LEO DINH - CHUYỆN “THỔI HỒN” CHO NHỮNG HÌNH ẢNH
Chắc hẳn ai trong số chúng ta cũng từng ít nhiều say mê một (hoặc vài) bộ phim hoạt hình của Disney, Ghibli hay Laika – nơi ta được...
Chắc hẳn ai trong số chúng ta cũng từng ít nhiều say mê một (hoặc vài) bộ phim hoạt hình của Disney, Ghibli hay Laika – nơi ta được chìm đắm với những nhân vật, những giấc mơ, những khung cảnh đẹp đẽ. Animation chính là cách thức để chuyển hóa những hình ảnh đó từ “tĩnh” sang “động” một cách mượt mà, uyển chuyển và bắt mắt. Vậy ngành Animation có gì? Và Animator (người làm Animation) làm công việc gì? Trong số Humans of Spiderum lần này, hãy cùng lắng nghe câu chuyện của anh Leo Dinh – một trong những tác giả của cuốn sách “Người trong muôn nghề: Ngành Sáng tạo & Nghệ thuật có gì?” đồng thời là sáng lập và điều hành Red Cat Motion, công ty tiên phong trong lĩnh vực Animation và Motion Design tại Việt Nam.
Là đạo diễn hoạt hình và founder công ty Red Cat Motion, lý do gì khiến anh quyết định đi theo con đường này?
Ngay từ nhỏ, anh đã luôn say mê những bộ phim hoạt hình. Ba mẹ vẫn bảo suốt ngày coi ba cái hoạt hình đánh đấm, nhưng không hiểu sao vẫn cho xem. Anh còn nhớ rõ từ khi bé xíu đã ước mơ lớn lên sẽ làm được một bộ phim hoạt hình của riêng mình. Nhà anh hồi đó hơi nghèo, nhưng ba má chịu đầu tư cho con cái học hành lắm. Tích cóp mãi ba cũng mua được cái máy Pentium 2. Lúc ấy, anh mới học lớp 3, có máy tính là đã hơn bạn hơn bè lắm rồi. Cũng từ đó, anh thật sự tiếp xúc với công nghệ. Suốt ngày anh hí hoáy vẽ vời bằng phần mềm paint. Anh vẽ siêu lắm, có thể dùng chuột mà vẽ được cả hình tròn rõ tròn. Nhà anh có ông bác, có lần vô tình ghé chơi thấy bác ngồi làm thiệp cưới trên máy tính, thích quá nên về làm theo. Anh ra nhà sách mua mấy đầu sách dạy về Corel Draw, Photoshop của nhà xuất bản Minh Khai, mày mò, cặm cụi tối ngày không biết chán.
Có lẽ đó là cái duyên dắt anh vào nghề này. Lớn lên, đam mê đó không tắt mà dần lớn hơn. Từ vẽ vời anh chuyển sang bộ môn 3D, tự dựng lên căn nhà mơ ước của riêng mình. Dù vậy, anh học mấy môn khác cũng không tệ. Toán - Lý - Hoá đều trên trung bình nên năm cấp 3 anh cũng đắn đo chọn nghề mình theo sau này. Cuối cùng, anh vẫn chọn thứ mình nghĩ sẽ không bao giờ chán mỗi khi thức dậy đi làm. Chính vì vậy, anh quyết định đi du học về ngành truyền thông đa phương tiện.
Sau khi học xong, anh về Việt Nam, làm việc tại công ty quảng cáo truyền thông là Golden Digital. Môi trường agency giúp anh học được khá nhiều thứ. Điều cuối cùng học được, nhưng cũng đáng giá nhất, là khi anh nghe sếp nói: “Hãy tiếp tục làm cái mình thích.” Vậy là anh nghỉ việc và tìm những con người cùng đam mê, sáng lập Red Cat Motion.
Red Cat Motion có thể được coi là một trong những công ty tiên phong trong lĩnh vực Animation tại Việt Nam. Đây cũng là ngành nghề khá mới mẻ với nhiều bạn trẻ. Anh có thể chia sẻ làm Animation là làm những công việc gì, cần những công cụ gì?
Lĩnh vực Animation rất phong phú vì bao gồm nhiều “trường phái" khác nhau: 2D; 3D; Motion Graphics; Cartoon; Character Animation; Stop Motion,... vô số kể. Nếu các bạn thích những bộ phim kinh điển như Spirited Away hay Lion King – đó là những phim hoạt hình làm theo cách truyền thống, đa phần được vẽ thủ công trên giấy. Còn những bộ phim hoạt hình như Toy Stories, Frozen, Minions sử dụng công nghệ máy tính, được tạo ra bằng các chương trình 3D. Bên cạnh đó, bạn cũng thấy các hiệu ứng hình ảnh rất thật trong các phim bom tấn của Marvel, DC cũng được tạo ra bằng công nghệ máy tính. Dân trong nghề gọi là CG (Computer Graphics) hay VFX (Visual Effects).
Vì đa dạng nên một người khó am hiểu được hết, thường ta sẽ chọn cái mình yêu thích. Như ai thích hoạt hình sẽ chọn hướng diễn xuất nhân vật. Bạn có thể chọn con đường làm 2D truyền thống, làm 3D hay cả hai. Ai thích hiệu ứng kỹ xảo có thể theo đuổi lĩnh vực VFX. Ai thích mấy chuyển động trừu tượng, thú vị, có thể theo đuổi Motion Graphics. Trước khi xem phim, bạn có thấy mấy cái logo chuyển động không? Hoặc hoành tráng hơn là có vài đoạn hình vẽ chạy chạy rất ngầu kèm theo tên đạo diễn, diễn viên. Đó là Motion Graphics, hay từ “giang hồ” là đồ họa chuyển động.
Phần mềm cũng khá đa dạng. Ví dụ, Red Cat sẽ dùng C4D, After Effects, Illustrator là chính. Nhưng các công ty như Freaky Motion chuyên về thị giác 3D sẽ dùng Houdini hay DeeDee Animation sẽ dùng Toon Boom. Nó phụ thuộc lĩnh vực riêng biệt của từng công ty.
Hồi mới học, cái gì anh cũng thử, đơn giản vì tò mò muốn biết. Sau này mới tìm ra đúng thế mạnh và lựa chọn công cụ phù hợp với bản thân. Điểm đặc biệt của ngành này là kiến thức chuyên môn mỹ thuật quan trọng tương đương việc sử dụng phần mềm. Việc thiếu khuyết một trong hai yếu tố này sẽ giống như bạn có cây đàn mà không biết đánh đàn vậy đó.
Vậy quy trình để tạo ra một sản phẩm Animation là như thế nào, người Animator đóng vai trò gì trong đó?
Hơn 10 năm theo đuổi con đường này, càng làm anh càng thấy mình nhỏ bé. Hồi đó, anh thích chuyển động, chỉ muốn làm chuyển động như các anh animator, nên mặc nhiên chăm chăm vào kỹ thuật. Sau này mới biết còn nhiều quá trình diễn ra trước đó.
Để làm ra một sản phẩm hoạt hình cần phải có ý tưởng. Ý tưởng này có thể được phát triển bởi đạo diễn, hay các giám đốc sáng tạo. Sau đó, ý tưởng được viết lại dưới dạng kịch bản bởi script writer/copywriter. Kịch bản chỉ là những con chữ miêu tả, như bạn đang đọc một cuốn tiểu thuyết vậy.
Để tránh chín người mười ý, kịch bản được vẽ lại thành những khung hình như truyện tranh. Hình sao là nó vậy chứ không cần phải đoán mò. Để làm được việc này, chúng ta cần họa sĩ vẽ storyboard.
Khi có storyboard, có kịch bản rồi, để làm được chuyển động cần đến hình minh họa/đồ họa. Việc này do các nhà thiết kế/minh họa đảm nhận. Rồi làm chuyển động xong thì phải có âm thanh mới hấp dẫn. Những nghệ sĩ chuyên hiệu ứng âm thanh như tiếng cháy nổ, và nghệ sĩ sáng tác nhạc sẽ đảm nhận việc này.
Ngoài ra còn nhiều vị trí khác, thay đổi theo từng lĩnh vực ngành nghề các bạn chọn. Chẳng hạn, trong giai đoạn làm chuyển động lại chia ra nhiều vai trò nhỏ hơn nữa: có hoạ sĩ chuyên đi nét, có hoạ sĩ chuyên tô màu,...
Animation là sự phối hợp của cả một tập thể nhiều con người đảm nhận những vai trò khác nhau. Một người làm được không? Được chứ, như anh nè. Sau khi tốt nghiệp Đại học, anh đã rong ruổi trên con đường này 10 năm, đủ kinh nghiệm để làm được nhiều vị trí. Nhưng phải thừa nhận rằng, một mình tuy vẫn làm được, thời gian hơi lâu, nhưng sẽ không xịn sò bằng việc có cả một tập thể, mỗi người lại cực giỏi ở lĩnh vực của riêng mình.
Các bạn trẻ mong muốn theo đuổi Animation sẽ cần chuẩn bị những gì?
Đầu tiên là việc học. Học ở đâu không còn quan trọng nữa, nhưng học thế nào cần được quan tâm hơn. Việt Nam hiện chưa có trường Đại học dạy ngành này, chỉ có ở nước ngoài (các quốc gia nổi tiếng như Mỹ, Pháp, Anh, Úc, Singapore, Nhật Bản). Còn trong nước chỉ có các trung tâm như Red Cat Academy, Keyframes. Tuy nhiên, các trung tâm vẫn có nhiều hạn chế. Kiến thức được truyền dạy theo nhu cầu thị trường là chính, vì các khóa học ngắn, vài tháng là cùng. Bạn muốn học bài bản hơn mà không có điều kiện ra nước ngoài thì học online. Anh từng đăng ký khóa học online 1 năm với đạo diễn Don Bluth - đạo diễn người Mỹ, animator, nhà thiết kế sản phẩm và video games, người giảng dạy Animation, vô cùng hiệu quả, nhưng những bạn tiếng Anh tốt và đã có kinh nghiệm làm việc 1 - 2 năm cùng kỹ năng vẽ tay ổn ổn thì học mới vô, chứ không dễ bỏ cuộc… vì khó.
Vâng, ngành animation rất khó, khó vô cùng... Hãy tìm hiểu thật kỹ trước khi quyết định học nhé. Nếu muốn học Đại học tại Việt Nam, bạn vẫn có thể lựa chọn các khoa năng khiếu, đồ hoạ, mỹ thuật. Các kỹ năng phần mềm khác bạn có thể tự học thêm hoặc xin vào một công ty nào đó để học. Việc học bây giờ không khó như hồi trước nhưng lượng thông tin quá nhiều dễ khiến bạn bị rối. Cuối cùng, anh nhắc lại, tìm hiểu thật kỹ và đừng bỏ cuộc.
Ai làm gì cũng cần một số vốn cả. Bạn sẽ cần một cái máy tính. Chi phí trong khoảng 20 - 40 triệu tùy nhu cầu và mong muốn của bạn. Học phí có thể hỏi trực tiếp các trường và trung tâm. Học ở nước ngoài sẽ mắc hơn, có thể mất đến vài tỷ (lựa chọn học online sẽ tiết kiệm hơn rất nhiều). Tin vui là sau 1 - 2 năm đi học, nếu tự tin, bạn có thể xin thực tập hoặc đi làm thêm kiếm thu nhập.
Do lĩnh vực này cần sự cộng tác của nhiều vai trò khác nhau nên bạn chỉ cần xác định khâu mình thích, hoặc nếu thích hết thì xác định khâu mình muốn làm trước. Nếu thích làm hình ảnh, bạn có thể tham gia vào các team thiết kế. Nếu thích chuyển động thì nhảy vào team làm chuyển động. Còn thích ý tưởng, thích nghĩ, thích viết nhiều hơn thì vào team biên kịch. Team nào cũng sẽ bắt đầu từ vị trí học việc, thử việc, rồi lên làm chính thức. Làm nhiều năm có kinh nghiệm hoặc nếu phát triển xuất chúng, bạn có thể lên làm trưởng nhóm của team. Khi bạn đã có kinh nghiệm hoặc muốn tiếp tục phát triển, học thêm, việc tìm môi trường khó hơn để trở thành bậc thầy hoặc thử sức một kỹ năng mới đều có thể thực hiện được.
Anh nghĩ sao về triển vọng của ngành Animation tại Việt Nam?
Anh nhớ ngày xưa, khi chia sẻ với khách hàng một trong những dự án Red Cat làm, họ còn cho rằng anh nói xạo: “Việt Nam làm gì làm được thế này?". Nhưng đến 2021 thì khác rồi nhé, Animation đã phổ biến hơn ở Việt Nam. Các công ty Animation ngày càng nhiều. Nhiều công ty nước ngoài mở cả văn phòng tại Việt Nam. Khao khát tìm kiếm nguồn lực ở các công ty này ngày càng lớn. Thậm chí, các công ty còn mở cả chương trình đào tạo. Chính việc này tạo ra cơ hội lớn cho các bạn theo đuổi lĩnh vực Animation trong nước. Trong khi nước ngoài họ phải đóng cửa các studio, nhân sự thất nghiệp rất nhiều.
Ngoài các công ty chuyên về Animation, các bạn có thể làm trong lĩnh vực quảng cáo, truyền hình, các công ty truyền thông giải trí, thậm chí là truyện tranh. Theo xu hướng gần đây, anh thấy các công ty quảng cáo, agency tuyển thêm Animator/Motion Designer vì khách hàng có nhu cầu. Việc này thể hiện sự dịch chuyển lớn trong lĩnh vực sáng tạo, khi khán giả, người tiêu dùng dễ dàng tiếp xúc với thiết bị số.
Các bạn cũng có thể trở thành freelancer, làm việc với các công ty trong và ngoài nước. Nếu trang bị thêm tiếng Anh, cơ hội rộng mở hơn rất nhiều.
Thu nhập của ngành cũng khác nhau theo từng công ty và quốc gia nha. Tại Việt Nam, nhìn chung, mức lương cơ bản sẽ là 8 triệu. Sau 1 - 2 năm có kinh nghiệm là 12 - 18 triệu. Nếu bạn có tiềm năng lên trưởng nhóm, mức lương sẽ trên 20 triệu. Ở cấp độ giám đốc thì trên 40 triệu là bình thường. Mức lương còn tăng dần lên theo thời gian và kinh nghiệm của bạn. Mức lương trăm triệu là có thể mơ tới, nhưng chặng đường sẽ gian nan hơn đó.
Nói về mức lương bây giờ hơi sớm, nhưng anh tự tin nói ngành này có tương lai, khi nhu cầu giải trí luôn tăng cao. Nếu học một cách bài bản, bạn sẽ có những kỹ năng bao gồm sáng tạo, storyboard, vẽ tay, mỹ thuật, phác thảo, kỹ năng minh hoạ/thiết kế, làm chuyển động. Bạn có thể học hết hoặc chọn cái chính mình theo đuổi. Chẳng hạn, nếu chỉ muốn làm hình ảnh, bạn không cần học chuyên sâu về chuyển động (biết thêm thì tốt).
Trong lĩnh vực này, nếu có năng khiếu bạn sẽ tiếp thu nhanh hơn, còn không cũng chẳng sao cả, cần cù bù thông minh. Nếu thấy vẽ khó quá bạn có thể đổi môn khác phù hợp với bản thân hơn mà.
Ngoài những ưu điểm kể trên, liệu có mặt trái gì khi làm Animation không?
Làm Animation, bạn sẽ được thỏa trí óc sáng tạo, thu nhập khá. Tuy nhiên, anh nghĩ các bạn nên vận động thường xuyên vì công việc phải ngồi nhiều. Mặt khác, công nghệ phát triển liên tục nên bạn phải liên tục học hỏi, nếu không dễ tụt hậu. Ngành này phục vụ cho số đông, lại thiên về thẩm mỹ nên bạn phải biết cách đón nhận lời khen chê. Các tác vụ cũng không cái nào giống cái nào, nhiều khi phải làm cả việc mình chưa làm bao giờ, thành ra dễ gặp áp lực về mặt thời gian. Làm trong ngành quảng cáo sẽ áp lực về mặt tiến độ, vì bản chất ngành quảng cáo là chạy đua với xu hướng thị trường, nên yêu cầu về thời gian lúc nào cũng gấp gáp. Vẫn có những công ty không có áp lực về thời gian, đó có thể là một công việc hơi nhàn. Ví dụ các Corporate tuyển Motion Designer/Animator giống như một vai trò nhỏ trong đội ngũ của họ chẳng hạn. Lựa chọn công việc vẫn là do các bạn. Nghề nào cũng có mặt trái mà.
Tổng kết lại, anh có điều gì muốn nhắn nhủ với những bạn trẻ quan tâm đến lĩnh vực Animation?
Để theo nghề này, bạn cần sự gai góc, gan dạ và quyết tâm theo đuổi niềm tin của mình. Bên cạnh đó, đừng quên chịu khó cập nhật thông tin, thị trường và kiến thức, biết đâu cơ hội sẽ đến? Bạn nào đã từng xem bộ phim hoạt hình Toy Story sẽ biết tới câu thoại kinh điển: “To infinity… and beyond!”. Anh tin tiềm năng và sức sáng tạo của ngành này cũng rất giống câu nói đó: Tới vô cực, và hơn thế nữa!
Thực hiện: Spiderum
Thiết kế: Khang
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất