Khi phát triển một sản phẩm nào đó, câu hỏi đầu tiên chúng ta cần đặt ra là: "Sản phẩm của mình sinh ra là để đáp ứng nhu cầu gì của khách hàng?" 
Cần lưu ý rằng đây là một thứ rất khó để tìm ra được bởi vì chúng ta sẽ phải xem xét ba yếu tố:
- Những gì người dùng nói họ thích.
- Những gì người dùng nói họ làm.
- Những gì người dùng làm.
Ba điều này thường xuyên khác nhau. 
Tại sao mình lại đưa ra ý này ở phần đầu bài, bởi vì mình không rõ rốt cuộc mạng xã hội (MXH) Lotus sinh ra để làm gì.
Trước hết hãy nói về MXH này một chút.
Trong nửa đầu tháng 9 vừa qua, MXH Lotus thực sự là một chủ đề nóng hổi được bàn tán không ngừng trước cả khi event ra mắt chính thức được diễn ra. Trên các diễn đàn, dường như chủ đề này còn gây ra nhiều tranh cãi hơn là sự kiện iPhone 11 trình làng.
Với hệ thống kênh truyền thông hiệu quả của VCCorp, không khó để Lotus.vn phủ đầy các phương tiện truyền thông và nhanh chóng đạt top 1 các ứng dụng được tải nhiều nhất trên App Store, cùng rất nhiều lượt tìm kiếm trên Google.  
Với phương châm “Nội dung là vua”, chúng ta hãy cùng quan sát xem sau ba ngày ra mắt thì Lotus.vn hiện đang có gì:

Mặc dù được truyền thông là thu hút nhiều KOLs, Youtuber khủng nhưng những nội dung góp nhặt một chút từ Youtube, Zalo, Facebook và các trang tin điện tử khiến Lotus được cho là không khác gì một “nồi lẩu thập cẩm”, tại thời điểm này thì khó có những nội dung được gọi là “chuyên sâu”. Dù sao cũng chỉ mới 3 ngày, chúng ta có thể đợi các thay đổi từ các bản cập nhật sau này.
Tuy nhiên điều đó không đáng bận tâm bằng việc tìm ra được câu trả lời cho câu hỏi: "Rốt cuộc mạng xã hội Lotus sinh ra để làm gì?". Cần biết rằng có cả trăm tỷ đồng đã được dồn vào sản phẩm này, nếu nó thất bại nghĩa là một lượng tài nguyên lớn của quốc gia đã bị lãng phí. 
Ông Nguyễn Thế Tân nói đến nhiều sự hữu dụng của Lotus, nhưng những nhu cầu đó là do ông nghĩ rằng mọi người cần, hay thực sự có người đến nói với ông rằng họ cần? Và như đã nói ở trên, những gì người dùng nói với những gì họ làm rất khác xa nhau. 
Rủi ro của việc xây dựng một trang mạng xã hội đó là nó phục vụ cho quá nhiều nhóm người khác nhau, và do đó nó không rõ rốt cuộc nó phải đáp ứng được nhu cầu gì. Nên nhớ rằng các trang MXH lớn hiện nay ban đầu đều không có mục tiêu trở thành mạng xã hội. Chúng tiến hóa. Ví dụ Facebook ban đầu chỉ là một công cụ để phục vụ việc chia sẻ hình và tâm trạng cá nhân của người dùng với bạn bè người dùng đó. Hay Instagram ra đời chỉ để phục vụ việc chụp, chỉnh sửa và chia sẻ ảnh. Ở Việt Nam ứng dụng Zalo sinh ra cũng chỉ để phục vụ việc liên lạc, hay Discord chỉ là một nền tảng để các game thủ trò chuyện với nhau. Nhưng qua thời gian các ứng dụng này đều tiến hóa để đáp ứng các nhu cầu rộng lớn hơn của người dùng, trong khi vẫn giữ vững chức năng cốt lõi ban đầu, và chúng đều trở thành một MXH. Ví dụ chẳng ai ngờ rằng sau này Discord lại trở thành một phần không thể thiếu của cộng đồng đi đào tiền điện tử. Không ai định hướng cho nó trở thành như vậy cả. Tất cả ứng dụng đó đều bắt đầu từ một nhu cầu thực tế.

Do đó mình rất dị ứng với một sản phẩm được định hướng cứng nhắc từ đầu, bởi vì nó hạn chế sự tiến hóa, thích nghi của sản phẩm đó khi thị trường thay đổi.

Nếu xây dựng một MXH chỉ vì để cho mọi người thấy nước ngoài làm được, Việt Nam cũng làm được thì thất bại là điều hiển nhiên. Theo Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), Việt Nam hiện nay có 436 mạng xã hội nhưng hầu hết đều hoạt động cầm chừng, nhiều chỗ còn rơi vào giai đoạn “ngắc ngoải”. Năm 2010, mạng xã hội Go.vn ra đời kèm theo tuyên bố chắc nịch từ lãnh đạo của dự án này là: soán ngôi Facebook sau 6 tháng với 5 triệu người dùng. Đơn vị này cũng đặt mục tiêu chiếm 40–50% lưu lượng truy cập mạng xã hội tại Việt Nam vào năm 2015. Nhưng rồi dự án mau chóng thất bại, chuyển thành một trang tin tức tổng hợp. Tương tự Go.vn, còn nhiều cái tên mạng xã hội cũng ra mắt đình đám nhưng sớm "chết yểu" như Zingme, Tamtay.vn, Yume.vn...

Hãy nhìn Thụy Điển, họ không cố gắng tạo ra một MXH cho bằng anh bằng chị, mà họ xây dựng nên Spotify làm thay đổi nền âm nhạc toàn cầu. Spotify sinh ra không phải để phục vụ khẩu hiệu Make in Sweden (vốn không tồn tại) mà chỉ đơn giản là để mọi người trên thế giới tiếp cận với thế giới âm nhạc dễ dàng hơn.
Ngoài ra còn có vấn đề quanh tuyên bố MXH Lotus sẽ có các nội dung chất lượng cao hơn Facebook. Cần lưu ý rằng đơn vị phát triển Lotus.vn là VCCorp, một tập đoàn nắm giữ nhiều trang tin điện tử có độ phủ sóng cao. Với phương châm là “đem lại nội dung lành mạnh”, nhưng liệu họ có thể giữ thái độ trung lập với những tin tức tiêu cực, giật gân do chính các trang tin đó đem lại? Ai dám đảm bảo rằng thuật toán của Lotus.vn sẽ không ưu tiên những Kênh14, Genk, Cafebiz…  trên top trending. Thậm chí đi xa hơn, MXH này dùng cơ chế nào để xác định đâu là những nội dung “có ý nghĩa”, “lan tỏa những điều tích cực” mà không phải là một phương thức kiểm duyệt khác?
Trong 9toTalk tuần này, được sự ủy quyền của Spiderum, mình muốn tranh luận với mọi người về mạng xã hội Lotus.vn, và những tranh luận xung quanh việc liệu rằng trong tương lai nó sẽ như thế nào, và có thể làm gì để đảm bảo rằng nó đang thực hiện đúng sứ mệnh mà nó nêu ra?
9toTalk là chuyên mục được đăng vào 9h tối thứ 4 hàng tuần tại Spiderum.com để cùng các tác giả nổi bật thảo luận về các chủ đề mang tính thời sự; hoặc đôi khi chỉ là những chia sẻ, suy ngẫm.
Xem thêm các 9toTalk khác tại: