Phần 1:
Phần 1 đã điểm lại lịch sử phát triển nghệ thuật từ thời tiền sử tới hết thời Trung Cổ. Phần 2 sẽ đi tiếp từ giai đoạn phục hưng, đầu thế kỷ 15, tới hết thế kỷ 18, khi mà trường phái Tân Cổ Điển lan rộng.
Thời Phục Hưng (thế kỷ 15 - hết thế kỷ 16)
Từ "Phục Hưng", tiếng Anh là "Renaissance", có nghĩa là tái sinh. Trong bối cảnh nghệ thuật, Phục Hưng được dùng để chỉ sự tái phát hiện và tái áp dụng các giá trị nghệ thuật Hy Lạp - La Mã cổ đại và đi theo lý tưởng tự nhiên của họ. Thời kỳ Phục Hưng được chia ra làm 3 giai đoạn: sơ Phục Hưng (Early Renaissance), thịnh Phục Hưng (High Renaissance), và giai đoạn trường phái Kiểu Cách (Mannerism). Mặc dù ba giai đoạn này phần lớn xảy ra trong nước Ý, những tiến bộ nghệ thuật nằm ngoài nước Ý trong thời kỳ này vẫn được tách riêng ra và gọi là giai đoạn bắc Phục Hưng (North Renaissance).
Thời kỳ sơ Phục Hưng bắt đầu với sự nổi lên của một thế hệ nghệ sĩ trẻ phá cách sống tại Florence. Họ chủ trương đem trở lại những giá trị nghệ thuật từ thời Hy Lạp và La Mã, cả về hội hoạ, điêu khắc và kiến trúc, nhằm bứt phá khỏi lối kiến trúc Gothic, lối vẽ tranh và tạc tượng tập trung quá nhiều vào tính mộ đạo mà quên đi cái đẹp tự nhiên. Ngoài ra, do Phục Hưng là thời kỳ khoa học và sự lý tính phát triển mạnh mẽ, các nghệ sĩ áp dụng cả những kiến thức toán học, giải phẫu học, và rất nhiều ngành khác, vào nghệ thuật.
Masaccio đã đi tiên phong trong việc áp dụng phối cảnh vào hội hoạ. Một cách thật tự nhiên, những vật càng ở xa thì càng bé đi. Masaccio đã áp dụng toán học để rút ra những kinh nghiệm về điểm tụ, các trục hội tụ và đường chân trời, nhằm giúp người xem có cảm giác sự 3 chiều của tranh. Ông còn phát triển cách diễn tả sự sáng tối trong tranh, giúp các tác phẩm của ông thật hơn rất nhiều.
Donatello gần như đã đoạn tuyệt với phong cách Gothic. Ông chú trọng vào việc thổi hồn cho những quan sát thực tế thành những tác phẩm điêu khắc của mình. Sau hàng trăm năm, một lần nữa công chúng được thấy những bức tượng mang phong cách Hy Lạp - La Mã cổ đại hồi sinh từ đống tro tàn. Bức tượng thánh George và bức phù điêu Bữa tiệc vua Herod là những tác phẩm để đời của ông.
Brunelleschi, một kiến trúc sư nổi tiếng, cũng đã dần rời xa kiến trúc Gothic vô cùng thịnh hành thời bấy giờ. Có người nói rằng ông đã đi tham quan những phế tích La Mã cổ đại ở Rome, tận tay đo lường tỉ lệ các thành phần công trình rồi phác thảo hình dáng và trang trí của chúng. Với những công trình như mái vòm Nhà thờ Florence và Nhà nguyện Pazzi, ông đã đưa âm hưởng của những đền đài La Mã cổ đến xáo động thế giới đa phần là Gothic lúc bấy giờ.
Về phần Botticelli, ông không đi theo những hoạ sĩ vẽ tranh cho nhà thờ thời đó. Ông chọn việc vẽ tranh thần thoại Hy-La cổ đại, và gửi gắm trong đó những ý nghĩa sâu xa, hay những quan điểm chính trị, những thông điệp giáo dục. Phong cách của ông còn được lịch sử gọi là tranh phúng dụ.
Thời kỳ Thịnh Phục Hưng được đánh dấu với những nghệ sĩ và tác phẩm nằm trong danh sách vĩ đại nhất mọi thời kỳ. Sự hồi sinh văn hoá Hy-La cổ điển, đi cùng với sự hiểu biết sâu sắc trong nhiều lĩnh vực như khoa học, toán học, kỹ thuật, giải phẫu, địa chất đã làm nên tính cách mạng của nghệ thuật giai đoạn này. Nghệ thuật thời này hướng tới vẻ đẹp hoàn mỹ của con người và bám sát sự hài hoà trong tự nhiên.
Leonardo da Vinci, một học giả đa ngành lỗi lạc, đã sử dụng kiến thức phong phú của mình về khoa học và giải phẫu để nâng tầm các tác phẩm nghệ thuật, và ngược lại, ông dùng tài hội hoạ để ghi chép, phác thảo và khám phá những ý tưởng mới. Những bức tranh của ông mang nhiều chủ đề, từ chân dung, kinh thánh, đến phác thảo những công việc dang dở của mình.
Raphael hướng đến sự hoàn hảo và lý tưởng trong các tác phẩm của mình. Ông quan niệm rằng người hoạ sĩ cần bù đắp những khiếm khuyết của tự nhiên thông qua nghệ thuật của chính mình, và phong cách hội hoạ của ông còn được gọi là phong thái Cao Nhã. Các khiếm khuyết của nhân vật trong tranh của Raphael đều được lý tưởng hóa nhằm nâng tầm vẻ đẹp của cả hình thể lẫn phẩm cách.
Michelangelo đã đưa điêu khắc trở về với đỉnh cao thời Hy-La. Các tác phẩm tượng của ông thể hiện kiến thức uyên thâm về giải phẫu và hình thể. Không chỉ vậy, ông cũng vô cùng điêu luyện trong việc thể hiện cảm xúc các nhân vật trong tác phẩm điêu khắc của mình. Ngoài điêu khắc ra, danh tiếng của ông còn ghi dấu ở cả hội hoạ khi ông hoàn thành bức bích họa trên trần nhà thờ Sistine.
Sau giai đoạn đỉnh cao của nghệ thuật tả thực trong thời Thịnh Phục Hưng, các nghệ sĩ đã bắt đầu trở nên sáng tạo và phá cách hơn. Họ dần rời bỏ lối tư duy hài hoà, thực tế và cân đối, để rồi hướng đến phong cách mang tính cường điệu và cầu kỳ hơn. Đây được gọi là trường phái Kiểu Cách (Mannerism).
Các nghệ sĩ theo đuổi trường phái này cho ra đời những tác phẩm táo bạo, thách thức những giá trị cổ điển. Các tác phẩm Kiểu Cách thường có bối cảnh phi tự nhiên, nhằm mang lại trải nghiệm nghiêng về triết học và giáo lý sâu xa. Những nhân vật trong tranh thường có dáng người khá bất cân đối, như là tay chân dài, tạo dáng mềm mại quá mức. Ngoài ra, nghệ thuật vẽ chân dung cũng bắt đầu phát triển. Một vài nghệ sĩ Kiểu Cách nổi tiếng có thể kể đến là Titian và Parmigianino.
Bên ngoài nước Ý, phong trào Phục Hưng cũng diễn ra mạnh mẽ, dưới cái tên Bắc Phục Hưng. Vào giai đoạn này, các nghệ sĩ đã có nhiều cải tiến và sáng tạo trong nghệ thuật. Dưới đây là vài ví dụ điển hình:
Jan van Eyck đã sáng tạo ra kỹ thuật vẽ tranh sơn dầu, tạo tiền đề cho việc sử dụng kỹ thuật này trong hội hoạ nhiều năm về sau. Albrecht Durer phát triển kỹ nghệ in ấn tranh, giúp các tác phẩm nghệ thuật trở nên rẻ hơn rất nhiều. Vì vậy mà việc sản xuất tranh in với số lượng lớn đã giúp nghệ thuật đến gần hơn với công chúng. Hieronymus Bosch nổi lên với nghệ thuật tranh huyễn tưởng, nhằm truyền tải những ý đồ thần bí và luân lý trong các tác phẩm của mình.
Pieter Bruegel Cha đã đi tiên phong cho thể loại tranh phong cảnh đời thường. Các tác phẩm của ông không hướng tới sự thần thoại, hoàn mỹ hay cao siêu, mà chủ yếu nhìn vào cuộc sống đời thường của những người dân lao động và phong cảnh nông thôn yên bình nhưng đầy sức sống.
Thời kỳ Baroque (khoảng 1580 - 1725)
Thời kỳ Kiểu Cách qua đi, thời kỳ Baroque tiến đến. Nghệ thuật Baroque hướng lại sự tập trung vào tôn giáo, khi mà giáo hội La Mã đang chịu nhiều sự phản kháng từ phong trào kháng cách Tin Lành, và giáo hội La Mã cần khẳng định lại vị thế của họ. Nghệ thuật thời kỳ này khám phá những kỹ thuật như tương phản sáng tối, cường điệu hoá và mãnh liệt hoá cảm xúc. Ngoài ra, nhiều chủ đề khác như tranh phong cảnh, chân dung, lịch sử cũng phát triển mạnh mẽ.
Peter Paul Rubens khai thác mạnh mẽ chủ đề tôn giáo, chủ trương khơi gợi cảm xúc của tín đồ thông qua những chuyển động mạnh mẽ trong các tác phẩm của mình. Tranh của ông như là lát cắt từ những vở kịch tôn giáo.
Diego Velazquez đã đi đầu trong dòng tranh về hiện thực lịch sử. Ông không làm về những sự kiện lịch sử xa xưa hay mang tính truyền thuyết, mà ông tập trung vào những sự kiện lịch sử đương đại, cố gắng tiếp cận với con mắt hiện thực. Các nhân vật lịch sử được phác hoạ với lối ăn mặc bình thường và cách cư xử tự nhiên, khác hẳn với sự hào nhoáng và cường điệu phổ biến thời đó.
Về khoản tranh chân dung, Rembrandt van Rijn đã vượt trội hơn tất cả những người khác về mức độ đa dạng và quan sát tỉ mỉ. Các tranh chân dung của ông vô cùng phong phú về biểu cảm, thể hiện được cả sự khoa trương và sự giản dị, và có thể ông đã gửi gắm cả nội tâm trong đó. Không ai biết được lý do tạo sao Rembrandt vẽ nhiều chân dung đến thế, và cũng chẳng ai biết gì về hoàn cảnh ra đời của những tác phẩm của ông.
Claude Lorrain nổi tiếng nhờ phong cách vẽ tranh phong cảnh. Trong các tác phẩm của ông, thiên nhiên được khắc hoạ yên bình, trong sáng và hài hoà, gợi đến sự bình dị của vùng thôn quê hay sự kỳ vĩ của thiên nhiên.
Trường phái Rococo (khoảng 1700 - 1780)
Sau thời kỳ Baroque, trường phái Rococo ra đời. Trái với sự trang nghiêm và quy cách của Baroque, nghệ thuật Rococo đầy sự vui tươi và phóng túng, và nhiều khi cũng khá nông cạn. Các tác phẩm Rococo tập trung diễn tả sự xa hoa và giàu có, thông qua những chủ đề như thói quen sinh hoạt, vui chơi hội hè của tầng lớp quý tộc. Hội hoạ Rococo dùng màu sắc nhẹ nhàng sáng sủa đi kèm với chủ đề vui tươi đậm chất chủ nghĩa khoái lạc, đan xen vào đời sống con người là vài nét mang tính thần thoại.
Jean-Antoine Watteau đã cho ra đời những bức tranh vui tươi về thế giới của những người quý tộc. Họ mặc trên mình trang phục tao nhã và xa xỉ, vui đùa với nhau trong những bối cảnh thiên nhiên đẹp nhẹ nhàng.
Thomas Gainsborough cũng có cách tiếp cận tương tự. Tranh của ông thường là phong cảnh đồng quê và chân dung quý tộc, toát lên một cuộc sống thôn quê lý tưởng của những đại gia thời đó. Có vẻ như thời này giới quý tộc cũng muốn về quê nuôi cá trồng rau.
Tiepolo thì miêu tả cuộc sống dưới lăng kính thần thoại. Tranh của ông là những phiên bản mộng mơ của những gia đình giàu có hay những bậc quân vương, mà ở trong đó trông họ chẳng khác gì những vị thần đang tận hưởng lạc thú trần gian.
Trường phái Tân Cổ Điển (khoảng 1750 - 1850)
Sau giai đoạn Rococo đầy sự cường điệu, xa hoa, công chúng và giới nghệ sĩ lại hướng niềm yêu thích của họ về với thế giới cổ điển. Với việc khai quật được thành phố Pompeii và Herculaneum, những bức tranh tường và đồ tạo tác đã tạo cảm hứng cho các nghệ sĩ quay về thời kỳ Hy-La. Quay về với cổ điển còn có nghĩa là quay về với những giá trị duy lý, khoa học, và nghiêm túc. Trường phái Tân Cổ Điển (Neoclassicism) đề cao sự giản dị, thuần khiết và thực tế của con người, đi cùng với tinh thần đạo đức cao cả.
Antonio Canova hướng đến những chủ đề thần thoại, tôn vinh sự hoàn hảo trong tỉ lệ cơ thể người, diễn tả nét trang trọng và điềm đạm trong biểu cảm của nhân vật trong tác phẩm. Những tác phẩm điêu khắc của ông đã mang lại tinh thần Phục Hưng, hay xa hơn nữa là tinh thần cổ điển Hy-La.
Jacques-Louis David lấy cảm hứng từ những sự kiện chính trị diễn ra trong thời của ông. Ông đã từng ủng hộ cả phe quân chủ của Napoleon lẫn phe cộng hòa của cách mạng Pháp. Những tác phẩm của ông mang đậm màu sắc lý tưởng chính trị. So với những bức tranh Rococo, tranh của ông tối giản và khắc khổ hơn khá nhiều.
Thế kỷ 18 khép lại, đánh dấu giai đoạn của sự phục sinh văn hoá Hy-La cổ điển, cùng với sự ra đời của nhiều trường phái khác. Qua thời gian, nghệ thuật dần trở nên thế tục hơn, và các nghệ sĩ càng ngày càng khai thác những chủ đề mới mẻ và đa dạng hơn. Đây là bước tăng tốc cần thiết để nền nghệ thuật thế giới tiến tới sự bùng nổ trong giai đoạn sau này.
Muốn biết được nghệ thuật đã phát triển rực rỡ thế nào từ thế kỷ 19 tới nay, hãy đón đọc phần 3.
References:
1. Khái lược những tư tưởng lớn - Nghệ thuật
2. Câu chuyện nghệ thuật
Science2vn
/science2vn
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất