Triết học về giấc mơ: Liệu tôi có 'được phép' vô đạo đức trong mơ?
ND: Bài mình dịch dưới đây sẽ khám phá giấc mơ dưới góc nhìn của Đạo đức học, hay Luân lý học - một môn trong triết học nghiên cứu...
ND: Bài mình dịch dưới đây sẽ khám phá giấc mơ dưới góc nhìn của Đạo đức học, hay Luân lý học - một môn trong triết học nghiên cứu về bản chất, đặc trưng và các chức năng của đạo đức trong đời sống xã hội. Đây là phần tiếp theo trong series "Triết học về giấc mơ".
Phần 1: Làm sao tôi biết được mình không mơ? đã khám phá giấc mơ theo quan điểm hoài nghi của Descartes và các lập luận phản bác. Ở Phần 2: Tôi có thể vô đạo đức trong mơ không? chúng ta sẽ được tìm hiểu về giấc mơ trong quan điểm đạo đức của thánh Augustine và các lập trường đạo đức khác, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta dần dần phát hiện ra khả năng có được giấc mơ sáng suốt (lucid dream).
Các bạn có thể xem bài viết gốc cùng nguồn tham khảo trên Internet Encyclopedia of Philosophy.
Theo Owen Flagan (2000), có 4 vấn đề triết học nổi bật về giấc mơ:
1. Làm sao tôi biết được có những lúc mình không mơ?
2. Tôi có thể vô đạo đức trong mơ không?
3. Giấc mơ có phải những trải nghiệm có ý thức xảy ra trong giấc ngủ?
4. Giấc mơ có chức năng tiến hóa không?Các vấn đề này liên quan mật thiết đến các vấn đề triết học đa dạng như siêu hình, nhận thức luận, đạo đức học, phương pháp luận khoa học, triết học về sinh học, tâm trí và ngôn ngữ.
Bài viết này giải quyết 4 vấn đề trên, đồng thời cũng đề cập một số câu hỏi triết học mới nảy sinh về chủ đề này:
5. Giấc mơ có phải một mô hình khoa học lý tưởng để nghiên cứu ý thức?
6. Giấc mơ là một hiện tượng ảo giác hay tưởng tượng?Phần 1 dẫn dắt người đọc vào câu hỏi triết học truyền thống mà Descartes đã đặt ra với bản thân, một câu hỏi đỉnh cao của chủ nghĩa hoài nghi về thế giới khách quan. Làm sao tôi biết được có những lúc tôi không mơ, hay liệu rằng tôi có đang mơ ngay lúc này? Như thường thấy, các triết gia đã tìm kiếm những đặc tính có thể phân định được giấc mơ và thực tại tỉnh thức, và một vấn đề tranh luận trọng tâm là liệu ta có thể cảm thấy sự đau đớn trong giấc mơ hay không.
Phần 2 tổng quát đạo đức học về giấc mơ. Quan điểm cổ điển của thánh Augustine được đặt trong sự đối lập với các quan điểm đạo đức trừu tượng hơn, cụ thể là lập trường của Nghĩa vụ luận, Hệ quả luận, và Đạo đức học phẩm cách. Khái niệm giấc mơ sáng suốt được nghiên cứu dưới góc nhìn về trách nhiệm trong giấc mơ và cách chúng ta đối xử với các cá thể trong mơ.
Giấc mơ trong Đạo đức học
Từ cuối thế kỷ XX, các tranh luận về trách nhiệm đạo đức và tội ác trong giấc mơ chủ yếu xoay quanh hiện tượng mộng du, mà trong đó người mộng du đã gây hại đến người khác. Việc đánh giá thường được tiến hành trong bối cảnh thực tế, hơn là lý thuyết, giả dụ như tại tòa án. Đặt khái niệm về mộng du sang một bên, các triết gia quan tâm hơn đến mặt hiện tượng luận của các giấc mơ thông thường. Liệu khái niệm về đúng và sai có áp dụng trên chính giấc mơ, cũng như trên hành vi của những người mộng du hay không?
Đọc thêm:
a. Đạo đức trong giấc mơ theo thánh Augustine
Thánh Augustine, khi kiếm tìm một đời sống toàn vẹn về đạo đức, đã lo ngại về một số hành động của ông trong giấc mơ. Với một người dành hết cuộc đời mình để sống độc thân, những giấc mơ về nhục dục và gian dâm làm ông lo lắng. Trong tác phẩm Tự thú (Confessions, quyển X, chương 30), ông viết gửi lên Thượng Đế về thành công của mình khi đấu tranh với những tư tưởng nhục dục và với lối sống của mình trước khi cải đạo. Nhưng ông cũng nói rằng, trong mơ ông dường như không thể khống chế những hành động mà ông tránh làm lúc ban ngày. Ông tự hỏi “phải chăng trong giấc ngủ tôi không còn là tôi nữa?” vì tin rằng ông chính là nhân vật trung tâm trong giấc mơ của mình. Khi cố gắng giải quyết vấn đề, Augustine nhờ cậy tới sự khác biệt bề ngoài giữa trải nghiệm của thực tại tỉnh thức và của giấc mơ. Ông phân biệt rạch ròi giữa “sự việc” và “hành động.” Giấc mơ rơi vào phạm trù “sự việc”, nghĩa là Augustine trong mơ không thực hiện hành động nào mà chỉ đang trải nghiệm những sự việc xảy đến với ông mà ông không được lựa chọn. Khi loại bỏ quyền tự quyết khỏi giấc mơ, chúng ta không phải chịu trách nhiệm về những gì xảy ra trong mơ nữa. Vì thế, khái niệm tội lỗi hay trách nhiệm đạo đức không thể được áp dụng vào giấc mơ (Flanagan, 2000: p.18; pp. 179 – 183). Theo Augustine, chỉ có hành động mới bị đánh giá đạo đức. Ông một mực khẳng định rằng mọi sự việc xảy ra trong mơ không thuộc về hành động. Lời tuyên bố rằng ‘hành động không thể có trong giấc mơ’ bị thách thức bởi giấc mơ sáng suốt, mà trong đó dường như có các hành động thực và các cách thức ra quyết định nhờ đó người mơ có thể khống chế, ảnh hưởng và thay đổi tiến trình của giấc mơ. Luận điểm của Augustine đặt nền tảng trên tiền đề rằng không có hành động trong mơ. Vì vậy giấc mơ sáng suốt là bằng chứng phản bác tiền đề này. Chúng ta đã thấy rằng luận điểm của Augustine rằng các khái niệm đạo đức không bao giờ áp dụng cho giấc mơ là sai (vì trong mơ có thể có hành động thay vì sự việc). Trong phần tiếp theo chúng ta sẽ khám phá hai quan điểm đạo đức học về vấn đề đúng và sai trong mơ.
b. Giấc mơ trên lập trường Nghĩa vụ luận và Hệ quả luận
Giấc mơ là một thí dụ trong mối quan tâm tổng quát hơn đối với một loại của tư duy – các huyễn tưởng – có thể diễn ra mà không ảnh hưởng đến hành vi. Trong mơ chúng ta thực hiện hành động trong thực tại mô phỏng với sự xuất hiện của các nhân vật khác. Vậy có lẽ cần xem xét liệu chúng ta có chịu trách nhiệm đạo đức đối với các hành động trong mơ. Nói chung, đạo đức có cấm chúng ta không được ấp ủ ý nghĩ nào đó không, kể cả chúng không ảnh hưởng tới hành động sau này và cũng không làm hại người khác? Trò chơi điện tử bạo lực cũng gợi ra tranh luận tương tự, cho dù có nhiều tranh cãi hơn ở mặt ảnh hưởng với hành vi sau này. Có những người rất khoái chơi trò chơi bạo lực và đồ họa càng sinh động càng tốt. Bản thân việc đó có trái đạo đức không? Tại sao chúng ta phải biện hộ cho ý nghĩ của con người – những ý nghĩ mà nếu biến thành hành động sẽ cực kỳ sai trái? Giấc mơ có lẽ là một thí dụ đặc biệt vì trong một giấc mơ thông thường chúng ta tin rằng chúng ta đang ở ngoài đời thật. Hai thuyết chính của đạo đức học sẽ nói gì về vấn đề này, với giả định đặt ra rằng những gì ta thực hiện trong mơ sẽ không ảnh hưởng tới hành vi của ta ở thực tại tỉnh thức?
Hệ quả luận là một hệ thống học thuyết rộng lớn trong đạo đức học, mà ở đó một hành động luôn được đánh giá qua hậu quả nó gây nên. Ở đây có hai vấn đề riêng biệt – vấn đề đạo đức và thực nghiệm. Câu hỏi thực nghiệm là liệu các giấc mơ, các huyễn tưởng và trò chơi điện tử có thực sự không dẫn tới hành vi làm hại đến người khác. Cụ thể hơn, hệ quả luận không khẳng định giấc mơ không gây nên hậu quả gì, mà đúng hơn là nếu thực sự giấc mơ không gây nên hậu quả thì nó không thể đánh giá về mặt đạo đức, hoặc nên được coi là trung tính về mặt đạo đức. Các lý thuyết hệ quả luận hoàn toàn có thể lập luận rằng, bởi vì giấc mơ không thực sự ảnh hưởng tới hành vi của tôi khi tôi thức dậy, việc “làm hại” người khác trong giấc mơ, kể cả trong giấc mơ sáng suốt sẽ không sai về mặt đạo đức. Một số nhà hệ quả luận tự do hơn thậm chí có thể đề cao sự tự do trong tư duy đó. Tức là có thể có lợi ích nội tại khi cho phép tâm trí được giải phóng, tuy nhiên không thể lấy đó làm cớ gây hại tới người khác ngoài đời - các nhà hệ quả luận sẽ khẳng định như vậy. Nếu giấc mơ sáng suốt làm tôi đối xử tốt hơn với mọi người trong thực tại tỉnh thức, thì trên thực tế các nhà hệ quả luận sẽ ủng hộ hành động này.
Đọc thêm:
Các nhà hệ quả luận vẫn sẽ giữ quan điểm của mình kể cả khi nội dung giấc mơ có quan hệ chủ ý tới người khác. Tức là khi giấc mơ có thể thường xuyên xuất hiện nội dung đơn nhất. Nội dung đơn nhất, hay ý nghĩ đơn nhất là khái niệm tương phản với nội dung tổng quát (đây là khái niệm tương đối phức tạp. Người đọc nên tham khảo Jeshion, 2010). Nếu tôi đơn thuần hình dung trong tâm trí một nam diễn viên Hollywood tóc vàng, thì hình ảnh đó có thể mơ hồ đến nỗi không xác định được người này là ai. Hình ảnh trong trí tưởng tượng của tôi có thể đem so sánh với Brad Pitt, Steve McQueen, một tài tử giả tưởng hay hằng hà sa số người khác. Ngược lại nếu tôi chủ động tưởng tượng ra Brad Pitt, hay khi hình ảnh hiện lên trong trí óc xuất hiện đủ các chi tiết, thì giấc mơ của tôi không còn chứa nội dung tổng quát, nhưng sẽ liên quan tới cá nhân cụ thể này. Trong giấc mơ không phải lúc nào cũng xuất hiện người có đặc điểm tổng quát, mà lại là những người thân quen với người mơ – đặc biệt từ cuộc sống cá nhân như gia đình, bạn bè, v.v.
Đối lập với các lý thuyết Hệ quả luận, các thuyết Nghĩa vụ luận tin rằng chúng ta bắt buộc phải suy nghĩ theo một số nguyên tắc nhất định khi hành động hoặc không hành động, bất kể có hậu quả tới người khác hay không. Theo các lý thuyết Nghĩa vụ luận trong đạo đức học, có một số ý nghĩ mà tôi không bao giờ được ấp ủ vì bản thân chúng là sai trái. Các lý thuyết nghĩa vụ luận coi cá thể con người quan trọng hơn hệ quả hay hành động đơn thuần. Bản thân con người là mục đích tự thân, chứ không phải là công cụ để đạt tới một tình thế chúng ta mong muốn. Bởi vì giấc mơ thường liên quan tới người ngoài đời thực, nếu tôi gây hại đến “phiên bản trong mơ” của người đó nghĩa là tôi không đối xử với họ như một mục đích tự thân. Như vậy nguyên tắc Nghĩa vụ luận cũng được áp dụng trong giấc mơ: cần đối xử với con người như mục đích tự thân, thay vì như một phương tiện giải trí cho bản thân mình.
Trong cuộc tranh luận giữa hai trường phái Nghĩa vụ luận và Hệ quả luận, chúng ta phát hiện thấy các lập trường bớt cực đoan hơn. Có lẽ hai trường phái trên có thể thống nhất trên một số khía cạnh. Ví dụ trong mơ tôi có thể thực hiện hành vi vô đạo đức với các nhân vật có đặc điểm tổng quát, vì các nhân vật này không đại diện cho bất kỳ người nào trong thực tại tỉnh thức. Một số nhà nghĩa vụ luận có lẽ chưa thỏa mãn, vì trong mơ vẫn còn một yếu tố nội dung đơn nhất cực kỳ quan trọng – trong mơ chúng ta đại diện cho chính mình. Ông tổ của nghĩa vụ luận là Kant sẽ lập luận rằng khi đó chúng ta không đối xử với bản thân mình như mục đích tự thân, mà như một phương tiện để đạt tới các mục đích khác; tức là, kể cả việc giả vờ hành động vô đạo đức vẫn là việc làm sai trái trong bản chất, bởi vì khi ấy chúng ta đang đánh mất chính mình. Các nhà nghĩa vụ luận khác có thể cho rằng có sự khác biệt giữa huyễn tưởng và giấc mơ. Các huyễn tưởng là các hành động, tức là tôi ngồi xuống và quyết định đắm chìm vào những tưởng tượng của mình; ngược lại giấc mơ có vẻ bị động; so sánh này tương đương với cách thánh Augustine phân biệt hành vi và sự kiện. Theo quan điểm này, nếu tôi chỉ mơ một cách thụ động thì tôi không lợi dụng người khác để thỏa mãn mục đích của mình, còn nếu tôi chủ động tưởng tượng ra người đó thì có. Vì thế có lẽ quan điểm Nghĩa vụ luận chỉ áp dụng cho giấc mơ sáng suốt, ở đây cách phân biệt theo thánh Augustine vẫn có hiệu lực. Điều này sẽ giúp “giải oan” cho phần lớn, nhưng không phải tất cả các giấc mơ.
c. Giấc mơ trên lập trường Đạo đức học phẩm cách
Nghĩa vụ luận và Hệ quả luận là hai lập trường chủ đạo trong đạo đức học. Lập trường thứ ba là Đạo đức học phẩm cách - nhấn mạnh tới vai trò của phẩm chất con người. Cách tiếp cận này trong đạo đức học vượt lên trên các hành động đúng sai, hay thuần túy tránh làm hại và tối đa khoái lạc. Thay vào đó nó xem xét một cá nhân dưới góc độ toàn bộ cuộc đời anh ta, làm thế nào để có một cuộc đời tốt đẹp và phát triển các phẩm chất của người này. Ggiấc mơ có vai trò như thế nào trong lập trường đạo đức này? Đạo đức học phẩm cách biến câu hỏi “đâu là hành động đúng” thành một câu hỏi tổng quát hơn: “tôi phải sống ra sao?” Câu hỏi “liệu chúng ta có thể vô đạo đức trong mơ?” cần được mở rộng thành: “tôi có thể khai thác được gì từ giấc mơ để trở thành người có phẩm cách?”
Ta có thể phân tích giấc mơ theo Đạo đức học phẩm cách với sự trợ giúp của trường phái Freud hay Jung. Ở đây giấc mơ cho chúng ta tiếp cận với vô thức, và nói cho chúng ta biết – một cách gián tiếp – những động cơ và thói quen trong cuộc sống thực:
“Chính trong thế giới mơ mộng mà vô thức bày tỏ năng lực mạnh mẽ của nó. Chính ở đó mà các động lực lớn lao đấu tranh lẫn nhau hay kết hợp với nhau để tạo nên những thái độ, lý tưởng, niềm tin, và những thôi thúc để thúc đẩy hầu hết hành vi của chúng ta. Khi chúng ta trở nên nhạy cảm với giấc mơ, chúng ta sẽ khám phá ra rằng mọi mối tương tác trong giấc mơ đều đang thể hiện theo cách nào đó ngoài đời thực – trong những hành động, trong những mối quan hệ, các quyết định, các thói quen tự động, các thôi thúc và cảm xúc của chúng ta.” (Johnson, 2009: p.19)
Tương tự như thế:
“Việc nghiên cứu giấc mơ có thể đem lại nhiều giá trị hữu ích. Chúng có thể hé lộ những động lực và niềm tin nội tại của chúng ta, giúp chúng ta đối mặt với nỗi sợ, khích lệ tăng cường ý thức và thậm chí trở thành nguồn của sức sáng tạo và hiểu biết.” (Blackmore, 2004: p.338)
Để đạt tới hạnh phúc, sự thỏa mãn và phát triển nhân cách, chúng ta có trách nhiệm phải ghi nhớ và chú ý tới giấc mơ. Tuy nhiên, quan điểm này dựa hoàn toàn trên khẳng định rằng giấc mơ thực sự có chức năng như Freud và Jung nghĩ. Đây là quan điểm gây tranh cãi: Việc phân tích giấc mơ dưới bất kỳ hình thức nào đều thiếu sót vị thế khoa học, và nghiêng về mặt nghệ thuật nhiều hơn. Nhưng dù sao các mối tương tác xã hội và sự phát triển nhân cách vẫn nghiêng về nghệ thuật hơn là khoa học. Đạo đức học phẩm cách có lẽ là mặt bên kia của đồng xu, còn mặt bên này là phân tâm học. Một bên tập trung vào sự cải thiện nhân cách theo hướng tích cực, còn một bên tập trung vào việc tránh khỏi những rào cản tiêu cực trong tâm trí và hành vi. Liệu phân tâm học có nên được áp dụng thường xuyên hơn vào việc cải thiện nhân cách theo hướng tích cực? Đó là vấn đề được tiếp cận trong triết học về y học. Những băn khoăn này chạm tới một vấn đề tiếp theo, đó là có nên sử dụng giấc mơ trong trị liệu.
Đến thời điểm nào đó, một số thay đổi mà người ta thực hiện trong thực tại tỉnh thức thực sự “xuất hiện” trong mơ. Giấc mơ ở đây biến thành hình ảnh cụ thể của vô thức, lưu giữ những mô thức tư duy từ thực tại. Ta có thể truyền vào đây những mô thức tư duy mới, và đây chính là quá trình qua đó mọi người học được cách có giấc mơ sáng suốt. Hàng ngày, vào ban ngày, khi đều đặn truyền vào tâm trí những suy nghĩ rằng ‘liệu ta có đang tỉnh thức hay không’, qua thời gian mô thức tư duy này sẽ xảy đến trong mơ. Bằng việc liên tục tự hỏi “tôi có đang tỉnh thức không?” ngay giữa ban ngày, ta càng có khả năng tự hỏi như thế trong giấc mơ, để rồi nhận ra mình không ở trong thực tại tỉnh thức, và câu trả lời khi đó là ‘không’ (Blackmore, 1991). Với khả năng giấc mơ tái hiện những ý nghĩ trong thực tại tỉnh thức, và với ý niệm rằng chúng ta có thể học cách mơ sáng suốt, ta có thể tự hỏi rằng liệu thánh Augustine đã cố gắng hết sức để ngăn cản những giấc mơ quấy rầy ông, và liệu rằng ông đã thực sự chống chọi thành công những thôi thúc nhục dục như ông tưởng hay chưa.
Trong các giấc mơ thông thường, ta không có lựa chọn hay khả năng ra quyết định. Các giấc mơ sáng suốt thì gợi lên khả năng ra quyết định, đôi lúc còn sánh ngang với thực tại tỉnh thức. Giấc mơ sáng suốt đại diện cho ví dụ về khả năng hiện diện và hành động trong một thực tại ảo; nổi lên cực kỳ đúng lúc do số lượng người mơ sáng suốt đang tăng dần (các sách hướng dẫn nổi tiếng về giấc mơ sáng suốt được một số nhà tâm lý học bày bán và nhiệt liệt ủng hộ; xem LaBerge & Rheingold, 1990; Love, 2013) cùng với sự lan tràn của thực tế ảo trên máy tính. Trong khi các nhà Nghĩa vụ luận và Hệ quả luận có lẽ quan tâm hơn tới nội dung giấc mơ, thì các nhà Đạo đức học phẩm cách sẽ quan tâm tới giấc mơ như một hoạt động tổng thể, và vai trò của nó trong cuộc sống con người. Stephen LaBerge có lẽ là một nhà Đạo đức học phẩm cách ngầm khi bàn về giấc mơ. Cho dù ta tưởng con người là các chủ thể hành động theo đạo đức, chúng ta lại dành một phần ba cuộc đời mình để ngủ. Giấc mơ chiếm tới 11% trải nghiệm thần kinh của con người (Love, 2013: p.2). Phần lớn trong số đó là các giấc mơ thông thường, nơi chúng ta không được làm chủ thể ra quyết định. Vậy là một phần đáng kể trong đời sống chúng ta đang ở trạng thái hời hợt, chưa thỏa mãn. LaBerge lập luận rằng, nếu chúng ta không khám phá các giấc mơ sáng suốt tức là đang bỏ lỡ cơ hội khám phá tâm trí của chính mình để từ đó làm giàu thực tại tỉnh thức (LaBerge & Rheingold, 1990: p.9). Từ luận điểm đó, một người nếu muốn hoàn thiện phẩm giá sẽ cố gắng phát triển kỹ năng mơ sáng suốt. Có người sẽ phản đối rằng người mơ cần phải quay về sống trong thế giới thực. Sau cùng thì việc tập luyện để mơ sáng suốt sẽ mất thời gian và công sức với hầu hết chúng ta, vì nó đòi hỏi ta dành thời gian nghĩ về giấc mơ khi đang ở thực tại tỉnh thức. Chúng ta đã có thể dùng thời gian ấy để tham gia tình nguyện hay làm từ thiện. Trường phái Đạo đức học phẩm cách sẽ phản hồi với một luận điểm tương tự như với thói quen ngồi thiền: khi ngồi thiền, cá nhân sẽ bình tĩnh hơn trong các tình huống đe dọa đến đạo đức, và cố gắng thiết lập các thói quen về lâu về dài. Tương tự như thế, người mơ sáng suốt cũng tiến tới cuộc sống viên mãn và bồi dưỡng những phẩm chất và thói quen lâu dài. Giấc mơ sáng suốt có thể giúp một người hoàn thành nhiệm vụ khó khăn ngoài đời thật, bằng cách họ luyện tập nhiệm vụ đó dưới bối cảnh mô phỏng trong mơ (còn hơn cả tưởng tượng khi vẫn đang ở thực tại tỉnh thức). Như thế, nhờ giấc mơ sáng suốt mà ta có thể phát triển những phẩm chất mà nếu trong tình cảnh khác đã không phát triển được, và nó còn đóng vai trò khích lệ những “khái niệm đạo đức nổi trội” của con người – như gan dạ, dũng khí, khôn ngoan v.v. Giấc mơ sáng suốt giúp biểu lộ những phẩm chất này, và như vậy có thể được coi như công cụ để tiến tới mục đích là phẩm cách của cá nhân, hay đóng vai trò là một phẩm cách riêng đi kèm. Trải nghiệm con người có thể hiểu là bất kỳ lĩnh vực nào trong đó đòi hỏi một sự lựa chọn. Ít nhất thì giấc mơ sáng suốt cũng mang ý nghĩa mở rộng quyền tự quyết của con người.
---
(Ảnh minh họa: Black Mirror - USS Callister và Striking Viper; Divergent)
ND: Giấc mơ sáng suốt (Lucid dream) là một kiểu giấc mơ đặc biệt, trong đó chủ thể ý thức được rằng mình đang mơ. Người mơ sáng suốt có cấp độ ý thức tự thân (self-awareness) trong giấc mơ đặc biệt rõ rệt, có thể gây ảnh hưởng đến giấc mơ với một ý chí rõ ràng, và có khả năng lập luận logic cũng như truy hồi các ký ức từ thực tại tỉnh thức. Khi đó họ có thể chủ động khám phá giấc mơ như một thực tại mô phỏng, tự tạo nên những cảnh sắc và tình huống để đưa ra quyết định tương ứng. Do đó một số nhà tâm lý học coi giấc mơ sáng suốt là một công cụ để phát triển cá nhân hay có khả năng áp dụng vào trị liệu tâm lý.
Science2vn
/science2vn
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất