“Tại sao lại dám nói như thế? Bảo mình “Anh mệt” là ý gì? Nghĩa là mình là gánh nặng á? Á à, biết ngay mà. Định đổ tất cả đầu lên mình à? Anh sẽ phải biết tay. Anh sẽ phải khốn khổ như tôi thôi.” Tôi vồ lấy điện thoại, tay run lên, và bắt đầu gõ lia lịa những lời mạt sát và chửi bới đến hắn ta. Tim tôi dội thình thịch trong lồng ngực. Cả người sôi lên, máu giần giật chạy. Đầu óc như muốn nổ tung bởi muôn vàn suy nghĩ chạy qua như điện giật. 
Thảo kể lại cho tôi về câu chuyện chiều hôm ấy.
Trong khi đó, phía đầu dây bên kia, người yêu Thảo hoang mang và choáng ngợp. Một cảm giác bất lực bao trùm. Đây không phải lần đầu tiên Thảo hành xử như vậy. Anh không hiểu nổi cô. Tất cả những gì anh nói là hôm nay anh mệt và không thể đưa cô đi cà phê như đã hẹn. Có phải Thảo “toxic, độc hại” như người ta vẫn nhận định, một người chuyên dùng cơn giận của mình để điều khiển người khác? 
Câu chuyện của Thảo và người yêu, hai nhân vật hư cấu, là câu chuyện của nhiều cá nhân tôi đã gặp trong quá trình làm tham vấn trị liệu.
“Thao túng người khác, đòi hỏi sự chú ý, bốc đồng, phản ứng thái quá, thiếu trưởng thành, không thể chữa được”. Đó chỉ là một số trong vô vàn những định kiến mà người có Rối loạn tính cách ranh giới (hay "Rối loạn nhân cách ranh giới", dịch từ Borderline Personality Disorder, viết tắt là BPD) phải mang theo mình, khiến dạng rối loạn này trở thành một trong những rối loạn chịu định kiến và kỳ thị nhiều nhất. 
(*) Cảnh báo: nội dung bài viết chứa yếu tố gây kích động với một số độc giả. Nếu bạn đang đối diện với những vấn đề tâm lý có khả năng ảnh hưởng đến sự an toàn của bản thân, hãy liên hệ số Hỗ trợ Tâm lý - Xã hội khẩn cấp 1900636446 (8h - 23h hàng ngày) của Hội Tâm lý Trị liệu Việt Nam để nhận trợ giúp. 

Rối loạn tính cách ranh giới (BPD) là gì?

BPD là dạng rối loạn được đặc trưng bởi tính không ổn định, dễ dàng nhận thấy nhất là sự thất thường về mặt cảm xúc. Cảm xúc của họ có thể thay đổi hàng ngày, hàng giờ, thậm chí là phút trước phút sau. Họ bị chi phối rất nhiều bởi cảm xúc và suy nghĩ tức thời. 
Theo Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn tâm thần (DSM-5) của Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ, rối loạn tính cách ranh giới có thể được chẩn đoán dựa trên việc đáp ứng ít nhất năm trong số chín tiêu chuẩn chẩn đoán dưới đây:
1. Thể hiện những nỗ lực đến tuyệt vọng để tránh bị bỏ rơi (dù là trong thực tế hay tưởng tượng) 
2. Lặp đi lặp lại những dạng mối quan hệ không ổn định, cảm xúc thường xuyên lên đến đỉnh điểm, dao động giữa hai thái cực - hoặc thần tượng hóa người kia quá mức hoặc hạ thấp họ một cách cực đoan 
3. Nhận thức méo mó về hình ảnh bản thân hay cảm nhận bản thể được thể hiện một cách rõ nét và thường xuyên
4. Tính xung động cao tiềm tàng rủi ro gây tổn hại cho bản thân được quan sát thấy ít nhất trên hai phương diện (vd. tình dục không an toàn, sử dụng chất kích thích, lái xe thiếu thận trọng, ăn uống vô độ). Những dạng hành vi ở mục này không bao hàm những hành vi tự hại hoặc ý định tự sát ở mục 5
5. Xuất hiện thường xuyên, lặp đi lặp lại các ý định, lời đe dọa, hay hành vi tự sát hoặc tự hại 
6. Không ổn định về mặt cảm xúc (vd. có những cơn lo âu, bức bối cao độ thường kéo dài chỉ vài giờ và hiếm khi nào kéo dài trên vài ngày)
7. Cảm giác trống rỗng thường xuyên, liên tục
8. Trải nghiệm những cơn giận cao độ, không tương thích với tình huống hoặc gặp vấn đề với việc kiểm soát cơn giận (vd. thường xuyên cáu kỉnh, giận dữ dai dẳng, hoặc nhiều lần vướng vào các cuộc ẩu đả do giận dữ) 
9. Biểu hiện các dạng suy nghĩ hoang tưởng hoặc các triệu chứng phân ly (*) trong những tình huống căng thẳng cao. Khi đó, chủ thể bị tách rời khỏi suy nghĩ, kí ức, cảm xúc hay chính cảm nhận cơ thể của mình [1].
Chúng ta cần lưu ý: các triệu chứng của BPD cũng có thể xuất hiện ở một số rối loạn khác. Đôi khi triệu chứng của các rối loạn cũng có nhiều điểm tương đồng mà chỉ các nhà chuyên môn mới có công cụ để phân biệt được. 
Chẳng hạn, những thất thường về mặt cảm xúc cũng có thể được quan sát thấy ở người có rối loạn cảm xúc lưỡng cực (Bipolar Disorder). Tuy nhiên, sự thay đổi tâm trạng ở rối loạn lưỡng cực xảy ra chậm hơn so với BPD. Để có chẩn đoán rối loạn lưỡng cực, pha trầm cảm cần kéo dài ít nhất hai tuần và pha hưng cảm ít nhất một tuần [2]. 
Vậy nên, nếu bạn thấy mình trong những mô tả trên đây, đừng vội tự chẩn đoán. Thay vào đó, bạn nên gặp với tham vấn viên tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần để được đánh giá toàn diện hơn. 

Vì sao có tên “Rối loạn tính cách ranh giới”

Câu hỏi cũng thường được đặt ra đầu tiên khi chúng ta nghe đến dạng rối loạn này chính là về cái tên của nó. Ranh giới là ranh giới giữa cái gì và cái gì? Để trả lời câu hỏi này, cần phải quay về lịch sử khá xa của ngành tâm lý học, khi mà các rối loạn tâm lý và tâm thần còn được phân chia thành hai nhóm là nhóm nhiễu tâm (neurosis)nhóm loạn thần (psychosis) [3]. 
Nhóm nhiễu tâm chỉ đến các rối loạn trong cảm xúc, hành vi, suy nghĩ nhưng chủ thể vẫn còn kết nối với hiện thực. Trong khi đó, loạn thần chỉ đến những đứt gãy trong liên kết với hiện thực, thể hiện qua các triệu chứng như ảo giác, tức là nhìn hoặc nghe thấy những thứ không có ở đó hoặc hoang tưởng, hay những ý tưởng không có căn cứ nhưng họ tuyệt đối tin vào nó). Khái niệm “ranh giới” do đó nhằm chỉ đến một nhóm rối loạn nằm trung gian nằm trên lằn ranh giữa nhiễu tâm và loạn thần.  
Tuy nhiên, cách phân loại này không phản ánh được chính xác những triệu chứng của rối loạn nhân cách ranh giới. Cụ thể, mặc dù trong những tình huống bị kích động cao, người có rối loạn nhân cách ranh giới có thể biểu hiện một số triệu chứng tương tự như loạn thần. Vậy nhưng, những triệu chứng này thường dưới dạng những suy nghĩ cực đoan và thiếu căn cứ hơn là mất kết nối với thực tại. 

Những định kiến về rối loạn tính cách ranh giới và sự thật 

Định kiến 1: “Họ là những kẻ thao túng” 

Tình huống: Quay trở lại câu chuyện của Thảo ở đầu bài viết, nếu bạn quen Thảo, bạn sẽ thường xuyên cảm thấy khó xử khi mà những thay đổi nhỏ nhất và vô hại nhất cũng khiến cô khó chịu, bức xúc. 
Bạn đọc tin nhắn của Thảo nhưng quên chưa “rep” lại, bạn tag một người bạn khác mà không tag cô, hay một hôm bạn mệt nên khi gặp cô bạn không được hồ hởi như mọi khi. 
Những tình huống này đều rất đời thường. Thế nhưng, Thảo sẽ trở nên hằn học với bạn. Cô sẽ dằn hắt, bóng gió, khiến bạn bối rối và thấy tội lỗi. Nếu chỉ nhìn vào những hành động lúc này, rất dễ để kết luận rằng đây là một người kinh khủng, tồi tệ, chuyên dùng thuật thao túng tâm lý để người khác phải chú ý đến mình. Tuy nhiên, điều bạn không biết, đó là Thảo đã từng được chẩn đoán với rối loạn tính cách ranh giới.
Nếu quan sát kĩ hơn, bạn sẽ thấy có một điểm rất khác biệt trong những hành động này của người có BPD so với những hành động thao túng khác. Đó là, hầu hết những hành động của người có BPD mang tính bộc phát và không có sự tính toán trước. Trong nhiều trường hợp, họ không thực sự ý thức được mình đang hành động như vậy và điều gì hay hành động đó của mình sẽ gây ra hệ quả ra sao. Nói một cách khác, đây là những dạng “phản ứng tự động” (automatic reactions) và “nguồn cơn” đằng sau những phản ứng này chính là nỗi sợ bị bỏ rơi đến tê liệt của họ, thay vì mong muốn dắt mũi bạn bằng các chiêu trò thao túng
Cho đến hiện giờ, các nhà khoa học vẫn chưa thực sự hiểu được cơ chế hình thành nên nỗi sợ bị bỏ rơi này ở người có BDP. Nhưng có những giả thuyết về mối quan hệ giữa nỗi sợ này với những tổn thương đặc biệt về giá trị bản thân [5]. Góc nhìn của họ về bản thân đặc biệt tiêu cực. 
Điều này không chỉ dừng lại ở mức không hài lòng hay thất vọng về một số đặc điểm nào đó của bản thân. Nó là sự ghét bỏ và hổ thẹn đến tận cùng bản chất cốt lõi trong con người mình. Điều này giải thích được phần nào nhu cầu rất lớn nhận được sự quan tâm và công nhận từ người khác của họ, cũng như trạng thái thường trực sợ bị mất đi chính những điều ấy

Định kiến 2. “Họ bồng bột và nông nổi, không biết suy nghĩ” 

Một vấn đề cũng rất dễ dàng quan sát thấy ở người có BPD đó là việc họ thực hiện những hành vi có rủi ro cao như sử dụng chất kích thích, tự hại hoặc thử tự sát. Một trận cãi vã với gia đình hay chuyện không vui có thể dẫn đến việc họ bỏ nhà đi, sử dụng chất kích thích trong nhiều ngày, thậm chí là đe doạ tự sát hoặc tự hại. Dường như họ luôn phản ứng thái quá với bất kì tình huống nào không như ý. Tại sao họ lại như vậy? Câu trả lời không đơn giản chỉ là họ “bồng bột” hay “vô trách nhiệm”. 
Với phương pháp chụp cắt lớp và chụp cộng hưởng từ, các nhà khoa học đã cho thấy có những khác biệt trong cấu trúc cũng như cách thức vận hành của một số phần não bộ của người có chẩn đoán BPD, cụ thể là hoạt động ở những vùng não có chức năng điều hòa và kiểm soát cảm xúc. Điều này có thể phần nào lý giải khó khăn của người có BPD trong việc cố gắng suy nghĩ lô-gíc trong những lúc cảm xúc cao trào. Đồng thời, những phát hiện này cho chúng ta cơ sở để nhìn nhận năng lực điều hòa cảm xúc và kiểm soát xung động ở người có BPD thấp hơn so với ngưỡng thông thường, kéo theo xu hướng hành động bột phát và thiếu cân nhắc hơn so với nhóm người không có rối loạn.

Định kiến 3. “Họ chỉ dọa thôi, không dám làm đâu” 

Điều đáng buồn là có những khi những chia sẻ hay lời đe dọa tự sát của những người có BPD không được nhìn nhận đúng theo mức độ nghiêm trọng của nó. 
Nếu ai đó cho rằng nếu chỉ dọa nhưng không làm đồng nghĩa với việc họ sẽ không bao giờ thực hiện thì số liệu thống kê đã cho thấy điều ngược lại. Các nghiên cứu cho thấy 75% người có BPD sẽ thực hiện hành động tự sát ít nhất một lần trong đời và có từ 3 - 10% trong số đó sẽ thực sự thành công [7]. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần đặc biệt lưu ý đến những lời đe dọa đưa ra trong lúc họ đang trải qua khủng hoảng. 
Như đã biết, do những khác biệt não bộ mà người có BPD trải nghiệm cảm xúc cao trào hơn mức bình thường đi cùng với đó là sự suy giảm khả năng suy xét có ý chí. Sự kết hợp này làm gia tăng khả năng họ thực sự thực hiện theo ý định của mình. 

Lời nhắn nhủ: Nếu bạn cần hỗ trợ khẩn cấp, hãy liên hệ đầu số 1900636446 (8h - 23h hàng ngày).

Để kết lại 

Rối loạn nhân cách ranh giới là một dạng rối loạn phức tạp và chi phối toàn diện từ cảm xúc, cảm nhận bản thể, tới hành vi và mối quan hệ với người khác. Người có dạng rối loạn này trải nghiệm những đau đớn cảm xúc cực kì sâu sắc và vượt ngoài ranh giới những trải nghiệm thông thường. Mỗi ngày sống, vì thế, là một thử thách không nhỏ với họ. 
Hy vọng rằng bài viết này giúp bạn hiểu hơn về những gì xảy ra bên trong con người họ để chúng ta có thể có cái nhìn thấu hiểu và sẻ chia hơn. 
Tác giả: Thạc sĩ tâm lí Phạm Thanh Mai (Carota)
Biên tập: Keira Ngo (The PsychNotes)
----
Giới thiệu một chút về chúng mình
Carota là nền tảng tham vấn tâm lý online chuyên nghiệp đầu tiên tại Việt Nam. Chúng mình hướng đến xây dựng những giải pháp chăm sóc sức khỏe tinh thần đổi mới, giảm thiểu tối đa các rào cản về kì thị, hiểu lầm, chi phí và địa lý, để người trẻ Việt có thể dễ dàng tiếp cận những dịch vụ phù hợp. Mời bạn tìm hiểu thêm và ủng hộ chúng mình tại đây nhé!

Tài liệu tham khảo:

1. American Psychiatric Association, What are Dissociative Disorders, https://www.psychiatry.org/patients-families/dissociative-disorders/what-are-dissociative-disorders
2. The American Psychiatric Association, Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders, 5th edition, 2013
3. Biskin, R. S., & Paris, J. (2012). Diagnosing borderline personality disorder. Canadian Medical Association Journal, 184(16), 1789–1794. https://doi.org/10.1503/cmaj.090618
4. Bernstein, D. I., Iscan, C., & Maser, J. D. (2007). Opinions of Personality Disorder Experts Regarding TheDSM-IVPersonality Disorders Classification System. Journal of Personality Disorders, 21(5), 536–551. https://doi.org/10.1521/pedi.2007.21.5.536
5. Karan, E., Niesten, I. J. M., Frankenburg, F. R., Fitzmaurice, G. M., & Zanarini, M. C. (2014). The 16-year course of shame and its risk factors in patients with borderline personality disorder. Personality and Mental Health, 8(3), 169–177. https://doi.org/10.1002/pmh.1258
6. Lis, E., Greenfield, B., Henry, M., Guilé, J. M., & Dougherty, G. (2007). Neuroimaging and genetics of borderline personality disorder: A review. Journal of Psychiatry & Neuroscience, 32(3), 162-173. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1863557/
7. Goodman, M., Tomas, I. A., Temes, C. M., Fitzmaurice, G. M., Aguirre, B., & Zanarini, M. C. (2017). Suicide attempts and self-injurious behaviours in adolescent and adult patients with borderline personality disorder. Personality and Mental Health, 11(3), 157–163. https://doi.org/10.1002/pmh.1375
8. Temes, C. M., & Zanarini, M. C. (2018). The Longitudinal Course of Borderline Personality Disorder. The Psychiatric Clinics of North America, 41(4), 685–694. https://doi.org/10.1016/j.psc.2018.07.002
9. Center for Behavioral Technology, University of Washington, Dialectical Behavior Therapy, https://depts.washington.edu/uwbrtc/about-us/dialectical-behavior-therapy/
10. McLean Hospital, Understanding Transference-Focused Psychotherapy, https://www.mcleanhospital.org/essential/tfp
11. Levy, Kenneth & Scala, J.. (2012). Transference, Transference Interpretations, and Transference-Focused Psychotherapies. Psychotherapy (Chicago, Ill.). 49. 391-403. 10.1037/a0029371.