PHẦN 1: TÔI KHÔNG MUỐN NGHE NHỮNG LỜI KHUYÊN THỪA THẢI

Trong một buổi họp lớp, tôi với anh tình cờ gặp lại nhau. Chúng tôi như cá gặp nước, cứ tíu tít hết chủ đề này đến chủ đề nọ, đến khi buổi tiệc tàn, chúng tôi vẫn chưa hết chuyện để kể nhau nghe. 23h đêm, tại một quán cà phê gần đó, chúng tôi tiếp tục những câu chuyện dở dang của mình.
- Sao lúc bị vậy, em không gọi anh?
- Để làm gì?
- Anh sẽ cho em biết em cần làm gì để vượt qua giai đoạn khó khăn đó
- Đó là lý do tui không gọi mấy người đó vì tui thừa sức biết mấy người chỉ nói với tui những thứ thừa thải
- ...
- Xin lỗi với cả cám ơn, nhưng tui không cần lời khuyên.
- ...
Tôi bỏ về.
Chúng tôi chưa bao giờ là bồ nhau dù có cảm mến nhau. Nhưng một người luôn chực chờ những lúc tôi có vấn đề để lên lớp, để thể hiện thì chắc chắn không bao giờ gắn bó với tôi lâu dài được nên tôi không bao giờ muốn phí thanh xuân của mình cho họ.
Có một thời gian con bạn của tôi stress khá nặng về công việc của mình. 10h đêm, nó gõ cửa phòng tôi rồi ngồi khóc như mưa rồi bắt đầu kể lể. Tôi thì vừa lắng nghe câu chuyện, vừa dọn phòng. Dọn xong phòng tôi đi giặt đồ. Lâu lâu cũng không quên đứng về phe nó để chêm vào mấy câu đồng cảm kiểu: “Gặp tao chắc mày cũng nổi điên như mày”. Và sau đó nó sẽ tự động dừng lại nghĩ ngợi một chút rồi bảo: “Thật ra lúc đó tao không nên nổi điên như vậy”. Nó cứ kể và tôi cứ giặt đồ và không quên ậm ờ cho tới khi tôi không còn nghe giọng nó nữa. Bò lên xem thì nó lăn ra ngủ từ lúc nào. Sáng hôm sau, nó lại tắm rửa, sửa soạn rồi đến công ty, đi làm như đêm qua chẳng có cơn bão nào ghé thăm thành phố.
Khi lắng nghe một đứa nào đó tâm sự, tôi thường đặt mình vào đứa đó để cảm nhận xem nó cảm thấy như thế nào thay vì tìm cách giải quyết vấn đề cho nó. Và thường thì trong một buổi nói chuyện, tôi sẽ nói những câu đại loại như:" Ôi đệt", "Đậu mợ", "Chời má", "Rồi mày tính sao?" hoặc "Gặp tao tao giận lắm mà lúc đó mày thấy sao?", "Gặp tao tao sẽ làm vầy, còn mày sao?"... Hoặc có những lúc, tôi không đồng tình về những gì bạn tôi nói hay làm, nhưng trước hết, tôi sẽ quyết liệt ủng hộ nó, rằng nếu là tôi, tôi cũng sẽ làm vậy, thậm chí là mức độ còn ghê tởm hơn nhưng sau đó tôi sẽ kêu tôi cảm thấy mình sai hay có lỗi... Phần cảm nhận và quyết định còn lại là ở nó. Song nó có làm sao thì tôi vẫn ủng hộ nó hết mình miễn là nó cảm thấy thoải mái hơn, hạnh phúc hơn.
Trong một hội chị em phụ nữ với nhau, tôi cũng từng đặt câu hỏi: “Những lúc tụi bây chia sẻ một vấn đề gì đó với bạn bè hay thằng bồ của tụi bây, tụi bây mong đợi gì vậy?”. Hết đứa này đến đứa nọ lần lượt trả lời, song chung quy lại câu trả lời là: Chia sẻ vậy thôi, nói ra cho vui, cho đỡ tức, cho đỡ giận, xả ra cho nhẹ đầu, nhẹ lòng vậyHOÀN TOÀN KHÔNG MONG CHỜ MỘT CÁCH GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ TỪ NGƯỜI ĐỐI DIỆN. Tại chuyện của mình, mình rõ hơn bất cứ ai hết. Cần phải làm gì để giải quyết vấn đề của mình, bản thân người đó rõ hơn ai hết. Nhiều khi tâm sự vậy nhưng thực chất, họ đã tìm ra được câu trả lời cho từng vấn đề rồi nên thật sai lầm nếu cứ đưa ra lời khuyên cho những kẻ chỉ có nhu cầu được chia sẻ.
Khá nhiều cặp đôi chẳng thể giao tiếp được với nhau cũng vì lý do trên. Đó là lý do tại sao trong cuốn sách "Đàn ông đến từ sao Hỏa, đàn bà đến từ sao Kim" lại ví đàn ông là "Quý Ngài Giải Quyết", trong khi đó, đàn bà là "Ủy Ban Phán Xét Gia Đình". Ở đây, tôi chỉ trích một đoạn nói về "Quý Ngài Giải Quyết"
Những phàn nàn được giãi bày thường xuyên nhất của người đàn bà về người đàn ông là đàn ông không chịu lắng nghe. Hoặc là đàn ông hoàn toàn lờ cô ấy đi khi cô ấy nói chuyện với anh ta, hoặc anh ta nghe một vài giây, đánh giá xem điều gì đang quấy rầy cô ấy và rồi đội chiếc mũ của Ngài giải quyết một cách đầy tự hào và đưa ra cho cô ấy một giải pháp để làm cho cô ấy cảm thấy tốt hơn. Anh ta tức giận khi cô ấy không coi trọng cử chỉ thể hiện tình yêu của anh ta. Không biết bao nhiêu lần cô ấy nói với anh ấy rằng anh ấy không lắng nghe, nhưng anh ta bỏ ngoài tai điều đó và vẫn tiếp tục làm điều giống như thế. Cô ấy cần sự cảm thông, nhưng anh ta nghĩ cô ấy cần những cách giải quyết.”
Đây là một trong những lý do dần dà về sau, tôi không còn chia sẻ nhiều chuyện của mình với bạn bồ nữa. Thay vào đó, tôi chọn im lặng hoặc giả bộ như không có gì nhưng đằng sau đó mình vẫn phải tìm đến những cái thùng rác có đáy - là những con bạn thân chí cốt mà xả ra, rồi tự dọn dẹp. Vì cảm giác như tụi nó biết chia sẻ, lắng nghe hơn là bạn bồ của mình. Song nếu có tâm sự gì với bạn bồ, hẳn là tôi chỉ việc tường thuật lại những chuyện đã rồi. Sau đó, bạn mà kêu “Đáng lẽ ra em phải...” thì chúc mừng bạn, bạn đã tìm ra một trong nhiều câu trả lời cho câu hỏi: “Có điều gì sao không nói cùng anh?”