Lời ngỏ: Vì mục đích của bài viết này là diễn đạt một cách dễ hiểu hơn về những vấn đề sức khoẻ tinh thần chúng ta trải qua trong mùa dịch Covid, hậu Covid hay thậm chí đã tồn tại trước đó, sẽ có rất nhiều tiết lộ nội dung phim trong đây. Nếu bạn không thích spoiler, hãy xem phim trước rồi đọc lại bài viết. Còn nếu đã xem rồi thì chúc mừng, chúng ta có thể thoải mái trao đổi với nhau trong phạm vi hiểu biết có thể.
Những kiến thức về chuyên môn đã được gửi cho những người trong ngành y tế - lĩnh vực tâm thần và ngoài lĩnh vực tâm thần cùng đọc để cố vấn về mặt nội dung, nghiên cứu và thuật ngữ. Nên bạn có thể yên tâm đọc (hay xem) mà không lo sợ về độ chính xác của các diễn giải. Và giờ, chúng ta cùng bắt đầu vào hành trình của thế giới cảm xúc và sự bình yên trong tâm trí. 
Trên suốt chặng đường thành người lớn, phải chăng nhìn thấy một đứa con nít khóc ngon lành xong lại cười toe toét, bạn đã tự nhủ biết bao lần “Phải chi được như tụi nó, buồn cứ khóc, vui cứ cười. Chả nghĩ ngợi chi nhiều.” 
Tuy vậy, trước những chuyện buồn, chúng ta lại tự nói với mình những câu “Gì mà yếu đuối vậy”, “Mọi việc sẽ ổn thôi”, “Đừng trầm trọng thế, vui vẻ lên”. Cứ trăm lần gặp biến cố lại giở kịch bản cũ với những câu thoại kia nhằm che lấp cảm xúc thực sự của mình. Vở kịch đó có thể là do chúng ta tự dạy mình, hay bắt chước từ người khác. Đứa con nít mà bạn đang nhìn, ao ước đó rồi một sớm một chiều cũng phải học vở kịch đó. Trước khi có những câu chuyện áp lực để trở nên xuất chúng như “con nhà người ta”, chúng ta đã có sẵn một “lò” luyện còn đặc biệt hơn nữa. Đó là nhà máy sản xuất những con người giỏi chịu đựng, giỏi giấu cảm xúc và phải đeo mặt nạ mỗi ngày rồi.
Inside Out được hãng Pixar cho ra đời vào năm 2015 giúp người xem tự đặt lại câu hỏi: bên trong chúng ta, thế giới cảm xúc đang nghĩ gì? Pete Docter, đạo diễn lừng danh với những bộ phim lấy nhiều nước mắt và lần lượt dành giải thưởng danh giá như Monster Inc, Up trước đây. Trong một bài phỏng vấn về đứa con tinh thần, Pete kể ý tưởng được lấy từ trải nghiệm nuôi nấng đứa con gái ở tuổi dậy thì của mình. Elie (con gái Pete, nguồn cảm hứng cho tên của vợ Carl trong Up), từng là cô bé rất vui vẻ cho đến độ tuổi 11. Ở thời điểm ấy, ông đã thấy khó khăn trước những thay đổi ấy thế nào, và bộ phim là cách hồi tưởng về quá trình này. Khi tìm hiểu thông tin này, mình đã rất xúc động khi thấy tình yêu thương lớn lao đến cỡ nào, và cũng nhớ đến bố mình - người đã phải mua rất nhiều sách để giao tiếp với hai chị em ở độ tuổi dở dở ương ương này, nhưng phải mất cả chục năm mới dần hiểu được tâm lý hai đứa trẻ. 
Năm nhân vật tượng trưng cho năm cảm xúc cơ bản nhất của người. Họ được khoác lên năm màu sắc khác nhau, nhằm diễn tả về cảm xúc một cách đơn giản để trẻ em và người lớn đều có thể hiểu được. Chúng ta có Joy (Vui vẻ) thật là vàng tươi, Sadness (Buồn bã) lập dị trong màu xanh nước biển, Disgust (Chảnh chọe) xanh lá hay xa lánh, Anger (Giận dữ) luôn đỏ phừng phừng, Fear (Sợ hãi) tím mong manh sợ sệt. Trong tâm trí của cô chủ Riley, một cô bé 12 tuổi, họ cùng nhau điều khiển dàn máy cảm xúc, giúp cô bé thể hiện tâm trạng mình bên ngoài. 
Khi còn ở ngôi nhà cũ, Riley là cô bé vô cùng vui vẻ, dí dỏm và hài hước. Điều này giải thích được là do nhân vật Joy, luôn cố gắng đứng đầu để điều khiển cỗ máy này. Joy cũng liên quan đến cách bố mẹ gọi cô bé lúc mới sinh “a bundle of joy” (một chùm niềm vui), là core value (giá trị cốt lõi) ban đầu không chỉ ở Riley, mà ở mọi đứa trẻ. Trong quá trình cô lớn lên, chúng ta thấy được các cảm xúc khác cũng đóng góp ít nhiều vào việc giúp cô bé phản ứng trước những thứ trong cuộc sống. 
Đóng vai trò chỉ huy chính của dàn máy cảm xúc, Joy luôn cố gắng để Riley vui vẻ hết sức. Cô ghẻ lạnh với Sadness (buồn bã) khi chứng kiến đồng đội mình làm Riley khóc. Sự tồn tại của cô bạn màu xanh trầm buồn chẳng khác gì là sự phá bĩnh cho guồng làm việc năng suất mỗi ngày của cô. Buồn bã kể từ đó luôn phải khép mình, ngồi một góc đọc tài liệu hướng dẫn và bị cô lập. Chỉ đến khi gia đình đến môi trường mới, Joy phải học cách giải quyết những mớ xáo trộn trong lòng Riley, cũng như các cảm xúc phải học cách yêu thương con người mới của cô chủ mình.
Lần đầu tiên khi bộ phim ra mắt ở rạp, nhiều bạn bè mình đã đăng status vì Inside Out giúp họ gợi nhớ về tuổi niên thiếu của mình. Cái độ tuổi mà chúng ta bắt đầu nhìn người ngoài nhiều hơn để học cách cư xử, bắt đầu cảm nhận ý kiến của người khác về mình ra sao. Cái thời mà những con người nhỏ không ra nhỏ, lớn không ra lớn học cách trở nên “cool”, che giấu cảm xúc của bản thân. 10 năm cuộc đời, chúng ta đã dần nghe quá nhiều lần những câu dỗ “khóc là xấu lắm”, để rồi bắt đầu dặn và tự trừng phạt mình mỗi khi rơi nước mắt. Đến khi đụng chuyện, chúng ta đè nén cảm xúc, học cách trơ lì, gắng gượng với bản thân hơn. Dần dà, ta bỏ quên mất nhu cầu cảm xúc thực sự của bản thân mình. Vui cũng không biết, buồn cũng không hay, sợ cũng trơ lì. Để rồi khi mọi thứ dồn đến điểm gãy, mọi cảm xúc cứ dồn nén như một quả bóng, chờ đến ngày là nó vỡ tung. Đến lúc này, ta không tự cứu mình được nữa.
Theo Tuyên ngôn Alma Mata WHO năm 1978 về định nghĩa sức khoẻ: “Sức khỏe là trạng thái hoàn toàn thoải mái về tâm hồn, về thể xác, về xã hội”. Ở đây mình nhấn mạnh chữ “thoải mái”. Thoải mái là khi mình hiểu rõ và giúp cơ thể đạt trạng thái tự nhiên, thư thái nhất. Giảm cân khi bạn thấy mình tăng ký là tốt, nhưng ép cân để cơ thể gầy mòn chỉ dẫn đến cái chết. Tương tự, kìm nén cảm xúc, cố gắng né tránh tiêu cực hết sức có thể, liệu bản thân bạn và mình, có còn thực sự thoải mái nữa không?
Đại dịch COVID từ năm ngoái đến nay đã tước đi sinh mạng của hàng triệu người. Nhiều người ra đi vì tiến triển khó đoán của căn bệnh lây lan qua đường hô hấp này. Nhưng bên cạnh những cái chết rõ ràng, chúng ta cũng chứng kiến một thế hệ đang đang sống mà những tưởng chết: những con người kiệt quệ về sức khỏe tinh thần khi phải ở nhà quá lâu. Sự mệt mỏi tinh thần dần gặm nhấm và tàn phá bên trong con người, khiến người ta mất động lực để làm việc, để thức dậy, nặng hơn là tìm đến cái chết. Mệt mỏi đến từ những thất bại trong công việc, làm việc quá tải, thiếu lương thực thực phẩm, hay chứng kiến sự ra đi của người khác. Những gánh nặng chồng chất lên người lớn, và người lớn vẫn phải tự động viên mình phải vui lên, phải cố lên dù không biết mọi thứ sẽ ổn đến lúc nào. 
Và liệu trong cuộc đua mưu sinh, làm việc hay tự an ủi mình, có bao giờ bạn tự nhìn lại và hỏi mình: mình có ổn không?
Từ năm ngoái (2020), những nghiên cứu và khảo sát về sức khoẻ tinh thần được thực hiện ở Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và một số quốc gia khác đều  ghi nhận sự tồn tại của các vấn đề sức khỏe tâm lý cả những người mắc COVID nằm viện, cách ly tại nhà hay thậm chí không bị mắc bệnh . Ở Trung Quốc - nơi đầu tiên xảy ra đại dịch, một nghiên cứu được thực hiện thông qua khảo sát trực tuyến trên 1210 người đến từ 194 thành phố cho thấy hơn nửa số đó có vấn đề tâm lý từ trung bình đến nghiêm trọng và ⅓ đang trải qua vấn đề lo âu với mức độ tương tự.[1] Ở Mỹ, một nghiên cứu đăng trên tạp chí Lancet ghi nhận tình trạng ở các bệnh nhân COVID nhập viện gồm mất ngủ, suy giảm tập trung, trầm cảm, lo âu,... Các tình trạng này có thể khiến bệnh nhân tử vong sớm hơn. nếu không nhận được sự can thiệp về tinh thần kịp thời. Một bài báo đăng trên JAMA ghi nhận các vấn đề sức khoẻ tinh thần ở nhân viên y tế, nhiều nhất là Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD), sau đó là trầm cảm, lo âu và mất ngủ. [2] Ở Singapore vốn đang kiểm soát tốt đại dịch, đường dây nóng chăm sóc cả nước đón nhận 23000 cuộc gọi về vấn đề tài chính và tâm lý đại dịch từ tháng 4 năm 2020. [3]
Ở Việt Nam hiện tại còn rất ít nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực này. Tuy nhiên, nghiên cứu từ Hiệp hội Tâm lý học Trung Quốc, nhóm các nhà nghiên cứu Đài Loan và Việt Nam thực hiện ở ba tỉnh Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế và Thành Phố Hồ Chí Minh trên nhiều đối tượng cho thấy [1] 18.000 người được chẩn đoán mắc chứng căng thẳng COVID-19 (COVID Stress), 64,3% trong số 3.947 người ở thành phố Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế và Hồ Chí Minh đã trải qua trầm cảm vì lo ngại việc mình sẽ nhiễm bệnh 
Năm nay cũng có một nghiên cứu của một bác sĩ quân y trên những nhân viên y tế. Những khảo sát khác vẫn đang thực hiện ở những đối tượng F0 đã khỏi bệnh. Năm ngoái, một bài báo được đăng trên tạp chí Hiệp Hội Tâm lý Mỹ của hai tác giả người Việt khảo sát về tình trạng stress ở 509 người trưởng thành khắp cả nước qua mạng xã hội và điền form, cũng ghi nhận tình trạng này. 
Những điều này cho thấy: cho đến thời điểm này, sự bình an trong tâm trí là thứ càng cần được coi trọng hơn nữa. Mình chưa từng nghĩ sức khoẻ tinh thần lại quan trọng đến thế cho đến khi tham gia đường dây theo dõi và hỗ trợ các bệnh nhân F0 tại nhà. Cùng lúc ấy, những đứa bạn tâm sự liên tục về việc kiệt quệ tinh thần - dù có đi chống dịch hay không cũng thôi thúc mình viết ra bài này. Cách đây ba năm trước, mình từng viết bài về bộ phim này, lúc ấy khá ôm đồm dẫn chứng và mô tả tình tiết. Tại sao lại không viết lại theo cách khác nhỉ?
Khi mới xem lại bộ phim cách đây một tháng trước, những câu hỏi đã nhen nhóm trong đầu rằng:  liệu đây chỉ là bộ phim nói về sự thay đổi tâm lý ở độ tuổi vị thành niên không? Khi tự hỏi bản thân, lúc ấy  mình đang ở trong nhà với tâm trạng vô cùng bất ổn do lockdown quá dài ngày. Chứng kiến những thứ mình dự định làm, hay mong mỏi hoá không thành, mình muốn khóc mà không khóc được. Chỉ vì năm lớp 5, trong một lần học bơi, mình đã từng lỡ dại nói với thầy giáo mình là em sẽ không bao giờ khóc :)))
Và giờ mình lại nghĩ đến hình ảnh Riley khác. Riley đó có thể là đứa bé trong mỗi người lớn, cần được vỗ về. Đứa bé từng nghĩ gì bộc lộ nấy, vô tư vô nghĩ cho đến khi biến cố đến, dần học cách thu mình lại. Inside Out dành cho trẻ con cũng không hẳn. Nhưng cũng không chỉ dành để hoài niệm về tuổi teen. Tuy nhiên, tình huống ở đây là trước mọi biến cố, chúng ta đều như Riley - đổ sập và suy sụp mọi thứ vậy. Ngay thời điểm đại dịch này, chúng ta đều ít nhiều đều trở thành cô bé Riley. Nhìn về cô bé độ tuổi đang lớn, và năm người bạn cảm xúc, để tự hỏi bản thân: Mình có thực sự ổn, hay thoải mái trong ngày hôm nay/ tháng này hay không? 

Ai cũng có lúc rối tung trước những điều ngoài dự đoán

Khi Riley chuyển đến nơi ở mới, cô bé cảm thấy sốc khi mọi thứ không tuyệt đẹp như viễn cảnh mình từng háo hức trước đi đặt chân. Cộng thêm việc chứng kiến bố mẹ gặp một số trục trặc, bạn thân cũ có bạn thân mới khiến Riley càng rơi vào hụt hẫng. Thất vọng này chồng chất thất vọng khác, tất cả những Hòn Đảo Tính Cách (Personality Island) của cô dần đổ sụp. Và chúng ta có một nhóm bạn cảm xúc đang ngáo ngơ tìm đủ mọi cách để cứu vãn Riley. Joy và Sadness ra đi tìm đường cứu chủ, để lại ba cảm xúc còn lại vật lộn với cách giúp cô chủ phản ứng hằng ngày trước cuộc sống. 
Hòn Đảo Tính Cách được xây dựng trên niềm tin cốt lõi của con người. Niềm tin là thứ khiến những cảm xúc tồn tại ổn định. Khi mọi thứ khác đi, niềm tin lung lay, những cảm xúc từ đó cũng thay đổi. Sự sụp đổ của các hòn đảo ngụ ý cho tình trạng “breakdown” của con người. Và đó là lý do khi Joy cố gắng đặt thêm nhiều quả cầu cảm xúc để cứu Riley, mọi thứ càng tệ hơn. 
Cách các Cảm Xúc xử lý trước đống Nhân Cách bị đổ nát cho thấy phản ứng bình thường của con người trước những điều ngoài tầm với. Trước mọi thứ vượt quá sức, chúng ta ai cũng rối tung lên cả. Nếu ai đó đang than với bạn điều đó, thì hãy hiểu rằng đó là bên trong họ, các cảm xúc cũng đang cố gắng để giải quyết khiến họ ổn hơn. Mà đã lao vào rối ren, người ta hay nghĩ bậy, nghĩa bừa. Việc Joy lúng túng giữa mớ quả cầu ký ức, cũng như khúc sau phân cảnh Anger tìm cách thay thế điều khiển của dàn máy cảm xúc bằng chiếc bóng đèn dây tóc đã minh chứng cho điều đấy. Ba cảm xúc tìm cách xô đẩy nhau để tìm cách giải quyết nhanh nhất cho thân chủ của mình, nhưng càng ngày mọi thứ càng đến ngõ cụt. Đơn giản vì họ cũng không biết rõ liệu việc mình đang làm có thực sự đúng vai không. Giận dữ thay thế Vui vẻ, Sợ hãi thay thế Buồn bã, rồi ba người tráo vai liên tục cho nhau. Để rồi dàn máy tê liệt, Riley không còn biểu hiện của bất kỳ cảm xúc gì nữa, cô rơi vào trạng thái “tê liệt cảm xúc” - mặt cứ như người vô hồn. 
Cách các cảm xúc đang tranh giành nhau cũng phản ánh tình trạng rối loạn thích nghi khi chúng ta đến môi trường mới vậy. Ở đây, Riley đang trải qua rối loạn thích nghi (adjustment disorder) theo tiêu chuẩn của DSM-V: cô bé trải qua những thay đổi về cảm xúc và hành vi rõ rệt trong một thời gian khá dài, gặp những vấn đề ở nhà (mất kết nối với bố mẹ) và trường học (sợ đến lớp, bỏ cuộc sau thua trận khúc côn cầu. 
Điều này cũng giống tình trạng của nhiều người trong mùa đại dịch Covid này, ngồi yên làm việc tại nhà, hay học online liên tục cũng là một quá trình của sự nỗ lực. Bởi vì chúng ta không thể làm quen được trong một môi trường thiếu sự giao tiếp thân thuộc, thậm chí ở cả những bạn vốn quen làm việc tự do cũng không quen với việc phải làm việc liên tục ở nhà. Không được ra đường, thiếu sự thư thái, rơi vào bế tắc trong công việc (art block, writer’s block), chúng ta càng dễ thất vọng và chán nản. Còn với những bạn học sinh, việc phải chờ lịch dời thi dài dằng dẵng khiến bản thân khó có động lực bước ra khỏi giường. Con nít khổ sở, người lớn cũng lao đao không kém. 
Tuy nhiên, do từ nhỏ chúng ta thường được dạy, hay học từ người khác việc giấu đi cảm xúc, nên không biết rõ mình đang rối tung thế nào. Có những người rõ ràng thì nói “tôi đang stress, tôi cần được nghỉ ngơi”, nhưng tệ hơn là không biết mình trải qua điều đó. Chỉ đến khi gặp bác sĩ, hay gặp những ai nhạy cảm tinh tế trò chuyện, họ mới biết mình đang thực sự không ổn. Vì khi gặp biến cố, phản ứng đầu tiên của chúng ta là chối bỏ. Chúng ta khăng khăng rằng mọi thứ sẽ ổn, rồi cố tìm đủ đường khác đi để tránh né vấn đề của mình. 
Những giải pháp ấy có thể mang lại sự thoải mái tức thời, nhưng về dài lâu không giúp được chúng ta. Trong Inside Out, đó là cách Joy luôn miệng nói “find a shortcut” (lối tắt) để về nhà trước sự cảnh báo về độ nguy hiểm từ lời Sadness, hay việc Anger (tức giận) thế bóng đèn dây tóc vào dàn điều khiển để rồi cuối cùng nó cháy rụi. 
Hình ảnh chiếc bóng đèn dây tóc bị cháy là một chi tiết rất hay ngụ ý cho hai điều. Loại đèn này thường gắn liền với hình ảnh của những ý tưởng chớm nở, cảm giác hưng phấn. Nhưng một chiếc đèn bị cháy? Thứ nhất, khi Joy tháo bóng đèn bị hỏng và để Sadness điều khiển dàn máy cảm xúc, cô và những người bạn nhận ra việc giải quyết mọi thứ một cách tạm bợ sẽ không đi đến đâu. Thứ hai, họ nhận ra rằng nếu một thứ không làm đúng vai trò của nó, nó sẽ bị quá tải, dẫn đến hư hỏng. Và điều thứ hai cũng là thứ họ đã trải qua. Sadness không giúp Riley buồn được khi gặp điều tuyệt vọng, Joy thì gắng gượng để Riley hạnh phúc. Khi người ta phải ôm đồm nhiều thứ, ắt sẽ dẫn đến stress. Và chiếc đèn bị cháy đưa ra thông điệp: nếu làm không đúng vai trò, ắt sẽ bị “bứt show”. Đây là cách giải thích rất hay cho vấn đề stress: mọi cảm xúc của chúng ta cũng đến điểm gãy, và việc của nó là phải “xìu” vì sự quá tải này. 
Như những con số mình đưa ra ở trên, vấn đề kiệt quệ và trạng thái bất lực, đến từ đủ thứ vấn đề trong mùa dịch là có thật. Với nhiều người, có thể là cú sốc mất việc, uể oải với cuộc họp hàng ngày, thiếu định hướng cuộc sống, thiếu tiền. Tệ hơn, ở những người nhiễm bệnh là thiếu đồ ăn, thiếu sự quan tâm theo dõi về y tế. Hỏi riêng bạn, người đọc bài viết này: đã bao giờ bạn cảm thấy mình hoàn toàn tê liệt về cảm xúc? Có những ngày bản thân cảm thấy bị tê liệt, cảm giác “đóng băng” và bất lực khi không thể làm được thứ gì cho ra hồn? 
 Trong đại dịch Covid, có một thuật ngữ mới được ghi nhận trong y khoa đó là “COVID 19 stress”. Theo Tổ chức Y tế thế giới, Covid 19 đã được nhìn nhận như một khủng hoảng toàn cầu về cả lo lắng thể chất lẫn sức khoẻ tinh thần. Vấn đề dễ thấy nhất là hiện tượng stress. Stress được định nghĩa là “feeling troubled or threatened by life” (cảm thấy rối bời hay bị đe doạ bởi cuộc sống). Những nguồn cơn của stress có thể đến từ những vấn đề lớn hay nhỏ trong cuộc sống. Các biểu hiện của căng thẳng rất đa dạng, có thể đến từ những thay đổi ở cơ thể (cảm giác nóng bừng, khó thở,..), hay đến những thay đổi về cảm xúc, thói quen ăn uống. Thậm chí chúng ta có xu hướng nhớ về những ký ức tồi tệ trong quá khứ. Dần dà, chúng ta có xu hướng bấu víu vào những cảm xúc, kỷ niệm tồi tệ, kéo bản thân ra xa những giá trị cốt lõi ban đầu. Giống như cách các hòn đảo cảm xúc bị sụp, cũng như các quả cầu ký ức dần hoá đen vậy.[5]
Nguồn: <a href="https://www.who.int/publications/i/item/9789240003927">Doing What Matters in Times Of Stress </a>- Cẩm nang hướng dẫn xử lý Stress của Tổ chức Y tế Thế giới, in trong năm nay.
Nguồn: Doing What Matters in Times Of Stress - Cẩm nang hướng dẫn xử lý Stress của Tổ chức Y tế Thế giới, in trong năm nay.
Nhiều khi người đang trải qua tình trạng stress không hề biết mình cảm thấy quá tải, do không gọi tên được cảm xúc hay biểu hiện bằng hành vi mà người khác thấy được. Nên thay vào đó, các triệu chứng cơ thể sẽ là dấu hiệu nhận biết và có thể gây nhầm lẫn: nhức đầu, đau cổ vai, đau lưng, tức ngực, căng cơ, không thấy đói, thấy nghẹn ở cổ họng, khó chịu ở dạ dày.
Nhiều khi người đang trải qua tình trạng stress không hề biết mình cảm thấy quá tải, do không gọi tên được cảm xúc hay biểu hiện bằng hành vi mà người khác thấy được. Nên thay vào đó, các triệu chứng cơ thể sẽ là dấu hiệu nhận biết và có thể gây nhầm lẫn: nhức đầu, đau cổ vai, đau lưng, tức ngực, căng cơ, không thấy đói, thấy nghẹn ở cổ họng, khó chịu ở dạ dày.

Một số biểu hiện của stress liên quan đến suy nghĩ và hành vi: trở nên khó khăn với bản thân, cảm thấy cuộc sống bất công hay khó khăn với mình, dễ tranh luận cãi vã, hay lo lắng về tương lai. Các triệu chứng này hiện khó liên quan đến khuôn khổ ở đây, nhưng sẽ xuất hiện một số ý cần nói ở bài viết sau. Mình sẽ phân tích kỹ qua từng chi tiết sau này.
Một số biểu hiện của stress liên quan đến suy nghĩ và hành vi: trở nên khó khăn với bản thân, cảm thấy cuộc sống bất công hay khó khăn với mình, dễ tranh luận cãi vã, hay lo lắng về tương lai. Các triệu chứng này hiện khó liên quan đến khuôn khổ ở đây, nhưng sẽ xuất hiện một số ý cần nói ở bài viết sau. Mình sẽ phân tích kỹ qua từng chi tiết sau này.
Nghiên cứu năm 2020 của hai tác giả Pfefferbaum và North đã chỉ ra những hậu quả của COVID sress lên khủng hoảng về cảm xúc và gia tăng nguy cơ các rối loạn tâm thần. Một nghiên cứu của nhóm tác giả khác về di chứng tâm lý ở những người đang đi cách ly và nhân viên y tế phải đối mặt với nhiều vấn đề về cảm xúc: stress, trầm cảm, bứt rứt khó chịu, mất ngủ, bài ngoại (cụ thể là làn sóng Asian Hate ở Mỹ), lo âu, tức giận, buồn chán và cả những kỳ thị liên quan đến vấn đề cách ly. Kể cả khi không còn giãn cách, những vấn đề này vẫn tồn tại dai dẳng. [1]
Và sau khi đợt dịch đi qua, tất cả mọi người, dù từng nhiễm bệnh hay không, đều phải học cách phục hồi do những hệ quả từ căng thẳng do COVID để lại. Đó là lý do Tổ chức Y tế Thế giới nhấn mạnh tầm quan trọng của Mental Health Day (diễn ra vào ngày 10/10) năm nay và đưa ra những chiến lược về Sức khoẻ tinh thần đến năm 2030 [4]. Trước khi có Covid, những vấn đề như trầm cảm, rối loạn lo âu, hoảng sợ,.. đã được nói rất nhiều. Tuy vậy vẫn còn rất nhiều định kiến về vấn đề này. Bản thân mình khi nói chuyện với người lớn trong nhà vẫn chứng kiến tình trạng này. Cho đến Covid, những điều này càng được nhấn mạnh hơn nữa, đặc biệt là stress. Và điều đáng buồn thay, stress lại không thể hiện rõ, và để đi khám một bác sĩ, hay chuyên viên tâm lý cũng khá khó, khi mọi thứ chỉ thể hiện qua video call, hay gọi thoại. 
Bài viết phần một của mình đến đây là kết thúc. Phần sau mình sẽ đi vào một chi tiết để giúp mọi người xử lý stress (căng thẳng), đó là gọi tên cảm xúc của mình. Hy vọng các bạn sẽ ủng hộ và đón đọc phần tiếp theo. Đừng quên like bài viết và chia sẻ về trải nghiệm tâm lý với Spiderum nhé <3
Lời đề nghị: Hiện nay Sài Gòn và Hà Nội mình đang dần ổn, nên mình cũng đang lo lắng cho những bệnh nhân về những thứ sau Covid. Tuy nhiên, có thể sắp xảy ra những làn sóng dịch ở các tỉnh khác, và chắc chắn, những hiện trạng về sức khoẻ tinh thần sẽ ập đến. Mình mong Spiderum sớm chuyển thể series bài viết về Inside Out này thành video (các hình về stress để credit giúp mình) nhằm thức tỉnh mọi người về sức khoẻ tinh thần. Kết thúc bài, mình có thể sẽ cung cấp thêm một số thông tin về đường dây tư vấn tâm lý, tâm thần để mọi người có thể gọi nhờ hỗ trợ. Cảm ơn mọi người đã chú ý đọc!
Vĩnh Anh
Tư liệu tham khảo:
[1] Thanh Minh Nguyen, Giang Nguyen Hoang Le (2021) The influence of COVID-19 Stress on Psychological Well-Being Among Vietnamese Adults: The Role of Self-Compassion and Gratitude
[2]
[3]
[4]
[5]