ lĩnh vực nào.
Lý Tiểu Long muốn nhấn mạnh rằng sự tập trung và kiên trì trong việc làm một điều duy nhất là con đường dẫn đến thành công.
Giờ mình muốn thay đổi câu đó về việc đọc sách.
"Tôi không sợ người đã đọc 10,000 cuốn sách một lần, nhưng tôi sợ người đã đọc một cuốn sách 10,000 lần."
Câu này áp dụng tương tự như câu nói về cú đá. Việc đọc 10,000 cuốn sách là một cách tích lũy kiến thức, nhưng nếu bạn chỉ đọc qua mà không thực sự "nội dung hóa" những gì đã học, thì bạn cũng chỉ biết "lướt qua" mà không thực sự làm chủ kiến thức.
Ngược lại, nếu bạn đọc một cuốn sách nhiều lần, hiểu sâu từng trang, áp dụng và luyện tập những gì bạn học được, bạn sẽ thực sự có được giá trị thực sự từ cuốn sách đó.
Việc đọc một cuốn sách 10,000 lần không có nghĩa là bạn đọc quá mức mà là bạn đang thực sự nghiền ngẫm, thực hành và học hỏi từ nó. Khi bạn lặp lại quá trình này, bạn sẽ không chỉ nhớ những kiến thức đó, mà bạn sẽ biến nó thành một phần của bản thân, có thể áp dụng vào cuộc sống và công việc.
Sự khác biệt giữa một người chỉ đọc qua sách và một người đọc sách để hiểu và hành động chính là khả năng biến lý thuyết thành hành động thực tế, và từ đó thay đổi cuộc sống của họ.
Hầu hết chúng ta đều có xu hướng tìm kiếm kiến thức mới liên tục, đọc sách, xem video, tìm kiếm công thức hoàn hảo để cải thiện bản thân. Nhưng vấn đề là, giống như Lý Tiểu Long nói:
Nếu bạn chỉ "luyện tập" một lần, chẳng hạn như đọc một cuốn sách rồi để đó, bạn sẽ không bao giờ trở thành chuyên gia trong chính cuộc sống của mình. Bạn phải áp dụng, lặp lại, và rèn luyện cái bạn đã học cho đến khi nó trở thành thói quen và một phần không thể thiếu trong cuộc sống.
Thay vì cứ chạy theo lý thuyết, hãy làm đi. Lý thuyết là tốt, nhưng nếu bạn không hành động, không thực hành, thì mọi thứ bạn biết sẽ chỉ là lý thuyết suông. Đã đến lúc bạn cần phải bước ra khỏi vòng lặp đọc đi đọc lại, suy nghĩ nhiều mà chẳng làm gì.
Tiếp theo mình muốn đi vào 3 lời khuyên phổ biến:
Just Do It (Làm đi, Ngại gì)
Don't Think So Much (Đừng nghĩ nhiều quá)
Think Before You Act (Nghĩ kỹ trước khi làm)
Bạn sẽ chọn lời khuyên nào cho bản thân?
Để cân bằng, bạn cần học cách áp dụng chúng một cách linh hoạt, tùy thuộc vào tình huống và mức độ rủi ro.
Khi đối mặt với những việc nhỏ, ít ảnh hưởng lâu dài, như học kỹ năng mới hay bắt đầu một dự án cá nhân, hãy ưu tiên "Just Do It" và "Don't Think So Much" để vượt qua nỗi sợ hãi và sự trì hoãn.
Nhưng đối với các quyết định quan trọng, như chọn nghề nghiệp, đầu tư lớn, hoặc thay đổi mối quan hệ, thì "Nghĩ kỹ trước khi làm" là cần thiết để đảm bảo bạn có sự chuẩn bị đầy đủ.
Giải pháp hữu ích là áp dụng nguyên tắc 80/20: dành 20% thời gian để suy nghĩ và chuẩn bị, sau đó dùng 80% để hành động và học hỏi qua trải nghiệm thực tế. Bắt đầu bằng những bước nhỏ, dễ kiểm soát để thử nghiệm và điều chỉnh nếu cần, thay vì chờ mọi thứ hoàn hảo.
Bên cạnh đó, hãy rèn luyện khả năng đánh giá rủi ro: liệu sai lầm có thể sửa được không? Nếu có, hãy dũng cảm hành động; nếu không, hãy suy nghĩ cẩn thận hơn trước khi tiến bước.
Cuối cùng, hãy nhớ rằng hành động và suy nghĩ không loại trừ nhau, chúng là đồng minh giúp bạn phát triển và đạt được mục tiêu trong cuộc sống.
Đừng tìm kiếm sự Hoàn Hảo - Làm mọi thứ Đơn Giản nhất
Trong hành trình phát triển bản thân, chúng ta thường bị cuốn vào vòng xoáy của sự hoàn hảo. Ta có thể cảm thấy mình cần phải học thêm một cuốn sách nữa, tìm ra phương pháp tối ưu hơn, hay rèn luyện kỹ năng đến mức hoàn hảo.
Nhưng thực tế, việc theo đuổi sự hoàn hảo không chỉ khiến chúng ta mệt mỏi mà còn dễ rơi vào cái bẫy của việc trì hoãn – chúng ta cứ mãi tìm kiếm điều lý tưởng mà không thực sự hành động.
Hãy nhìn vào những người chuyên nghiệp, họ không phải là những người luôn cố gắng làm mọi thứ hoàn hảo, mà là những người biết cách đơn giản hóa mọi thứ.
Ví dụ, một vận động viên thể thao giỏi không phải là người tập luyện hàng trăm bài tập phức tạp mỗi ngày mà là người tập trung vào những động tác cơ bản, làm đi làm lại một cách chính xác và nhất quán.
Sự khác biệt giữa người thành công và người chỉ loay hoay với lý thuyết chính là hành động. Họ không cần biết hết mọi thứ, họ chỉ cần biết những gì quan trọng và làm đi làm lại một cách đơn giản, kiên trì.
Việc tìm kiếm sự hoàn hảo chỉ khiến bạn loay hoay với những chi tiết nhỏ nhặt mà bỏ qua những bước lớn cần thực hiện. Chính vì vậy, lý thuyết là đủ rồi, giờ là lúc hành động. Đừng đợi mọi thứ hoàn hảo để bắt tay vào thực hiện, vì sự đơn giản và nhất quán chính là yếu tố giúp bạn tiến bộ bền vững trong mọi lĩnh vực.
KẾT
Cuối cùng, để thật sự thay đổi và phát triển, chúng ta không cần phải tìm kiếm sự hoàn hảo trong từng chi tiết hay chìm đắm trong những lý thuyết suông. Thành công không đến từ việc biết tất cả mà là từ việc làm đi làm lại những điều đơn giản nhưng hiệu quả.
Đừng để mình mắc kẹt trong vòng xoáy của sách vở, video hay những kế hoạch không bao giờ được thực hiện. Đã đến lúc bạn phải hành động. Bắt đầu từ những bước nhỏ, lặp đi lặp lại mỗi ngày, và rồi bạn sẽ thấy sự thay đổi.
Hãy nhớ, không có gì tuyệt vời hơn là cảm giác của một người đã thực sự hành động, đã thực sự thay đổi. Hãy bắt tay vào làm, vì chỉ có hành động mới mang lại kết quả.
Hãy hành động, lặp đi lặp lại, và đừng sợ thất bại. Mọi sự tiến bộ đều đến từ những bước đi nhỏ và kiên định.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất