(Kính tặng cô giáo Đỗ Hải Yến nhân ngày 20/11) 
Ngày tôi còn học ở trường đại học, một trường công nhỏ ít người biết tới ở miền quê nước Mỹ, có một bà giáo sư dán câu này ở cửa phòng: "Trò bạn có thể quên bạn đã nói gì, họ cũng có thể quên bạn đã làm gì, nhưng họ sẽ không bao giờ quên cảm giác bạn đã đối xử với họ ra sao." Ở nước Mỹ, các trường đầu bảng có tỉ lệ chọi rất khủng khiếp. Ví dụ như trường Columbia, 100 người nộp đơn thì chỉ có được 7 người vào. Tôi không có nằm trong những người có được vinh dự đó. Nhưng điều tôi biết, chuyện được vào trường nào là một chuyện không chỉ có năng khiếu mà còn có nhiều sự may rủi.
Emir hồi đó là một học sinh người Muslim nhập cư vào Mỹ từ nước Bosnia. Hồi bé, Emir lớn lên ở Bosnia là nơi có chiến sự mâu thuẫn liên miên, là người Muslim thì đi ra ngoài đường là có thể bị đánh nhừ đòn. Một ngày người hàng xóm nhìn thấy xác bố cậu trên đường. Cả gia đình sau đó phải tháo chạy sang Mỹ. Lúc đó Emir 15 tuổi, mang sang nước Mỹ chỉ một cuốn tiểu thuyết tên là Pháo Đài (The Fortress) bằng tiếng Bosnia. Quyển sách là một trong những đồ vật quý giá nhất của cậu, là cuốn sách cậu lấy trộm từ một thư viện ở Bosnia. Gia đình cậu ta chuyển tới một nơi tồi tàn, học trong một trường công toàn học sinh da đen. Khi đến trường có học sinh da đen thì Emir là một trong số ít học sinh da trắng, lại bị đánh nhừ đòn tiếp. Emir lúc đó không biết nói tiếng Anh, chỉ bập bẹ vài từ.
Cuộc sống khiến cậu thu mình vào làm bạn với sách. Emir về nhà chỉ biết ngồi đọc quyển tiểu thuyết rồi cố tra từ điển dịch sang tiếng Anh để tự củng cố khả năng ngôn ngữ rất hạn chế của mình. Đến một hôm, cô giáo dạy thay tạm môn Tiếng Anh mà cậu chỉ nhớ tên là cô Ames bắt cả lớp viết một bài luận về một bức tranh học sinh tự chọn. Đó là một thử thách vì Emir lúc đó chỉ có khả năng ngôn ngữ rất hạn chế -- nhưng cậu chợt nhớ ra trong cuốn sách cậu yêu thích có một đoạn tả về một bức tranh. Thế là cậu đi bê nguyên mấy trang cuốn sách đó để viết vào bài luận. Bình thường trường ở Mỹ làm rất ngặt chuyện đạo văn, nếu bị túm được sẽ bị đánh trượt luôn lớp và bị cảnh cáo nhớ đời.
Ngày hôm sau, cô giáo bỗng đến ghé vào tai Emir nói nhỏ, em phải chuyển khỏi trường này đi. Emir hỏi, em chuyển đi đâu? Cô giáo nói, có trường tư cạnh đây. Nhưng trường tư thì tốn tiền lắm? Cô giáo nói, thế thì em phải xin học bổng. Mai cô đi phỏng vấn xin việc ở trường đấy, để cô chở em đi nói chuyện với họ xem họ còn học bổng không. Thế là hôm sau hai cô trò lục đục đi. Cô thì đi phỏng vấn, còn trò thì đi nói chuyện với ban tuyển sinh. Cậu nhớ cậu học thuộc lòng được đúng một câu: "Em là học sinh người Bosnia. Trường em học chán lắm. Em xin các thầy cô cho em học ở đây." Trường thì đã hết học bổng từ sáu tháng trước rồi, nhưng cậu lại nài nỉ tiếp: "Em là học sinh người Bosnia. Trường em học chán lắm. Em xin các thầy cô cho em học ở đây." Hoá ra câu nài nỉ này, cộng với bài luận cô giáo mang đi theo cùng lại lọt tai ban tuyển sinh. Cô giáo mang theo bài luận của cậu để nói rằng mình yêu nghề dạy học vì có những học sinh viết được bài luận như thế này.
Cậu được nhận vào thật. Ngôi trường mới là giấc mơ với cậu. Nhờ học trường đó, mà về sau Emir được nhận vào Harvard, học bổng 100%. Về sau Emir vào tiếp chương trình PhD ở Harvard.
Emir hồi mới đến Mỹ có chơi thân với một cậu bạn ở trường cũ, cũng thông minh sáng dạ không kém, cũng là dân nhập cư Bosnia, ban đầu cũng như Emir. Nhưng vì không có ai ghé tai như Emir, cậu bạn này về sau phải về lại Bosnia. Sau đó, cậu bạn này vất vưởng lêu lổng phải vào tù.
Emir sau khi vào trường mới cố gắng tìm cô Ames, nhưng cậu không thấy bóng dáng cô giáo đâu. Cô giáo chắc chắn không dạy ở trường mới. 
Emir Kamenica giờ là Giáo sư trường đại học Chicago, một trong những đại học danh giá nhất nước Mỹ. Emir trong nhiều năm cố hỏi dò tung tích, nhưng không biết cô giáo đã phiêu bạt phương trời nào. Chương trình This American Life sau này có thuê thám tử giúp Emir tìm lại cô giáo cũ. Khi người thám tử dò ra số điện thoại của cô nói có người học trò cũ muốn tìm cô, cô giáo nghĩ ngay đó là Emir. 
Hoá ra khi cô trò gặp lại, câu chuyện mà Emir biết sự thật không phải vậy. 
Cô giáo lúc đó mới kể chuyện của mình. Sự thực là cô giáo không chỉ ấn tượng cậu Emir chỉ đúng vì bài văn đó, mà đã để ý cậu làm rất nhiều việc ở rất nhiều thời điểm khác nhau. Vào hôm đó, cô Ames cũng chẳng có phỏng vấn gì ở trường kia, mà đơn giản chỉ đến đó để xin cho Emir vào trường. Sau này khi Emir chuyển đi rồi, ban giám hiệu trường cũ biết chuyện rất giận vì cô Ames giúp một học sinh sáng dạ như Emir chuyển đi. Cô giáo bị cắt giờ, trù ẻm ở trường cũ. Về sau một thời gian cô bỏ nghề đi theo chồng làm việc khác. Emir là người trò cuối cùng của cô giáo. Nhưng khi nói lại chuyện cũ, cô giáo có nói, đâu có gì lớn đâu vì nếu không có tôi giúp Emir thì người khác cũng giúp.
Đúng là có thể người sáng dạ như Emir có thể không trước thì sau cũng có người giúp. Và đúng thế thật, Emir không nhớ cô đã làm gì, nói gì, thậm chí tên cô giáo là gì, nhưng ông ta nhớ mình đã được cô đối xử ra sao.
(Hết phần 1.)