Hello anh em, đây là một bài về một vấn đề mà tôi đã suy nghĩ từ lâu rồi nhưng hôm nay mới có dịp viết, có thể gọi nó là một góc nhìn triết học mới cũng được, vì sau bài viết này anh em sẽ có một cái nhìn mới hơn về mọi vấn đề trong cuộc sống.
Đây là một bài viết chủ quan theo quan điểm của người viết, thế nên khuyến khích anh em tranh luận và phản biện, nhưng tuyệt đối không chỉ trích vì quan điểm của mỗi người sẽ khác nhau, không có ai là đúng hoàn toàn và không ai là sai tuyệt đối cả.
Trước tiên, ta sẽ cùng định nghĩa lại các từ “dễ”, “khó” và “phức tạp”, những từ này sẽ được tôi định nghĩa theo cách hiểu và trải nghiệm của tôi đối với chúng, và chắc chắn sẽ khác với cách hiểu của anh em, vì trải nghiệm của chúng ta luôn khác nhau thế nên cách hình thành định nghĩa với chúng sẽ khác nhau.
1. Một vấn đề mà ta giải quyết được chúng mà tốn ít thời gian. Tôi gọi đó là việc dễ.
Ví dụ như là việc nấu cơm đi, tôi tin là hầu như ai cũng trải qua việc vo gạo và đặt cơm rồi, thế nên nó không tốn nhiều thời gian và công sức để ta nấu cơm cả.
2. Một vấn đề mà ta giải quyết được nhưng tốn khá nhiều thời gian. Tôi gọi đó là việc phức tạp. Phức là phức hợp, tạp là lai tạp, có thể hiểu phức tạp là việc phức hợp nhiều thứ lai tạp lại thành một thể.
Đơn cử như việc giải một bài tích phân mà ta đã học qua rồi vậy, ta biết cách giải, nhưng sẽ tốn khá nhiều thời gian để giải chúng, hoặc như việc chỉnh sửa ảnh hay âm thanh, chúng là những việc làm dễ, mang tính lặp đi lặp lại, nhưng tốn rất nhiều thời gian để hoàn thành một bản chỉnh sửa hoàn chỉnh.
3. Còn một vấn đề khó, đối với nhiều người, sẽ là một vấn đề ta không thể giải quyết triệt để được, trái ngược lại với “dễ”.
Ví dụ như là việc xây một căn nhà, làm lãnh đạo hay làm những công việc đao to búa lớn mà chúng ta không thể làm được ngay bây giờ.
Còn một khái niệm nữa đó là "bất khả thi" nữa nhưng tôi xin phép không đề cập trong bài này, vì ta rõ ràng cũng hiểu việc bất khả thi là việc gì rồi (Như việc bay hay biến hình, đó chắc chắn là những việc bất khả thi nên có lẽ sẽ không liên quan nhiều trong bài viết này).
Nếu anh em tinh ý thì, thời gian mà ta có để hoàn thành sẽ quyết định xem một vấn đề là dễ hay khó đối với ta.
Hoàn thành deadline trong 1 ngày thì khó, nhưng cũng cái deadline đó mà hoàn thành trong 1 tháng thì lại dễ.
Xây nhà trong 1 tháng thì khó, nhưng xây nhà trong 3 năm thì dễ.
Học một kĩ năng mới trong 3 ngày thì khó, nhưng trong 3 tháng thì lại dễ.
Thành công trong 3 ngày thì khó, nhưng 100 năm để thành công thì lại dễ.
Nếu vậy chẳng phải, hầu hết mọi việc ta cho là khó, nếu ta có thêm nhiều thời gian hơn, chẳng phải nó lại là việc dễ hay sao?
Thành công dễ lắm, cần 100 năm là được
Thành công dễ lắm, cần 100 năm là được |
Ảnh bởi
bruce mars
trên
Unsplash
Vậy thì trên thực tế, hầu như không có việc “khó”, mà chỉ có toàn những việc “phức tạp” mà thôi. Mà việc "phức tạp" thì cũng là một việc "dễ", nhưng cần nhiều thời gian hơn (Khái niệm “khó” thì không thể bỏ đi hoàn toàn rồi, vì trong những trường hợp ta không có đủ thời gian, thì nó sẽ là việc "khó" đối với ta).
Tôi sẽ không nói gì đối với những người đã trên 30, những người có quá ít thời gian để giải quyết vấn đề, nhưng đối với những người trẻ thì sao, việc thiếu thời gian đối với họ là việc không thể (trừ những trường hợp bắt buộc họ phải ra quyết định một cách mau lẹ), có chăng họ chỉ là không muốn làm hoặc là họ dành thời gian cho những việc không cần thiết thôi.
Vậy tại sao chúng ta lại luôn than vãn rằng mọi việc đều quá khó trong khi chúng ta còn trẻ, chúng ta còn nhiều thời gian để giải quyết chúng?
Tán gái khó không? Không khó, cái ta cần là thời gian để rèn luyện và học hỏi những phẩm chất cần thiết.
Off nhẹ xíu: Phẩm chất cần thiết ở đây là những phẩm chất như chí tiến thủ, tính lãnh đạm, hay khả năng lãnh đạo, dám dấn thân,… những thứ cốt lõi chứ không phải kỹ năng tán gái, những thứ phông bạt của tụi PUA (cách mở đầu cuộc trò chuyện, cố trở nên bận rộn để trông mình thành công hơn hay cách set date), những thứ đó chỉ là phần ngọn thôi, chẳng phải ta dùng những kĩ năng PUA đó chỉ để show ra những phẩm chất cốt lõi mà tôi đã kể ở trên sao? Nếu vậy thì ngay từ đầu ta nên tập trung vào phần cốt lõi luôn chứ đừng có tập trung vào phần ngọn làm gì trong khi những thứ cốt lõi đang ngày càng mục rữa. À về mảng PUA thì Lai H cũng khá ổn vì cũng có những bài viết tập trung về phần cốt lõi (nhưng vẫn nên chọn lọc), Wingman thì trông hơi phông bạt, nhưng PUA vẫn chỉ là PUA mà thôi, tham khảo thì được chứ đừng lậm nó quá.
Thành công khó không? Không khó, nếu ta có đủ thời gian để rèn luyện những phẩm chất, tư duy cũng như yếu tố để thành công.
Học kỹ năng mới khó không? Cũng không khó, cái ta cần cũng chính là thời gian.
Chúng ta, những người trẻ, thường cho rằng mọi sự việc là quá khó đối với ta, để chối bỏ trách nhiệm đối với chúng, một dạng trì hoãn điển hình mà ai cũng mắc phải.
"Thôi học đàn khó quá, tao không học đâu!”
Để rồi từ đó ta lại lao đầu vào những thú vui vô bổ (lướt facebook, chơi game, coi tiktok,…), bởi vì chúng là rất dễ đối với ta, việc nhẹ lương cao, ngồi không mà lượng Dopamine tràn vào dồi dào, nhưng tất nhiên, cái giá phải trả nó không đến ngay lập tức, mà nó tích lũy dần đến khi nguồn thời gian của anh em dần cạn kiệt, lúc đó anh mới nhận ra thì đã quá muộn rồi.
Vậy giải pháp là gì, như đã nói ở đầu bài, ta nên tập cách thay đổi góc nhìn của ta, hãy thử thay mọi việc “khó” thành việc “phức tạp” xem sao.
“Tập đàn nghe “phức tạp” quá, thôi tao không tập đâu”.
“Phức tạp” và “khó”, trông giống nhau nhưng thật không giống, mà thật sự thì mọi việc đâu phải “khó”, chỉ là chúng “phức tạp” thôi mà.
Tập đàn cũng chỉ là một việc phức tạp, nếu ta cứ từ từ học từng bài dễ từng bài dễ một và dành nhiều thời gian thì kiểu gì ta chả đánh giỏi lên được.
Học một thói quen mới cũng phức tạp thôi chứ đâu khó.
Quan trọng là ta có chịu kiên trì, bền bỉ và dành đủ thời gian cho chúng không thôi (trừ khi ta không có thời gian, nhưng mà còn trẻ thì làm gì có chuyện không có thời gian).
Khách quan mà nói, ta không thể cứ thế mà gọi tên mọi thứ lên là việc “phức tạp” một cách máy móc được (nghe nó dở hơi lắm), ta hãy nên có một góc nhìn khác về chúng thôi, chúng “phức tạp”, nghĩa là chúng “dễ” nhưng ta cần nhiều thời gian để rèn luyện.
Học tập không phải là dồn ép tất cả mọi thứ vào đầu. Biết cách học vừa đủ, đó mới là người thông minh. (Khuyết danh)
Làm việc gì cũng nên có một phương pháp và hướng đi cụ thể, nếu không ta sẽ lầm đường lạc lối không biết nên đi đâu (ai có mentor xịn thì hãy nên trân trọng vì không phải ai cũng may mắn thế đâu). Nhưng phải dám bước đi đã rồi ta mới dám nghĩ tới phương pháp chứ đúng không, có được tấm bản đồ trên tay mà không dám đi thì cũng như không.
Về phương pháp thì thật không có phương pháp nào hay bằng phương pháp Kaizen (anh em có thể search trên mạng), về cơ bản thì phương pháp này khuyên chúng ta chỉ cần đầu tư cải thiện bản thân mình tốt hơn 1% của ngày hôm qua thôi. Đúng, tốt hơn 1% thì ai chả làm được đúng không, nhưng lợi ích của nó thì rất khủng khiếp đấy. Ta cùng làm phép tính nha.
1 ngày tốt lên 1%.
10 ngày tốt lên 10,46%.
1 tháng tốt lên 34.78%.
Nhưng 1 năm tốt lên 3678%, thấy kinh khủng chưa.
Nhưng nếu một ngày anh em tệ đi 1% thì sau 1 năm từ 100% anh em sẽ chỉ còn 2.55% thôi.
Tóm lại, tôi không đảm bảo khi đổi góc nhìn từ “khó” thành “phức tạp”, bản thân anh em sẽ "biến hình" ngay lập tức, nhưng tôi cam đoan anh em sẽ thấy mọi vấn đề trở nên đơn giản hơn và khả năng anh em thay đổi sẽ cao hơn rất nhiều đấy.