Ảnh: Al Ghazali
Ảnh: Al Ghazali
Dù quãng thời gian cách ly COVID đã kết thúc. Mình, nhiều bạn freelancer, và cả những nhân viên được sếp cho phép vẫn quyết định sẽ làm việc ở nhà vì nhiều lý do: Tiết kiệm ít nhất 1 tiếng đi lại, khoảng 30 phút chuẩn bị quần áo, và rất nhiều thời gian mất tập trung với đồng nghiệp. 
Tuy nhiên, thỉnh thoảng, mình vẫn muốn có người làm việc cùng, cho dù có là lên quán cafe hay lại xách balo lên văn phòng. Nhiều lúc thậm chí không nhất thiết phải ngồi cùng người làm chung một việc mà đơn giản chỉ là một ai đó bất kỳ. 
Vì sao sự xuất hiện của người khác nhiều lúc lại khiến mình và nhiều bạn làm việc hiệu quả hơn? Khi nào mình bạn nên làm việc ở nhà còn khi nào thì nên đứng lên và tái hòa nhập cộng đồng?
Một khái niệm được tượng được các nhà tâm lý học quan tâm nghiên cứu để giải thích cho các câu hỏi trên là hiện tượng “Động lực xã hội" hay social facilitation

ĐỘNG LỰC XÃ HỘI LÀ GÌ?

Động lực xã hội ám chỉ việc gia tăng chất lượng và khối lượng công việc tạo ra bởi sự có mặt của người khác (cho dù là trong tưởng tượng). Hiện tượng này có thể được cảm nhận rõ ràng nhất bởi những người thường xuyên phải trình diễn hay trình bày trước công chúng. Ngay cả các bạn học sinh sinh viên cũng có thể quan sát được hiện tượng này khi so sánh mức độ hiệu quả của việc học tập ở bản thân khi học ở nhà so với ở trên thư viện hoặc ở quán cafe. 

ĐỘNG LỰC XÃ HỘI CÓ ẢNH HƯỞNG NHƯ THẾ NÀO?

Một trong những nghiên cứu quan trọng ghi nhận ảnh hưởng của hiện tượng này được thực hiện bởi nhà khoa học Norman Triplett vào năm 1989. Trong nghiên cứu này, Norman thấy rằng những vận động viên đạp xe có tốc độ vượt trội hơn hẳn khi đạp đua với nhau so với khi chỉ đạp xe và nhìn đồng hồ. Kết quả có vẻ khá là nghiễm nhiên này được gọi là hiệu ứng đồng hoạt động [co-action effect] (1)
Điểm thú vị ở chỗ, trong các nghiên cứu sau này trên trẻ em, loài kiến và nhiều động vật khác, hiệu ứng đồng hoạt động cũng được ghi nhận (2, 3). Mọi đối tượng tham gia nghiên cứu đều thực hiện các nhiệm vụ được đưa ra, từ trò chơi, cho đến đào tổ hay ăn uống một cách hăng hái hơn khi có đồng bọn làm cùng nhiệm vụ đó. 
Ngoài ra, động lực xã hội cũng có thể ảnh hưởng đến tất cả chúng ta một cách đơn giản hơn rất nhiều. Nghiên cứu của Dashiell về hiệu ứng khán giả cho thấy, chỉ cần sự quan sát của một người khác cũng đủ để ta phải thay đổi (4). Sự thay đổi này có thể là tích cực, cũng có thể là tiêu cực.

KHI NÀO SỰ HIỆN DIỆN CỦA NGƯỜI KHÁC TẠO RA ẢNH HƯỞNG TIÊU CỰC?

Nếu như bạn đang phải học thuộc lòng một danh sách từ mới hoặc lên kế hoạch tổng quan cho một dự án mới, quán cafe đông đúc ồn ào chắc chắn không phải là ý hay. Trên thực tế, một nghiên cứu vào năm 1933 được đăng trên Chuyên san Tâm lý học Hoa Kỳ đã cho thấy, khi bắt buộc phải học một danh sách từ mới, những người tham gia ngồi học một mình cho thấy kết quả vượt trội hơn hẳn những người phải học cùng phòng với nhiều người khác (5). 
Một trường hợp gây bức bối, đặc biệt là cho những người phải gánh chịu hậu quả đó là khi một thành viên của nhóm quyết định ỷ lại vào sự có mặt và công sức của các thành viên khác và không chịu hoàn thành phần việc của mình. Nếu phải làm việc một mình, thành viên này vẫn có khả năng hoàn thành công việc bình thường. Cả hai trường hợp trên được gọi chung trong các nghiên cứu tâm lý học là hiện tượng chây ì trong nhóm [social loafing] (6)
Vậy, lý do gì khiến một người quyết định chăm chỉ hơn khi làm việc cùng nhóm đông?

NGUYÊN NHÂN ĐẰNG SAU NHỮNG ẢNH HƯỞNG CỦA ĐỘNG LỰC XÃ HỘI LÀ GÌ?

Thứ nhất, một giả thuyết được nhà tâm lý học Barron đưa ra đó là, sự hiện diện của người khác khiến ta bắt buộc phải tâm trung hơn vào những công việc đang làm, dễ chỉ ra lỗi sai hơn, với điều kiện, đó là các công việc vừa sức, từ đó cải thiện hiệu suất công việc (7). Trên thực tế, việc tập trung ở nhà đôi khi sẽ khó hơn nhiều bởi sự cám dỗ từ những công việc lặt vặt bạn có thể làm nhằm đem lại cảm giác “mình đang làm một thứ gì đó có ích" thay vì thực sự tập trung làm việc.
Thứ hai, nhà tâm lý học Cottrell lại cho rằng, sự có mặt của người khác không quá quan trọng. Điều quan trọng hơn đó là cảm nhận của chính bản thân chúng ta về việc mình đang được (hoặc là bị) người khác đánh giá. Khi có cảm nhận rằng người khác đang thầm theo dõi nhất cử nhất động của bản thân, ta cảm thấy phấn khích hơn, do đó bỏ ra nhiều công sức hơn đối với việc ta đang làm (8). 
Bên cạnh đó, cùng chung hướng suy nghĩ với nhà tâm lý Cottrell, nhà xã hội học Erving Goffman cũng cho rằng “chúng ta chỉ là những kẻ đóng kịch cố gắng kiểm soát và quản lý hình ảnh của bản thân trước công chúng. Chúng ta hành xử theo cách mà kẻ khác có thể nhìn nhận ta.”
Ngoài ra, theo các nghiên cứu ủng hộ thuyết xu hướng xã hội [social orientation theory], chúng ta sẽ làm tốt hơn những việc mình đang làm nếu như ta có mối quan hệ tốt với những người xung quanh, nghĩa là xu hướng tích cực. Điều này cũng không khó hiểu bởi từ lâu, trong thể thao, việc chia sân nhà hay sân khách đã lợi dụng chính xác xu hướng này nhằm tạo lợi thế cho đội nhà và gây khó khăn cho đội khách. Nếu như năng lực của đội khách quá mạnh, đương nhiên đội nhà cũng sẽ chịu thua. 
Trong một nghiên cứu đặc biệt trên 8950 trận đấu bóng rổ NBA, các nhà tâm lý học cho thấy một kết quả đặc biệt, khi đám đông cổ vũ cho đội mạnh hơn càng đông thì đội yếu hơn lại có xu hướng chơi tốt hơn so với khi đám đông này nhỏ hơn. Như thể đội yếu hơn đang dùng chính sự vùi dập mạnh mẽ của đám đông kia làm động lực cho bản thân mình (9).
Tuy nhiên, như đã mô tả phía trên, không phải ai lúc nào cũng thích làm việc trong sự quan sát của người khác. Nhằm giải thích những kết quả trái ngược về ảnh hưởng của động lực xã hội, nghiên cứu từ hai nhà tâm lý học Zajonc và Sales vào năm 1966 cho thấy, ta thường có xu hướng hoạt động tốt hơn khi có sự hiện diện của người khác khi ta đã làm thuần thục và nhuần nhuyễn thứ mình cần làm. Ngược lại, nếu như ta đang đối diện với một nhiệm vụ khó hoặc hoàn toàn mới mẻ, vốn tự thân nó đã là một yếu tố gây căng thẳng, thêm sự xuất hiện của người lạ có thể khiến ta căng thẳng quá mức, gây giảm hiệu suất (10). 
Hình bên dưới mô tả định luật Yerkes-Dodson về sự hiệu quả, giúp ta hiểu rõ hơn về ảnh hưởng của các mức độ căng thẳng khác nhau lên khả năng học tập/làm việc (11).

CÁC LƯU Ý DÀNH CHO NHỮNG AI MUỐN TRỞ NÊN HIỆU QUẢ HƠN

Thứ nhất, hãy thử để ý cảm nhận của bản thân mình về không gian xung quanh khi có người khác. Mình đang cảm thấy thoải mái hay khó chịu ở mức độ nào? Đâu là ngưỡng căng thẳng mình ưu của bản thân mình cho những trường hợp khác nhau?
Thứ hai, nếu có điều kiện, với những bài tập hay công việc khó, đừng quá ham vui mà hãy thử dành thời gian ở nhà nghiên cứu thật kỹ trước khi bước chân ra quán cafe hay tới văn phòng hoàn thành nốt. 
Trong trường hợp cần thuyết trình hay biểu diễn, hãy luyện tập một mình ít nhất cho tới khi bạn cảm thấy tự tin trước khi trình bày trước đám đông. 
Chúc các bạn tìm được điều kiện làm việc lý tưởng cho bản thân!
Cập nhật ngay các kiến thức tâm lý học căn bản tại đây https://tamlyhoc101.com/
Tác giả: Keira Ngo
Tham khảo: 
1. Triplett, N. (1898). The dynamogenic factors in pacemaking and competition. The American journal of psychology, 9(4), 507-533.
2. Chen, S. C. (1937). The leaders and followers among the ants in nest-building. Physiological Zoology, 10(4), 437-455.
3. PLATT, J. J., YAKSH, T., & DARBY, C. L. (1967). Social facilitation of eating behavior in armadillos. Psychological Reports, 20(3c), 1136-1136.
4. Dashiell, J. F. (1935). Experimental studies of the influence of social situations on the behavior of individual human adults.
5. Pessin, J. (1933). The comparative effects of social and mechanical stimulation on memorizing. The American Journal of Psychology, 45(2), 263-270.
6. Simms A, N (2014) Social loafing: A review of the literature. Journal of Management Policy and Practice, 15(1), 58-67.
7. Baron, R. S. (1986). Distraction-conflict theory: Progress and problems. In Advances in experimental social psychology (Vol. 19, pp. 1-40). Academic Press.
8. Cottrell, N. B., Wack, D. L., Sekerak, G. J., & Rittle, R. H. (1968). Social facilitation of dominant responses by the presence of an audience and the mere presence of others. Journal of personality and social psychology, 9(3), 245.
9. Kay, E. M. (2015). Social Facilitation in National Basketball Association Teams.
10. Zajonc, R. B., & Sales, S. M. (1966). Social facilitation of dominant and subordinate responses. Journal of Experimental Social Psychology, 2 (2), 160-168.
11. Yerkes, R. M., & Dodson, J. D. (1908). The relation of strength of stimulus to rapidity of habit-formation. Punishment: Issues and experiments, 27-41.