Liệu áp lực có tạo nên kim cương? (Series Tâm lý học - #2)
Bài viết này mình sẽ viết về chủ đề tâm lý của con người khi làm việc dưới những môi trường áp lực cao và thấp sẽ khác nhau như thế nào, khi làm việc với mức lương cao và thấp thì hiệu quả công việc sẽ ra làm sao.
Tiếp tục series viết về tâm lý học và những yếu tố của ngành kinh tế học hành vi, bài viết này mình sẽ viết về chủ đề tâm lý của con người khi làm việc dưới những môi trường áp lực cao và thấp sẽ khác nhau như thế nào, khi làm việc với mức lương cao và thấp thì hiệu quả công việc sẽ ra làm sao.
1, Sự hiểu lầm tai hại
Có phải trong những cuốn sách self-help, chúng ta thường sẽ được động viên qua những câu chuyện phi thường về những hoàn cảnh khó khăn vươn lên và thành công, và đâu đó sẽ có những lời khuyên đại loại như : “Áp lực sẽ tạo nên kim cương”, mình cũng từng nghĩ như vậy, nếu các bạn đã trải qua kì thi đại học, bạn sẽ hiểu những áp lực từ gia đình, bản thân, thầy cô và bạn bè kinh khủng đến như thế nào, và chúng ta cũng tự động viên nhau rằng : “Cố lên nào, thà để mồ hôi rơi trên trang sách còn hơn là nước mắt rơi trên bài thi”, “Cố lên nào, có áp lực thì mới có thành công”, những áp lực đó dường như nhân đôi lên khi mình quyết định thi lại để đạt kết quả tốt hơn, và bạn biết không, thứ áp lực đó chẳng giúp mình thành một viên kim cương, mà nó ép mình lại đến nghẹt thở và không thể cố gắng hết sức của bản thân mình được. Cho đến hôm nay, mình vẫn vô cùng sợ khoảng thời gian đó, một khoảng thời gian cho những áp lực không đáng có, khoảng thời gian cho những sự hiểu lầm tai hại.
Vậy tại sao mình lại nói đó là hiểu lầm, vì chính những thứ áp lực ấy chẳng thể giúp mình phát triền hết khả năng, thậm chí là còn đẩy lùi mình đi xuống. Khi mình bắt đầu là sinh viên chuyên ngành kinh tế, mình dần tìm hiểu và rõ hơn về vấn đề này. Đây không phải là sự hiểu lầm của riêng mình mà còn lại vấn đề mà mình khá chắc rất nhiều người đang gặp và mắc phải trong cuộc sống. Chính vì vậy, hãy cùng mình tìm hiểu xem sự thật đằng sau vấn đề này là như thế nào qua bài viết của mình nhé.
2, Những con chuột bạch liệu có khác con người
Vào những năm đầu của thế kỉ XX, 2 nhà khoa học Robert Yerkes và John Dodson đã làm thí nghiệm với các con chuột để xem cách chúng thích ứng với môi trường bên ngoài như thế nào, các nhà khoa học thả chúng vào một mê cung, kích thích chúng bằng cách cho chúng giật điện và tăng dần mức độ để xem ở mức điện bao nhiêu, chúng sẽ thích nghi và tìm cách chạy thoát khỏi mê cung nhanh nhất. Ban đầu ai cũng sẽ hình dung khi càng tăng dòng điện lên những con chuột sẽ càng thấy đau đớn và tìm cách chạy thoát nhanh hơn. Khi dòng điện thấp, những con chuột không có động cơ để cố gắng, chúng chậm rãi trong việc tìm cách thích nghi. Khi mức độ điện tăng lên mức trung bình, những con chuột rất nhanh chóng cảm thấy đau đớn và điều đó kích thích chúng tìm cách thoát khỏi mê cung nhanh hơn. Nhưng khi ở mức độ điện cao, những con chuột không hề giải quyết bài toán hiệu quả hơn chút nào, chúng sợ hãi bị giật điện hơn là tìm cách thoát khỏi mê cung và thời gian thoát khỏi đó lại tang lên. Từ đó, một đồ thị tương tự hình chữ U ngược ra đời biểu thị mối tương quan giữa sự áp lực, căng thẳng và năng suất làm việc.
Để hiểu rõ hơn liệu nguyên lý này có ảnh hưởng với con người hay không, một nhóm các nhà nghiên cứu gồm Dan Ariely (Giáo sự kinh tế tại Trường Đại học Duke ), cha đẻ của cuốn Phi lý trí, Lẽ phải của phi lý trí,... và các giáo sư tiến sĩ cộng sự của ông đã mang thí nghiệm này tới con người, và thay vì hình thức giật điện, các nhà khoa học đã thay đổi nó bằng một khoản tiền thưởng hậu hĩnh chia dần theo 3 cấp độ: thấp, trung bình và cao. Khi người tham gia thí nghiệm hoàn thành các nhiệm vụ, họ sẽ nhận được những khoản tiền thưởng ngẫu nhiên và được báo trước theo 3 cấp độ trên. Và các bạn biết gì không, con người cũng không khác gì loài chuột là mấy, khi ở mức tiền thưởng thấp và trung bình, họ thường làm việc vô cùng năng suất và hiệu quả, nhưng riêng với mức tiền thưởng cao, họ trở nên khó khăn khi chỉ nghĩ về khoản tiền đó thay vì tập trung vào công việc được giao. Nhưng Dan Ariely cũng nhấn mạnh những thước đo trên chỉ áp dụng với những công việc mang tính logic hay phải sử dụng những kiến thức và trình độ nhất định. Điều này không áp dụng với những công việc giản đơn mà không yêu cầu quá nhiều kiến thức khi làm.
Một ví dụ khác, nếu các bạn có thường xuyên theo dõi Youtube của các Youtuber nổi tiếng nước ngoài hẳn các bạn biết ông vua Youtube – MrBeast, là những lần vung tiền trao cho các giải thưởng với những con số ngoài sức tưởng tượng, nhưng bạn có để ý không, những video thử thách đơn giản kiểu như nâng quả tạ một lần anh ấy được 1 đô, người chơi chắc chắn sẽ cố hết sức để lấy được số tiền nhiều nhất, nhưng với những thử thách khó hơn như thuê FBI, quân đội để bắt MrBeast, số tiền càng cao thì chúng ta lại càng cảm thấy những áp lực và lo lắng dồn nên những người chơi và đôi khi họ bỏ cuộc rất sớm hay đưa ra những quyết định kém thông minh. Các bạn có nhớ những giây phút lịch sử của thủ môn Bùi Tiến Dũng hay Quang Hải tại Thường Châu năm đó không. Tại sao họ lại mất dần phong độ? Có phải do không luyện tập? Không, theo mình nghĩ chắc chắn là không bao giờ, khi ở trên đỉnh cao, họ sẽ bị những áp lực cực kì lớn về hình ảnh của bản thân trong quá khứ, và những thứ đó khiến họ không thể tập trung dồn hết tâm trí thi đấu khi như chưa có gì được.
3, Ảnh hưởng của những áp lực và mối liên quan kinh tế
Kinh tế học cơ bản cho rằng nền kinh tế vận hành trên cán cân cung cầu, rằng mức giá chung sẽ được xác định trên thị trường... từ đó những công thức được sinh ra để giải quyết những vấn đề của nền kinh tế. Nhưng kinh tế học hành vi lại dần bổ sung những thiếu sót của kinh tế học cơ bản và cho thấy, đôi khi, những công thức không hoàn toàn đúng như chúng ta nghĩ.
Cùng nhìn lại cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, nhìn xem những nhà đầu tư hàng đầu và phố Wall đã bung bét như thế nào khi khiến cả một hệ thống kinh tế không chỉ của nước Mỹ mà toàn cầu đi xuống. Nếu thực sự mọi thứ đẹp đẽ như những bức tranh tài chính mà các CEO, chuyên gia kinh tế đầu ngành vẽ ra trên những lý thuyết của họ, liệu có xảy ra cuộc khủng hoảng ấy – chắc chắn câu trả lời là không bao giờ, sự tham lam của các ngân hàng, các tổ chức tín dụng và bảo hiểm không hề có trong các lý thuyết kinh tế cơ bản. Những CEO và các nhà môi giới đầu tư chứng khoán được trả những khoản lương cao ngất ngưởng, họ cho rằng mình xứng đáng với những khoản thưởng đó, và những người khác cần cố gắng hơn để đạt được như họ. Điều này đúng với những khoản thưởng không quá cao. Nhưng giả sử bạn được biết vào cuối năm, bạn sẽ được thưởng khoảng 1 tỉ đồng… (nghe hơi vô lý với mức lương 10 triệu 1 tháng: v) liệu bạn có thực sự tập trung và cống hiến cho công ty, hay sẽ chỉ nghĩ xem mình sẽ dùng khoản tiền đó để làm gì và mua sắm ra sao.
Bạn thường nghe về những người bỏ học rồi trở thành những tỷ phú giàu nhất thế giới, thử suy ngẫm một chút, thứ gì đã khiến họ thành công như vậy? Phải chăng khi họ không cần quan tâm ngày mai ra sao, mặc kệ những lời nói của xã hội, …v.v không còn một chút áp lực nào mới khiến họ cố gắng hết 100% sức lực và chỉ dồn vào những dự án, dồn vào những thứ họ tin tưởng tuyệt đối hay sao. Rồi liệu việc danh thủ người Bồ Đào Nha Cristiano Ronaldo đến CLB Al Nassr ở Saudi Arabia thi đấu có phải chỉ vì tiền? Hay do anh 7 chỉ muốn đá bóng mà không phải mang lên vai một trọng trách hay gánh nặng nào nữa, lúc ấy... chả phải anh mới có thể sống, mang hết tâm sức và trí óc để cống hiến cho bóng đá hay sao.
Vậy, áp lực có thực sự…tạo nên kim cương? Hay không áp lực và sống hết mình mới có thể trờ thành những viên kim cương sáng giá nhất?
4, Sống một đời đáng sống
Theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), khoảng 8% - 29% trẻ em đang trong độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần. Ước tính tại Việt Nam có ít nhất 3 triệu thanh, thiếu niên có các vấn đề về sức khỏe tâm lý, tâm thần. Tuy nhiên chỉ có khoảng 20% trong số đó nhận được hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết. Mình nghĩ con số bệnh nhân không chỉ dừng lại ở mức này, ngay từ bé, chúng ta đã phải chịu những áp lực từ gia đình và trường lớp. Lớn hơn một chút, ở độ tuổi thành niên, người ta lại có những áp lực về sự nghiệp và tương lai. Đến trung niên, con người lại đâm đầu trong những cuồng quay về công việc và nỗi áp lực phải lo cho gia đình. Và chả nhẽ ta phải đợi đến khi già mới thoát khỏi những gánh nặng và áp lực chăng? Như đạo Phật từng nói: “Đời là bề khổ”, ta chả thể thoát và tránh khỏi những áp lực đó, nhưng nếu ta chả thể thay đổi chúng, tại sao ta không thay đổi chính bản thân mình, thay đổi chính những suy nghĩ trong ta.
Mình bắt đầu sống tích cực và thoải mái hơn khi dần hiểu ra, càng áp lực, càng lo lắng thì mình sẽ càng không thể tập trung cố gắng được. Mình bắt đầu làm mọi thứ… “cho vui” các bạn ạ, mình học “cho vui”, mình đi thi “cho vui”, và mình đọc sách và viết bài cũng… “cho vui”, nhưng chính sự “cho vui” đó lại khiến điểm số và năng suất làm việc của mình cao lên đáng kể, tất nhiên mình không hề đánh giá thấp việc chúng ta nên đặt những mục tiêu cụ thể cho mình và tạo áp lực để bản thân cố gắng. Mình chỉ nói đến việc, đôi khi chúng ta đang tự ép mình không thể phát triển được, chúng ta lo lắng về tương lai xa xôi và những thứ cao sang mà ta thường nói với nhau về sự nghiệp, về thành công… trong khi ngày mai ta còn chưa biết…ta ăn gì : ))) Các bạn ạ, chúng ta chỉ sống có một đời, đừng quá lo lắng quá về những thứ viển vông xa vời mà ta phải đạt được, hãy cố gắng hết sức, hãy sống hết mình! Vậy là quá đủ rồi.
Kết bài mình xin trích một câu nói nổi tiếng của Steve Jobs - người đồng sáng lập, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Apple: “Stay hungry. Stay foolish” - “Hãy cứ khát khao, hãy luôn dại khờ.”
Cảm ơn các bạn đã đọc hết bài, mình là Típ và hẹn gặp lại các bạn trong những bài viết sau. Bái bai ~~
Tâm lý học
/tam-ly-hoc
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất