Source: Unsplash
Không ai thích lo lắng, phiền não cả. Nhưng nhiều khi, bản thân chưa làm chủ được bộ não của mình, thế là lo lắng lại trào dâng.
"Chết thật, tuần sau thi cuối kỳ rồi mà chưa ôn gì! T.T"
"Ối, ngày mai sinh nhật em Linh, chưa biết mua quà gì cho em, lo quá!"
Đấy là vài ba cái lo lắng giản đơn trong ngày. Mình biết, nhiều người còn lo lắng rất xa.
"Ôi, mình sắp già rồi, sợ không ai yêu nữa :'( "
"Corona gắt thế này thì không biết có thất nghiệp không. Lo quá!"
"Anh í nghĩ gì về mình nhỉ, mình hành xử như thế có làm mất hình tượng bản thân không?" (*và rồi trằn trọc mất ngủ :D)
Những nỗi lo như những sợi dây cuốn quanh bản thân chúng ta, và khi ta chưa biết cách làm chủ suy nghĩ của bản thân, sợi dây đấy cuốn rất chặt, thít lấy ta, ám ảnh ta trong mơ lẫn ngoài đời. Mất ngủ, sức khoẻ suy giảm, trằn trọc thức trắng - chỉ vì bị những nỗi lo cuốn quanh, quay quẩn, không thể thoát nổi. Và rồi ta rơi vào đêm đen mù mịt của vô vàn suy nghĩ, chẳng thể tìm lối ra...
Nghe miêu tả thế kia, thì thấy là lo lắng thực sự kinh khủng, dường như nó chỉ mang lại rắc rối chứ chả được ích gì. Tuy nhiên, câu hỏi mình đặt ra ở đây là: "Lo lắng có thực sự cần thiết?"
Câu trả lời là: CÓ và KHÔNG. - nếu bạn hiểu mục đích của những nỗi lo, và biết cách làm chủ nó, phục vụ cho lợi ích của chính bạn; KHÔNG - nếu bạn để nỗi lo lắng làm chủ, và tự biến bản thân thành nô lệ của suy nghĩ.
"The mind is a good servant but a terrible master" - Robin S. Sharma
"Suy nghĩ là một kẻ đầy tớ tốt nhưng lại là một ông chủ tồi" - Robin S. Sharma
Vậy, mục đích của nỗi lo là gì? 
Với mình, những nỗi lo sinh ra như một cách não bộ "thông báo" cho bản thân mình về những việc cần làm - chuẩn bị một nền tảng tốt cho sự kiện sắp tới cho tương lai. Nói đơn giản, nỗi lo là một dạng "reminder" - lời nhắc nhở để bản thân mình sống có trách nhiệm với hiện tại và tương lai của mình.
Đấy là khi "nỗi lo" được sử dụng đúng với mục đích của chính nó.
Ví dụ về bản thân mình. Mới đây thôi, mình nhận được thông báo sắp thi Giữa kỳ một môn học. Não bộ mình bắt đầu "kêu inh ỏi" với nỗi lo điểm kém nếu không ôn tập - nhắc nhở mình cần nhanh chóng chuẩn bị cho kỳ thi. Giống như một người bạn thân thiết - nỗi lo giúp mình sống thực tế hơn, và có những kế hoạch cho tương lai gần.
Tuy nhiên, đây là một ví dụ đơn giản thường ngày, và sẽ có những lúc, nỗi lo sẽ trở nên rất rất kinh khủng nếu bạn không làm chủ được suy nghĩ của mình.
Lại một ví dụ khác. Mình vừa đọc cuốn "The surrender experiment" của tác giả Michael A. Singer - có kể về trải nghiệm 7 năm vướng vào vòng lao lý (do bị kẻ xấu hãm hại). Câu chuyện bắt đầu vào một ngày làm việc, tác giả được thông báo là công ty ông đang bị FBI bao vây, với hàng chục đặc vụ và có cả máy bay trực thăng vây quanh toà nhà. Nếu một người dễ bị hốt hoảng, bị kiểm soát bởi lo lắng, suy nghĩ, thì chắc chắn trải nghiệm đấy sẽ vô cùng đen tối, tồi tệ, và có thể tạo ra dư chấn tâm lý.
Đấy là một ví dụ có phần "nặng đô". Nhưng mình đưa ra ví dụ này để nhắc nhở các bạn một điều rằng: Cuộc sống này không thể đoán trước được. Nếu bạn không chuẩn bị cho mình một tâm lý vững vàng, và để cho suy nghĩ của bạn "làm càn", nỗi lo quấn chặt, thì bạn sẽ dễ dàng bị hạ gục trước những cơn sóng cuộc đời.

"Đen thui thế này lo ế quá" - Mèo Đen. Source: Insta: sweetcatplanet
Thế làm sao để làm chủ suy nghĩ của bạn, "quẳng gánh lo đi và vui sống"?
Trước hết, bạn cần nhận thức được - nỗi lo của bạn có cần thiết không? Có giúp bạn giải quyết được vấn đề gì trong hiện tại không? Hay nó chỉ là những nỗi lo vẩn vơ, sinh ra để "giúp" bạn chạy trốn khỏi thực tại?
Nỗi lo "cần thiết" là những "lời nhắc nhở" từ não bộ - như mình đề cập ở trên. Chúng giúp bạn nhìn thẳng vào những vấn đề ở hiện tại (và tương lai), từ đó khiến bạn sống thực tế, có trách nhiệm với cuộc sống của mình. Vì chúng "thực tế" - nên chúng gắn với cuộc sống hiện tại của bạn, nằm trong vùng "kiểm soát được" của bạn, liên quan đến bạn.
Cách giải quyết những nỗi lo "cần thiết", với mình, là lên kế hoạch thực thi, hoặc hành động ngay để giải quyết chúng. Những kế hoạch/hành động này cần đảm bảo là:
  1. Chúng nằm trong tầm kiểm soát của bạn (ví dụ: bạn có thể lên kế hoạch ôn tập cho bản thân và thực hiện, nhưng bạn không thể lên kế hoạch ép thầy cô huỷ thi được - việc này nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn)
  2. mục tiêu rõ ràng cho kế hoạch, nhưng đừng trói buộc bản thân với mục tiêu quá mức - kỳ vọng (expectation) chỉ gây thất vọng, lo lắng không cần thiết thôi (ví dụ: bạn lên kế hoạch ôn thi thật tốt, nhưng đạt điểm cao hay không còn tuỳ vào đề bài thế nào; bạn lên kế hoạch cưa crush, nhưng việc crush bạn có đổ hay không còn tuỳ ở họ, v.v.) => Hãy để chỗ cho những sự kiện không lường trước được, thay vì ép buộc mọi chuyện phải đi theo kế hoạch của bạn.
  3. Thực hiện thật tốt phần việc của mình, và phần còn lại để cuộc đời lo ;) Tin tưởng vào dòng chảy cuộc đời, vũ trụ, sống hết mình trong hiện tại. Thế là đủ rồi.
Còn thế nào là những nỗi lo "thừa thãi", gây hại cho bạn? 
Đấy là những nỗi lo nằm ngoài vùng kiểm soát của bạn, không giúp ích được gì trong hiện tại và tương lai của chính bạn.
Khi bạn để những nỗi lo thừa thãi này "làm càn", bạn tự tước bỏ đi sức mạnh của bạn - sức mạnh làm chủ cuộc sống của chính mình. Bởi những nỗi lo này nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn - thì nó đang được kiểm soát bởi người khác, hoặc bởi hoàn cảnh, và khi bạn để những nỗi lo này cuốn quanh bạn, bạn tự trao sức mạnh của bản thân vào tay của người khác.
Ví dụ về việc cưa đổ crush. Bạn có thể lên 1001 kế hoạch cưa đổ crush, nhưng chưa chắc crush đã xiêu vì bạn - vì họ có ý chí tự do (free will) của họ. Việc bạn có thể kiểm soát là bạn thực hiện kế hoạch cưa gái có bài bản không, có đúng cách không (nằm trong tầm kiểm soát của bạn) - điều này tăng điểm của bạn trong mắt crush, nhưng bạn không thể biết trước rằng crush có đổ vì thằng khác trước bạn không (nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn). Và việc lo lắng vì những việc nằm ngoài tầm kiểm soát sẽ khiến bạn tự nhiên mất đi sự tự tin của bản thân, và chẳng giải quyết được vấn đề gì.

"Ế thì thôi, vẫn đẹp trai là được." - Mèo đen. Source: Insta: sweetcatplaner
Chỉ thế thôi. Trong giai đoạn không ổn định vì dịch bệnh này, mình mong bạn sẽ dành chút thời gian để quan sát những suy nghĩ, lo lắng trong đầu bản thân thay vì để chúng "lộng hành", và tìm lại sự cân bằng trong hơi thở, trong suy nghĩ của chính bạn. Khi bạn làm chủ được suy nghĩ, nhận thức được: "Bạn không phải là suy nghĩ của chính mình", và biết sử dụng đầu óc suy nghĩ của mình cho lợi ích của bản thân, bạn sẽ là người cầm lái cuộc đời của bạn, và hợp tác hoà hợp hơn cùng vũ trụ, cùng những sự kiện xảy ra trong cuộc sống, thay vì bị tổn thương, mang tâm lý nạn nhân vì mọi việc xảy ra.
"You are not your thoughts. You are the presence of awareness that perceives them." - Zen Thinking
"Bạn không phải là suy nghĩ của bạn. Bạn là một nhận thức đang quan sát chúng" - Zen Thinking (tạm dịch)
Quan sát suy nghĩ, và để chúng trôi đi như cách chúng đến.
Chúc bạn bình yên trong giây phút này!
- Mystic Cat Lady
---
Ghé thăm Blog nhỏ của mình nếu bạn quan tâm đến vấn đề Phát triển bản thân, Tâm linh, Tâm lý học nhé: https://mysticcatlady.wordpress.com