Là 1 trong những biểu tượng văn hoá đại chúng gây ấn tượng lâu năm tại Việt Nam. Như Pele, Maradona, Ronaldo, Michael Jordan trong thể thao hay Michael Jackson, Madonna trong âm nhạc. Đa phần người thường không liên quan, không yêu thích hay không chú ý đều không biết rõ về họ. Nhưng ai cũng đã nghe đến nhưng cái tên quen tai này. Mẹ tôi nhớ được tên Maradona và Ronaldo như 1 điều đương nhiên với tôi, mà bà chả thật sự xem bóng đá ngày nào.
Và chúng ta ai cũng đã nghe đến "Tiểu Lý Phi Đao" như 1 câu cửa miệng của hành động ném dao hoặc có lẽ các bạn trẻ không nghe thấy nhiều nữa. Nhưng khi nghe ai đó nói đến thì chắc các bạn đều biết họ nói về cái gì chứ. Nhỉ??? Nhỉ???
Vậy Tiểu Lý Phi Đao nói về cái gì, về ai, tại sao ấn tượng của nó trong văn hoá đại chúng Việt Nam sâu sắc vậy.
Bài viết này tự nhiên tôi rửng mỡ nên muốn viết. Xin giới thiệu cho những người chưa hiểu về Tiểu Lý Phi Đao. Bài đầu tiên của tôi trên Động Nhện, có sai xót thì những người hiểu chuyện bỏ qua cho.
Tiểu Lý Phi Đao - là chỉ 1 món vũ khí, 1 môn võ công, 1 người.
Vũ khí là cây đao khắc gỗ rẻ tiền, tác dụng lớn nhất là, ờ, khắc gỗ, đáng lẽ phải thế.
Võ công không tên, hoặc đã được phát triển đến không còn giống võ công thời kỳ đầu, hay thậm trí vượt xa rồi nên cũng chẳng cần nhắc lại cái tên nữa. Chỉ biết giang hồ gọi môn võ công này là tiểu lý phi đao (chết tên rồi nên tôi đoán bản thân chủ nhân cũng chả muốn sửa hoặc nó chưa bao giờ có tên để mà sửa lại)
Người là Lý Tầm Hoan a.k.a. Lý Thám Hoa.

Bản thân cái tên cũng có ý nghĩ thật đơn giản. Định danh Tiểu Lý - con út nhà họ Lý danh giá có truyền thống thư hương-tức là học hành thi cử-lâu đời. Họ Lý này có 1 đặc biệt ở chỗ "cả nhà thám hoa" tức là mỗi đời trong nhà họ - đã mấy đời (đến đời Lý Tầm Hoan là 3 người con thì phải) - đều đã từng thi đậu thám hoa (xếp thứ 3) trong cuộc thi tuyển công chức hàng đầu (và duy nhất) hàng năm của cấp bậc nhà nước thời phong kiến xưa - bao gồm con út Lý Tầm Hoan.
Với những kẻ giang hồ liếm máu trên lưỡi đao thì họ chỉ tôn trọng sơ sài hoặc không quan tâm đến những chức vị đó cho lắm. Cho đến khi họ có thể dùng nó để định danh 1 người. Tiểu Lý - Lý Thám Hoa - những cách gọi phiếm chỉ đơn giản, dễ nhầm lẫn với người họ Lý khác hay vị thám hoa khác của nhà họ Lý hay nhà họ Lý khác. Nhưng với giang hồ, (và với các fan mê kiếm hiệp) thì cái tên đó gọi ra cũng có nghĩa kẻ nói ấy đang nói đến 1 người, chỉ 1 người - đứa con thứ ba nhà họ Lý có tuyệt kỹ phi đao rúng động khắp giang hồ. Lý Tầm Hoan.
Phi Đao thì là loại vũ khí tầm thường bình dị và cơ bản đến không thể cơ bản trong văn minh lịch sử nhân loại.
Không tin à, nói quá à... Tìm con dao gọt hoa quả trong bếp của bạn, rửa sạch, nghiêm cấm nhắm vào người, cũng đừng nhắm vào vật cứng (nó bật lại, yêu lên mặt bạn thì tôi xin miễn trừ trách nhiệm xúi dại).
Cầm dao bất cứ kiểu nào bạn thích, đứng kiểu gì thấy thoải mái nhất (đề nghị đứng sau cánh cửa hoặc góc tường, thò cánh tay ra thôi nếu bạn ưa mạo hiểm thì có thể thò 1 bên mặt ra - cảnh báo 18+, kỹ thuật này không cần là chuyên gia nhưng thằng ngu cũng biết nếu bạn làm thế rủi ro sẽ lớn thế nào nên khuyến cáo những thằng ngu đừng làm)
Nâng dao lên cao. Vung mạnh. Trong khi vung, các ngón tay giữ dao thả lỏng bất kỳ thời điểm nào bạn thích - NHỚ KỸ LÀ CHỈ THẢ TAY TRONG KHOẢNG BIÊN ĐỘ VUNG TAY 160° (chuyển động từ 0° đến 180° của cánh tay so với phương vuông góc với mặt đất trừ hao khoảng góc nguy hiểm 10°, gần góc 0° và góc 180°)Nếu bạn đã đọc hiểu và ngu đến mức làm thật. Thì chúc mừng. Bạn vừa thực thi thành công kỹ năng phi dao trong truyền thuyết đấy.
Chúng ta thấy phi dao dễ nhập môn thế nào. Từ những người bình thường (hoặc bất thường nếu bạn thử) đến mấy anh lính biệt kích kỹ năng phi phàm trong phim hành động đều có thể phóng dao như 1 kỹ thuật thông dụng và tiện lợi. Và đương nhiên không có gì đặc biệt.
Nhưng như đã nói, có 1 người dùng thứ vũ khí tầm thường, gần gũi ấy làm những việc phi thường (ông Cổ Long viết thế). Ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả đến mấy chục năm.
Thời đó Tiểu Lý Phi Đao danh trấn giang hồ, không ai không biết, không ai không hiểu cây đao (tôi nhớ đâu đó nguyên liệu là sắt thường của thợ rèn làng và có đọc về cân nặng với chiều dài của cây đao này ở đâu đó mà không nhớ ở đâu. Nhưng nói chung là nhỏ, nhẹ, bản chất kém cỏi đến không đáng kể so với các thần binh lợi khí khác) xếp hàng thứ 3 trong Binh Khí Phổ.
Kẻ mới nhập giang hồ đã được các tiền bối uống rượu bốc phét nói về nó như chuyện mồi dậy cho lũ thanh niên vô tri ít hiểu biết.
Kẻ trôi dạt giang hồ lâu năm thì nói về Tiểu Lý Phi Đao như hiểu ngầm ám chỉ, rút gọn của câu nói:
Tiểu Lý Phi Đao . Lệ Vô Hư Phát.
Tức là Tiểu Lý Phi Đao 1 khi phóng ra là sẽ không trượt. Với kẻ hiểu câu nói này thời đó thì đây là thứ định luật không cần chứng minh - trừ 1 số kẻ muốn được làm thử nghiệm hoặc bắt buộc phải bước vào danh sách nhân chứng của luận điểm ấy, dù không muốn.
Dùng bao nhiêu hoa lệ, mỹ từ cũng không thay đổi bản chất sự thật. Phi đao thật ra là 1 loại ám khí - từ để chỉ những thứ vũ khí nhỏ, nhẹ, âm hiểm, độc ác đôi khi còn bôi độc. Nhờ nhỏ bé mà có thể giấu sâu trong các túi đặc biệt của quần áo, dùng để ném hoặc phóng ra từ 1 góc âm u, khuất nẻo, không đáng chú ý. Tác dụng là giết người, giết thật nhanh, thật gọn. Trúng chỗ hiểm và nạn nhân chết ngay tức thì, còn hung thủ cao chạy xa bay.
Ám khí trong hầu hết những định nghĩa giang hồ cũ thì luôn đi đôi với những kẻ yếu ớt như phụ nữ để lấy lợi thế chiến đấu khi sức lực không bằng đàn ông. Hay những kẻ gian xảo, thâm hiểm dùng để giết người lén lút hoặc bất ngờ. Kẻ dùng ám khí đánh nhau trong cuộc đấu 1vs1 mặc định là kẻ nhát gan tầm thường, không có danh dự, không có tự tôn và nhân phẩm của kẻ học võ (Ừ thì hơi cứng nhắc, dập khuôn và bệnh hình thức còn thêm tội khinh thường phụ nữ nữa. Nhưng bạn muốn gì, quay đi quay lại định nghĩa của giang hồ là thế giới nhân sinh của những con người trung quốc thời cổ. Hoa lệ phù phiếm và trọng nam khinh nữ là đương nhiên. Lịch sử thực tế và hư cấu chồng chéo, phân tách không ra thì đừng soi mói)
Nhưng ngần ấy sự tiêu cực lại không che mờ đi được ánh sáng của Tiểu Lý Phi Đao. Nó là vũ khí tầm thường. Phải. Nó được Lý Tầm Hoan sử dụng nên nó là biểu tượng cho sự phi thường.
Lý Tầm Hoan không phải anh hùng đại nghĩa điển hình, anh là hiệp khách mộng mơ. Mơ trong cái thế giới giang hồ hỗn loạn, biến động vì danh và lợi. Mơ về hạnh phúc đời người, mơ về thế giới phi thực mà mọi người có thể sống hết mình đúng với nhân phẩm 1 con người. Không tách biệt với con vật, không, chỉ tự trọng hơn và tự tôn hơn con vật 1 ít thôi. Anh hiểu và tôn trọng cả "con" lẫn "người". Anh không thần thánh hoá mục đích và hành động của mình.
Chỗ này xin lạm bàn chút về anh hùng trong truyện kiếm hiệp điển hình. Tiêu Phong hy sinh cả mạng sống vì danh dự và lý tưởng hoà bình. Quách Tĩnh hy sinh cả gia đình (Quách Tương còn sống nhưng tôi nghĩ cô còn sống vì cô may mắn, nếu đến lúc thì Quách Tĩnh cũng sẽ mang theo cô đi chịu chết cùng cả nhà) vì tự tôn quốc gia.
Không nói đúng sai, chỉ luận sự. Cá nhân tôi tôn trọng bất cứ sự hy sinh có lý do nào. Vì khi người ta sống và chết hết mình mà lại không phải chỉ vì mình thì bản thân họ đã thăng hoa lên không phải người. Không nói là thành thánh vì tôi thấy chữ thánh, chữ thần nó hơi nhàm thôi.
Tôi tự tiện tý, gọi họ là những kẻ "tử vì đạo" (Đừng liên tưởng sang Trung Đông, xa quá) Họ là anh hùng vì chính họ không quan tâm đến danh tiếng anh hùng hay đại hiệp. Họ chỉ làm điều bản thân họ thôi thúc phải làm, không hơn.
Còn Lý Tầm Hoan. Anh có hy sinh? hy sinh vì cái gì?
Tặng cả gia tài và người yêu cho tình địch (dùng từ tình địch thì hơi quá vì thật ra Long Tiêu Vân và Lý Tầm Hoan lúc đó là bạn, bạn thân, anh em chí cốt) Nhưng dù sao anh đã cho hết chỉ vì chữ "nghĩa".
Điều đó có đáng trân trọng? 1 lần nữa không nói đúng sai, không luận thành bại. Bản thân sự hy sinh đó là thứ khiến tất cả những người đọc, người biết về Lý Tầm Hoan đều có chung thứ cảm giác tắc thở.
Tôi có từng muốn hy sinh vì lý tưởng, vì đất nước. Có tôi có, không biết nếu thời điểm đến tôi làm được không hay là run chân quỳ gục. Ít nhất tôi có suy nghĩ đến nó và đã quyết định trong đầu (thằng nào có tý máu yêng hùng chả thế, đặc biệt lũ con trai mê truyện kiếm hiệp, cửa miệng treo hai chữ giang hồ lại sinh ra trong tình cảnh đất nước hiện nay)
Nhưng có nghĩ thêm 1 ngàn, 1 vạn lần tôi cũng không nghĩ ra thêm 1 thằng ngu nào đem tặng cả người yêu lẫn gia tài của hắn cho người khác mà chả nhận lại được bất cứ thứ vật chất hay vui thú tinh thần nào ngoài chữ "nghĩa" sáo rỗng. Lại còn phải bỏ đi xa xứ nữa chứ.
Tôi không làm được, tôi cũng không nghĩ có ai khác làm được. Nên đơn giản là không nên nhìn Lý Tầm Hoan như 1 người. Vì anh đếch phải người.
Nhưng nếu Lý Tầm Hoan chỉ là 1 thằng ngu yếu hèn theo định nghĩa của bất cứ thứ văn hoá nào. Thì chúng ta hay chúng tôi-lũ người giang hồ 1/4 mùa-đã không phải nhắc về anh nhiều đến thế. Đúng không???
Lý Tầm Hoan không mạnh mẽ về thể chất (bệnh phổi ăn mòn từng hơi thở anh) hay tinh thần (có 1 thời gian say rượu, quên đời để chốn tránh quá khứ). Lý Tầm Hoan thậm chí yếu mềm kinh khủng trước tình trường. Không đáng mặt đàn ông-theo định nghĩa thời nay-bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ người yêu Lâm Thi Âm xinh đẹp yêu mình tha thiết để... đi bụi mười mấy năm giời.
Lý Tầm Hoan cũng không có cách sống chuẩn mực đáng ngưỡng mộ, anh ốm o bệnh tật nhưng vẫn háo rượu như mạng (đúng ra theo tôi là hơn mạng, đa phần các nhân vật chính của Cổ Long đều thích rượu, nếu được chắn các bố thay máu bằng rượu luôn)
Tính ra nhân sinh của anh cũng chả được tính là thành công (trừ lúc cuối cùng lấy vợ trẻ nhưng Tôn Tiểu Hồng mới là người chủ động).
Đời anh đầy thứ bi lụy, những hiểu lầm, và những lựa chọn có vẻ thiếu thông minh. Thế nhưng tên cúng cơm cha mẹ đặt (hay ông Cổ Long đặt) cho anh hiểu nghĩa gốc là Tìm Vui. Như 1 cái nhếch mép trào phúng sự đời của ông tác giả cũng háo rượu hơn mạng.
Nhìn lại phần đầu truyện khi Lý Tầm Hoan trở về từ quan ngoại tôi đoán chắc cũng có những người như tôi nghĩ là: ông đi luôn đi, về làm méo gì. Vừa chường mặt ra đã bao thứ đổ xuống đầu.
Nhảm nhí.
Ừ thì tình tiết câu chuyện nó thế, không thế thì ông Cổ Long lấy tiền đâu mua rượu.
Nhưng cảm thán thế thôi. Biết đâu thật ra anh bệnh nặng nên nhớ nhà, nhớ quê hương, nhớ Lâm Thi Âm, nhớ Long Tiêu Vân... Anh nghĩ, chắc thế gian đã quên anh rồi, nên anh chỉ muốn lẳng lặng trở về rồi lặng lẽ ra đi không cho ai biết.
Và như đã nói, với 1 tồn tại như Lý Tầm Hoan. Giang hồ không quên anh dễ vậy, thò đầu ra là những giằng xé tréo ngoe, những âm mưu thâm hiểm bủa vây xung quanh anh.
Lý Tầm Hoan trở về trong lặng lẽ để thấy kết tinh từ "hy sinh" của anh - Long Thiếu Vân nhỏ tuổi mà độc địa bất thường. Anh thấy người anh kết nghĩa Long Tiêu Vân bên ngoài nạm ngọc tô son, bên trong thối rữa, mục ruỗng với quyền lực và hư vinh. Thấy hoặc có lẽ cảm được hậu quả của cuộc đời và lối suy nghĩ lãng tử nghĩa khí rởm của anh gây ra với người anh yêu và cũng phần nào còn yêu anh-Lâm Thi Âm. Cô chưa đến mức tàn tạ, héo mòn nhưng ai cũng hiểu lòng cô chết 1 nửa vì anh. Ác nghiệt nữa là nửa hy vọng còn lại của cô - Long Thiếu Vân lại cũng bị chính tay anh phế võ công (đừng tưởng là chỉ thế mà thôi, không chết đã là may. Trong cái thế giới giang hồ của Cổ Long thì phế võ công không khác gì bị "thiến", sống dở chết dở) Lâm Thi Âm là người thường và vẫn sống tốt, là 1 người mẹ có lẽ cô vui phần nào vì con trai mình không phải gia nhập chém giết trong giang hồ. Nhưng vẫn là 1 người mẹ cô sao có thể không cảm được hi vọng, khao khát của con trai với hư vinh và quyền lực ảo vọng nơi giang hồ tranh đấu sặc mùi đàn ông ấy. Cô sao không biết nỗi thống khổ của đứa trẻ, khi tương lai "sáng lạn" của nó bị cướp mất. Bị chính Lý Tầm Hoan đạp đổ.
Gã lãng tử có cảm nhận được nỗi đau đứt ruột của người mẹ. Có lẽ có, có lẽ không.
Người đàn bà có cảm thấy nỗi thất vọng trong mắt người (có lẽ vẫn) yêu cũ.
Người vợ có cảm thấy xấu hổ với người chồng khi (1 lần nữa-có lẽ) cô đang ngoại tình trong tâm tưởng với người đàn ông đã làm hại con cô.
Rồi người em "kết nghĩa" có ngại ngần với người anh "kết nghĩa" vì anh (lần này chắc chắn) vẫn yêu người hiện tại hắn phải gọi là chị dâu (tôi biết các ông nghĩ gì luôn). Rồi thậm chí còn đánh phế thằng cháu quý hoá.
Và người "thứ ba" Long Tiêu Vân nghĩ gì.
Xen kẽ giữa đao kiếm chém giết còn có ân, oán, tình, thù ngoắt ngoéo. Giang hồ của Cổ Long luôn không bình tĩnh vì người trong giang hồ trôi theo sóng và cũng vùng vẫy tạo sóng. Những con sóng đan nhau hỗn loạn tạo nên giang hồ của ông tác giả say rượu.
Lan man thế thôi. Vì tôi đang nói về điều tôi trân trọng ở Tiểu Lý Phi Đao.
Tôi không muốn viết về chiến tích chiến thắng của Lý Tầm Hoan (1 phần tại đọc lâu rồi, không nhớ) Dù sao chiến tích hoa mỹ cũng chỉ là giết người nhiều hơn kẻ khác. Truyện kiếm hiệp nào chả có.
Không nói đến bàn luận về chém chém giết giết thật ra chả đáng tự hào trong thời này. Chỉ tính trong khuôn khổ thế giới giang hồ bao kẻ giết nhiều hơn, giết ác hơn anh.
Cái mà Lý Tầm Hoan, -sau tất thảy những biến cố dằn vặt, bi tình- giữ lại bên trong, sâu sắc và bất biến là bản chất hiệp nghĩa thuần khiết.
Anh lấy cái nghĩa khí tặng A Phi chỉ 1 hành động đẹp. Tên kiếm khách ngây thơ nhưng chết chóc tự nguyện liều mình vì anh.
Giang hồ danh túc, đức cao vọng trọng vây quanh 4 phía. Vin vào đạo đức dởm đời muốn thực thi "công lý" của giang hồ để đổi lấy danh vọng và ích lợi. Anh không giải thích nhiều, cần thì vẫn rút đao.
1 trong những phân đoạn tôi yêu thích là khi anh đối đầu với các tăng nhân Thiếu Lâm vây quanh. Anh bình thản cầm đao, không 1 vị tăng nhân đại diện chính nghĩa nào muốn xông lên trước vì ai ai cũng biết: Tiểu Lý Phi Đao . Lệ Vô Hư Phát. Và người thứ nhất xông lên sẽ phải chết chắc.
Có thể chỉ là do tình thế thôi. Nhưng tôi không quên được câu nói 'phi đao không phát mới là phi đao đáng sợ nhất' Nôm na là dùng để doạ nạt thôi. Nghe không "ngầu" lắm nhưng theo tôi đây mới là bản chất.
Và trong 1 thoáng chốc thì Tiểu Lý Phi Đao đã bước lên tầm lý luận "vô chiêu" thậm chí có phần vượt qua 'kiếm gỗ-vạn vật thành kiếm' của Độc Cô Cầu Bại (thoáng chốc thôi, đừng khắt khe quá)
Rồi khi Kim Tiền Bang chỉ còn 1 bước là sẽ hùng bá giang hồ. Thiên Cơ Bổng mất tích khi đối đầu Thượng Quan Kim Hồng. Bang chủ Kim Tiền Bang đang đứng ở đỉnh nhân sinh khi sắp bước lên nắm chặt hết "quyền" lực. Chính Lý Tầm Hoan cũng không có cách thay trời đổi đất. Lúc kẻ -thời điểm đó- có khả năng là 'thiên hạ đệ nhất', cũng là kẻ có quyền thế bao trùm khắp giang hồ muốn thử xem Tiểu Lý Phi Đao liệu có thật Lê Vô Hư Phát hay không.
Tương quan lực lượng thật quá chênh lệch. 1 cường giả vô địch với tâm thái tự tin của 'đệ nhất' mọi lĩnh vực. Bên kia là gã thư sinh đã dần già nua, trừ ho ra máu, thì cũng chỉ tổng kết lại được cái nhân sinh nghịch đảo ý nghĩa với tên hắn.
Cuối cùng Thượng Quan Kim Hồng không ra khỏi phòng. Cuối cùng Lý Tầm Hoan mới là người trở về với Tôn Tiểu Hồng.
Tôi không cho là mình vi phạm lời nói ban đầu, không nói đến chiến tích của anh.
Đây không phải chiến tích, đây là kỳ tích.
Cho những ai chưa biết, tác giả Cổ Long viết về trận chiến ấy thật quá mông lung. Trước đó chỉ thấy mọi miêu tả đều ám chỉ về thế yếu cực độ của nhân vật chính. Cứ nghĩ có lẽ còn tình tiết gì đấy lật ngược. Nhưng đấy không phải tình tiết lật ngược.
Đơn giản là Tiểu Lý Phi Đao nhanh hơn 'thiên hạ đệ nhất' + 99% giang hồ thôi.
Nghe phi lý vả bẻ ngoặt gãy cổ nhưng tôi cãi không lại giải thích.
Tại đấy là Tiểu Lý Phi Đao.
Người giang hồ (đời sau) tôn kính anh là vì cái kỹ nghệ giết người gần như tuyệt đối ấy không bị lạm dụng. Anh không dùng nó để chiếm quyền lực hay danh vọng anh đáng ra nên có. Anh dùng nó khi cần thôi, không hơn. Ngày thường cây đao ấy là để khắc gỗ. Để điêu khắc cái đẹp, cái mỹ lệ trong lòng anh.
Đương nhiên, luyện tập khắc gỗ để tay không run cũng là 1 lý do. Nhưng tôi không cho là 1 người thoát tục như Lý Tầm Hoan cần ngày ngày luyện tập để chờ đến thời điểm giết người.
Và vâng. Như đã nói, cuối chuyện thì: mưa gió phủ đời trai, cuối cùng lấy vợ trẻ. Nên tính ra Lý Tầm Hoan cũng có h.e. nhỉ.
Sơ lược về truyện là vậy. Còn về phim. Ừ phim ấy. Tôi lan man quá mà bạn quên là tôi định kể cho bạn về Tiểu Lý Phi Đao trong văn hoá đại chúng Việt Nam đúng không. Không sao, tôi không định lừa ai nhưng chỉ có thể trả lời là tôi không biết. Hề hề...
Tại tôi chỉ được xem 1 vài cảnh quay trong 1 tập phim thôi, từ tivi đầu đĩa nhà bên cạnh. Đến giờ tôi cũng chưa từng xem đủ 1 tập phim Tiểu Lý Phi Đao. Nên không dám lạm bàn.
1 điều duy nhất tôi nhớ được là Tiêu Ân Tuấn qua cmn đẹp trai. Và đấy là lần đầu tôi nhìn thấy diễn viên Ngô Kinh.
Thế thôi, xin hết.