Transcript + Audio gốc episode "Guys, We Have A Problem: How American Masculinity Creates Lonely Men" từ show Hidden Brain của NPR:

---
-=[Disclaimer]=-
Với [Re-post Cat], mình đơn giản chỉ dịch lại những podcast mà mình thấy hay ho và muốn chia sẽ với mọi người. Vì lấy nội dung từ format một chương trình phát thanh với thời lượng 30-45 phút nên có thể các bạn sẽ thấy bài hơi dài dòng. Thật ra mình cũng đã tóm tắt lại, nhưng mình thấy những câu chuyện ở đây rất hay, những câu thoại rất ý nghĩa, nên cuối cùng vẫn giữ lại gần như trọn vẹn nội dung bản gốc.

Về cách dịch. Một là chuyện năng lực; sai sót là điều khó tránh, cái này mong các bạn thông cảm và có lòng thì góp ý giúp nhóe. Hai là văn phong, có lẽ không được đứng đắn, chính chuyên cho lắm; nhưng mà mình thích, hê.

Một điều cuối cùng; bài viết không thể hiện quan điểm người ịch, và có thể cũng không phản ánh chính xác thực tế do sự khác biệt văn hóa xã hội. Duy chỉ có mong muốn "Ideas worth spreading" của mình là chắc chắn đúng thôi, mi-ào.
---
Với những cậu nhóc, việc có một thằng bạn chí cốt gần như là điều hiển nhiên. Cùng làm bài tập, cùng đánh điện tử, cho nhau vài lời khuyên, chỉ bấy nhiêu cũng đủ để gọi nhau là bạn thân. Rồi khi các ông nhỏi vào trung học, chúng vẫn thường tin rằng miễn là không đứa nào chuyển trường, chúng sẽ mãi là hảo huynh đệ. Nhưng chỉ vài năm sau; khi trở thành những cậu zai mới nhú, thứ tình bạn như thế có lẽ chỉ còn là những ký ức xa xăm.

Cái thời điểm mà bọn con trai trở thành đờn ông, chúng sẽ dần chẳng còn người bạn nào bên cạnh, dù thân thiết hay không. Sau tất cả, gã trai chỉ còn lại một mình, đơn độc. Và rồi họ nhận ra mình bị mắc kẹt trong một mớ những quy tắc ngầm của xã hội. Này, nếu đằng ấy là đờn ông, đằng ấy phải mạnh mẽ lên, độc lập lên. Còn nếu đằng ấy thích những mối liên kết sâu sắc, đặc biệt là với những gã trai khác, thì có lẽ đằng ấy gay mất rồi.
Có đúng như thế không? Trong chương trình hôm nay, hãy cùng HIDDEN BRAIN xem xét kỹ hơn những quan niệm sai lầm về sự nam tính trong xã hội Mỹ; những hệ quả của các mối quan hệ căng thẳng; các vấn đề về sức khỏe thể chất và sự lây lan ngày một tăng của dịch bệnh cô đơn.
---
Để hiểu rõ hơn về vấn đề, hãy quay lại những năm cuối thập niên 30. Ông trùm ngành bán lẻ W.T. Grant từng đặt ra câu hỏi: Liệu có thể dự đoán ai sẽ trở thành một người quản lý cửa hàng giỏi không? Để tìm câu trả lời, Grant đã hợp tác với tiến sĩ Arlie Bock tại Havard và chi 60.000 đô-la để tiến hành một nghiên cứu. Cùng với các đồng nghiệp, tiến sĩ Bock chọn ra và theo dõi sát sao một nhóm các sinh viên Havard, chủ yếu thuộc niên khóa 1942, 43 và 44. Tất cả các tình nguyện viên đều là nam (thời điểm đó Havard không nhận sinh viên nữ), da trắng. Một vài trong số đó về sau đã có sự nghiệp vượt xa công việc quản lý cửa hàng. Có thể kể đến Ben Bradlee, một biên tập viên có số má của tờ The Washington Post; hay tổng thống John F. Kennedy. Số khác có cuộc sống khó khăn và phải vật lộn với bệnh tâm thần hoặc chứng nghiện rượu.
Hằng đống số liệu phức tạp được thu thập cho nghiên cứu này. Người ta đo đạc từ kích cỡ nốt ruồi cho đến loại acid lactic mà các tình nguyên viên giải phóng sau năm phút trên máy chạy bộ. Họ được yêu cầu thực hiện bài trắc nghiệm Vết mực Rorschach, chữ ký của họ được phân tích, và đến kích thước hộp sọ cũng được đo đạc tỉ mỉ. Thời đó các nhà nghiên cứu cho rằng kích thước và hình dạng phần đầu có thể cho biết rất nhiều về tính cách và năng lực của một người. Nhưng, các số liệu chẳng giúp ích là bao. 
Có điều gì đó không ổn. Mới đầu, nghiên cứu này được ước tính sẽ chỉ diễn ra trong khoảng độ mười năm. Nhưng đến nay, nó đã kéo dài hơn tám thập kỷ! Lý do là bởi, mục đích của nghiên cứu này hết sức mơ hồ. Đại khái thì chúng ta có một câu hỏi, ai sẽ là một con người tiềm năng? Nhưng những nghiên cứu nói chung lại được thiết kế để kiểm chứng chỉ một hoặc hai câu hỏi CỤ THỂ hơn thế. Đó là điều mà nghiên cứu này thiếu ngay từ đầu, hơn nữa mục đích của nó lại còn liên tục bị thay đổi theo thời gian. Nghiên cứu này có tên gọi là Nghiên cứu của Havard về sự Phát triển ở Người trưởng thành (Harvard Study of Adult Development), hiện được điều hành bởi Robert Waldinger.
---
Trong số các yếu tố của nghiên cứu này, đời sống cảm xúc và đời sống xã hội của các tình nguyện viên cũng là một vấn đề được xem xét; nhưng mãi đến những năm 80 nó mới thực sự trở thành trọng tâm mà nghiên cứu hướng đến. Có một câu hỏi đơn giản được đặt ra cho tất cả các tình nguyện viên:
Bạn sẽ gọi cho ai nếu bất chợt đổ bệnh hoặc cảm thấy lo âu sợ hãi vào lúc nửa đêm?
Hóa ra, những người đàn ông có ai đó để nhờ cậy lại hạnh phúc hơn trong cuộc sống và hôn nhân. Ngoài ra, câu trả lời của họ còn có mối liên hệ với sức khỏe thể chất của họ nữa.
ROBERT WALDINGER: Liên hệ chặt chẽ là đằng khác. Điều đáng ngạc nhiên này bắt đầu xuất hiện trong dữ liệu của chúng tôi vào những năm 80. Chúng tôi nhận thấy những người có mối quan hệ thân thiết, gần gũi hơn sẽ sống lâu hơn; đến tuổi trung niên mới xuất hiện các bệnh lý, các bệnh này lại thuyên giảm nhanh hơn; và tính trung bình thì tình trạng sức khỏe tốt của họ kéo dài hơn so với những người không có mối quan hệ nồng ấm, gần gũi.
Những kết nối xã hội dường như là nhân tố quan trọng để hạnh phúc, dù mối liên hệ giữa các kết nối này với sức khỏe thể chất không có sự biểu hiện rõ rệt. Nó không giống như việc ăn uống đúng cách và tập thể dục để khỏe mạnh.
ROBERT WALDINGER: Tuy nhiên, bạn có thể nhận ra nó qua các tương tác thường nhật. Hãy nghĩ về cảm giác được tiếp thêm sinh lực khi bạn đến chỗ làm và nhìn thấy những người bạn thích. Hãy nghĩ đến việc nói chuyện với bạn bè hoặc người thân trong gia đình về một chuyện buồn và bạn có thể cảm thấy cơ thể mình dịu lại, theo đúng nghĩa đen. Và vì vậy, tôi nghĩ rằng nếu chúng ta thực sự chú ý, bạn có thể nhận thấy cách mà các mối quan hệ có thể giúp bạn được “sạc pin” theo hướng tích cực và xoa dịu bạn khi căng thẳng.
Nghiên cứu còn chỉ ra rằng những mối quan hệ tồi tệ sẽ làm trầm trọng thêm nỗi đau thể chất, trong khi những mối quan hệ thân thiết lại giúp nâng đỡ chúng ta trước những vấn đề về sức khỏe lúc về già. Những người hạnh phúc nhất khi về hưu là những người đã làm việc tích cực và biến đồng nghiệp thành bạn bè. Thế nên giờ đây, câu hỏi mà nghiên cứu này nhắm đến là:
Chất lượng mối quan hệ của bạn với đồng nghiệp, với bạn bè, gia đình có thể tác động thế nào đến cơ thể?
Nhưng khoan đã. Xét theo tiêu chuẩn ngày nay thì tính nhân khẩu học của nghiên cứu này là hết sức mất cân bằng. Như đã nói, các tình nguyện viên đều là đàn ông da trắng. Hơn nữa, hầu hết họ đều xuất thân từ những gia đình khá giả. Tính đại diện của nghiên cứu này đã được cải thiện một chút vào những năm 1970, khi nó được kết hợp với một nghiên cứu riêng biệt tiến hành tại Boston. Nghiên cứu đó tập trung vào các cậu bé đến từ một số khu vực nghèo khó, khắc nghiệt nhất của thành phố. Cùng nhau, những nghiên cứu này đem đến một bức tranh sống động về sức khỏe của đàn ông trong suốt cuộc đời họ. Thế nhưng có thể bạn sẽ lại nói rằng nghiên cứu này rõ ràng là không đầy đủ, vì nó chừa lại hơn một nửa dân số. 
Thật ra, nó lại đang kể câu chuyện về một hiện tượng đáng lo khác, đó là sự cô lập xã hội ở nam giới.

---
Trong vài thập kỷ gần đây, đã có những mối quan ngại lan nhanh rằng người Mỹ đang dành ít thời gian hơn cho nhau và các mối quan hệ cộng đồng gắn kết trước kia đã bắt đầu trở nên lỏng lẻo. Hồi năm 2000, nhà khoa học chính trị Robert Putnam đã viết về quan điểm này trong cuốn sách "Bowling Alone". Ông mô tả nhiều người Mỹ đã chọn không tham gia các tổ chức dân sự và cộng đồng mà cha mẹ họ từng tham gia. Gần đây hơn, các nhà nghiên cứu đã chứng kiến sự lo lắng ngày một tăng khi chúng ta ngày càng dành nhiều thời gian hơn cho chiếc điện thoại của mình và phớt lờ người ngồi đối diện. Tuy nhiên, còn có một hình thức cô lập xã hội khác ít được nói đến hơn, một thứ cô lập có ảnh hưởng không tương xứng đến những người đàn ông.
Hãy cùng nghe câu chuyện của Paul Kugelman. Sinh ra ở Union City bang New Jersey, Paul lớn lên cùng với những đứa trẻ hàng xóm. Sau giờ học, họ quẳng cặp sách, ra ngoài chơi và chỉ trở về nhà khi phố đã lên đèn.
PAUL KUGELMAN: Tụi tui làm đủ trò con bò. Đá bóng với đá cầu, nhảy dây bắn bi trốn tìm. Tui có bạn bè, có người để trò chuyện. Tuyệt vời ông mặt giời.
Năm Paul lên 9, gia đình anh chuyển đến Martinsville, Virginia. Ở đó không có sự dễ chịu mà Paul đã quen khi còn ở New Jersey. Không còn những món ăn yêu thích, nhưng đó không phải thứ duy nhất khiến anh bị sốc văn hóa.
PAUL KUGELMAN: Mấy ngày đầu ở trường mới, tui có bài kiểm tra chính tả. Bà giáo của tui có chất giọng miền Nam rất nặng. Tui nghe bả đọc /alpo/, và tui đã viết “chái táo”. Họ kết luận tui là một thằng đần vì không thể đánh vần nổi từ “trái táo”. Đời tui lao dốc từ đó, đen như tiền đồ chị Dậu.
Tiền đồ của Paul
Bố của Paul thường xuyên phải chuyển nơi ở vì công việc. Sau Virgina là Delaware, rồi đến Nam Carolina. Mỗi lần là một ngôi trường mới, một xã hội mới. Paul không hề nhận ra mình đã hình thành một chiến lược để thích nghi với sự di chuyển liên tục.
PAUL KUGELMAN: Tui mất đi sự tương tác với người khác, kiểu như, đằng nào thì cũng lại sắp phải chuyển đi, tui không muốn trái tim mình đau nữa man.
Khi ở Nam Carolina, Paul vào học trường Quân sự Citadel, nơi người ta bảo rằng những người bạn đồng học của anh rồi sẽ trở thành bằng hữu cả đời. Đến khi tốt nghiệp, Paul nhận thấy các “bạn” của anh không mấy thiết tha chuyện giữ liên lạc. Đời cứ thế trôi đi, Paul cưới vợ, có con, rồi ly dị. Đến năm 30 tuổi, Paul vào trường Luật và kết hôn lần nữa. Mọi thứ với anh dường như đều chóng vánh, nhất thời. Những người quen vẫn cứ mãi chỉ là người quen. Anh không có thời gian để biến chúng trở thành tình bạn. Gia đình, công việc choáng hết tất cả. 
Đến giữa tuổi tứ tuần, cuộc hôn nhân thứ hai của Paul tan vỡ. Vợ anh rời đi mang theo những đứa trẻ, mẹ anh mất sớm, còn bố thì coi anh như người xa lạ. Anh từng trò chuyện với con gái mỗi ngày, đã từng. Và kể cả khi đang làm công việc luật sư đầy ý nghĩa, với Paul đó vẫn là chưa đủ.

PAUL KUGELMAN: Tui gọi cô ấy là cô đơn. Cũng khá lâu rồi, tui không nhớ chính xác nguyên nhân là gì nữa. Chỉ là, tui cảm thấy sự cô lập hoàn toàn. Hoàn toàn thì hơi lố, vì dù sao tui vẫn đi làm, có sự tương tác, và tui cũng thích những thứ đó. Nhưng cậu biết đó, cuối cùng thì, tui chỉ còn mình ên.
Đã có lúc Paul uống như hủ chìm. Rồi anh tập thể dục. Anh đã hoàn thành cuộc thi ba môn phối hợp Ironman. Nhưng những sự đánh lạc hướng này không thể che giấu được sự thật rằng anh tuyệt vọng vì tình bạn, vì những kết nối. Đến mức anh phải quay sang tìm một vật vô tri để được an ủi.
PAUL KUGELMAN: È, trong căn hộ của tui có một cây cột nối từ sàn lên trần nhà. Cây cột đó đã trở thành bạn tui. Tui ôm nó. Tui ôm nó vì ít ra nó còn cho tui được một sự phản hồi xúc giác. Đến lúc đó tui mới nhận ra mình toang đến mức nào ông host ạ. Phải ôm một cây cột để cảm nhận điều gì đó. Nếu đó còn chưa phải hồi chuông cảnh tỉnh, chẹp, chắc tui hết thuốc chữa rồi.

Tuổi thơ Paul là hình mẫu về một cộng đồng gắn kết. Nhưng cuộc đời Paul trong những năm tháng của tuổi 40 thì không. Anh thừa nhận mình đã bỏ qua những cảnh báo rằng đời sống xã hội của mình đang co rút lại.
PAUL KUGELMAN: Tui không nghĩ mình phải lo chi chuyện đó, thiệt. Tui cho đó là hoàn cảnh, chứ không phải một vấn đề. Tui nghĩ do mình thiếu sức hút, nhưng phần khác trong tui bảo rằng, ê Paul, mày chỉ có một mình.
Rồi đến khi Paul đủ dũng khí để kết nối với người khác, anh nhận thấy mình phải đối mặt với những quy tắc khác của xã hội. Việc anh giới thiệu mình với những người hàng xóm khiến họ hoang mang style nhiều hơn là tỏ ra thân thiện. Một thằng cha 51 tuổi gõ cửa nhà kế bên để nói rằng ê tui là hàng xóm ông nè?!
PAUL KUGELMAN: Không như người ta nói đâu. Cái cách họ nhìn tui, cái vẻ mặt đó. Kiểu họ đang nói với tui, ông bị dở người à? Chuẩn luôn. Mà tui nghĩ có lẽ một phần còn do sự kỳ thị khi bị coi là kẻ cô đơn nữa.
Trớ trêu thay, chính Paul lại không có sự khoan dung với những người có tình cảnh giống mình.
PAUL KUGELMAN: Cũng mắc cười. Kiểu như khi tui, một chàng trai trẻ 50 tuổi cu đơ, nếu hẹn hò, tui sẽ rất thận trọng với mấy người giống tui. Ka mòn, cậu biết đấy, ở tuổi này mà còn cô đơn là như nào?
Hơn cả, Paul được nhắc nhở rằng rất khó để một trung niên như anh có bạn mới. Nhưng anh nhận thấy Kim, bạn gái mới hẹn hò của anh, lại có thể dễ dàng bắt chuyện và tạo ra những kết nối. Và không chỉ có Kim, dường như có sự khác bọt giữa đờn ông và phụ nữ nói chung. Nếu Kim có thể tụ tập 5 7 người bạn và đi đu đưa thì với Paul, anh nghĩ mình sẽ rất kỳ cục nếu cố làm thế. Paul cho rằng có một định kiến với giới mày râu, nhưng anh không rõ đó là sự tự áp đặt hay thực sự là cách mà xã hội nhìn nhận.
Lúc này, Paul đã nhận ra rằng dù khó khăn nhưng việc kết nối là điều cần thiết. Cũng như anh, nhiều nam thính giả khác chia sẽ với chương trình rằng họ cảm thấy mình không có đủ bạn bè. Và kể cả khi muốn kết bạn mới, họ cũng không biết phải làm sao.
---
Nhiều quý ông đã có gia đình báo cáo rằng họ “được” vợ quản lý các hoạt động xã hội. Trước nay, hôn nhân vốn chỉ mang một số chức năng tương đối hạn chế. Nhưng theo thời gian, chúng ta đã chồng chất thêm vào đó ngày càng nhiều các chức năng cảm xúc và tâm lý. Đến mức thay vì tâm sự, bộc bạch với bạn bè và những người thân khác, thì giờ người phối ngẫu của chúng ta đã thay chỗ họ, thay chỗ cho cả một mạng lưới xã hội rộng lớn có thể giúp đỡ chúng ta trong những việc đó.
Nếu người đàn ông trong các mối quan hệ dị tính coi vợ mình là người mang đến kết nối xã hội duy nhất của họ, thì điều này cũng gây áp lực rất lớn cho phụ nữ trong các mối quan hệ đó, tất nhiên vẫn có những ngoại lệ. Nhưng nhìn chung, người ta vẫn rất lo lắng về xu hướng gia tăng sự cô lập xã hội ở nam giới và hệ quả của nó hơn. Một số người đàn ông đối phó với nó không phải bằng cách chạy Ironman, uống rượu hoặc ôm một vật vô tri. Họ có những biện pháp quyết liệt hơn.

Julie Phillips, giáo sư xã hội học tại Đại học Rutgers chỉ ra vấn đề bằng những biểu đồ về tỷ lệ đàn ông tự tử ở các nhóm tuổi khác nhau. Tin tốt là hơn 70 năm qua, tỷ lệ tự tử nhìn chung đã giảm. Cơ bản thì người già thường có tỷ lệ tự tử cao nhất, cao hơn hẳn so với người trẻ và người ở độ tuổi trung niên. Nhưng chiều hướng này đang thay đổi, đàn ông trung niên dường như đang đứng trước nguy cơ ngày càng cao. Bắt đầu từ năm 1999, tỷ lệ đàn ông tự tử trong nhóm tuổi từ 50-54 đã tăng đến 50%.
Đây là một điều hết sức đáng lo ngại. So với các thế hệ trước đây, tự tử có khuynh hướng xảy ra ngày một sớm hơn ở nam giới. Julie tin rằng nguyên nhân thực tế phức tạp hơn nhiều so với cách diễn giải thông thường đưa đến các nguyên nhân về vấn đề kinh tế. Rõ ràng xu hướng tự tử ở đàn ông trung niên đã bắt đầu từ cuối những năm 90, sớm hơn khá nhiều so với thời điểm cuộc Đại suy thoái năm 2007.

JULIE PHILLIPS: Thực sự thì từ năm 1999-2005, sự gia tăng tỷ lệ tự tử chỉ giới hạn ở những người thuộc thế hệ Baby Boomer không nhận được giáo dục bậc đại học. Nhưng kể từ sau năm 2005, nó đã lan rộng ra tất cả các nhóm, và không hề có sự khác biệt ở yếu tố giáo dục.
Julie có những quan điểm khác về nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi này. Chúng ta có ít những sự hỗ trợ xã hội hơn. Chúng ta có xu hướng sống xa gia đình. Nhiều người quay lưng với hôn nhân; số khác thì ly dị. Kể cả khi lựa chọn kết nối, chúng ta cũng không thực sự tự mình làm điều đó.
JULIE PHILLIPS: Tôi tự hỏi, cách mà chúng ta tương tác đã thay đổi như thế nào trong 15, 20 năm qua. Sự trỗi dậy của truyền thông xã hội, các tiếp xúc trực tiếp ít dần đi. Việc giải trí của chúng ta trở nên riêng tư hơn. Chúng ta thích xem phim ở nhà hơn là ra rạp, ví dụ. Điều đó có thể đang góp phần vào cảm giác bị cô lập - và sự cô lập xã hội cũng có thể là nguyên nhân của sự gia tăng tỷ lệ tự tử nói trên.
Sự cô lập xã hội không chỉ là về cảm xúc. Một phân tích của gần 150 nghiên cứu đã cho thấy những người có quan hệ xã hội lỏng lẻo có nguy cơ tử vong cao hơn khoảng 50% so với những người có mối quan hệ xã hội lành mạnh hơn. Con số này thậm chí còn cao hơn khi so với những người không hoạt động thể chất hoặc mắc chứng béo phì. Nói cách khác, dành thời gian xây dựng và nuôi dưỡng tình bạn có thể cũng quan trọng đối với sức khỏe như việc ăn uống đúng cách và tập thể dục.
---
Các lực lượng kinh tế chắc chắn có vai trò trong việc làm xói mòn các mối quan hệ xã hội, nhưng nhà tâm lý học Niobe Way cho rằng gốc rễ của sự cô đơn ở nam giới còn sâu xa hơn thế. Cô nghĩ rằng chúng chủ yếu nằm ở yếu tố văn hóa, thứ đã làm cho ý niệm về cái giá để trở thành một người đàn ông ăn sâu bén rễ vào tâm trí.
Cuối những năm 1980, Niobe khi đó là tư vấn viên tại một trường trung học ở Boston. Cô luôn kỳ vọng các nam sinh sẽ trò chuyện với mình về lớp học, những khó khăn trong gia đình, vấn đề bạo lực ở nơi chúng sống. Nhưng điều mà đa số các cậu zai chia sẽ lại là về bạn bè chúng, về sự cố gắng để tìm một người bạn tốt, và về cảm giác đau khổ gây ra bởi những cậu zai khác. Điều đó khiến cô kinh ngạc.
NIOBE WAY: Mới đầu, tôi tự hỏi tại sao điều mà những cậu zai này nói lại không như những gì tôi hình dung. Về cơ bản, câu hỏi là tại sao chúng không  biểu hiện như những khuôn mẫu mà tôi biết về các cậu zai, bất kể đó là một cậu zai nói chung hay một cậu zai con nhà lao động hoặc là người da màu?
Niobe cố tìm hiểu xem có chuyện gì không ổn với các cậu zai này, chứ không phải với các khuôn mẫu. Cô nhận thấy rằng người nam ở các nền văn hóa khác, và kể cả ở Mỹ tại những thời điểm khác; chưa bao giờ gặp phải vấn đề trong việc xây dựng một tình bạn gần gũi, thân thiết khi đến tuổi trưởng thành. Và những người đàn ông mà cô biết, ít nhất là vào thời điểm đó, cũng không hề gặp vấn đề gì về việc có những xúc cảm sâu sắc và biểu lộ chúng một cách thẳng thắn.
Cô nhớ đến em trai mình lúc còn nhỏ. Cùng với những đứa bạn trong đội bóng chày, những đứa được xem là những cầu thủ cứng cựa, những thằng nhóc kun ngầu ở trường. Chúng ngồi hàng giờ ở sân sau nhà cô, nói những điều ý nghĩa và chia sẽ cảm xúc cho nhau. Cô cũng nhớ đến một cậu em trai khác đã buồn bã thế nào vì mâu thuẫn với người bạn thân nhất của nó. Tất cả những điều này khiến cô thay đổi cách mà cô lắng nghe bọn trẻ.

Khi đã là Tiến sĩ tâm lý học phát triển tại Đại học New York, cô tiến hành hàng trăm cuộc phỏng vấn, lặp đi lặp lại trên cùng một số các cậu nhóc suốt trong nhiều năm. Và đây là những gì cô nghe được từ một cậu zai tuổi 15:
JUSTIN:  Cháu và bạn thân của mình yêu quý nhau. Nó là một điều sâu sắc bên trong cháu. Cháu không thể giải thích được nó. Cháu chỉ biết rằng, chính là người đó, và đó là tất cả những gì quan trọng trong tình bạn của bọn cháu. Cháu nghĩ sẽ có những lúc trong đời, hai người thực sự, thực sự hiểu nhau và dành cho người kia sự tin tưởng, tôn trọng và yêu quý. Nó cứ thế xảy ra thôi, kiểu như, bản tính tự nhiên của con người vậy.
Một cậu zai 16 khác nói với cô về tầm quan trọng của bạn thân:
GEORGE: Ý cháu là, nếu chỉ có bố mẹ để nói chuyện cùng, sẽ có những điều bị dồn nén, và bọn cháu sẽ phát rồ vì không thể bộc lộ chính mình.
Nhưng, khi các cậu zai lớn thêm vài tuổi, có điều gì đó đã xảy ra. Việc biểu hiện sự nhạy cảm và dễ bị tổn thương trở nên khó khăn hơn đối với họ. Những cậu zai từng nói về việc họ yêu quý người bạn thân của mình ra sao hoặc việc sẽ phát rồ nếu không có bạn thân thế nào bắt đầu hành xử giống như cái khuôn mẫu mà chúng ta biết về những chàng trai tuổi teen, những người không muốn dính dáng gì đến chuyện tình cảm bánh bèo.
NIOBE WAY: Mấy thằng ku trở nên, kiểu như, tớ đây cóc cần bạn bè gì sất, méo quan tâm. Nhưng chúng cứ gào lên như thế, nhiều đến nỗi thým biết ngay là chúng thật sự quan tâm rất nhiều. Chả trật đi đâu được.
Vài chàng trai lớn hơn đã nói với Niobe về cảm giác buồn bã khi tình bạn biến mất. Một học sinh năm cuối trung học mô tả lại việc tình bạn của anh ấy đã thay đổi như thế nào kể từ năm nhất:
BOY BUỒN BÃ: Tôi và người bạn thân cứ nhạt dần, nhưng tôi cho rằng mọi chuyện vẫn ổn. Vẫn ổn, vì chúng tôi vẫn làm nhiều thứ cùng nhau, chỉ là không thường xuyên lắm. Điều đáng buồn là dù chỉ ở cách chỗ tôi một dãy nhà, nhưng tôi gặp cậu ấy còn ít hơn so với những người khác. …
NIOBE WAY: Nghe không, đó là điều mà những cậu zai nói đó. Ý tôi là, những câu từ đẹp đẽ khi nói họ nói về cảm giác và về những điều xảy ra trong mối quan hệ của họ. Quả thực các cậu zai không chỉ giàu cảm xúc, họ thực sự nhìn thế giới bằng nhãn quan đẹp đẽ và rõ ràng, đó chính xác là điều sẽ không xảy ra nếu họ chỉ rập theo khuôn mẫu. […] Họ là con người, với năng lực cảm xúc và xã hội khó tin. Nhưng nền văn hóa của chúng ta lại bòn rút nó ra khỏi họ một cách triệt để, và phớt lờ nó đi.
---
Niobe có những lý giải về việc tại sao các cậu zai gặp phải vấn đề trong việc duy trì mối quan hệ khắn khít với người khác.
NIOBE WAY: Lý do cho cơn vật vã này khá đơn giản, đó là bởi sự nam tính, chuẩn mực nam tính của người Mỹ và những kỳ vọng về nó. Chúng khiến cho tình bạn thân thiết trở thành một thứ gay lọ gái tánh hơn là một thứ rất con người. Thế nên khi các cậu zai lớn lên và bước vào tuổi trưởng thành, chúng bắt đầu bị choáng ngợp bởi kỳ vọng này. Thứ kỳ vọng rằng bằng cách nào đó, chúng phải tự lực, chúng không thể phụ thuộc vào người khác, chúng phải độc lập hoàn toàn. Và bằng cách nào đó, mong muốn thân mật với những cậu zai khác trở thành vấn đề trong một nền văn hóa cực kỳ đề cao sự nam tánh.
Đề cao sự nam tánh – đó là thứ mà các cậu zai thích ứng rất nhanh; một cách vô thức. Có một nhận xét mà Niobe không thể quên được.
CARLOS: Haiz, biết đâu làm con gái lại hay hơn, vì cháu sẽ không phải đơ cảm xúc như này.
Một câu chốt xanh rờn, Niobe phải thừa nhận. Đến cả các bậc phụ huynh cũng cùng quan điểm rằng thật đáng lo ngại nếu cậu con zai tuổi teen của họ tỏ ra quá nhạy cảm và dễ tổn thương. Đến mức nếu bạn nói về cậu con zai đa sầu đa cảm đó với họ, việc đó sẽ trở nên hết sức ngượng nghịu. Rõ ràng các bậc phụ huynh sẽ không phán xét con mình theo cùng cách thức, nhưng sau rốt; họ vẫn là một phần của nền văn hóa như bao người khác. 

Đã có những bậc phụ huynh nói với Niobe rằng:
NIOBE WAY: Họ nói, cô biết không, tôi nghĩ con trai mình là gay. Ồ wao, tôi sẽ hỏi họ điều gì khiến họ nghĩ vậy? Và họ sẽ nói, chậc, cô biết đấy, thằng bé rất chi nhạy cảm, một chiệc lạ rợi cụng làm no sợ hại. Và với tôi, điều đó cũng đáng buồn như nhận xét rằng làm một cô gái có thể sẽ tốt hơn. Này nhé, rõ ràng đồng tính cũng tuyệt vời như khi là zai thẳng. Nhưng thực tế là họ lại đánh đồng tính dục với sự nhạy cảm íu đúi, trong khi chúng chẳng liên quan gì nhau sất.
Niobe không hề hỏi các cậu zai mà cô phỏng vấn về xu hướng tính dục của họ. Có thể vài trong số đó thực sự là gay. Nhưng cô cho rằng, các cậu zai thuộc mọi xu hướng tính dục đều cảm thấy bị ức chế bởi quan điểm rằng sự nhạy cảm quá mức là có vấn đề. Nói cách khác, vấn đề của việc đề cao sự nam tánh là nó không chỉ gây tác động đến những cậu trai thẳng, khiến họ lo lắng về việc mình trông hơi gay gay. Hình mẫu của những anh chàng chững chạc, không dựa dẫm vào người khác đã tác động đến mọi cậu zai. Và khi các cậu zai mất đi mối quan hệ thân thiết, có nhiều hệ quả hơn chỉ là việc thiếu vắng một người ngồi cạnh trên xe bus đến trường. Niobe cho rằng điều đó còn ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất nữa.
NIOBE WAY: Tôi không cho rằng đó là ngẫu nhiên, cái lúc bạn nhận thấy trong lời nói của họ đã mất đi sự yêu thương, sự hài hòa cảm xúc mà chỉ còn lại sự giận dữ, thất vọng và những tiếng méo-quan-tâm, nó lại đúng chính xác vào lúc mà tỷ lệ tự tử tăng lên.
Không có bằng chứng chắc chắn nào cho thấy sự sa sút trong quan hệ bạn bè giữa những cậu bé vị thành niên dẫn tới việc tự tử, nhưng Niobe lo lắng về một mối tương quan. Khi tình bạn của các cậu zai bắt đầu lung lay, các trang nhật ký của họ bắt đầu cho thấy các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Niobe đã hợp tác với một giáo viên trung học và một giáo sư khác. Với ý tưởng giúp các cậu zai kết nối sâu sắc hơn với những người mà họ quan tâm, chúng được yêu cầu thực hiện các cuộc phỏng vấn chuyên sâu với những người thân yêu của mình. Họ bắt đầu chương trình này tại một trường nam sinh và sau đó mở rộng sang các trường khác. Nhà sản xuất chương trình (HIDDEN BRAIN), Rhaina Cohen cũng đã trò chuyện với những cậu bé 12 tuổi tại một trong số những ngôi trường đó:
BÉ #BA: Dường như càng lớn thì bọn con trai sẽ chơi thân hơn với con trai, con gái tụ tập nhiều hơn với con gái. Bọn cháu sẽ thích chơi trong nhóm với những bạn giống mình hơn.
BÉ #TƯ: Chẹp, tình bạn, đặc biệt là với người bạn khác giới, rồi sẽ thay đổi khi bọn cháu lớn lên và đến tuổi dậy thì. Nó sẽ trở nên thân thiết hoặc lãn mạng hơn. Với cháu thì điều đó thật đáng sợ, eo ơi, cháu chưa sẵn sàng cho việc đó.
BÉ #NĂM: Cháu thấy là, con trai chỉ có thể đánh bạn với con trai và không nên nói về mấy thứ cảm xúc gì gì đó. Nhưng nếu đã là bạn thân với nhau, bọn cháu có thể dễ dàng nói với nhau về mọi thứ, kể cả cảm xúc.
BÉ #BA: Cháu không nghĩ là bọn con trai thì không nói với nhau về những chuyện riêng tư. Thực ra nói những chuyện đó với bạn bè dễ hơn là nói với bố mẹ, vì ít ra bạn bè cũng trải qua những thứ tương tự nên họ sẽ thấu hiểu hơn.
Đó là những thứ mà bạn sẽ không thể biết được nếu chỉ dựa vào những gì mà các chương trình TV hoặc phim ảnh khắc họa về các cậu zai. Những cậu nhóc ở đây cũng đã có cho riêng chúng những giả thuyết về điều đang diễn ra:
BÉ #SÁU: Cháu nghĩ là bọn con trai chúng cháu cũng có thể tình củm một tẹo nếu muốn, nhưng chả thằng nào làm thế cả. Cháu nghĩ đó là do ảnh hưởng từ xã hội trước kia, khi bọn con trai không được chia sẽ cảm xúc. Cháu nghĩ thế vì hình như chính cháu cũng bị tác động.
Một vài cậu nhóc trong số này có vẻ đã thấy được vấn đề, rằng nơi duy nhất được chấp nhận để thể hiện cảm xúc là trong một mối quan hệ lãn mạng. Và dường như chúng ta sẽ để mặc cho những mối quan hệ như thế lấy hết những thứ mà trước đây ta dành để vun đắp tình bạn.
BÉ #BẢY: Khi có ghẹ, ờm, cháu sẽ phải dành rất nhiều thời gian ở bên cô ý. Hoặc nếu cô có bạn zai, cô cũng phải làm thế thôi. Nên là tụi bạn thân sẽ bị cho ra rìa, và chắc cú tụi nó sẽ cà khịa hoặc dè bỉu dữ lắm.
Đây chính là lối suy nghĩ dẫn đến việc những ông chồng ở tuổi trung niên mất hết các kết nối xã hội khi hôn nhân tan vỡ hoặc khi vợ họ qua đời. 
Rhaina cũng đã hỏi hai cậu nhóc, liệu chúng có bao giờ nói những thứ kiểu như, “Ê bồ tèo, tớ quý cậu lắm”, hay “Cậu rất quan trọng với tớ đấy”. Ê đừng có ngớ người ra thế chứ.
BÉ #TÁM: À ờm, cháu ứ nói thế đâu, ewww, nghe gay lắm. Cháu sẽ nói, ờ…, hey man, tau quý mi, thằng cờ hó à. Mi quan trọng với tau, ê cất chai dầu đi, ý tau là, mình là anh em tốt.
BÉ #NĂM: Nô wây. Nó biết thừa là nó quan trọng với cháu rồi, nên chúng cháu sẽ không… không, không nói đâu – chẹp, ý cháu là… thỉnh thoảng cũng có.
BÉ #TÁM: Thỉnh thoảng chúng cháu nói với nhau là, mài là bạn tau, rồi ờ, có tau đây, và kiểu như, tau quý mi, người anh em. Tụi cháu cũng có ôm vai bá cổ, nhưng tuyệt đối không có vụ nắm tay nhau đâu nhé.

Mấy chú nhóc New York đó cũng đã học được rằng thực tế có những kiểu tình bạn giữa đờn ông mà xã hội tạm chấp nhận. Một trong số đó là bromance. Các chàng trai vẫn có thể nói với nhau, tao quý mày. Họ có thể ôm nhau. Nhưng điều mà những kịch bản phim ở Hollywood phô bày về bromance, thường lại tọng đầy testosterone chứ không phải sự thân tình. Những phân cảnh chứa chan sự trìu mến; nếu có, cũng chỉ đến sau 90 phút bay lắc, chè chén say sưa và những cuộc phiêu lưu tình ái.
Một cảnh trong phim "Superbad".
Bromane không hẳn là bằng chứng cho thấy các cậu zai đã vượt qua được sự ghê sợ đồng tính luyến ái (homophobia). Đó chỉ là cách để những cậu zai này có được sự kết nối về mặt cảm xúc, đồng thời tuyên bố với thế giới rằng họ hoàn toàn không, không gay một tẹo nào.
NIOBE WAY: Làm thế nào để chúng ta, như một nền văn hóa, có thể thay đổi để bình thường hóa và nhân bản hóa nhu cầu cơ bản này và khả năng thấu hiểu thế giới, để tương tác với nó và có được những mối quan hệ chất lượng? Chúng ta có thể thay đổi nó, như hiện nay chúng ta đã chấp nhận hôn nhân đồng tính. Chúng ta có thể thay đổi bất cứ điều gì chúng ta muốn thay đổi.
---
Nỗi sợ của đờn ông về việc tỏ ra gay lọ hay gái tánh không phải là lý do duy nhất khiến nhiều người trong chúng ta rơi vào cô đơn. Cả đờn ông lẫn phụ lữ đều bị ám ảnh bởi một thứ thiên kiến khiến chúng ta chọn sự cô lập hơn là kết nối. Nick Epley là giáo sư khoa học hành vi tại Đại học Chicago. Nick thường xuyên sử dụng tàu điện ngầm để đi lại, và một ngày nọ, ông nhìn thấy một hiện tượng lạ.
NICK EPLEY: Chúng ta là một trong những loài có tính xã hội nhất trên hành tinh, là loài có được rất nhiều hạnh phúc và sự thỏa mãn nhờ vào các kết nối giữa chúng ta với người khác. Thế nhưng, mỗi buổi sáng trên tàu, hết lần này đến lần khác trong không gian công cộng nơi tôi thường xuyên có mặt, tôi lại nhìn thấy mọi người đứng ngồi cạnh nhau san sát, và phớt lờ nhau.

Tại sao tại sao tại sao ?
NICK EPLEY: Khả năng là vì thực tế chúng ta cảm thấy không thoải mái với người lạ. Chúng ta không biết họ là ai. Việc bắt chuyện hẳn sẽ gây khó chịu hơn là cứ ngồi đó một mình, vì vậy mọi người vẫn đang tối đa hóa sự thoải mái của mình bằng cách ngồi yên trên tàu, trên xe buýt hoặc trong phòng chờ và mặc kệ nhau. Dám thế lắm. Một khả năng khác là vì chúng ta thực sự coi nhẹ những lợi ích của việc kết giao xã hội, chúng ta nghĩ rằng mình sẽ ổn hơn khi ngồi đó trong cô độc. Và thực tế là chúng ta đã sai về điều đó.
Nick và đồng tác giả của mình, Juliana Schroeder, đã quyết định tìm hiểu xem chuyện gì đang xảy ra. Họ tiến hành một thí nghiệm trên những hành khách. Tình nguyện viên được đặt vào một trong ba điều kiện – tương tác với những người xung quanh, ngồi một mình hoặc cứ hành động bình thường tự nhiên như mọi khi. Đoán xem, mọi người dự đoán rằng họ sẽ ít cảm thấy hạnh phúc nhất nếu phải tương tác với những người khác trên tàu. Họ chắc chắn những gì sẽ làm họ thấy hạnh phúc chỉ đơn giản là được ở một mình.
Nhưng đó không phải là điều mà nghiên cứu này tìm ra. Mọi người cho biết họ vui vẻ và thấy dễ chịu hơn khi kết nối với người ngồi bên cạnh; so với khi được yêu cầu ngồi yên một mình. Thế đấy, niềm tin lệch lạc ở trên đã ngăn trở chúng ta kết nối với những người xung quanh. Chỉ vài câu hỏi nhỏ thôi mà. “Ê tôi thích cái quần của ông quá, mua đâu đấy?”, “Hôm nay đẹp giời nhỉ.”, “Ông thích ăn rau dền không?”.
Theo Nick, có hai bước để có một cuộc chuyện trò thoải mái, bắt đầugiữ cho nó tiếp tục.
NICK EPLEY: Qua dữ liệu, chúng tôi nhận thấy các rào cản dường như nằm ở bước đầu tiên. Không phải là mọi người dè dặt về cuộc trò chuyện. Thực sự thì một khi nó diễn ra, mọi thứ sẽ OK, họ sẽ ổn thôi. Thay vào đó, rào cản có lẽ đến sớm hơn. Có một nỗi lo ngại về việc mở lời, về việc bắt đầu câu chuyện. Chính nó hẳn đã khiến người ta nghĩ rằng toàn bộ việc trò chuyện sẽ gây khó chịu. Vượt qua chuyện này cũng như leo lên đồi dốc. Bạn phải nghiến răng gắng sức để có được bước tiến đầu tiên, và rồi sau đó bạn sẽ thấy mọi thứ trơ tru hơn hẳn. Nhưng một khi không bước được những bước khởi đầu, bạn sẽ chẳng bao giờ bắt đầu được.

Có thể bạn và người ngồi cạnh bên rất sẵn lòng, thậm chí là háo hức để kết bạn với nhau. Nhưng vì liêm sỉ nên chả ma nào chịu thừa nhận. Nghĩ mà xem, cuộc sống sẽ tốt hơn biết bao nếu chúng ta có thể thẳng thắn thừa nhận những điều này với người mà chúng ta quan tâm chứ không chỉ với mỗi hộp thư thoại. Sẽ tốt biết bao, nếu chúng ta chấp nhận bị tổn thương, chấp nhận phụ thuộc vào người không phải là vợ/chồng; nếu chúng ta không nhìn những người đàn ông lớn tuổi nhưng thân thiện, những cậu zai tốt tánh ưa đỏ mặt nói về tình cảm mà họ dành cho bạn bè với cặp mắt nghi ngại. Và sẽ thật tốt, nếu chúng ta vẫn hy vọng vào tình bạn bền vững, ngay cả khi cuộc sống của chúng ta thay đổi.
Và nhờ thế, những tình cảm đẹp đẽ ấy sẽ không phải rơi vào thinh lặng.
---
Nội dung bản gốc đã được kiểm duyệt trước khi dịch và bị cắt mất khoảng 5 phút quảng cáo.
(Đây là chữ ký)