Luận về tranh luận.
Tất cả những gì mình sắp viết dưới đây đều là kinh nghiệm, đúc rút của riêng cá nhân mình, nếu ai ghé qua đọc có quan điểm khác và...
Tất cả những gì mình sắp viết dưới đây đều là kinh nghiệm, đúc rút của riêng cá nhân mình, nếu ai ghé qua đọc có quan điểm khác và muốn bổ sung thì xin góp ý ở bên dưới ạ. Mình nhấn mạnh đây là kinh nghiệm, k phải quan điểm nha, đừng bắt bảo mình chứng minh ạ vì mình k làm được đâu, với cả, đặt cái title vậy cho nó vần thôi chứ mình k dám "luận" cái gì cả, đến chuyên ngành của mình mình còn chả dám mở mồm ra đòi "luận" vì thấy bản thân vẫn còn quá ngu muội, viết nhăng cuộc tí tẹo giết thời gian mùa cách ly thôi. Mình đang ở Ý, tình hình cũng hơi căng thẳng tẹo nên phải chôn chân trong nhà suốt ahuhu.
Kể từ hồi đại học đến giờ cũng cả chục năm trời rồi, mình rất ít khi tranh luận, đặc biệt là trên mạng. Mình là một đứa rất thích tiếp thu nhiều luồng quan điểm nên thật sự cực kì ba phải luôn, vậy nên hiếm khi "toàn tâm toàn ý" ủng hộ cho một quan điểm nào đó đến mức phải lôi ra tranh luận (mới cả cũng thích be cute nữa nên k thích nâng cao quan điểm làm gì ahihi), hơn nữa mình thấy cách mọi người tranh luận với nhau rất là toxic nên mình không muốn đẩy bản thân vào đó. Tuy nhiên, mình lại cực kì thích ngồi nghe mọi người "tranh luận" với nhau (mà thật ra nói là chửi nhau mới đúng, vì mình hay đọc voz), đây là lý do mình chả cần tranh luận vẫn tiếp xúc được với cả đống quan điểm trái chiều rất là thú vị và bổ ích. Hơn nữa việc đặt bản thân ở ngoài một cuộc tranh luận giữ cho mình có cái nhìn trung lập nên dễ dàng tiếp thu quan điểm từ nhiều phía (đã bảo là mình ba phải lắm mà). Vậy nên dù ít tranh luận thì cũng có chút quan sát và xin được đưa ra một số nhận xét sau.
1. Mọi người thường hay tranh luận để hơn thua chứ không phải để trao đổi quan điểm. Ai cũng muốn tao đúng, mày sai, mày ngu! Hết!
Trên góc nhìn của một đứa ba phải như mình thì trừ những thứ rõ ràng mạc lạch như kiểu 1+1 = 2 hay kiểu --A = A thì những vấn đề tôn giáo, chính trị văn hoá xã hội abc xyz ngày nay đều có khá là nhiều góc nhìn và cách tiếp cận, mỗi người lại có một lý do để nhìn theo góc riêng của bản thân. Vậy nên, tranh luận chỉ nên là nêu ra quan điểm, nêu rõ lý do dẫn đến quan điểm của mình, tại sao mình support quan điểm đó, vậy là xong. Ví dụ như chuyện thể chế chính trị của Trung Quốc chẳng hạn (cái này vừa đọc trên voz nên lôi ra luôn), người thì nói nó kìm kẹp, quản thúc, ngu dân và mất tự do cá nhân (dẫn chứng là kiểm duyệt, chấm điểm công dân...) , người thì bảo xã hội tốt, ổn định, ít tệ nạn, người dân ấm no, kinh tế ngày càng phát triển (cũng có đưa dẫn chứng thì phải mà mình k nhớ). Mình thấy cả hai quan điểm trên đều đúng (ba phải again), và việc mỗi người ưu tiên cái gì hơn (mà ở đây mình xin được mạn phép đoán là một bên thích nhân quyền, một bên thích yên ổn sung túc) sẽ dẫn đến việc người ta support cho quan điểm nào. Vậy nên để kết thúc cuộc tranh luận trên thì hai ông chỉ cần ngồi xuống vỗ vai bảo nhau theo kiểu "okie em đã hiểu ý thím, thím thích cái đó nhưng em thích cái kia hơn nên chúng ta không chung thuyền trong vụ này được rồi". Đó là một cuộc tranh luận healthy giúp thấu hiểm tâm can nỗi lòng của mỗi người, xong vui vẻ ai về nhà đó. Tuy nhiên rất nhiều cuộc tranh luận (or cãi nhau) mình thấy không kết thúc theo cách này mà thay vào đó là một cách rất là toxic, và toxic ra sao thì để nói ở đoạn dưới.
2. Kết cục chung cho các cuộc tranh luận mình hay được thấy đó là hai người quay ra công kích cá nhân nhau mà "đỉnh kao tuyệt đối" của hình thức này là việc các vozer lôi tiền ra đọ (à, đùa thôi nhá mình biết các thím ý đùa đấy, dẫn vào đây cho vui thôi).
Theo mình nghĩ, tranh luận có hai cách chính, một là đưa luận điểm bảo vệ quan điểm của mình và thứ hai là phản bác luận điểm của đối thủ, cách phụ có không thì mình không biết nhưng mình cho rằng công kích cá nhân không phải một cách đúng đắn để tranh luận. Tuy nhiên, khi anh cạn luận điểm để bảo vệ quan điểm của mình và cũng không còn gì để phản bác quan điểm của đối thủ nhưng anh vẫn nhất định phải thắng (again, lại là vấn đề tranh luận để hơn thua như mình đã nói ở trên) thì anh bắt đầu quay ra công kích cá nhân người ta. Mình nghĩ mục đích cho việc này là để gián tiếp chứng minh quan điểm mình đúng bằng cách chứng minh đối thủ ngu, mà thằng ngu thì nói gì cũng sai. Cái này đưa ra một quan điểm mới mà có thể nói nôm na là "thằng ngu nói gì cũng sai". Mình không ủng hộ quan điểm này vì thứ nhất, trong tầm nhận thức hạn hẹp của mình thì mình không biết định nghĩa thế nào là một "thằng ngu", hơn nữa, mỗi người có một mức độ hiểu biết cụ thể về một số lĩnh vực cụ thể nên không thể vơ đũa cả nắm là "thằng ngu nói gì cũng sai" được. Vậy nên việc công kích cá nhân trong tranh luận là không phù hợp trừ khi chủ đề anh tranh luận là về cá nhân người ta. Hơn thế nữa, mình thấy cách này rất là không văn minh.
3. Điều tiếp theo mình muốn để cập đến là văn phong một số người thường dùng để tranh luận.
Một số người có vẻ khá ưa thích giọng văn đánh đá, chua ngoa, mỉa mai, châm biếm khi tranh luận. Việc này không thể nói là sai, tuy nhiên mình thấy có một số vấn đề với giọng điệu này. Thứ nhất, những người mang giọng điệu này đi tranh luận thường có cái độ "thượng đẳng" hơn người khác, tức là kiểu nghĩ mình khôn hơn thằng kia và thay vì nghĩ rằng bản thân đang tham gia một cuộc tranh luận thì lại nghĩ mình đi dạy khôn nó. Thật ra thì cũng lắm người khôn thật và việc người ta mở mồm ra đúng là để thông não cho người khác. Tuy nhiên, nếu anh tiếp cận cuộc tranh luận theo hướng này, mình nghĩ, sẽ bị có một cái định kiến là thằng kia ngu, và rằng vì nó ngu nên nó nói sai (quay lại đoạn trên) nên somehow sẽ khó lòng tiếp nhận quan điểm của đối phương hơn, và vì thế khó lòng "thấu hiểu được tâm can, nỗi lòng" của đối phương - điều mình coi là mục đích chính của tranh luận (đoạn 1), và thế là cuộc tranh luận thất bại. Hơn thế nữa, việc mang giọng điệu này đi tranh luận sẽ tạo ra một không khí rất toxic, trừ khi việc anh muốn là chọc tức đối phương, còn nếu không mình không thấy việc này có tác dụng tốt. Bên cạnh đó, khi anh đã dùng cái giọng điệu mỉa mai như vậy, nếu anh có bị đối phương chứng minh cho là mình sai lè lưỡi thì anh cũng khó lòng có thể chấp nhận kết quả này hơn và từ đó sinh ra nguỵ biện, công kích cá nhân bla bla... Nhưng trên hết, mình nghĩ, những người dùng giọng điệu này phần nào muốn thao túng đối thủ và người theo dõi cuộc tranh luận (điều này cũng áp dụng cho những bài viết chia sẻ quan điểm), mình nghĩ giọng điệu mỉa mai nó có tác dụng thao túng tâm lý đáng kể với những người không "cứng". Vì mọi người thường hay nghĩ kiểu phải uyên bác thâm nho lắm mới hay mỉa mai, mà đã uyên bác thâm nho thì nói gì chả đúng, bồi thêm cái giọng văn "đanh đá chua ngoa" nói cái gì cũng kiểu chắc cú, nên người đọc dễ bị tin vào những gì được đưa ra bằng cách thức này. Đây là kinh nghiệm cá nhân của mình thôi vì mình đã từng bị thao túng kiểu này khá nhiều ngày xưa, nghe mấy bài chua ngoa nó đã làm sao, kiểu vậy. Hiện nay vẫn thỉnh thoảng bị, tuy nhiên nhờ ơn voz mà đã giải được độc phần nào. Hiện giờ khi đọc quan điểm cá nhân của người khác mình cố gắng trích ra đâu là luận điểm của người ta và bớt để ý đến văn phong râu ria hơn.
4. Điều cuối mình muốn nói trong bài này là việc vòng vo không xác định rõ phạm vi tranh luận và quan điểm từng bên muốn bảo vệ rõ ràng, điều mà lẽ ra rất cần thiết được làm ngay từ bước đầu của cuộc tranh luận.
Mình gặp điều này rất nhiều luôn. Có nhiều người tranh luận theo kiểu bẻ lái như cua rơ F1, chưa hết chủ đề này đã teleport qua chủ đề khác, rồi cuối cùng tống vào mặt đối phương một đống luận điểm siêu vĩ mô thuộc ti tỉ chủ để từ đạo đức, kinh tế hay môi trường, tư bản hay cộng sản abcxyz nọ kia. Trong khi đó ban đầu chỉ là nói về việc dùng tampon hay menstrual cup thì tốt hơn (ví dụ thôi nha) chẳng hạn. Cái này thì chắc chả cần nói nhiều người cũng biết, nhưng mà cái dở là một khi đã nhảy vào tranh luận thì thường hay bị cuốn theo những gì mà đối phương tống vào mặt mình. Mình thấy không chỉ những người tranh luận không chuyên dính phải bẫy này hoặc dùng mánh khoé này mà trong mấy cái chương trình pháp luật mình hay coi hồi trước, lắm khi mấy ông luật sư cãi nhau cũng vậy, được cái người ta tinh hơn nên thấy luận điểm nào không liên quan thì xin toà bác đi được. Vậy nên, hãy xác định cho mình một quan điểm và phạm vi rõ ràng từ đầu mỗi cuộc tranh luận, để thứ nhất nắn chỉnh luận điểm của bản thân, và thứ hai biết chọn lựa luận điểm của đối thủ đưa ra mà phản bác, không ai có nghĩa vụ phải phản đối nền kinh tế tư bản chỉ để bảo vệ quan điểm "dùng menstrual cup tốt hơn tampon" cả. Hoặc nếu thấy quá mệt mỏi với cái kiểu này thì chỉ cần thả nhẹ meme này mà thôi.
Mình không phải dân văn nên không được học hành bài bản gì về tranh luận (mà chính tả đoạn trên mình còn chưa chắc là có lỗi nào không ý vì khuya quá rồi lười rà lại), trên đây chỉ là vài điều nhỏ bé tí xíu mình ngộ được ra sau thời gian dài nằm vùng voz thôi, và đúc ra cũng chỉ để gọi là có tí credit cho voz hoặc để bản thân tránh dính phải lỗi đó khi đi tranh luận thôi chứ thật ra mình không mong mỏi gì tất cả mọi người tranh luận nhã nhặn, nhân văn, lịch sự đúng chủ đề cả. Nếu mà như thế thì voz sẽ chán lắm luôn ý. Còn, trong cái động nhện này có cả đống cao thủ văn vẻ, hên nếu có cao thủ nào ghé qua thấy có gì không đúng hoặc thiếu sót rất mong được chỉ giáo ạ, mà chỉ giáo nhẹ nhàng thôi nha, tâm hồn mình mỏng manh dễ vỡ lắm ahiuhiu.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất