Dịch từ lời tựa do Stephen Fry viết cho quyển Planet Word cùng J. P. Davidson
tranh minh họa của Howard McWilliam dùng trên bìa sách


Từ ngữ là tất thảy những gì ta có. Hỡi độc giả, rõ ràng là chúng ta - bạn và tôi - chỉ có từ ngữ mà thôi, đương lúc bạn đang ngồi cùng quyển sách này hay thiết bị đọc này trước mặt còn tôi thì đang ngồi khua phím. Bạn chẳng biết lúc này tôi đang ngồi ở đâu, và tôi cũng chẳng biết bạn là ai, ở đâu và theo đuổi điều gì trong lúc bạn đọc tiếp tục. Chúng ta gắn với nhau bởi một sợi chỉ ngôn ngữ mảnh mai, từ một nơi nào đó trong não của tôi nối tận sang một nơi nào khác trong não của bạn. Có vô số các quá trình thuộc về nhận thức và vận hành não bộ tham gia vào cái hành vi viết lách của tôi và sự đọc của bạn; những từ ngữ mà không kiến thức sinh học, di truyền, ngôn ngữ học, thần kinh học, khoa học tính toán hay triết học nào có thể mô tả được thỏa đáng, huống gì để hiểu hay để giải thích xem mọi thứ vận hành ra sao.
Ấy vậy mà ngôn ngữ, như tất cả chúng ta đều biết, lại là một quyền sinh ra đã có của con người. Ngôn ngữ miễn phí và dành cho tất cả chúng ta cũng hệt như khả năng đi đứng. Khiếm khuyết, chấn thương, bạo hành hay hạn chế về tâm lý đối với bất kỳ đứa trẻ nào trên thế giới chắc hẳn phải trầm trọng lắm mới khiến em không thể nhận được ngôn ngữ một cách dễ dàng (và kém đớn đau hơn) chẳng kém cách mà em mọc đôi hàm răng.
Ngôn ngữ đã khiến tôi phấn chấn, run rẩy và đắm say từ lâu lắm. Đôi khi tôi hình dung rằng mình đã được tự nhiên ban tặng một nhận thức lẫn cảm thức ngôn ngữ cao viễn hơn, như một đền bù cho những khiếm khuyết ghê người của mình ở âm nhạc, toán học và tất cả những gì vận dụng cơ bắp. Những vận động viên yêu âm nhạc lại vừa viết giỏi nói hay với tôi là một niềm khó chịu thực sự, hẳn bạn cũng đã hình dung ra.
Từ lúc xa xưa còn bé, tôi đã chơi với ngôn ngữ như cách người khác vui với xe hay súng đồ chơi. Liên tục lặp lại, đảo chữ, quấy chữ, gieo vần, chơi chữ, mờ chữ và dặm chữ với tôi cũng tự nhiên (và hiển nhiên với ai khác là phiền toái) như chó ngửi vào cột đèn hay lũ con trai tấu guitar tưởng tượng hay chơi bóng đá. 
Ngôn ngữ là cách vừa đẩy tôi vào rắc rối vừa là thứ lôi tôi ra khỏi mớ bòng bong ấy. Học một từ mới với tôi cũng như có một người bạn mới, dẫu nghe qua chừng như thật sến súa. Tôi là một gã đỏm chữ, không chút nghi ngờ, nhưng sự khoan khoái lan tỏa khắp người tôi mỗi khi tôi học từ mới và như bị “ám” bởi chúng hoàn toàn có thật và sung sướng không gì tả được. Tôi có thể nhìn thấy trí nhãn của mình hình dung ra vị trí của những từ ngữ trên trang giấy quyển Từ điển Oxford Concise, vốn là người bạn đồng hành thường trực của tôi từ lúc lên 8 tới khi 18.  Những từ như prolix (rườm rà), strobile (bông cầu), banausic (kém sáng tạo) và pleonasm (thừa từ). Một kẻ cực kỳ huênh hoang khó ưa là tôi trổ chúng hết ra mỗi khi được dịp, và chúng cũng rất có ý nghĩa với tôi. Sở hữu những từ mới, cùng với truy về tổ tông của chúng, “từ nguyên học” như cách gọi mà về sau tôi phát hiện ra, cuốn tôi đến vô chừng.
“Bồ có biết,” tôi ưa hỏi một đứa bạn đang ngán ngẩm, “rằng từ sycophant (nịnh hót) ban đầu có nghĩa là một kẻ khoe trái vả hay không?” và cậu bạn đang chán chường sẽ thốt lên “Ồ thế à” theo cách mà bọn họ thường làm mỗi khi điều thực sự muốn nói chính là “Tao ước gì mày bất tỉnh nhân sự cho tao nhờ.”
Từ sớm tôi cũng ngộ ra, và suy nghĩ ấy chẳng bao giờ từ bỏ tôi, rằng ngôn ngữ chưa bao giờ được tung hê xứng đáng. Như một nghiên cứu cho thấy, ngôn ngữ học đã tấn tiến (bất kể từng bị xem nhẹ quá lâu trong cuộc phân ly khô khan giữa phái Chomsky và phái Whorf, mà ta sẽ nói thêm sau), phân chia ra thành các giống lai tâm lý, thần kinh và xã hội hiện diện ở những hầu hết các trường đại học nghiêm cẩn nhất; các ô chữ và trò chơi ngôn ngữ như Boggle và Scrabble được chuộng hơn bao giờ hết; các trao đổi về sử dụng “đúng” hay “giản lược cho dễ hiểu” ngôn ngữ vẫn còn chiếm một không gian đáng kể trong không gian thư từ độc giả báo chí - tất cả những điều vừa nêu chắc chắn là thật, nhưng lại hiếm khi nào người ta lại chơi đùa hay biểu diễn khả năng diễn ngôn được ban cho theo cách mà họ chơi nhạc hay trình diễn âm nhạc bằng cách khiêu vũ ở câu lạc bộ và liên hoan âm nhạc, hay bằng cách nhún nhảy bước đi theo giai điệu bên tai và huýt sáo hay ngân nga trong lúc tắm? Không biết vẽ còn nguệch ngoạc được kia mà. Ấy thế mà chúng ta nguệch ngoạc ngôn ngữ thường xuyên đến đâu? Lúc nào tôi cũng nguệch. Giả như bạn đặt một thiết bị ghi âm trong phòng khách nhà tôi, hẳn bạn sẽ nghĩ tôi phát rồ khi lúc nào cũng bật ra những âm thanh vô nghĩa khi bước tới lui trong nhà. Có lẽ sự khẩn khoản của tôi dành cho sự tiêu khiển với ngôn ngữ cũng là sự khẩn khoản dành cho người khác nghĩ rằng tôi thật ra bình thường hơn, nhưng dường như tôi thấy rằng ngôn ngữ phải là loại thuộc tính cuối cùng bị xem nhẹ của con người.
Tôi cho rằng mình nói như vậy là vì với loại tài nguyên tuyệt vời luôn sẵn có và chẳng tổn hao gì hơn một hơi thở hay một cú nhịp ngón tay để sản sinh ra, cớ sao hầu hết mọi người lại sử dụng ngôn ngữ một cách tẻ nhạt và kém phần phiêu lưu như thế? Cớ sao họ lại không mang lại hưng phấn cho chính mình bằng những tổ hợp hay cụm từ mới mẻ, những điệp vần và sáng chế mới hơn, hay những lối phát âm và viết tắt chưa từng có?
Thực ra thì câu trả lời là tổng thể vẫn có. Luôn luôn. Nhất là lúc trẻ. Hầu hết những tổ hợp trẻ trung (juvenescent sodalities - hai từ mới khác mà tôi học từ sớm và dùng đi dùng lại trong xấu hổ), hầu hết các nhóm người trẻ tuổi, đều có thứ ngôn ngữ, các câu cửa miệng và biệt danh riêng dành cho nhau và cho các quá trình. Nhưng ngôn ngữ (nhất là tiếng Anh, có lẽ) lại cho thấy một vấn đề. Hổ thẹn, xấu hổ, một cảm giác hạ tiện, một tính vùng miền kém sang, giới tính, tính dục, tuổi tác, giáo dục - tất cả các nỗi băn khoăn đáng sợ kia đều xuất hiện mỗi khi chúng ta giao tiếp ngôn ngữ bên ngoài, xin phép dùng một từ hay hơn, “nhóm bạn” và chúng ta mất đi tự tin dành cho khía cạnh sáng tạo của con người ngôn ngữ của mình bởi e sợ phán xét tiêu cực và sự khinh chê trịch thượng dành cho chủ lưu, như thể một ngày nào nọ chúng ta sẽ đánh mất các khuyên xỏ và những vệt màu trên tóc.
Tất cả chỗ phục sức ngôn ngữ đầy cá nhân xán lạn kia đều bị cất đi khỏi chốn công sở để thay thế bằng những bộ comple ngôn ngữ giả đò. Chưa bao giờ từ comple lại… kém hoàn chỉnh như thế. Những ghi nhớ, họp hành và hội nghị ở công sở được trồng vào các kết tụ cụm từ vô hồn, thiếu sắc, kém phong cách và thảm não như những tấm thảm xám xịt, tước đi ánh sáng và những tấm mành kiểu Đức làm nên môi trường hiện hữu. Hội chứng sợ nhà cao tầng được hiểu rất rõ, nhưng hội chứng sợ ngôn ngữ thì có lẽ là chưa.
Nhưng đây là để nói về ngôn ngữ trong ngôn ngữ và bằng ngôn ngữ. Khi tôi nói với bạn bè tôi sắp sửa làm một chùm phim về ngôn ngữ cho BBC, phản ứng phổ biến nhất chính là “Ngôn ngữ nào?” và tôi đã quen với chuyện phải giải thích tôi muốn nói tới các chương trình về Ngôn ngữ viết hoa, vốn đương nhiên bao gồm các ngôn ngữ riêng lẻ, nhưng cũng hy vọng sẽ đi vào bản chất của hiện tượng, của thành tựu, của chính món quà tặng là ngôn ngữ. Ngôn ngữ đến từ đâu, nó đã tách thành 6000 thứ tiếng mà chúng ta có ngày nay và vì sao hàng trăm trong số chúng hàng năm vẫn đang mất dần đi; cách ngôn ngữ được mỗi chúng ta thủ đắc; cách ngôn ngữ được dùng để thuyết phục, để cai trị, để ủi an, dùng vào nghệ thuật và thương mại; cách và giả như bản tính của một thứ tiếng ảnh hưởng, quy định hay bao hàm ý nghĩa đích thực của người sử dụng; cách chúng ta đáp lại việc sử dụng ngôn ngữ vào mục đích báng bổ, đồi trụy và những hành dụng xấu xa khác… có quá nhiều câu hỏi, có quá nhiều điều đáng để quan tâm, quả là một chủ đề luôn gợi mở và không bao giờ mất đi vẻ lý thú. 
Cuốn sách này là phản ánh cho những sứ mệnh chính mà tôi và J. P. Davidson, tác giả, kiêm nhà sản xuất series và đạo diễn ba số phim, đã đề ra. Trong suốt chặng đường chừng khoảng sáu tháng, hai chúng tôi và Helen Willamson, đạo diễn của hai tập khác trong chương trình, đã đi khắp thế giới để tìm kiếm đủ các câu trả lời. Không một ai trong chúng tôi có thể dõng dạc, cũng giống một nhà ngôn ngữ học thiên bẩm và hiểu biết nhất, cho rằng trong một trăm năm nữa tiếng Anh có phải là thứ tiếng thống trị thế giới như ngày nay hay không. Chúng ta không thể dự đoán được những quỹ đạo tương lai của tiếng Quan Thoại, Ả Rập hay Tây Ban Nha. Chiến tranh, đói khát, kỹ nghệ, giao thương và thảm họa tự nhiên, tất cả đã và sẽ tiếp tục góp đáng kể trong việc phổ biến lẫn suy vi của ngôn ngữ và con người có thể dự đoán chính xác những thăng trầm mãnh liệt của nhân loại khiến cho con người và ngôn ngữ dịch chuyển theo các đường hướng khác hãy còn chưa sinh ra. Chúng ta cũng chẳng thể dự đoán được các ảnh hưởng mới mẻ nào sẽ được mang vào riêng từng ngôn ngữ. Mới mười năm trước, nào có ai biết những từ OMG, lulz, hay retweet? Chúng ta cũng chẳng thể nào biết những từ nào sẽ gây phương hại tới những thế hệ tương lai hãy còn chưa sinh ra? Tôi có thể viết từ “f*ck” ngày nay trong một hiểu biết rằng chỉ một thiểu số ít ỏi (và tôi nhấn mạnh thiểu số) mới cảm thấy bị nó xúc phạm. Tuy nhiên, tôi lại không thể viết ra cái từ bắt đầu là N và vần với tigger mà không sợ làm xấu đi gốc rễ của mình, hay e sợ cho danh tính của mình. Một vài người gọi đây là “phải đạo”. Riêng trong nhận xét cá nhân tôi, họ bị ảo tưởng: nhận thức về ngôn ngữ của họ dường như đang bị bó khung bởi những ngu xuẩn từ thứ báo lá cải tư sản hủ lậu nhất. Những từ ngữ cấm kỵ quá đỗi lý thú và phức tạp để bị đóng bộ thành những lối hoa mỹ tự do thời thượng hay thậm chí chỉ gọi là “đúng cung cách”.
Nếu không thể nói với thế giới bất cứ điều gì mới mẻ về ngôn ngữ, thì có nên chăng ra sức sản xuất ra năm giờ nội dung phát sóng và một quyển sách tuấn tú kèm theo? Bởi các câu hỏi mà ngôn ngữ nêu ra vô cùng và vĩnh viễn gợi hứng, tỏ lộ và hấp dẫn hơn bất kỳ câu đáp án đậm đặc lý thuyết nào, và vì, trong cách kể, theo J. P. Davidson thể hiện ra ở các trang sách tiếp sau đây và như tôi hy vọng bọn tôi cũng thể hiện trong quá trình tiến hành các tập phim truyền hình, trăm nghe không bằng một thấy.
Có lẽ khám phá lớn nhất của cá nhân tôi, hay ít nhất cái cảm giác mà tôi đã có được và được củng cố mãnh liệt, liên quan trực tiếp tới ngôn ngữ và bản dạng. Chúng ta có thể là những gì ta đưa vào bao tử, nhưng chúng ta chắc chắn sẽ là tất cả những gì mình nói ra. Nói như vậy không có nghĩa là tôi đã chọn phe trong cuộc ly ngữ đã đề cập phía trên. Tất cả những ai có chút hiểu biết về ngôn ngữ sẽ biết về thuyết Sapir-Whorf và các ý tưởng của Chomsky về “ngữ pháp tạo sinh” (bản năng ngôn ngữ tự động được lập trình và dự kiến sẽ phát triển ở một đứa trẻ khi em bắt đầu xuất hiện lông nách ở tuổi vị thành niên) và nhận định rằng mọi ngôn ngữ, nếu quy về những cốt yếu, đều gần như tương đẳng với nhau. Đi ngược với quan điểm này chính là nhận định của Whorf cho rằng chính bản chất của ngôn ngữ mà chúng ta sử dụng là cái quyết định, theo các chừng mực nhất định, cách chúng ta suy nghĩ hay cách mà chúng ta nhìn thấy và kiến giải về thế giới xung quanh. Quan điểm của Chomsky, vốn được Steven Pinker diễn giải hết sức lưu loát, dễ hiểu và thuyết phục, suốt nhiều thập kỷ qua đã thống ngự giới học thuật, nhưng một số nghiên cứu dường như gần đây đã gọt bớt đi cái bề mặt bằng cẩm thạch phẳng lỳ của nó ít nhiều. Thú vị vô song trong cái lĩnh vực truy vấn này chính là, trong nhận thức của cá nhân tôi về ngôn ngữ như bản dạng  lại liên quan nhiều hơn tới quãng thời gian ngắn ngủi tôi trải qua tại Turkana ở Kenya, Akha ở Thái Lan, xứ Basques ở Tây Ban Nha và Pháp và cộng đồng người dùng tiếng Ireland sống tại Gaeltacht.
Ngôn ngữ riêng có của chúng ta có thể hoặc không thể giới hạn hay nới rộng thêm suy nghĩ của chúng ta theo bề dày từ vựng, độ uyển chuyển của cấu trúc hay sự phức tạp của cú pháp, nhưng dường như chắc chắn ngôn ngữ đó đưa chúng ta vào một thế giới khác hoàn toàn với bất cứ của cải hay phẩm chất nào mà chúng ta sở hữu. Theo cái cách ngớ ngẩn và chật chội của riêng ta, ta có thể cho rằng màu da là một yếu tố xác định quan trọng về bản dạng, nhưng một người Ibo sẽ chẳng cảm thấy dây mơ rễ má gì với một người Jamaican, tôi xin đồ rằng như vậy, như họ với tôi vậy.
Tôi lại tình cờ có mặt ở Kenya cùng thời điểm Barack Obama được bầu làm tổng thống thứ 44 của Mỹ. Tôi trao đổi với một thành viên bộ lạc Luo, nơi xuất thân của cha ông, và hỏi xem người này có đẹp lòng hay không khi giờ đây nước Mỹ không chỉ vị tổng thống da đen đầu tiên, mà lại còn thuộc cùng chủng tộc với ông ta. “Dĩ nhiên là rất đẹp lòng rồi,” ông trả lời tôi, “nhưng ông cũng nên nhớ cho nếu như Obama được bầu làm tổng thống Kenya, ông ấy sẽ trở thành vị tổng thống da trắng đầu tiên của chúng tôi.” Sự bối rối, tiền hậu bất nhất và điên rồ của chúng ta mỗi khi xếp nhãn ai đó là da đen khi họ lai một nửa hoặc ba phần tư da trắng, một ngày kia, đúng như hy vọng, sẽ thay đổi. Bản dạng đích thực, bên ngoài các đặc điểm hết sức cá nhân riêng lẻ, bên ngoài ADN và sự nuôi nấng của cha mẹ phân biệt toàn thể con người với nhau, tọa lạc ngay tại dấu chỉ văn hóa duy nhất hơn mọi thứ khác: ngôn ngữ.
Trong suốt chặng du lịch của chúng tôi, tôi gặp gỡ tại Bắc Kinh nhà ngôn ngữ học giàu sức ảnh hưởng nhất từng tồn tại cổ kim. 106 tuổi, những từ đầu tiên ông thốt ra với tôi là, “Chắc cậu phải thứ lỗi cho tôi, tiếng Anh của tôi dạo này có hơi cũ kỹ.” Ông ấy khiêm nhường từ chối những quả quyết của tôi về vị trí của ông trong lịch sử thế giới, nhưng tôi vẫn tin tất cả. Một cách tình cờ, ông chính là lý do vì sao ngày nay chúng ta viết là Beijing mà không phải Peking. Tại London tôi dùng thử máy quét MRI nhằm thử xác định những vùng não của tôi chịu trách nhiệm các kiểu phát ngôn hữu thức hoặc tự động mà tôi phát ra. Ở Victoria, Úc, tôi ra sức dùng cái trí lực mơ hồ của mình để hiểu được những khái niệm phương hướng tuyệt đối xây dựng vào bên trong ngôn ngữ của thổ dân Pormpuraaw. Ở Jerusalem tôi hơn bất cứ ai khác được đến gần với một mẩu của Cổ văn Biển chết (chỉ có duy nhất bốn người trên thế giới được trao cho đặc quyền này) và ở Học viện Max Planck tại Leipzig tôi bị khỉ đột ném phân vào người. Tôi suýt nữa đã không né khỏi việc được mời tẩu và ăn cà ri thịt chó ở vùng biên giới Miến Điện - Thái Lan, và góp công chuẩn bị một bữa ăn trưa ba sao Michelin theo phong cách xứ Basque tại San Sebastián. Nếu như bạn có thoáng cảm thấy chút ganh tị, hay gì đó dữ dội hơn, tôi cũng không thể trách bạn được. Đó là một công trình cả đời người và tôi vô cùng ý thức nói đây là một công việc nặng nhọc, rằng thời gian trôi qua thật cực nhọc và điều kiện sinh hoạt cực kỳ khiếp kinh hoàn toàn chẳng có ý nghĩa nào cả. Tôi chỉ là một con quỷ may, quá sức may mắn được trải qua một cơ may dường ấy.
Tôi đề cập rằng ngôn ngữ, theo phỏng ước của tôi, chính là thứ xác định nền văn hóa rõ nét nhất của chúng ta. Có lẽ thức ăn là cái đứng thứ hai. So sánh này vẫn đúng ở nhiều tầng khác nhau. Như cách một kiểu chế biến thức ăn rẻ tiền kiểu phương Tây là burger, gà chiên và cola sủi bọt ngập tràn các thị trấn và thành thị trên khắp thế giới, đe dọa ẩm thực riêng biệt bản xứ, một thứ tiếng Anh nào đó cũng dường như đang làm điều tương tự với các thứ ngôn ngữ thiểu số còn lại. Nhưng, theo một lối tích cực và mang nhiều tính bù đắp, cũng như ẩm thực chán phèo của nước Anh đã được làm thêm phong phú, tẩm màu và ướp gia vị từ đủ loại ảnh hưởng trên thế giới, ngôn ngữ của chúng ta cũng như thế. Khi các gia đình và các cá nhân diễn tả ra nhận thức về bản thân họ, thì thông qua thức ăn mẹ nấu hay ngôn ngữ mẹ trao cũng chẳng có gì khác biệt. 
Dù bạn là ai, dù bạn đang cư trú ở đâu, dù bạn có được vị trí ngày hôm nay như thế nào, với quyển sách này hay với thiết bị đọc số trên tay, bạn có thể đọc và nói ra. Quan trọng hơn, ngôn ngữ mà bạn đọc và nói, dù được hiểu rộng khắp và được trao cho các quy luật văn phạm mô tả (nhưng không chuẩn tắc cũng chẳng theo quy tắc) và định nghĩa về ngữ nghĩa học, cũng chính là và đồng thời thuộc về bạn và bộ tộc, bộ lạc, quốc gia và dân tộc của bạn. Cách ta nói làm nên con người chúng ta và những ngữ điệu trong giọng nói và mánh lới viết mail và tweet hay viết thư của hoàn toàn có thể được nhận dễ dàng không lẫn vào đâu được bởi những người ta biết và yêu thương chúng ta.
Đôi khi tôi tự hỏi không biết Alexander Pope có nên chăng chớ viết ra câu, cách hiểu con người đúng đắn chính là ngôn ngữ.
Có một chương trình truyền hình, và giờ đây trên tay bạn chính là quyển sách ngợi tụng ngôn ngữ. Hãy đọc nhanh hay đọc kỹ từng trang từ đầu tới cuối, tùy bạn. Chúng tôi hy vọng rằng quyển sách sẽ khiến bạn phấn chấn và có lẽ sẽ giúp bạn suy nghĩ mới mẻ hơn về thứ tài nguyên miễn phí, không bao giờ vơi cạn và lành ngọt này nằm đâu đó ngay tại bộ não của bạn và cho phép bạn trở thành chính mình.
Nhưng lần sau hễ viết hay nói, chớ đừng tìm cách hiểu xem cái gì đang xảy ra về mặt xã hội, văn hóa, thần kinh, tri thức hay sinh lý. Điều đó nằm vượt quá khỏi tất cả chúng ta và có lẽ bạn sẽ chỉ nổ tung banh xác mà thôi. Thay vào đó… hãy ngợi ca ngôn ngữ.
k.