“Hãy thay đổi quan điểm của tôi: Đàn ông phải nỗ lực nhiều hơn trong việc hẹn hò và các mối quan hệ so với phụ nữ.
[…]
Nhìn chung, phụ nữ đặt ra rất nhiều kì vọng cho đàn ông trong một mối quan hệ. Nam giới phải là người chủ động trước, họ phải là người lên kế hoạch và chọn địa điểm cho cuộc hẹn. Họ cũng sẽ là người trả tiền nữa. Sự thật là chuyện này vẫn tiếp tục diễn ra ngay cả khi hai người đã bước vào mối quan hệ ổn định (theo kinh nghiệm của tôi).
Ngoài ra, khi theo đuổi một ai đó, nam giới cũng phải tuân theo những kì vọng như: đặt bản thân sau đối phương, trở thành một bờ vai để người phụ nữ dựa vào nhưng đồng thời cũng có khả năng kiềm chế các cảm xúc của mình, thậm chí là sẵn sàng bỏ mạng vì đối phương khi có chuyện kinh khủng xảy ra.
Nam giới được kì vọng phải thể hiện sự lãng mạn của mình một cách vừa mới lạ nhưng cũng vừa thử thách. Những việc như mời đối phương đi prom hay cầu hôn người phụ nữ của mình một cách khéo léo và thỏa đáng thực sự cần rất nhiều nỗ lực. Nếu chỉ nói suông, nam giới sẽ không thể có được một lời đồng ý nào cả.
Mọi người trong thời đại này đều có công việc của họ và mỗi người đều phải nỗ lực để có thứ mình muốn. Điều đấy rất ổn.
Nhưng ngược lại, dường như phụ nữ chỉ cần ngồi đó và đợi nam giới đến tiếp cận họ mà thôi. Sau đó, trong buổi hẹn hò, cô ấy sẽ quan sát và đánh giá xem liệu các hành vi của đối phương có đủ tốt hay không, thay vì để ý đến bản thân nhiều hơn. Phụ nữ đồng thời cũng nhận những món quà và đặc quyền dành cho họ mà không hề thấy tội lỗi, thậm chí là còn mong chờ.
Về phía phụ nữ, họ chẳng phải chịu kì vọng gì từ đàn ông ngoài những phép lịch sự tối thiểu (nói như vậy không có nghĩa là chúng ta nên có kì vọng). Phụ nữ không phải thể hiện nhiều tình cảm ngoài sự thân mật. Không có màn trình diễn hay cử chỉ nào hoành tráng mà họ phải tuân theo cả (một lần nữa, điều này không có nghĩa là họ nên có).
[…]”
Link bài reddit: https://www.reddit.com/r/changemyview/comments/194krnl/cmv_men_have_to_put_much_more_effort_into_dating/
Trên đây là một phần bài post trên Reddit mà gần đây mình đọc được. Bài post thể hiện quan điểm của một người nam về sự bất cân xứng trong các nỗ lực của đàn ông và phụ nữ trong chuyện hẹn hò và mối quan hệ yêu đương.
Việc nam giới đổ nhiều công sức hơn vào chuyện theo đuổi, trong khi đó nữ giới khắt khe hơn và có nhiều tiêu chuẩn ở đối tác hẹn hò của mình không hẳn là một quan điểm mới mẻ. Bài đăng hôm nay mình sẽ chia sẻ một số nghiên cứu cũng như lý giải từ góc nhìn của hai giới.

Điều gì thực sự đang diễn ra:

Ai đang trả tiền cho các cuộc hẹn?

Trong nghiên cứu của Lever, Frederick và Hertz (2015), 17.067 người dị tính (từ 18 đến 65 tuổi) chưa kết hôn và đang không sống thử, đã trả lời một số câu hỏi xung quanh việc ai là người trả tiền cho các cuộc hẹn.
Trên thực tế, 82% nam giới và 58% nữ giới báo cáo rằng sau khi hẹn hò được một thời gian, đàn ông vẫn là người trả tiền cho phần lớn các buổi hẹn của cả hai. Khi mối quan hệ kéo dài trên 6 tháng, 28% nam giới cho biết họ là người luôn trả tiền, 14% nữ báo cáo rằng bạn đời của họ thanh toán trong tất cả các cuộc hẹn. Trong khi đó, 57% phụ nữ đề nghị chia sẻ chi phí ngay trong buổi hẹn hò đầu tiên và khoảng 25% cho rằng họ đã và vẫn duy trì việc chia sẻ với đối phương ngay từ khi mới bắt đầu hẹn hò.
Nam giới và nữ giới nghĩ gì về việc này?
Nam giới:
Phần lớn nam giới 64% đồng ý với việc phụ nữ nên chia sẻ chi phí sau vài buổi hẹn hò. Trong khi đó, 7% nam giới không đồng ý với việc phụ nữ nên thanh toán sau một vài buổi hẹn hò. Thậm chí, 1/3 nam giới còn cho biết họ thấy khó chịu khi một người phụ nữ cố gắng thanh toán hóa đơn.
Về cảm xúc, 3/4 nam giới chia sẻ rằng họ cảm thấy tội lỗi khi không chi trả hóa đơn cho các buổi hẹn. Cảm giác này xuất hiện ở phần lớn người tham gia là đàn ông không phân biệt họ lớn tuổi hay trẻ tuổi, thu nhập cao hay thấp, trình độ học vấn cao hay thấp. Ngay cả trong số những người đàn ông cho rằng phụ nữ nên cùng chia sẻ tiền, 72% cho biết họ vẫn cảm thấy tội lỗi khi để đối tác trả tiền.
Nữ giới:
Khoảng 40% phụ nữ không hài lòng khi đàn ông nhận tiền của họ. Trong số những phụ nữ nói rằng họ luôn đề nghị trả tiền, 32% cho biết họ muốn người đàn ông từ chối lời đề nghị trả tiền của mình và 34% cho biết họ cảm thấy bực bội khi người đàn ông mong đợi họ cùng chia sẻ.
Khoảng 40% phụ nữ khác cho biết họ thấy khó chịu khi đàn ông không chấp nhận lời đề nghị giúp trả tiền hẹn hò của họ. Một số phụ nữ bày tỏ rằng việc chia sẻ chi phí khiến họ cảm thấy bình đẳng hơn và cảm thấy được tôn trọng về công sức làm việc của bản thân.
Tóm lại, trong nghiên cứu này, nam giới báo cáo họ là người trả phần lớn các chi phí hẹn hò, tuy nhiên, nữ giới cũng sẵn sàng đóng góp và chia sẻ cùng đối phương. Về cảm xúc, phần lớn nam giới thấy tội lỗi khi không phải là người thanh toán, trong khi đó nữ giới thì chia thành 2 bên khác nhau: (1) kì vọng dù mình sẵn sàng chia sẻ thì đàn ông vẫn nên là người trả và (2) khó chịu khi đàn ông không chấp nhận đề xuất chia sẻ của họ.

Phụ nữ có kén chọn và khó đoán hơn không?

Trong nghiên cứu của Jonason và cộng sự (2015), khi phụ nữ và đàn ông đều được cung cấp một danh sách gồm 17 yếu tố tiêu cực như: xuất hiện nhếch nhác, lười biếng, quá thiếu thốn, thiếu hài hước,…) và được hỏi rằng: “Khi xem xét về một mối quan hệ cam kết, điều nào trên đây sẽ là yếu tố quyết định đến việc nó có thể phá vỡ mối quan hệ?”, phụ nữ đã chỉ ra nhiều tiêu chí có thể dẫn đến cái kết của một mối quan hệ nhiều hơn là đàn ông.
Ngoài sự xem xét khắt khe hơn trong một mối quan hệ lâu dài và có cam kết như trở thành bạn đời hay kết hôn, trong bối cảnh mối quan hệ ngắn hạn (hẹn hò, tán tỉnh,…) phụ nữ cũng cân nhắc nhiều tiêu chí có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc của họ dành cho đối phương nhiều hơn, cũng như cân nhắc một cách mạnh mẽ và nghiêm túc hơn so với đàn ông (Jonason và cộng sự, 2015).
Bên cạnh đó, so với những thông tin tích cực về một đối tác lãng mạn tiềm năng, thông tin tiêu cực có ảnh hưởng nhiều hơn trong quyết định của phụ nữ về khả năng hình thành mối quan hệ của họ đối với nam giới (Jonason và cộng sự, 2015). Nói một cách khác, nam giới có thể không bị tác động quá nhiều bởi những yếu tố tích cực và tiêu cực ở phụ nữ mà anh ta hẹn hò, nhưng khi nữ giới đặt lên bàn cân các điểm cộng và điểm trừ của người đàn ông họ cân nhắc, 3 tố chất tốt có thể thể giúp tăng 3 chút cảm tình nhưng 3 tố chất xấu thì sẽ làm giảm nhiều hơn là 3 chút cảm tình.
Trong một nghiên cứu khác của Jonason và Norman (2012) về chiến lược “làm giá” (play hard to get) - một chiến lược giả vờ tỏ ra ít hứng thú hơn thực tế để gia tăng giá trị bản thân trong bối cảnh hẹn hò, những người tham gia cả nam và nữ đã được yêu cầu đánh giá về mức độ bản thân thường xuyên thực hiện các hành vi như: tỏ ra tự tin, nói chuyện với đối tượng khác, từ chối quan hệ tình dục, châm biếm một cách thân thiện,… trong chuyện hẹn hò của họ. Kết quả cho thấy rằng nữ giới thực hiện nhiều hành vi theo hướng khó gần và “kiêu kỳ” này hơn là nam giới. Phụ nữ cũng có xu hướng không liên lạc trước, hạn chế giao tiếp và bận rộn nhiều hơn nam giới (Jonason và Norman, 2012).
Ngoài ra, so với nam giới, nữ giới cũng được cho thấy là trở nên kén chọn hơn trong bối cảnh có nhiều đối tác hơn (Fisman và cộng sự, 2006). Trong các thí nghiệm phụ nữ và đàn ông gặp gỡ ít hơn 15 đối tác, nam giới và nữ giới có sự tương đồng khi đồng ý tiếp tục tìm hiểu với khoảng một nửa số đối tác họ đã gặp. Tuy nhiên, khi phạm vi này mở rộng hơn, trong khi mức độ chọn lọc của nam giới không thay đổi, nữ giới trở nên có tính chọn lọc hơn đáng kể - chỉ chọn khoảng một phần ba số đối tác. Cụ thể, nếu số lượng đối tác hẹn hò tiềm năng tăng gấp đôi từ 10 lên 20 thì tỷ lệ nam giới được nữ giới đồng ý tiếp tục gặp gỡ sẽ giảm 13 % (Fisman và cộng sự, 2006).
Dựa vào các nghiên cứu trên, chúng ta có một số tóm tắt sau: (1) So với đàn ông, phụ nữ chú ý đến nhiều hơn các yếu tố có thể phá vỡ mối quan hệ bất kể trong bối cảnh là hẹn hò ngắn hạn hay là một mối quan hệ đã cam kết. (2) Ngoài ra, so với các yếu tố tích cực ở nam giới, những yếu tố tiêu cực có thể ảnh hưởng đến quyết định tiếp tục hay dừng lại mối quan hệ của phụ nữ nhiều hơn. (3) Phụ nữ cũng thực hiện nhiều hành vi hơn liên quan đến việc “làm giá” so với nam giới. (4) Khi số lượng đối tác tiềm năng tăng lên, phụ nữ cũng giảm đi tỉ lệ sẽ hẹn hò với đối phương, trong khi nam giới thì không thay đổi gì.

Tại sao lại có điều này?

Về phía nữ giới:

Lý thuyết đầu tư của cha mẹ (Parental investment):
Lý thuyết đầu tư của cha mẹ được phát triển bởi các nhà tâm lý học tiến hóa nhằm phân tích sự khác biệt về giới tính trong các chiến lược hẹn hò và kết đôi (Trivers, 1972). Theo lý thuyết này, giới tính nào về mặt sinh lý là phải “đầu tư” nhiều hơn vào thế hệ tiếp theo của mình sẽ tiến hóa để trở nên kén chọn hơn, bởi vì những sai lầm trong kết đôi và sinh sản (ví dụ: chọn nhầm bạn tình chất lượng thấp hoặc bạn tình thiếu tính cam kết) sẽ khiến giới tính đó phải trả cái giá đắt hơn. Nói cách khác, chiến lược sinh sản của giới tính phải đầu tư nhiều hơn là tránh những bạn tình kém chất lượng, trong khi giới tính ít đầu tư hơn thì cạnh tranh với các cá thể cùng giới để tiếp cận với bạn tình chất lượng (Trivers, 1972; Buss & Schmitt, 1993).
Trong đại đa số các loài động vật có vú, con cái về mặt sinh học buộc phải đầu tư nhiều hơn cho thế hệ sau và loài người cũng không phải ngoại lệ. Việc sinh sản bắt buộc nữ giới phải mang thai trong khoảng thời gian dài cũng như trực tiếp thực hiện các trách nhiệm khác như cho con bú, trong khi nam giới thường chỉ có thể hỗ trợ gián tiếp trong vai trò chồng/bạn đời. Điều này có thể kéo theo một vài tổn thất khác cho phụ nữ như các rủi ro về sức khỏe, cần thời gian để hồi phục cân nặng và vóc dáng, tạm dừng sự nghiệp hay các sở thích cá nhân để tập trung cho việc mang thai và sinh con.
Do đó, so với nam giới, phụ nữ - những người phải đầu tư và có khả năng phải trả giá cao hơn, đã tiến hóa để trở nên kén chọn hơn trong các mối quan hệ lãng mạn, đòi hỏi các đối tác chất lượng cao và có khả năng cam kết lâu dài (Jonason và cộng sự, 2012). Ngược lại, đàn ông – những người bỏ ra “chi phí” thấp hơn có xu hướng mong muốn tiếp cận dễ dàng và nhanh chóng với các bạn tình có mức độ sẵn sàng cao hơn. Trong trường hợp nam giới muốn tiến đến một mối quan hệ cam kết với một đối tác chất lượng, họ phải thể hiện là mình xứng đáng với chi phí mà đối phương sẽ phải bỏ ra trong tương lai.
Lý thuyết triển vọng (Prospect theory):
Lý thuyết triển vọng là một lý thuyết về kinh tế học hành vi được phát triển bởi Kahneman và Tversky vào năm 1979. Cốt lõi của lý thuyết này khởi phát từ khái niệm ác cảm về sự mất mát (loss aversion) – khái niệm đề cập đến mức độ tổn thương về mặt tâm lý lớn hơn của việc “mất đi” so với “có được” một thứ tương đương (Kahneman và Tversky, 1979). Cụ thể, những cảm xúc tiêu cực khi chúng ta mất mát, tổn thất một thứ lớn hơn nhiều so với những cảm xúc tích cực mà chúng ta có được khi chúng ta sở hữu cùng thứ đó. Điều này dẫn đến việc chúng ta thường ưu tiên cố gắng tránh đi các mất mát nhiều hơn là cố gắng sở hữu điều gì đó.
Đối với những mối quan hệ lãng mạn, chúng ta thường thắc mắc lý do tại sao mọi người lại chọn người bạn đời này thay cho người bạn đời khác, nhưng trong thực tế, theo lý thuyết triển vọng, chúng ta cũng cân nhắc bạn đời dựa trên các đặc điểm mà chúng ta không mong muốn để tránh tổn thất (Kahneman & Tversky, 1979). Theo Jonason và cộng sự (2015), việc chấp nhận một đối tác kém chất lượng có thể mang lại nhiều tổn thất hơn là việc từ bỏ một đối tác tốt. Do đó, những đặc điểm báo hiệu một đối tác hẹn hò kém chất lượng có thể đã phát triển để trở nên nổi bật và quan trọng hơn những đặc điểm tích cực, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của sự thu hút và hình thành mối quan hệ.
Rốt cuộc:
Sự kết hợp của hai lý thuyết này có thể đưa đến một cách lý giải hợp lý cho việc tại sao phụ nữ dường như có những hành vi kén chọn hơn cũng như đánh giá nhiều hơn về cách thể hiện của nam giới. Đó là bởi vì khi phụ nữ tham gia vào bất kể mối quan hệ ngắn hạn hay mối quan hệ cam kết, họ đều có thể nhận lại những rủi ro, sai lầm khiến họ phải “trả giá” nhiều hơn đàn ông. Vậy nên, việc kén chọn và có những kì vọng cao khi tìm hiểu nhau có thể giúp phụ nữ: (1) kiểm tra mức độ người đàn ông quan tâm và sẵn sàng đầu tư đến họ mức nào; (2) trả lời câu hỏi liệu người đàn ông đó có phải là một đối tác lãng mạn chất lượng có khả năng chăm sóc phụ nữ trong các viễn cảnh tương lai hay không; và (3) có thể loại bỏ những người đàn ông chỉ mong muốn một mối quan hệ ngắn hạn và dễ dàng (tình một đêm, bạn tình,..) mà họ không mong muốn. Những điều này sẽ giúp họ giảm đi các sai lầm khi lựa chọn đối tác hẹn hò hoặc bạn đời tương lai.

Về phía nam giới

Giả thuyết hiệp sĩ (Chivalry thesis):
Giả thuyết hiệp sĩ được Edmund Pollak vào năm 1950 giả thuyết rằng: để thể hiện sự trân trọng và bảo vệ phụ nữ, đàn ông sẽ thực hiện những hành động chỉ dành riêng cho nữ giới – những hành động mà họ sẽ không làm với những người cùng giới. Những hành động này có thể bao gồm việc chủ động đưa ra lời mời với phụ nữ, đưa đón, mở cửa và trả tiền cho buổi hẹn hò (Lever, Frederick và Hertz, 2015).
Mặc dù giả thuyết này được duy trì cho đến ngày nay bởi sự gắn bó sâu sắc với các khuôn mẫu giới của nam và nữ, điều này không có nghĩa là đàn ông bắt buộc phải tuân theo nó. Tuy nhiên, trong một bối cảnh không chắc chắn (không biết mình nên làm gì hay không rõ kết quả của các hành động khác nhau sẽ mang đến điều gì), chúng ta có xu hướng thực hiện những gì đã quen thuộc để tránh các đánh giá hay kết quả bất ngờ.
Vậy nên, trong bối cảnh hẹn hò ban đầu, khi đàn ông chưa thực sự hiểu rõ về đối tác lãng mạn của mình cũng như khi phụ nữ đang cân nhắc kĩ càng các hành vi của họ, hành động theo chủ nghĩa hiệp sĩ có thể mang lại lợi ích cho đàn ông (Lever, Frederick và Hertz, 2015). Nó giúp nam giới tránh đi nguy cơ bị đánh giá sai lầm là một người thiếu sự chăm sóc, keo kiệt hay không sẵn sàng đầu tư cho mối quan hệ - những điều có thể xét họ vào mục người bạn đời không chất lượng hoặc tệ hơn là người bạn đời chất lượng kém, theo lý thuyết triển vọng.
Cụ thể, trong nghiên cứu đầu tiên về việc ai là người trả tiền cho các cuộc hẹn, đàn ông dường như có thể bị đánh giá sai lầm hơn phụ nữ khi phải đưa ra quyết định trả hay không trả. Khi không biết rõ về một người phụ nữ, đàn ông không thể biết được đối phương của mình sẽ bị xúc phạm nếu anh ta nhận số tiền của cô ấy hay sẽ bị xúc phạm nếu anh ta từ chối. Vậy nên, việc tuân theo các mẫu kì vọng vốn có thể là một lựa chọn an toàn.
Vả lại, cũng trong cùng nghiên cứu, người tham gia nam giới cũng có những chia sẻ rằng cách họ đối xử tốt với phụ nữ là cách họ truyền tải thông điệp cho đối tác hẹn hò rằng họ có “khả năng đảm bảo về tài chính” cũng như đó là cách khiến họ cảm thấy hài lòng về bản thân (“tôi đánh giá cao việc mình đã chăm chỉ làm việc như thế nào”) và hi vọng đối tác hẹn hò cũng sẽ đánh giá cao điều đó (Lever, Frederick và Hertz, 2015).
Tóm lại là:
Trong các nghiên cứu kể trên, đàn ông được cho rằng là người trả phần lớn các chi phí hẹn hò, trong khi đó, phụ nữ sẵn sàng chia sẻ nhưng họ vẫn kì vọng nam giới sẽ chịu trách nhiệm nhiều hơn. Ngoài ra, so với đàn ông, phụ nữ chú ý nhiều hơn đến các yếu tố tiêu cực (so với tích cực) có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ, dù là hẹn hò hay cam kết dài hạn. Phụ nữ cũng thực hiện chiến thuật “làm giá” nhiều hơn và có khả năng gia tăng sự kén chọn của mình khi số đối tác hẹn hò tiềm năng tăng lên.
Về phía nữ giới, điều này được lý giải bởi Lý thuyết đầu tư của cha mẹ và Lý thuyết triển vọng rằng phụ nữ tiến hóa trở nên kén chọn vì họ phải đầu tư nhiều hơn và có khả năng chịu những rủi ro lớn hơn trong việc kết đôi và sinh sản. Về phía nam giới, đàn ông tuân theo hình mẫu hiệp sĩ lịch thiệp ga lăng với phụ nữ như một cách tránh các đánh giá sai lầm và thể hiện bản thân là một đối tác hẹn hò chất lượng trong giai đoạn đầu hẹn hò còn mơ hồ.