Lời khuyên chỉ tạm thời trấn an nỗi lo lắng và tự ti, nó đơn giản chỉ là một loại thuốc an thần. Còn lời an ủi chỉ xoa dịu nỗi đau và những lúc lạc đường, nó chẳng khác gì chất gây nghiện. Tuổi trẻ không nên lạm dụng thuốc an thần và chất gây nghiện. 
Tại sao bạn thường biết rõ câu trả lời, nhưng vẫn cần lời khuyên?
Khi đứng trước một sự lựa chọn nào đó, một quyết định nào đó, đa phần chúng ta đều đã có câu trả lời cho riêng mình. “Em thích học ngành này, nhưng bố mẹ lại muốn em học ngành này vì có tương lai, nhưng em không có chút hứng thú nào với nó. Chị nghĩ em nên làm như thế nào?” “Em cảm thấy không thể tiếp tục được mối quan hệ với anh ta được nữa, em cảm giác bị phản bội. Nhưng em vẫn không thể buông tay. Chị nghĩ em nên làm như thế nào?” Ai cũng đã từng trải qua những tình huống như thế hoặc tương tự. Bởi cuộc sống luôn có những sự chọn lựa và đánh đổi. Ít ai quyết định ngay tức khắc, họ tìm đến những lời khuyên của “các bậc bô lão” – những người được xem là có nhiều kinh nghiệm và từng trải hơn.
Nhưng có một thực tế bạn dễ dàng nhận ra rằng, ngay chính khi bạn trình bày những vấn đề của mình để xin lời khuyên, bạn đã có câu trả lời cho chính mình rồi. Bạn vẫn chưa tin điều đó ư? Thử nhớ lại một lần gần nhất bạn xin lời khuyên từ ai đó nhé. Bạn sẽ phải trình bày câu chuyện của mình một cách cụ thể và rõ ràng cho họ nghe, đúng chứ? Dĩ nhiên là bạn sẽ phải kể theo ngôn ngữ của chính bạn. Đôi khi bạn cố tình bỏ qua một số chi tiết quan trọng. Nhưng chi tiết ấy có thể sẽ quyết định bạn sẽ đi theo một hướng khác, nhưng bạn không muốn đưa nó ra làm dẫn chứng. Ví dụ: Bạn cảm thấy bị phản bội và muốn chia tay bạn trai đã gắn bó 2 năm của mình. Bạn muốn có một lời khuyên đến từ một chị gái trải đời nọ. Bạn đem câu chuyện của mình ra để kể cho họ nghe. Bạn nói rằng bạn cảm giác rằng anh ta đang phản bội bạn. Nhưng bạn lại kể hoài về những lần anh ta tốt với bạn như thế nào, anh ta nuông chiêu bạn, chỉ là đôi khi anh ta hơi vô tâm. Nhưng tất cả cũng vì công việc, vì tương lai mà thôi. Vậy đấy, thật ra bạn đã có câu trả lời cho riêng mình rồi, nhưng bạn vẫn muốn nhận lấy cho mình một vài lời khuyên. Trong những tình huống đại loại như trên đây, chẳng có lý do gì người ta lại khuyên bạn chia tay một người luôn tốt với bạn, chỉ là “đôi khi hơi vô tâm” bởi họ đang bận việc cả. Đúng không?
Vậy, tại sao bạn biết rõ câu trả lời nhưng vẫn dành hàng giờ đồng hồ để kể lể, trình bày rồi xin một lời khuyên mà bạn đã chắc chắn trong lòng bàn tay? Chính chúng ta đôi khi cũng không hiểu tại sao mình lại làm thế. Bởi vì chúng ta quá cô đơn trong chính quyết định của mình. Những dằn vặt, hoài nghi, tự ti cứ ám ảnh lấy cuộc sống của chính bạn, rồi bạn nghĩ rằng “điều đó thật sự không ổn cho trái tim nhỏ bé của mình, mình phải đi tìm đồng minh thôi”.
Suy cho cùng, những lời khuyên cũng chỉ là liều thuốc an thần cho căn bệnh trầm kha của loài người – sợ cô đơn. Bởi vì dù bạn có công nhận hay không thì bạn vẫn là chủ nhân của bản thân bạn. Bạn hiểu được rằng bạn đang muốn học ngành này chứ không phải một ngành nào đó người khác muốn, bạn biết được rằng bạn sẽ không thể sống thiếu một ai đó, bạn thừa biết công việc này không thực sự dành cho mình, bạn muốn tìm một nơi ở mới,… Nhưng bạn vẫn muốn dành riêng cho mình “một liều thuốc an thần” để quên đi cảm giác cô đơn và sợ hãi trước mỗi quyết định quan trọng của cuộc đời.
Lời an ủi chỉ là chất gây nghiện
“Em trượt phỏng vấn vào công ty A rồi chị ạ. Em đã cố gắng rất nhiều, nhưng vẫn không được. Em kém cỏi lắm đúng không chị?
Không, em giỏi mà, chỉ là nơi đó không phù hợp với em thôi”.
Chúng ta vẫn luôn có thói quen hỏi những câu hỏi mình đã biết câu trả lời và nói những điều tưởng chừng như sáo rỗng. Dĩ nhiên không ai phê phán điều đó cả. Trong những lúc buồn bã, tuyệt vọng thì còn gì ngọt ngào hơn một lời an ủi? Thế nhưng, “mật ngọt chết ruồi”, bạn say mê vào những lời an ủi đó bao nhiêu thì chất gây nghiện trong từng lời nói ngọt ngào đó sẽ đi mãi trong cuộc đời bạn. Nó tích tụ dần trong một thời gian dài, đến một lúc nào đó bạn sẽ không thể chịu đựng được nếu không có nó. Chất gây nghiện trong những lời an ủi khiến bạn quen được vuốt ve, quen được vỗ về mà quên đi rằng chẳng cái vuốt ve nào có thể giúp bạn thành công hay đơn giản là kiếm ra tiền.
Bạn sẽ không nghiện rượu nếu như bạn từ chối uống nó ngay từ những lần đầu tiên. Bạn cũng không thể để nó ám ảnh suốt cuộc đời nếu như trong những lúc đau khổ nhất, bạn tìm đến một thứ khác ngoài rượu để giải tỏa nỗi buồn. Nhưng trớ trêu thay, chất gây nghiện luôn có một sức ảnh hưởng đặc biệt đến cuộc đời mỗi con người. Nó vẫn tồn tại âm ỉ ở đó, chỉ có bạn bị lừa dối bởi những ngọt ngào và tê dại. Khi đã quá muộn, bạn nhận ra rằng thật ra những người luôn luôn bên cạnh an ủi bạn cũng không thể sống thay bạn được. Cho dù họ nói với bạn hàng vạn lần rằng bạn rất xuất sắc, điều đó cũng không có ý nghĩa gì cả bởi bạn chẳng hề được như vậy. Tất cả chỉ ở trong trí tưởng tượng của bạn mà thôi.
Này bạn trẻ, đừng lạm dụng thuốc an thần vì nó rất có hại cho sức khỏe. Bạn có thể tìm đến một số chất kích thích từ lời an ủi để cuộc sống của bạn bớt tối tăm đi, nhưng đừng để nó làm bạn nghiện. Nói tóm lại, đừng để những ngọt ngào bên tai dẫn bạn đi lạc đường. Hãy tỉnh táo mà sống tiếp, chẳng ai thành công nhờ dùng nhiều thuốc an thần và chất gây nghiện cả.