Vốn định trả lời dài vào bài này của Husky:
Nhưng vì dài quá nên tách thành một bài hoàn chỉnh luôn để tiện đọc và trao đổi. Xin trích một phần bài của Husky để mở đầu:
"Trong nửa đầu tháng 9 vừa qua, MXH Lotus thực sự là một chủ đề nóng hổi được bàn tán không ngừng trước cả khi event ra mắt chính thức được diễn ra. Trên các diễn đàn, dường như chủ đề này còn gây ra nhiều tranh cãi hơn là sự kiện iPhone 11 trình làng.

Theo như lời giới thiệu của các diễn giả trong buổi ra mắt Lotus.vn, MXH này hướng đến tiêu chí là “thông tin minh bạch, những điều chia sẻ hướng tới nguồn năng lượng tích cực, một MXH made in Vietnam dành cho người Việt Nam”. Lotus đi thẳng vào thị trường trọng tâm là nội dung, đáp ứng tất cả các tầng lớp người dùng khác nhau.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, phó tổng giám đốc VCCorp, khẳng định: "Lotus là một mạng xã hội đi theo hướng khác biệt, lấy nội dung làm trọng tâm, tạo nên một nền tảng hỗ trợ cho các nhà sản xuất nội dung và các cá nhân thỏa sức sáng tạo để có được các nội dung chất lượng hơn phục vụ người sử dụng".
Với hệ thống kênh truyền thông hiệu quả của VCCorp, không khó để Lotus.vn phủ đầy các phương tiện truyền thông và nhanh chóng đạt top 1 các ứng dụng được tải nhiều nhất trên App Store, cùng rất nhiều lượt tìm kiếm trên Google. "
Nếu như nói đến mạng xã hội nội dung, thì cá nhân tôi nghĩ ngay đến hai nền tảng mà trước đây tôi từng hoạt động cũng như theo dõi một thời gian: Quora Medium. Bài viết này sẽ không đi sâu vào phân tích về mặt công nghệ, kỹ thuật hay mô hình kinh doanh của Lotus, mà sẽ tập trung vào khía cạnh nội dung, ở cả hai mặt: người sản xuất nội dung và người tiêu thụ nội dung. 

"NỘI DUNG LÀ VUA", THẾ "HOÀNG HẬU" LÀ AI?

Trước tiên, hãy cùng tham khảo bài viết sau của Medium về vấn đề chắt lọc nội dung của họ:
Có thể tóm tắt nội dung bài này bằng phần mở đầu:
"Our editorial curation team reviews thousands of stories every day. We have over 35 curators with a diverse set of interests and experiences. Some come from writing and editing backgrounds, while others have specific expertise in fields that are popular on Medium.
The curators look for quality stories on Medium. When they select a story, they then add it to topics, which makes those stories eligible for personalized distribution and promotion across Medium — on the homepage, on topic pages, in our app, in our Daily Digest newsletter, and in other emails. For example, a curated story about the ethical implications of machine learning could be distributed in the Artificial Intelligence, Machine Learning, and Philosophy topics, reaching the readers who follow or have shown interest in those topics while reading on Medium. (More than 95 million unique readers visit Medium each month.)
Curators use the editorial standards listed below as well as their own assessment of quality to determine whether to recommend a story to readers. Curators are looking for stories that are insightful, considered, and well-written. Among the kinds of stories they select are pieces with a strong narrative, pieces that convey useful and/or well-researched information, and articles with a nuanced point of view. The writing should be polished and free of errors."
Tạm dịch:
"Đội ngũ biên tập viên điều hướng nội dung của chúng tôi xem xét hàng ngàn bài viết hàng ngày. Chúng tôi có hơn 35 biên tập viên với sở thích và kinh nghiệm khác biệt. Một số người đã từng làm những công việc về viết lách và biên tập, một số khác thì lại có chuyên môn trong những lĩnh vực nổi bật trên Medium.
Những biên tập viên điều hướng nội dung này sẽ tìm kiếm những câu chuyện chất lượng trên Medium. Khi họ chọn một bài viết, họ đưa bài viết đó vào một danh mục nhất định, từ đó những bài viết này sẽ được đưa lên mạng lưới phân phối nội dung đã được cá nhân hóa và đăng tải rộng rãi trên Medium - từ trang chủ, đến các trang chủ đề cụ thể, trong ứng dụng, trong newsletter Daily Digest (thư gửi cho người dùng hàng ngày), cũng như trong các thư khác. Ví dụ, một câu chuyện đã được lựa chọn về tác động ở mặt đạo đức của học máy (machine learning) sẽ được đưa đến các mục như Trí tuệ nhân tạo, Học máy, và Triết học, hướng đến những người đọc đang theo dõi các mục đấy hoặc có hứng thú với những mục đấy khi đọc Medium. (Hơn 95 triệu người dùng tìm đến Medium mỗi tháng.)
Biên tập viên điều hướng sẽ sử dụng những quy chuẩn về biên tập được liệt kê dưới đây cũng như đánh giá chất lượng của cá nhân họ để quyết định có nên khuyến nghị bài viết này cho người đọc hay không. Những biên tập viên điều hướng sẽ tìm kiến những câu chuyện mang đến góc nhìn chuyên sâu, thấu đáo, và có bút lực tốt. Những bài viết họ chọn là những bài viết có cách thức kể chuyện cuốn hút, mang đến thông tin hữu dụng và/hoặc có tính nghiên cứu cao, và những bài viết đem đến nhiều góc nhìn. Bài viết nên chỉn chu và không có lỗi."
Trong thời điểm báo mạng và cách thức đọc thông tin đang tràn lan và mang tính tức thời như hiện nay, người đọc thường quên đi một nhân tố quan trọng trong các hình thức xuất bản nội dung: Các biên tập viên đúng nghĩa. "Đúng nghĩa" ở đây không phải là người viết bài hoặc đưa ra ý tưởng, mà là những người đóng vai trò cầu nối giữa người viết và người đọc. 

Sự chóng vánh trong việc sản xuất tin bài của báo mạng đang làm lu mờ đi vai trò của người biên tập viên, và thường đánh đồng biên tập viên với người viết. Tuy nhiên trong sản xuất nội dung, ví dụ như báo chí, biên tập viên đòi hỏi những kỹ năng khác so với phóng viên. Ngoài việc cùng sử dụng các kỹ năng liên quan đến viết lách, biên tập viên sẽ cần phải đảm bảo thêm những kỹ năng dưới đây:
- Khả năng đọc kiểm và sửa các lỗi liên quan đến ngữ pháp và quy phạm báo chí
- Khả năng hiểu về năng lực sản xuất của người viết cũng như năng lực tiếp thu nội dung của người đọc để đưa ra được các phương án cải thiện phù hợp
- Khả năng đưa ra kế hoạch sản xuất, nghiệm thu sản phẩm theo quy chuẩn của đơn vị báo chí
- Khả năng tìm kiếm đề tài, phân phối đề tài cho phóng viên 
Trên thực tế, bất kỳ một người viết chuyên nghiệp nào cũng cần biên tập viên, và rộng ra hơn là bất kỳ đội ngũ sản xuất nội dung chuyên nghiệp nào cũng cần biên tập viên nội dung. Đây là một trong những vị trí mà máy móc nói chung hay AI nói riêng chưa thể thay thế con người được. 
Một trong những nền tảng đang sử dụng bot để thay thế con người trong việc kiểm soát, lọc nội dung là Quora, tuy nhiên trong rất nhiều trường hợp, điều này khiến người dùng khó chịu nhiều hơn là dễ chịu. Bởi hai lý do chính (đứng từ phía cá nhân tôi là người dùng Quora và cũng theo dõi các feedback của người dùng khác):
- Việc phân loại nội dung câu hỏi dành cho người viết của Quora khá tệ. Phần lớn thời gian bạn sẽ phải đọc những câu hỏi... ngớ ngẩn, những câu hỏi mà thực sự là "chỉ cần Google là ra". Các câu hỏi của Quora thường rơi vào: một là qúa chung chung, hai là qúa dị biệt (obscure). 
- Việc phân loại nội dung dành cho người đọc của Quora cũng không khá hơn là bao nhiêu. Từ khi chuyển qua cho phép các đơn vị quảng cáo gia nhập, newsfeed của Quora tràn ngập những bài báo của các trang tin lá cải, lượng thông tin hữu dụng rất thấp. Phần lớn các câu hỏi/câu trả lời hay hiện tại không thuộc về các lĩnh vực mà thuộc về các cá nhân nhất định, tuy nhiên hiện tại có không ít người viết lâu năm ở Quora mà tôi theo dõi đã ngừng hoạt động thời gian dài. 
Nếu như đọc các tranh cãi về vấn đề đúng sai dưới phần bình luận thì sẽ còn thấy việc điều hướng nội dung của Quora còn nhiều vấn đề hơn. Đây là phần mà để máy có thể thay người còn rất xa. 
Nếu lấy từ góc độ tiêu thụ nội dung của cá nhân tôi (có thể miễn cưỡng coi là nhóm đối tượng khách hàng của các nền tảng nội dung, ở khía cạnh trước đây tôi có trả tiền cho Medium, New Yorker, nhưng hiện tại thì không, đôi khi có mua các ấn bản) ra để làm khung đối chiếu ở một góc độ nào đó thì có thể nói rằng: Nếu như tôi muốn tiêu thụ nội dung chất lượng cao, tôi sẽ tránh không tiêu thụ ở các nền tảng không có biên tập viên kiểm soát chất lượng có trình độ cao. 
Đặc biệt, đối với những nền tảng có số lượng người sử dụng cao, thì điều này càng quan trọng. Số lượng người sử dụng cao đồng nghĩa với chất lượng trung bình sẽ bị kéo xuống, ở cả mặt sản xuất nội dung lẫn tiêu thụ nội dung. Chất lượng ở đây, nếu bỏ qua về mặt thị hiếu, thì còn bị ảnh hưởng bởi một yếu tố quan trọng khác từ khách hàng: yếu tố đa dạng. 
Medium làm được việc này ở một phần nào đó thông qua mô hình trả tiền từ người dùng cho những bài viết chất lượng. Một lần nữa tôi xin link bài viết về cơ chế này của Medium tại đây:
Với hai điểm chính:
- Put great stories behind the metered paywall.
- Help people find the great stories they care about.
Tạm dịch:
- Đưa những bài viết chất lượng vào mô hình trả tiền (metered paywall ở đây có thể hiểu là người dùng phải trả tiền mới được truy cập bài viết chất lượng)
- Giúp người đọc tìm kiếm những bài viết họ quan tâm
Đối với cá nhân tôi, đây là một mô hình tốt (có lãi hay không chưa tính đến), khi người sản xuất nội dung lẫn người tiêu thụ nội dung đều hài lòng khi hoạt động trong một môi trường qúa mở. Mô hình này không cần thiết trong các nền tảng mà ở đó yêu cầu đầu vào dành cho người dùng ở cả hai phía sản xuất lẫn tiêu thụ đều cao, ví dụ như Stack Exchange hay một số subreddit của reddit, hoặc là các diễn đàn chuyên ngành và vẫn có kiểm soát nội dung từ các biên tập viên điều hướng nội dung (curator). Ngay cả ở một nơi mở như Facebook, nếu muốn tìm kiếm các nội dung chuyên sâu, thường người dùng cũng phải vào những nhóm kín và có sự kiểm soát chất lượng của các Moderator

TẠI SAO TÔI SẼ KHÔNG DÙNG LOTUS TRONG THỜI GIAN GẦN


Lý do rất đơn giản: Ở Lotus sẽ không có nội dung chất lượng trong thời gian gần. Tất nhiên VCCorp sẽ có đội ngũ BTV, có thể tìm thấy ở đây:
Nhưng cách mà VCCorp triển khai khiến tôi thực sự cảm thấy có vấn đề nếu như họ muốn hướng đến nội dung. Phần lớn các vị trí BTV ở đây họ tuyển là nhằm mục đích phục vụ cho việc sản xuất nội dung của VCCorp, trong khi nếu như là một Mạng xã hội về nội dung phục vụ người dùng, thì (theo ý kiến cá nhân), VCCorp cần một đội ngũ BTV có khả năng điều hướng nội dung phù hợp đến với người dùng (curator), và đây mới là đội ngũ nòng cốt cần hướng đến. 
Thêm nữa, không nên đánh đồng KOL với "người làm nội dung chuyên nghiệp", mà ở đây cần phải xác định "làm nội dung kiếm tiền" nghĩa là "làm nội dung chuyên nghiệp" và cũng không nên để việc sáng tạo nội dung mặc sức tự do không có sự kiểm soát về chất lượng và điều hướng nội dung. Lotus cũng không hề đưa ra bất kể một thông điệp nào về mặt chất lượng nội dung, vốn là thứ (một lần nữa là theo tôi) khác biệt nếu như được thực thi một cách có bài bản. VCCorp có đội ngũ BTV của riêng họ, nhưng định hướng là về nội dung cho các trang tin và không phải là tin tức chất lượng cao. Cơ chế được coi trọng nhất vẫn chỉ là "View" chứ họ không có quy chuẩn cụ thể về mặt chất lượng bài viết. 
Tức là nếu như thực sự phát triển Lotus theo hướng "người dùng", VCCorp phải thay đổi cơ chế về sản xuất nội dung của họ. Mà điều này không được thể hiện thông qua việc tuyển dụng đội ngũ chủ chốt hiện tại. 
Ngoài lý do trên, còn một lý do khác khiến tôi sẽ không dùng Lotus trong thời gian gần, đấy chính là lý do "thời gian làm đầy dữ liệu" của họ, ở đây là dữ liệu về mặt nội dung. Khi thuật toán không phải vấn đề, mà tôi tin rằng thuật toán sẽ không phải là vấn đề quá lớn đối với tiền tài của VCCorp, thì lượng nội dung và chất lượng của nội dung sẽ là thứ phải quan tâm ngay tiếp theo đó. Điều này cần thời gian, và thời gian ở đây phải tính bằng vài năm chứ không phải vài ba tháng. Tại sao lại tính bằng vài năm vì những lý do sau:
- Ở mặt người sản xuất nội dung, nếu như là người chưa có tên tuổi, thì cũng phải mất ít nhất nửa năm đến một năm (đây là thời gian tối thiểu để SEO thực sự có ý nghĩa) để vừa sản xuất nội dung, vừa làm tên tuổi cho mình. Nếu như là người có tên tuổi rồi, thì họ sẽ phải làm thêm một công đoạn nữa là chuyển hướng người dùng từ nền tảng họ đang có sang Lotus. Tức là ngoài việc lấy được người sản xuất nội dung nổi tiếng, Lotus còn phải giáo dục cả họ lẫn những người theo họ cách thức sử dụng và giao tiếp trên Lotus, thậm chí phải thay đổi thói quen, ví dụ như "lướt facebook", của họ. Đây không phải việc chỉ cần có tiền làm được. Cùng lúc đó họ phải đảm bảo số lượng lớn để mạng xã hội là mạng xã hội. Con số 4 triệu người dùng một ngày tương đối... không tưởng.
- Ở mặt người tiêu thụ nội dung, thì nếu như thực sự muốn biến mô hình nội dung của Lotus thành mô hình "ra tiền", thì với tư duy tập đoàn, họ sẽ buộc phải ra tiền ngay. Mà đã ra tiền ngay thì nội dung chỉ có thể ở mức "mỳ ăn liền". Tất nhiên vẫn có thể phân bổ tỷ lệ cho việc này, nhưng khi thiếu đi sự điều hướng của những người có chuyên môn về lĩnh vực hoặc viết lách, tự bản thân người tiêu thụ nội dung sẽ tìm kiếm các loại nội dung mỳ ăn liền hơn.  
Tức là, theo cảm quan của cá nhân, việc Lotus là một mạng xã hội tập trung vào nội dung là có thể, nhưng chỉ khả thi trong phạm vi nội dung "mỳ ăn liền". Mà những cái đấy, Zalo làm tốt hơn nhiều. Tại sao tôi lại phải đăng ký thêm một tài khoản nữa mà cũng chỉ để xem được tất cả các nội dung sẵn có trong một chương trình chat? Thậm chí nói khí không phải chứ giờ, nhân viên "ngành" cũng hoạt động hết trên Zalo rồi. Mà có vẻ như đây sẽ là tập người dùng thu hút của Lotus. 

CÒN SPIDERUM THÌ SAO?

Sau mấy cái vụ Drama không đầu không đuôi, Spiderum thực sự cần Curator, thực sự...