"Tát nó đi, nó là đồ vô dụng, tát vào mặt nó, bên trái rồi bên phải, tát cho nó sưng mặt lên đi. Tóc nó kìa, bứt ra, bứt nhiều lên, những đứa vô dụng như vậy đáng phải trừng phạt. Đầu nó nữa, đập vào đầu đi, đập khi nào sưng lên, sưng to lên, toé máu càng tốt. Nó đáng phải bị trừng phạt, nó là đồ vô dụng. Cào vào tay nó, cấu đi, mạnh lên. Dùng 10 ngón tay sắc nhọn của mày mà cấu vào da thịt nó. Sao? Nó đang rất đau, mày vui không? Mày thấy nó bị trừng phạt vậy là đủ chưa? Chưa hả? Tát nữa, tát nữa đi, mạnh lên..."
Đây là những gì "nó" nói. "Nó" luôn "khuyên" tôi làm đau chính bản thân mình. Mỗi lần như thế, tôi thấy hả hê lắm, tôi thấy vui lắm, tôi thấy sao mà sướng trân người. Càng nhìn mình mẩy tôi bầm tím, càng nhìn những vết cào cấu trên tay, càng nhìn những vết sưng rướm máu trên trán, tôi càng vui. Một niềm vui kỳ lạ đến khó tả và cũng không thể gọi tên. Tôi chỉ biết những lần "nó" đến, tôi phải tự hại, tự trừng phạt mình, tự làm đau chính bản thân mình, thì lúc ấy "nó" mới cho phép tôi được vui vẻ.
Càng tát vào mặt mình, tôi càng thấy vui
Càng tát vào mặt mình, tôi càng thấy vui
Đôi khi, "nó" còn rủ tôi làm nhiều trò theo nó. Có lúc hằng đêm, tôi mơ thấy "nó" ngồi vắt vẻo trên cầu, cười cợt, vẫy tay và bảo tôi nhảy cùng. "Nó" nhảy, tôi cũng nhảy xuống sông. Tôi cảm nhận được nước vào mắt, vào màng nhĩ, vào mũi. Tôi chẳng thể thở được đến mức giật mình tỉnh giấc. Có lúc, tôi thấy "nó" đứng từ dưới đất, cách tôi tầm hai mươi mấy tầng lầu, "nó" vẫy tay chào tôi, rồi rủ tôi nhảy xuống để cùng bay với "nó". Có hôm, tôi thấy "nó" trước đầu xe tải làn đối diện, nó vẫy tay chào. Có khi "nó" gọi tôi từ dưới nhà bếp. Tôi hớt hải chạy xuống. "Nó" đưa tôi con dao rồi thì thầm "Mày vô dụng lắm, chết đi!"
"Nó" khiến tôi cạn kiệt năng lượng. Cả ngày, tôi nằm dài trên giường. Tôi chẳng thiết tha ăn gì, chẳng muốn tắm, thậm chí việc đi vệ sinh với tôi trở nên vô cùng nặng nề dù cho nhà vệ sinh chỉ cách vài bước chân. Tôi như một cái xác không hồn suốt ngày nằm trên giường để khóc, xong rồi tự làm đau, rồi lại khóc. Tôi sợ hãi tất cả những cú điện thoại, sợ cả bạn bè xung quanh. Điều đầu tiên tôi làm vào buổi sáng là khóc. Tôi chẳng hiểu sao tôi có thể khóc cả ngày như thế. Cứ thế, mỗi ngày trôi qua là địa ngục.
"Tôi là ai, là ai?"
"Tôi là ai, là ai?"
"Nó" khiến tôi nhìn bản thân mình là một cá thể tâm thần vô dụng, đáng bị đào thải khỏi xã hội, là một đứa đáng chết. Một đứa không việc làm, không có gia đình để tâm sự, không có bạn bè có thể hiểu được những cảm xúc trong tôi, không tiền, không còn gì cả. "Ai mà đi thuê mày, con điên ạ! Ai chứa con tâm thần như mày! Loại như mày thì đi vào bệnh viện tâm thần thôi! Ai mà chịu nỗi mày, sống cô độc cả đời đi!"
Buồn cười là cũng có những lúc "nó" tạm tha cho tôi, tôi cảm giác "nó" đang muốn tôi cảm thấy rất vui. "Nó" cho tôi một cái năng lượng lạ kỳ. Tôi hút cần, tôi uống rượu, tôi quẹt Tinder, tôi đi bar, tôi với "nó" vui thâu đêm suốt sáng, chẳng sợ hay nghĩ ngợi gì cả. Nhưng ngay sau đó, "nó" lại đẩy tôi vào đại dương đen ngòm đặc quánh sự sợ hãi kia, để rồi "nó" kéo tôi xuống, chìm dần, chìm dần, chìm dần rồi ngạt thở.
Cho đến một ngày, người bạn thân sau khi biết được tình trạng của tôi đã khuyên tôi đi gặp chị. Chẳng dễ dàng gì để tôi có thể làm điều đó. Tôi la hét vào mặt bạn, tôi đánh bạn khi bạn muốn tôi ra khỏi nhà để đến gặp chị. Rồi bạn cũng "cưỡng chế" tôi đi được. Ngồi sau xe bạn, tôi khóc không thành tiếng. Vừa vào bãi giữ xe, nước mắt từ đâu rơi lã chã, tôi gào lên và nằng nặc đòi quay về. Tay chân tôi co quắp lại, người tôi run lên bần bật khi nghĩ tới cảnh phải đi gặp chị. Tay tôi liên tục bấu chặt vào nhau đến hằn đỏ vết móng tay. Một nỗi sợ vô hình tràn vào người tôi, vào tim tôi, vào từng tế bào trong tôi. Tôi vừa sợ vừa có cảm giác ghét chị. Tôi sợ gặp chị, sợ rằng chị sẽ không tin tôi, chị sẽ nói rằng tôi giả vờ, tôi đang làm quá lên mọi chuyện, tôi chẳng bị gì cả, do tôi hết, do tôi suy nghĩ nhiều mà thôi. Tôi ghét chị vì thật tình lúc ấy tôi đã có suy nghĩ cực đoan là không tin bác sĩ tâm lý. "Liệu người đó có giải quyết được vấn đề cho mình không, có giúp tôi bắt "nó" ra hay không, hay chỉ đang cố tình moi tiền từ tôi?". Tôi sợ đến mức chị phải ra ngoài nắm tay tôi dắt vào phòng trị liệu. Hôm đó, tôi không ngừng khóc, chị chỉ ngồi yên lắng nghe, đưa khăn giấy, đưa nước cho tôi uống rồi lại lắng nghe, không một lời phán xét hay đổ lỗi. Tôi kể về những mất mát ngừơi thân trong quá khứ, về những dấu hiệu lần đầu "nó" xuất hiện, về cách "nó" hành hạ tôi như thế nào trong suốt thời gian qua. Tôi kể hết, không giấu diếm.
Hôm đó, tôi cảm nhận được "nó" cũng đang sợ hãi khi tôi dám vạch mặt "nó" với chị bác sĩ tâm lý. Lúc ấy, tôi cảm giác "nó" cũng đang run lên bần bật trong tôi khi biết mình đã bị lộ danh tính, "nó" tên "Rối loạn lưỡng cực". "Nó" sợ hãi khi biết rằng tôi đã hiểu cách "nó" hành hạ tôi, đưa tôi lên hưng cảm, sau đó đạp tôi xuống trầm cảm ngay lập tức. "Nó" sẽ vờn tôi như mèo vờn chuột, thả cho tôi sống một cuộc đời bình thường sau đó lại len lén xuất hiện và hành hạ tôi. "Nó" đến theo từng kỳ một, âm thầm, lặng lẽ, không báo trước, khiến tôi chẳng có chút cảnh giác nào để rồi "nó" đánh gục tôi, nhấn chìm tôi. Ác độc. Khốn nạn.
Tôi đã biết "nó" là gì
Tôi đã biết "nó" là gì
Sau ngày hôm đó, rồi những buổi trị liệu tiếp theo, những đơn thuốc, những buổi thiền tập, những buổi vẽ tranh,....cứ nối tiếp. Tôi cảm nhận được "nó" dần dần sợ hãi nhưng "nó" có vẻ không chịu buông tha tôi quá sớm như vậy. Thời gian đầu "nó" vẫn ngăn tôi đến trị liệu, "nó" vẽ ra bao nhiêu lý do để tôi thấy những buổi tư vấn tâm lý đó sao mà vô bổ thế, sao mà mất thời gian quá vậy. "Nó" vẫn quật ngã tôi, vẫn hút cạn năng lượng của tôi, vẫn bắt tôi nằm dài trên giường cả ngày. May thay, sau những lần gặp bác sĩ tâm lý, tôi đã biết cách khống chế được "nó". Tôi có thể cảm nhận được khi nào "nó" đến, khi nào "nó" sẽ đi. Vì thế tôi luôn trong tình thế chủ động chứ không bị "nó" chi phối nữa. Tất nhiên, để làm được điều đó, đối với tôi không hề dễ dàng và cũng phải mất một khoảng thời gian khá dài. Giai đoạn chiến đấu với "nó" theo tôi còn kinh khủng hơn lúc bị "nó" tấn công. Tôi cảm giác khi tôi càng cố gắng chiến thắng "nó", "nó" lại càng mạnh mẽ đến mức đáng sợ.
Tôi biết "nó" chẳng thể biến mất vĩnh viễn. "Nó" sẽ luôn ở đó và chực chờ trỗi dậy bất cứ lúc nào nếu tôi mất cảnh giác và lơ là cảm xúc của mình. Tôi dần xem "nó" là một hồi chuông báo động cho sức khoẻ tinh thần của mình. Vì thế, tôi đã tạo lập những thói quen mới để có một tinh thần ổn định. Nếu có biến cố gì đó xảy ra, dù "nó" có đến lần nữa, tôi chắc chắn sẽ nhẹ nhàng tiễn "nó" đi.
Bạn biết không? Dù "nó" tạm ra đi nhưng thời gian đầu, tàn dư của "nó" để lại cho tôi là vô cùng kinh khủng. Tôi dần sống khép kín hơn, mất dần đi sự tự tin trước đây, tôi luôn hoài nghi về chính mình, tôi luôn lo âu và sợ hãi, tôi luôn nghĩ xã hội sẽ không chấp nhận một đứa "có bệnh" như tôi, tôi chẳng đáng để yêu vì tôi sẽ làm hại bất kỳ ai và tôi sẽ là gánh nặng của họ, tôi không muốn mọi người nhìn tôi bằng ánh mắt thương hại, tôi muốn được xem là người bình thường....May mắn thay, sau bao nhiêu cố gắng và sự giúp đỡ, giờ đây tôi đã thấy tự tin hơn, tâm lý cũng dần ổn định và tôi đang có một số thành công trên con đường mình đã chọn. Nhìn lại, đó là một hành trình không hề dễ dàng.
Viết ra những dòng này khi tôi đọc xong cuốn Đại Dương Đen của bác Đặng Hoàng Giang. Một cuốn sách mà từng chữ trong đó như nói hộ lòng tôi. Cuốn sách mang lại cho tôi cảm giác gai người, nặng nề vì những câu chuyện trong đó gợi nhớ đến đại dương đen ngòm mà tôi phải vùng vẫy để ngoi lên thở. Tuy nhiên, khép lại cuốn sách tôi lại cảm giác nhẹ nhõm, tích cực hơn rất nhiều vì tôi biết rằng tôi không cô đơn. Xã hội đang dần có cái nhìn đúng đắn và bắt đầu công nhận tầm quan trọng của tâm lý học. Và tôi biết, những bạn mắc phải căn bệnh tâm lý như tôi chắc chắn sẽ có một tương lai tươi sáng và sống một cuộc đời hạnh phúc. Những gì bạn phải làm là dũng cảm đối mặt với "nó". Tôi biết chẳng thể dễ dàng gì, nhưng hãy làm từng chút một, từ việc nhỏ nhất, hãy cố gắng mở lòng và nhận sự giúp đỡ.
Cố lên nhé, nếu bạn cần tôi sẽ cùng bạn vượt qua!