Mình từng là một người lụy tình, nên mình rất hiểu rõ cảm giác dẫn  đến việc lụy tình là như thế nào? Thậm chí việc vượt qua nó và để không  lụy tình cho sau này là cả một sự cố gắng. Bởi vì, lụy tình với mình là  một kiểu tổn thương tâm lý trước đó mà bản thân người ta không nhận ra  và dùng “tình yêu” để làm lý do cho hành vi của bản thân.
pexels-photo-191070
Ảnh của Netaly Reshef
Mình nghĩ ai trong đời cũng sẽ lụy tình ít nhất một lần? Yêu mà lụy  thì vẫn là yêu thôi, chỉ là yêu sai cách. Bản chất con người lại cố  chấp, nên người ta càng không nghĩ mình sai, họ chỉ biết yêu thì thể  hiện mà thôi. Mất mát và tổn thương với họ chưa đủ lớn nên họ còn “can  đảm để lụy”, chưa kể lụy dài lâu sẽ dẫn đến trạng thái tâm lý “thích đau  thương”. Cái câu “Tôi xứng đáng được hạnh phúc hơn!” hầu như chưa bao  giờ xuất hiện trong đầu họ mà toàn là câu “Phải được ở bên anh ấy / cô  ấy mới là hạnh phúc của đời tôi”.
Khi lụy một ai đó sẽ dẫn đến chuyện thích kiểm soát người ta, vì sợ  mất. Thành thử dù vô tình đi chăng nữa, họ sẽ đem đến cảm giác bứt bí  khó chịu cho người mình yêu. Dẫn đến xung đột thường xuyên xảy ra. Nhưng  dù xung đột cao trào tới mức độ nào, đối phương muốn chia tay ra sao  thì họ vẫn sẽ tìm mọi cách để trói buộc đối phương không bằng cách này  cũng là cách khác. Ai cũng hiểu, họ đang tự làm khổ mình chỉ bản thân họ  nghĩ “dù làm gì mình cũng đang đấu tranh và bảo vệ tình yêu của mình”.
Lụy tình xuất phát từ sự ích kỷ, thích chiếm hữu trong tình yêu. Theo  mình, không ai sinh ra trên đời này mà không tồn tại sự ích kỷ. Vấn đề  là khi càng trưởng thành, người ta biết cách kiềm hãm sự ích kỷ đó và  biết sống vì người khác hơi một chút. Nên mình thấy lụy tình thường rơi  vào những tình yêu thời tuổi trẻ là vậy. Chứ thực ra mọi lứa tuổi khi  yêu đều có thể lụy tình cả thôi, cùng lắm thì đối tượng họ lụy mới là  người không được may mắn trong trường hợp này.
Ở trên, mình nói về việc là lụy tình xuất phát từ chuyện tổn thương  tâm lý trước đó. Nhất là nằm trong những người thiếu thốn tình cảm của  cha từ bé như mình. Bởi chính sự vô tâm từ người cha sẽ dẫn đến cảm giác  đứa con gái khi lớn lên thường có xu hướng chạy theo những người vô tâm  giống cha mình, họ muốn chứng minh là họ xứng đáng được yêu thương.  Nghe hơi mâu thuẫn đúng hông? Đòi hỏi tình yêu từ những người vô tâm  đúng là bất khả thi rồi, nó giống như một cuộc chiến cần phải chinh phục  đó. Nếu người vô tâm đó còn tạo được cho họ cảm giác hơn những người họ  đã từng gặp thì chuyện lụy và chiếm hữu càng cao hơn. Chưa kể, mình còn  là con một nên tính sở hữu và độc tôn của mình rất cao nữa.
Mình đã có những ngày tháng dài chìm đắm trong mối quan hệ kiểu như  vậy, nên chuyện có thể dứt bỏ và sống độc lập cảm xúc như bây giờ thì  mình mất thời gian rất dài, cũng hơn 3-4 năm, chưa kể là còn phải học  thêm cách để đồng cảm với người khác, đặt mình và vị trí của họ để giảm  bớt đi sự ích kỷ, độc đoán của bản thân. Chẳng có thứ gì trên đời này  muốn làm được mà không cần sự cố gắng. Bởi sau này, câu mình đặt ra  nhiều nhất trong mọi trường hợp là “Mình xứng đáng được hạnh phúc và  hạnh phúc hơn nữa” nên nếu một người đã vô tâm không cần mình thì chả  việc gì mình phải lãng phí thời gian cho họ.
Nhưng để ý thức điều đó, mình cũng phải trải qua mọi cảm xúc ở trên.  Không té, không vấp ngã thì làm sao biết bản thân sai và sửa ở chỗ nào.  Nhưng đừng té hay vấp cùng một vấn đề là được. Nên gặp ai lụy tình, mình  lại thấy được hình ảnh của mình ngày xưa, mình thật sự đồng cảm và hiểu  sao họ như vậy. Đó là cảm giác như một con thiêu thân cứ lao vào ánh  sáng để rồi tàn lụi. Họ sẽ bước ra đó khi họ cảm thấy tổn thương quá  lớn, bản thân quá mệt mỏi và cần có một cuộc sống tốt hơn. Để “ngộ” cái  này thì tùy vào mỗi người, không phải mình có kinh nghiệm mình đưa ra  lời khuyên thì người ta sẽ nghe. Thực tế là ai cũng muốn sống theo cách  của mình thôi mà.
“Ai cũng xứng đáng được yêu thương!”, câu này cổ điển quá rồi nhưng  có bao ta tự hỏi ngược lại “Mình đã yêu thương người khác đúng cách  chưa?”. Cuối cùng thì đi học cho lắm, bằng cấp cho nhiều thì chưa chắc  đã biết thế nào là yêu thương thật sự. Kiến thức có thể giúp ta trở nên  thông thái hơn, nhìn vấn đề đa chiều thú vị hơn, biết nhiều cái hay hơn  nhưng điều khiến bản thân trở nên “người” hơn lại nằm ở “cái tâm”. Sống  và để thỏa mãn phần “con” thì dễ chứ để trở thành “người” mới khó.
Lời khuyên mình dành cho những ai lụy tình: Mình rất hiểu  cảm giác bạn đang trải qua lúc này, thậm chí bạn sẽ có rất nhiều đêm  muốn thoát khỏi mối quan hệ nhưng chẳng hiểu sao cứ mỗi ngày mở mắt ra  bạn cứ lại như vậy thôi. Tình yêu bạn dành cho người đó quá nhiều, nhiều  đến nỗi người đó cảm thấy cũng ngạt thở trong mối quan hệ với bạn, thậm  chí là không cần phải cố gắng để yêu thương bạn hơn. Mình nghĩ bạn hiểu  rõ điều này nhất, đúng không? Mình không khuyên bạn kết thúc từ bỏ đâu,  đơn thuần là bạn hãy dừng lại khi bạn muốn. Vì khi người đó hết yêu  bạn, bạn càng lụy họ càng tàn nhẫn và bạn tổn thương càng lớn. Bạn sẽ  buông khi còn đủ sức nữa. Sớm hay muộn giải thoát cho nhau còn tùy thuộc  vào mối quan hệ của bạn nữa. Mong là lời khuyên này sẽ khiến có suy  nghĩ một chút về mối quan hệ hiện tại và giúp ích cho bạn hơn.
Sau này, mình còn rút ra thêm một điều rất hay nha! Bản thân người  nào càng ít lụy tình hoặc không lụy tình người khác thì họ những người  rất biết cách yêu thương bản thân. Mà đâu phải ai trên đời sinh ra cũng  biết cách yêu thương bản thân đâu, đôi khi là do hoàn cảnh, giáo dục, xã  hội, di truyền và hàng hà sa số thứ để hình thành nên tính cách của một  con người. Nên lụy là chuyện bình thường khi yêu. Chỉ là biết yêu bản  thân hơn thì sẽ càng không muốn lụy hơn. Bởi lúc đó, bạn nhận ra là  “Tình yêu vốn dĩ là sòng phẳng về mọi mặt, chỉ cần một cán cân bị lệch  thôi cũng khiến tình yêu đó lao đao rồi”.
Sài Gòn, ngày 02 tháng 3 năm 2018.
Trần Hoàng Ngọc Bích.