Bạn tôi có đứa em, năm nay thi lên cấp ba. Nhà thằng cu trong huyện, đang nhắm trường chuyên tỉnh trên Thành phố. Hôm nọ, chợt nhớ ra vừa thi xong, tôi có hỏi xem thằng bé thi cử thế nào, thì bạn tôi nhún vai: "Kệ, bố mẹ tôi cũng chẳng phấn đấu cho nó vào chuyên lắm. Được thì được không thì học cấp ba trong huyện, càng dễ quản".
Lúc đấy tôi mới giật mình. Những gia đình tôi quen trước giờ, thường bằng mọi giá, chính thống hoặc thậm thụt, để con mình được trường chuyên lớp chọn. Còn giờ mới ớ ra, nhiều nhà chẳng nghĩ như vậy. Hoá ra, nhiều nhà (đặc biệt là ở quê) vẫn thích "quản" con, hay nói cách khác, "kiểm soát" để con "ngoan" hơn là cho nó cơ hội học tập (có lẽ là) tốt.
Đương nhiên, chuyện trường chuyên lớp chọn chỉ là một ví dụ, và đương nhiên tôi cũng không ủng hộ việc phụ huynh tìm cách tiêu cực để cho con vào trường. Tuy nhiên, việc rèn cho con "ngoan" là thứ suy nghĩ hết sức dộc hại, đối với bản thân người trẻ.
Một ví dụ khác. Bạn tôi, vừa tròn 21, đi du học rồi, đi chơi xa xa cũng phải... xin phép mẹ. Như một sự trùng hợp, suốt hai mốt năm nay, đường tình duyên của cậu luôn trắc trở. Chẳng phải "lỗi" do bản thân cậu: Cậu ấy là người hiền lành, tốt bụng và thiện tâm nhất quả đất, chẳng nề hà giúp đỡ ai cái gì, kể cả người ấy trêu cậu suốt ngày hoặc nhỡ tay lấy cậu làm ví dụ cho một bài post facebook. Về cơ bản, cậu ấy là một ví dụ điển hình cho từ "ngoan" (và hiền).
Nhưng ngoan có thật là tốt không? Bản thân tôi luôn được gia đình cho là “ngoan”. Mỗi con người tồn tại bằng hình ảnh của bản thân trong mắt người khác, nên việc tôi có ngoan thật hay không, tuỳ mỗi người nghĩ. Nhưng, là một đứa con “ngoan”, ngoài việc thỉnh thoảng chiều lòng ông bà cha mẹ ra, thì nó hoàn toàn vô tích sự.
Cái từ “ngoan” nó chỉ phù hợp cho trẻ con 5~15 tuổi. Vào cấp ba mà còn bị nhận xét là ngoan thì ắt hơi khó kiếm bạn. Đi làm, người ta không nhận xét được gì ngoài từ “ngoan”, thì chứng tỏ mình vô dụng. Lớn hơn nữa mà còn ngoan, thì chắc chắn có vấn đề về trí tuệ. Tóm lại, “ngoan” cũng giống như biết tự rửa đít: Bé biết làm thì cả nhà vỗ tay, lớn rồi mà vẫn chỉ có mỗi cái “chiến tích” đấy để khoe thì hơi ghê.
Thế mà, vẫn còn rất nhiều bố mẹ muốn dạy con mình rửa đít khi nó mười lăm mười bảy. Cái này, bên Tây bọn nó gọi là Helicopter Parents. Những ba mẹ kiểu “máy bay trực thăng” này lúc nào cũng vỗ phành phạch trên đầu con cái, kiểm soát con cái bằng mọi giá có thể. Đương nhiên, chỉ kiểm soát xem con có ngoan không, còn đâu kệ mẹ.
Có máy bay trực thăng rồi, con cái cần gì thì máy bay sà xuống viện trợ, sợ thì đu càng phành phạch bay lên. Cuối cùng, thanh niên, ngoài cái mác “ngoan” ra, chẳng biết làm cái đếch gì mà cũng chẳng biết mình muốn làm cái đếch gì. Thế ngoan để làm cái đếch gì?
“Cháu nó “ngoan” lắm”, là một cái phù hiệu đỉnh cao để các bố mẹ khen nhau, và khen con lẫn nhau. Nhưng, cháu nó ngoan mà đến đặt cơm cháu nó cũng đếch biết, đi làm thì nửa ngày cháu xách dái đi về (cháu đang viết bài này đây, cháu xin lỗi), thì ngoan làm cái đếch gì? Ngoan đến nỗi đần đụt, ngồi ngây ngây cả ngày, đến lúc hỏi ý kiến thì sợ thụt cả ấm chén lên họng, cái mẹ gì cũng cần người khác quyết hộ, thì ngoan làm cái đếch gì? “Đấy, trộm vía bác ạ. Cháu nhà tôi ngoan lắm, cả ngày chỉ ngồi nguyên một chỗ, dù hơi hôi nhưng vô tích sự, chả hại ai bao giờ”. Ủa thế cháu nhà bác là cục cứt à?
Càng thấy, cái suy nghĩ “muốn con ở gần cho dễ quản” nó buồn cười và cổ hủ dễ sợ. Và thật kì lạ là, nhà ở quê, đặc biệt giới trung lưu thị trấn, thì lại càng muốn ép con ngoan. Bạn tôi, trong ví dụ đầu, tự nhiên nghĩ “Ở quê họ muốn rèn con ngoan, vì chính họ cũng có đi đâu bao giờ, nên cái gì với họ cũng kì lạ, cũng nguy hiểm”. Chắc cái cách sống đó sẽ thành công với cuộc sống xóm giềng nửa thế kỉ trước, chứ bây giờ văn hoá hội nhập, ngồi ở Ba Vì cũng xem được sếch ở Ba Lan, thì càng che mắt con khỏi mấy thứ nguy hiểm, hoá ra lại càng đẩy một đứa lớn xác nhưng thiếu kinh nghiệm vào chính những nguy hiểm đó.
Hơn nữa, có thể bảo vệ một đứa thiếu kinh nghiệm lúc nó 5, 10, thậm chí 15 20 tuổi. Chứ đến lúc nó 25 27 tuổi, phụ huynh thì ốm yếu, ai bảo vệ được nữa? Cứ đòi giám sát, phành phạch bảo vệ trên đầu các con, xong đến lúc các con đếch có kĩ năng gì thì lại đè ra chửi. Y hệt mấy thằng chỉ huy trên máy bay trực thăng, chán!

À và con "ngoan" chứ cháu nó có "ngoan" thật không?

Tôi học Quảng cáo, trong sách Nhập môn có nói về cách tiếp cận tâm lý đối với một số nhóm đối tượng trên nhân khẩu (Demographic).
Các giáo sư tiến sĩ nói cách tiếp cận giới vị thành niên bên Tây một cách hết sức qua loa (peer-pressure, live in the moment...) chỉ một đoạn, thì họ lại nói về giới trẻ Châu Á một cách vô cùng... băn khoăn.
Họ bảo, tiếp cận giới trẻ Châu Á khó bỏ con mẹ ra ấy, vì bọn nó có "hai cuộc sống" (two faces/persona hay cái gì đấy tương tự). Một cuộc sống là để trưng ra với "helicopter parents", cháu ngoan các bác, đeo khăn đỏ đi ngủ các thứ.... Một cuộc sống với bạn bè, nơi chúng nó phải chịu peer pressure cao gấp nhiều lần bạn cùng trang lứa bên Tây.
Đấy, bọn nó cứ phải sống hai cuộc đời, nên cách tiếp cận cũng phải chọn một trong hai thứ, khó bỏ mẹ ra. Cái mặt "ngoan" bọn nó trưng ra với ông bà phụ huynh, chắc gì đã là cái mặt "ngoan" nó trưng ra với bạn bè?