Phần 2:
Phần 2 đã đi qua lịch sử nghệ thuật từ thời Phục Hưng tới giai đoạn Tân Cổ Điển. Phần 3 sẽ đi tiếp từ chủ nghĩa Lãng Mạn vào cuối thế kỷ 18, tới nay, khi mà các trường phái nghệ thuật lần lượt ra đời.
Chủ nghĩa Lãng Mạn - Romanticism (1780 - 1830)
Cùng giai đoạn trường phái Tân Cổ Điển lui về sau cánh gà, chủ nghĩa Lãng Mạn nổi lên mạnh mẽ. Chủ nghĩa Lãng Mạn sở hữu những đặc điểm như đấu tranh cho tự do cá nhân, thúc đẩy tư duy độc lập và sự hoài nghi với thiết chế và quy củ. Các nghệ sĩ Lãng Mạn đề cao cảm xúc và trí tưởng tượng hơn là sự lý tính trong việc cảm nhận thế giới.
Có thể kể đến vài nghệ sĩ Lãng Mạn tiêu biểu như Francisco de Goya, Caspar David Friedrich và Eugene Delacroix. Francisco de Goya đã sử dụng những sự kiện lịch sử đương thời để tạo ra các tác phẩm về sự tàn khốc của chiến tranh. Eugene Delacroix cũng lấy cảm hứng từ lịch sử cho tranh của mình, và ngoài ra ông còn phác hoạ cả chủ đề văn học. Trong khi đó, Friedrich chú tâm vào phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, gửi gắm trong tác phẩm là những cảm xúc hỗn độn của mình.
Chủ nghĩa Hiện Thực - Realism (1840 - 1880)
Các nghệ sĩ theo chủ nghĩa Hiện Thực tách mình khỏi lối tiếp cận nghệ thuật phổ biến đương thời, đó là tập trung vào những chủ đề mang tính răn dạy, mang nhiều yếu tố tưởng tượng, hay có những ý nghĩa cao siêu. Thay vào đó, họ vẽ những cảnh, những sự kiện và những con người hết sức bình thường trong xã hội: đề tài tranh có thể chỉ là cảnh nông dân đang lao động, hay nhân vật có thể chỉ là những người dân làng. Những câu chuyện được họa sĩ kể bằng hình ảnh của những người chẳng có gì đặc biệt, thay vì qua hình ảnh những anh hùng trong sử thi hay những vị vua chúa. Gustave Courbet và Jean-Francois Millet là hai trong số những hoạ sĩ tiêu biểu của chủ nghĩa này.
Trường phái Ấn Tượng - Impressionism (1862 - 1892)
Trường phái Ấn Tượng được coi là một trong những trường phái quan trọng nhất trong lịch sử nghệ thuật hiện đại. Về cơ bản, những nghệ sĩ Ấn Tượng, thay vì nhắm đến sự phác hoạ theo công thức, lại tập trung vào những ấn tượng và nhận thức chủ quan. Họ vẽ những gì họ thấy và cảm nhận được trong khoảnh khắc. Họ không quan tâm đến thần thoại, vĩ nhân, và không cố gắng trở nên hoàn hảo trau chuốt. Tất cả chỉ là những ấn tượng ngẫu nhiên và mạnh mẽ được biến thành tranh.
Vào thời điểm này, các hoạ sĩ nếu muốn được trưng bày tranh sẽ phải được chấp thuận bởi Salon (triển lãm nghệ thuật của viện hàn lâm). Và các tác phẩm theo trường phái Ấn Tượng đã gặp phải sự chỉ trích kịch liệt từ giới nghệ thuật hàn lâm chính thống. Các nghệ sĩ Ấn Tượng, đứng đầu bởi Edouard Manet, quyết định mở triển lãm của riêng họ. Triển lãm dần đạt được những thành công rực rỡ, làm suy yếu vị thế độc tôn của Salon, tạo tiền đề cho sự ra đời của nhiều triển lãm khác trong tương lai. Có thể nói rằng, những nghệ sĩ Ấn Tượng đã đưa underground lên lầu cao. Những cá nhân tiêu biểu có thể nhắc đến là Edouard Manet, Claude Monet, Renoir, Edgar Degas.
“Người ta phải là người của thời đại mình và vẽ những gì mình thấy”. - Edouard Manet
Trường phái Hậu Ấn Tượng - Post-Impressionism (1880 - 1914)
Mặc dù trường phái tên là Hậu Ấn Tượng, các nghệ sĩ của trường phái này đã rẽ sang một hướng khác với những người tiền nhiệm. Thay vì đi theo khuynh hướng tự nhiên và cố gắng nắm bắt khoảnh khắc như các nghệ sĩ Ấn Tượng, các nghệ sĩ Hậu Ấn Tượng gửi gắm nhiều cảm xúc hơn trong tác phẩm. Ngoài ra, họ còn thử nghiệm với nhiều cách vẽ mới, như là kỹ thuật vẽ điểm màu của George Seurat, sử dụng các vòng xoáy như Vincent van Gogh, hay mô tả thiên nhiên dưới dạng các hình khối như Paul Cezanne.
Trường phái Biểu Tượng - Symbolism (1880 - 1910)
Trong khi trường phái Ấn Tượng chú tâm vào việc mô tả thế giới xung quanh, trường phái Biểu Tượng lại khai thác cảm xúc và tâm trạng của người nghệ sĩ. Các tác phẩm Biểu Tượng, như cái tên của nó, thể hiện những biểu tượng, hay còn gọi là những lối tắt về hình ảnh, nhằm khơi gợi và truyền tải cảm xúc. Những hình ảnh-biểu tượng này có thể là hình cái đầu đứt lìa, ma cà rồng, nụ hôn, người phụ nữ, khiến người xem phải suy nghĩ về ý nghĩa đằng sau mà tác giả muốn truyền tải. Edvard Munch và Odilon Redon là hai trong số những nghệ sĩ Biểu Tượng nổi tiếng.
Trường phái Biểu Hiện - Expressionism (1905 - 1933)
Trường phái Biểu Hiện sở hữu những đặc điểm độc đáo như là màu sắc mạnh mẽ phi tự nhiên và hình thể góc cạnh bị bóp méo. Thông qua những đặc điểm này, người nghệ sĩ bày tỏ và phóng đại cảm xúc cá nhân thay vì phác hoạ quan sát khách quan. Có hai nhóm nghệ sĩ đã đóng góp rất lớn cho trường phái này, đó là nhóm Die Brucke (Cây cầu) và nhóm Der Blaue Reiter (Kỵ sĩ lam). Hai người thủ lĩnh của họ, Ernst Ludwig Kirchner và Wassily Kandinsky, là những nhân vật xuất sắc của trường phái Biểu Hiện.
Trường phái Lập Thể - Cubism (1907 - 1922)
Lấy cảm hứng từ hình khối trong những tác phẩm của Paul Cezanne, Pablo Picasso và Georges Braque đã đồng sáng lập nên trường phái lập thể. Họ tiếp cận vật thể từ nhiều góc nhìn khác nhau, chia tách và kết hợp các góc nhìn lại ở dạng các khối lập phương đan xen vào nhau, kết quả là sự trộn lẫn các mảng hình học giống như trò chơi xếp hình. Thật khó để hình dung ra được tranh vẽ gì nếu chỉ nhìn lướt qua, nhưng sau khi quan sát kỹ càng, hình ảnh vật thể sẽ dần dần hiện ra.
Trường phái Siêu Thực - Surrealism (1924 - 1966)
Trường phái Siêu Thực luôn cố gắng bứt phá khỏi giới hạn lý trí bằng cách dùng tiềm thức như một nguồn cảm hứng dồi dáo. Những bức tranh được mô tả là như được vẽ bằng bản năng thuần tuý, hoặc là như những giấc mơ được vẽ bằng tay. Tính chất thơ mộng, kỳ lạ, ảo giác và ngẫu nhiên đã làm nên một trường phái Siêu Thực đầy sự độc đáo và bí hiểm. Một vài hoạ sĩ Siêu Thực tiêu biểu là Salvador Dali, Max Ernst và Joan Miro.
Nghệ thuật đại chúng - Pop Art (1950s - 1970s)
Vào những năm 1950, kinh tế Mỹ phát triển mạnh, kéo theo đó là sự bùng nổ về tiêu dùng. Nhu cầu trong nghệ thuật cũng tăng theo khi mà các ngành như quảng cáo và giải trí phát triển. Văn hoá đại chúng, với các sản phẩm như poster quảng cáo, tranh ảnh, sách báo, đã cung cấp rất nhiều chất liệu thị giác cho các nghệ sĩ. Các nghệ sĩ như Roy Lichtenstein, Richard Hamilton và Eduardo Paolozzi đã cho ra đời nhiều tác phẩm được công chúng yêu thích, mặc cho sự đánh giá thấp từ giới nghệ thuật hàn lâm.
Nghệ thuật đường phố - Street Art (1967 - nay)
Nghệ thuật đường phố ra đời vào những năm 1970, phát triển từ sự bùng nổ của graffiti tại New York. Các tác phẩm nghệ thuật đường phố thời đầu không được công nhận bởi giới giải trí chính thống, hoặc không được thị trường thừa nhận và thèm muốn. Nhưng nghệ thuật đường phố lại là thứ thân quen với những người dân bình thường chốn đô thị, nhấn mạnh sự phá cách, sự kháng cự thể chế cai trị và sự châm biếm xã hội. Dưới con mắt luật pháp, nghệ thuật đường phố là phá hoại của công, còn dưới góc nhìn của tầng lớp thường dân, đó là tiếng nói của họ cất lên từ cống ngầm. Sau nhiều năm, những nghệ sĩ như Banksy hay Basquiat đã góp phần đưa nghệ thuật đường phố đến với đại chúng.
Nghệ thuật đã có một hành trình dài và đầy biến đổi. Từ những nét vẽ và vết khắc đơn sơ thời tiền sử, tới muôn ngả sáng tạo thời hiện đại, nghệ thuật đã luôn là một phần không thể thiếu của nhân loại. Như đã nói ở hai phần trước, nếu coi nghệ thuật tới thời cổ đại là bước khởi động, thời trung cổ là bước vượt chướng ngại vật, thời Phục Hưng tới thời cận đại là tăng tốc, vậy hiển nhiên nghệ thuật hiện đại là về đích?
Có lẽ là không.
Vì sáng tạo là không giới hạn, vậy nên nghệ thuật sẽ không có cái đích cuối cùng.
Reference:
1. Khái lược những tư tưởng lớn - Nghệ thuật
2. Câu chuyện nghệ thuật
3. ISMS - Hiểu về nghệ thuật hiện đại
Science2vn
/science2vn
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất