Tư Duy: Lát Cắt Và Chuỗi
Mình viết bài này chủ yếu là để chia sẻ những gì mình đã học được từ sách "Factfulness: Ten Reasons We're Wrong About the World-and...
Mình viết bài này chủ yếu là để chia sẻ những gì mình đã học được từ sách "Factfulness: Ten Reasons We're Wrong About the World-and Why Things Are Better Than You Think" của gia đình nhà Rosling, bao gồm Giáo sư bác sĩ Hans Rosling và hai nhà nghiên cứu là Anna Rosling Rönnlund và Ola Rosling.
Mục đích của bài viết này là để chúng ta có một cái nhìn tổng quát hơn về một sự kiện, nhân vật, con người thông qua việc hiểu được sự khác nhau giữa lát cắt và chuỗi sự việc. Từ đó bạn sẽ đưa ra được nhận định chính xác hơn cho những đánh giá hay quyết định trong cuộc sống của mình.
Hẳn bạn đang hỏi: lát cắt là gì, chuỗi là gì?
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu vấn đề qua hai câu chuyện sau do Giáo sư Hans chia sẻ trong sách.
Những công ty dược ham tiền, lừa đảo
Câu chuyện thứ nhất xảy ra trong một buổi giảng dạy của giáo sư ở Học viện Karolinska, và ông đang nói cho các sinh viên biết rằng các công ty dược khổng lồ rất ít khi chi tiền vào việc nghiên cứu thuốc chữa trị bệnh dịch sốt rét và thậm chí bỏ mặc vấn đề bệnh buồn ngủ (sleeping sickness - là bệnh nhiễm vi trùng mang theo từ một số con ruồi. Nó là kết quả trong sưng não) hay là những bệnh mà người nghèo thường gặp. Bởi vì người nghèo thì đâu có nhiều tiền mà đi chữa trị bệnh.
Lập tức một học sinh lên tiếng: "Hãy đấm vào mặt cái lũ đó".
Và lũ đó ở đây cụ thể là công ty dược của Thụy Sĩ Novartis. Nhưng mà đấm ai chứ? Giáo sư hỏi cả lớp. Đấm ông Giám Đốc Điều Hành (CEO) của công ty chăng? Nhưng mà ông ấy chỉ làm để phục vụ lợi ích của Ban quản trị tập đoàn thôi. Có đấm ông ấy thì công ty vẫn sẽ không thay đổi chính sách nghiên cứu, mà sẽ thay đổi CEO. Vậy thì đấm vào mặt Ban quản trị công ty ấy, cậu học sinh nói. Nhưng mà Ban quản trị phải phục vụ lợi ích các cổ đông. Các cổ đông chỉ quan tâm đến lợi nhuận và ban quản trị phải làm sao để giúp cổ đông thu lợi về được nhiều nhất thông qua CEO. Các cổ đông mới chính là người sở hữu công ty, Ban quản trị chỉ là người được bầu lên để quản lý.
Vậy thì phải tìm đám cổ đông và tẩn họ một trận, cậu học sinh kết luận. Và vị Giáo sư hỏi:
"Bây giờ câu hỏi là ai sở hữu cổ phần của mấy tập đoàn dược khổng lồ này?"
"Ồ, tất nhiên là mấy tay trọc phú rồi." Cậu sinh viên nhún vai.
Và vị giáo sư mỉm cười. Không, sai rồi, ông nói với các sinh viên, chính là các quỹ lương hưu. Chính xác, chính là những quỹ lương hưu mà gửi tiền đều đặn hằng tuần, hằng tháng cho ông bà của các bạn sinh viên. Nhưng tại sao?
Vấn đề tổng quá là thế này (phần này tự mình tìm hiểu, không có trong sách). Dân số châu Âu đang già đi, và điều đó có nghĩa là số người đóng góp và quỹ bảo hiểm xã hội hay là quỹ lương hưu đang giảm đi, trong khi số người được hưởng chế độ lại tăng lên. Điều này có nghĩa là các quỹ lương hưu phải làm sao để giúp tổng số tiền nắm giữ tăng đều đặn hằng năm mặc dù số tiền đóng vào giảm đều đặn. Và các công ty dược là những địa điểm đầu tư lý tưởng. Cho dù thị trường có biến động ghê gớm như thế nào, thì cổ phiếu của các tập đoàn này vẫn khá là ổn định, bởi vì dù nền kinh tế có trở nên tồi tệ với nạn thất nghiệp lan tràn thì bệnh nhân ung thư vẫn cần phải chữa bệnh. Chính sự ổn định này giúp các quỹ hưu trí dễ dàng tính toán được mức chi trả lương hưu cho người được hưởng chế độ. Và thêm nữa, các quỹ lương hưu chỉ muốn công ty tập trung vào thị trường phát triển vì chỉ có ở đó mới thu được lợi nhuận nhiều. Kết quả là việc nghiên cứu thuốc chữa bệnh cho người nghèo, vốn ít có khả năng chi trả, trở thành thứ yếu.
Chúng ta nhận ngay ra rằng vấn đề đã thay đổi. Ở đoạn đầu câu chuyện, chúng ta thấy chủ đề quen thuộc: "đúng, sai", "tốt, xấu". Chúng ta chỉ thấy một lát cắt của vấn đề là các công ty dược không nghiên cứu bệnh mà người nghèo hay gặp và chúng ta từ đó cố gắng tìm ra một nhóm người, một yếu tố cụ thể để quy trách nhiệm, hay là đổ lỗi.
Nhưng khi chúng ta xâu chuỗi một loạt sự kiện lại với nhau, vấn đề "đúng, sai", "tốt, xấu" bỗng trở thành vấn đề khác: "Cân bằng lợi ích của các bên". Chúng ta thấy được nhiều yếu tố khác nhau trong xã hội tương tác với nhau và mỗi nhóm người đều muốn thu lợi về cho mình. Vấn đề giải quyết không còn đơn giản là "Bắt các công ty dược chi tiền nghiên cứu bệnh cho người nghèo" mà là "Làm sao để vừa giúp cân bằng khả năng thu chi của quỹ lương hưu mà giảm thiểu được tác động xấu lên một nhóm người khác trong xã hội?"
Những gì chúng ta đọc hằng ngày chỉ cho thấy một lát cắt của vấn đề, và trong khi việc bàn luận về những gì xảy ra như thế giúp chúng ta có thứ để nói với bạn bè, nó không thực sự giúp chúng ta hiểu được rốt cuộc chuyện gì đang xảy ra. Do đó những bình luận của chúng ta chỉ dừng ở mức than trách, chửi rủa, nhưng dường như đều tỏ vẻ bất lực.
Hãy xem câu chuyện thứ hai của bác sĩ Hans.
Năm đó, Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) liên hệ với bác sĩ Hans và nhờ bác sĩ đến kiểm tra một nhà thầu vừa đấu thầu bán thuốc trị bệnh sốt rét cho bệnh nhân ở Angola. UNICEF thường xuyên tổ chức đấu thầu cho các công ty dược để tham gia cung cấp thuốc cho bệnh nhân nghèo với hợp đồng lên đến 10 năm. Đây thực sự là một hợp đồng béo bở và các công ty thường đưa ra những con số rất hấp dẫn. Nhưng số liệu mà bác sĩ Hans cầm trên tay hôm đó hấp dẫn đến mức không bình thường ở đây. Đây chỉ là một công ty gia đình nhỏ vô danh tiểu tốt có tên là Rivopharm có trụ ở Lugano, trên dãy núi Alps của Thụy Sĩ và cái giá đấu thầu của công ty này đưa ra là không tưởng: giá bán của thuốc còn thấp hơn cả giá mua nguyên vật liệu đầu vào! Bác sĩ Hans tin chắc rằng đây là một vụ lừa đảo, một vài tên khôn lỏi nào đó đang định bòn tiền của UNICEF và ông quyết tâm phá tan âm mưu đó.
Ông bay đến thành phố lớn Zurich của Thụy Sĩ rồi bay đến sân bay Lugano. Ông tưởng tượng rằng đón tiếp ông sẽ là một gã mặc quần áo luộm thuộm đi một chiếc xe cà tàng nhưng thật bất ngờ khi ông được mời lên một chiếc limousine và mời vào ở trong khách sạn sang trọng nhất mà ông từng biết. Hôm sau ông đến thăm nhà máy sản xuất thuốc, bắt tay với người quản lý, chào hỏi một lúc rồi hỏi:
"Ông chỉ mua vật liệu thô từ Budapest, chế biến thành thuốc, cho thuốc vào vĩ, cho vỉ vào hộp, cho hộp vào container tàu biển, rồi chuyển container đó đến Genoa. Làm thế nào mà ông có thể cuối cùng bán thuốc với giá rẻ hơn giá mua nguyên vật liệu đầu vào? Ông được chính phủ Hungary hỗ trợ giá đặc biệt hay sao?"
"Chúng tôi mua với giá bằng với giá những người khác phải trả cho chính phủ Hungary", ông trả lời.
"Và anh đón tôi trên xe limousine? Làm sao mà anh kiếm được nhiều tiền thế?"
Ông ấy cười: "Ok mọi thứ vận hành thế này. Một vài năm trước chúng tôi đã thấy được robot sẽ thay đổi ngành công nghiệp này như thế nào. Thế là chúng tôi xây cái nhà máy nhỏ này, trang bị cho nó máy chế tạo thuốc nhanh nhất thế giới, và chúng tôi phát minh ra nó. Tất cả các quy trình đều là tự động. Máy nhà máy của các tập đoàn lớn đều trông như cơ sở sản xuất thủ công đối với chúng tôi. Rồi chúng tôi đặt hàng từ Budapest. Đúng 6h sáng thứ Hai, nguyên liệu chloroquine được tàu vận chuyển đến đây. Đến thứ Tư, chúng tôi đã chế tạo ra đủ thuốc cho người dân Angola dùng suốt một năm, đóng gói đầy đủ và sẵn sàng được chuyển đi. Đến sáng thứ Năm, số thuốc này đã ở cảng Genoa (cách đó 215 cây số). Nhân viên mua hàng của UNICEF kiểm tra số hàng đó, kí xác nhận đã nhận được hàng, và thế là tiền chuyển vào tài khoản ngân hàng của chúng tôi ở Zurich."
"Uh, đồng ý, nhưng anh đang bán thuốc với giá còn thấp hơn cả giá đầu vào!"
"Đúng rồi. Chính phủ Hungary cho chúng tôi vay tiền với hạn trả trong 30 ngày mà UNICEF đã thanh toán tiền cho chúng tôi chỉ mới sau 4 ngày. Thế là chúng tôi có 26 ngày để hưởng lãi suất từ số tiền chính phủ nằm trong tài khoản ngân hàng."
WOW.
Ngày hôm đó bác sĩ Hans như được khai sáng. Ông đã viết rằng trước khi biết điều đó, ông luôn giữ hình ảnh UNICEF là người tốt và mấy công ty dược là những tên tư bản tồi tệ luôn tìm cơ hội để moi móc càng nhiều tiền của người lương thiện càng tốt. Ông không nghĩ rằng hai người tốt lại hợp tác với nhau và rằng những điều tốt đẹp không tưởng lại có thể xảy ra. Và vấn đề trong suy nghĩ của bác sĩ Hans đi từ "kẻ tốt, người xấu" đến "sự năng động của các doanh nghiệp tư bản nhỏ" và mở rộng ra là: chính phủ làm sao để giúp doanh nghiệp năng động, liên tục cải tiến như vậy.
Hai câu chuyện trên của bác sĩ Hans đã cho thấy chúng ta hay suy nghĩ sai lầm như thế nào khi nhìn nhận các vấn đề trong cuộc sống.
Những lát cắt đơn lẻ
Sai lầm thứ nhất nằm ở chỗ chúng ta không thấy được thông tin chúng ta có, thấy được, chỉ là một mảnh nhỏ trong một chuỗi dài các sự kiện. Con người chúng ta luôn có những bản năng tồn tại mạnh mẽ trong não. Những bản năng này đã tồn tại với chúng ta suốt hàng chục nghìn năm nay khi loài người còn sống cuộc sống hoang dã. Chúng ta đánh giá mọi thứ qua những gì chúng ta cảm nhận và trải nghiệm trong cuộc sống của chúng ta và cuộc sống của những người gần gũi.
Có hai thứ khiến bản năng này không còn phù hợp khi con người càng trở nên văn minh hơn.
Thứ nhất đó là sự trỗi lên của nhận thức và trí tưởng tượng. Các bản năng đánh giá này phù hợp để giúp con người đưa ra nhận định cho các thời điểm hiện tại. Nhưng với sự nhận thức và trí tưởng tượng, hành động của con người không chỉ để tạo ra kết quả ngay tức khắc mà là để tạo ra một kết quả trong tương lai (ví dụ như bạn đang cố học để vài tháng nữa thi đại học hay là tốt nghiệp đại học), và đồng thời những hành động hiện tại không diễn ra để đối phó với một vấn đề của hiện tại, mà còn là để đối phó với vấn đề đã xảy ra rất lâu trong quá khứ (ví dụ như một nỗi buồn thời thơ ấu). Điều đó tạo nên sự phức tạp trong cuộc sống loài người và hành động của chúng ta hiện nay trở nên khó đoán hơn.
Yếu tố thứ hai làm tăng thêm sự phức tạp cho loài người đó là sự khổng lồ của quần thể xã hội. Các nghiên cứu cho thấy nếu chỉ dùng ngôn từ đơn giản để giao tiếp, các quần thể động vật hoang dã không thể có số lượng lên đến hàng trăm được, hoặc nếu có chỉ là tạm thời. Nhưng xã hội loài người đã thì có đến hàng trăm nghìn, hàng triệu người chung sống với nhau trong một thành phố. Điều này khiến sự phức tạp trong các mối tương tác xã hội tăng lên theo cấp số nhân.
Điều thú vị là trong khi chúng ta đang sống trong một xã hội phức tạp như thế, chúng ta vẫn bị chi phối bởi bản năng xưa. Bản năng này rất mạnh mẽ, và nó chính là thứ khiến con người luôn trở nên phiến diện, thiển cận, có các thiên kiến và phạm phải các lỗi ngụy biện. Chúng ta thích những thứ đơn giản, những lời giải thích đơn giản, những ví dụ đơn giản, những hình minh họa đơn giản. Nó khiến chúng ta cảm thấy tự tin và an toàn trong cuộc sống. Tại sao chúng ta thích giễu cợt, khích bác đối thủ hơn là ngồi suy nghĩ nghiêm túc vấn đề, bởi vì điều đó khiến chúng ta thấy thích, thấy sướng. Chính bản năng này là lý do góp phần khiến chúng ta dễ dàng đặt niềm tin vào những quan niệm đơn giản nhưng rõ ràng sai lầm, đa số là thuyết âm mưu.
Ví dụ một phần lý giải tại sao nhiều người dễ dàng đi theo các nhóm hội tôn giáo tự phát là vì các nhóm và hội đó đưa cho họ một lời giải thích đơn giản về những thứ quá đáng sợ ở ngoài kia, đồng thời khiến họ cảm thấy được an toàn, họ cảm thấy được che chở. Có thể điều đó nghe thật ngu ngốc nhưng rõ ràng các hội nhóm đấy hoạt động rất hiệu quả và số lượng thành viên rất đông, điều đó cho thấy con người bị chi phối rất mạnh bởi bản năng.
Hoặc ở trong các nhóm chính trị, chúng ta hay cố gắng đưa ra những lời giải thích đơn giản cho những vấn đề phức tạp. Tại sao ông Obama lại ra chính sách XYZ này? Vì ông đó theo chủ nghĩa cánh tả. Tại sao bất bình đẳng thu nhập ở Mỹ lại cao thế? Đó là vì đó là nước tư bản, bọn tư bản chỉ chăm chăm vơ vét cho bản thân mình. Tại sao lại đang có xung đột ở Syria? Là vì dầu mỏ. Tại sao Việt Nam vẫn còn chưa phát triển bằng các nước xung quanh? Là do dân trí thấp.
Điều cần thiết chúng ta cần phải làm đó là nhìn mọi thứ như một chuỗi các sự kiện tạo nên kết quả mà chúng ta vừa mới thấy. Như trong bài viết về góc nhìn vĩ mô khi nói về sự sụp đổ của triều Minh, chúng ta phải thấy rằng sự sụp đổ đó là do một loạt các sự kiện khác nhau tạo nên: sự thay đổi khí hậu, sự thay đổi trong chế độ cai trị, sự thay đổi về mảng quân sự, sự tấn công của quân Mãn Châu và sự nổi dậy của dân chúng. Chúng ta không thể tách ra từng mảng để phân tích riêng, mà phải luôn phân tích song song. Tách ra phân tích riêng giống như là tách phần ngói của căn nhà ra và đánh giá xem căn nhà đó có đẹp hay không khi không có ngói.
Nói riêng ở Việt Nam, có một điều đáng buồn là chúng ta không có phân tích lịch sử theo hướng tổng quát như vậy. Đa số chúng ta được dạy phân tích từng hành động và cá nhân đơn lẻ, và chúng ta dễ bị ấn tượng bởi các lời nói gây ấn tượng mạnh của các nhân vật lịch sử hơn là tập trung vào những yếu tố tác động lâu dài. Ví dụ như tại sao nhà Minh xâm lược Đại Việt thời nhà Hồ nhưng khi triều Lê rất suy yếu vào thế kỷ XVI, loạn lạc giặc dã nổi lên triền miên và nhà Minh đang hưng thịnh, thì vua Minh không xua quân xâm chiếm?
Hoặc khi học về triều Nguyễn thế kỷ 19, chúng ta thấy nhanh chóng dễ dàng được định hình rằng vua quan nhà Nguyễn là kẻ xấu, còn nhân dân là người tốt. Sau này giặc Pháp vào, thì chỉ có nhân dân chống giặc, còn vua quan thì luồn cuối. Hay là chúng ta nhận định các quan theo phe chủ hòa là không yêu nước, chủ chiến là yêu nước. Nhưng không có bài giảng nào đi sâu vào các yếu tố kinh tế, văn hóa, góc nhìn của người đương thời. Ví dụ như vua Tự Đức đã liên tục kêu gọi người dân kháng chiến, và khi quân Pháp chiếm đại đồn Chí Hòa năm 1861 đánh tan 15000 quân triều đình, sau đó kêu gọi triều đình Huế ký hòa ước, nhà vua đã thẳng tay từ chối. Nhà vua thậm chí trước đó còn lệnh cho cả triều đình sẵn sàng vào rừng ở tạm nếu giặc đến kinh đô. Vậy thì chuyện gì đã xảy ra vào năm 1862 để khiến triều đình Huế ký hòa ước Nhâm Tuất cắt đất cho Pháp? Chúng ta có vẽ ra được một chuỗi các sự kiện và yếu tố đã dẫn đến kết quả cuối cùng ấy không? Hay chúng ta chỉ nhìn vào kết quả và suy ngược lại?
Sự nông cạn
Bản thân chúng ta, kể cả mình, sẽ có những mảng kiến thức mà chúng ta nông cạn. Nếu một người không luôn tự vấn cũng như nhận thức được sự nông cạn của mình, anh ta sẽ luôn sống theo những quan niệm sai lệch như đã giải thích ở trên. Nhưng điều không may là đa số con người theo bản năng thì sẽ nói rất nhiều về thứ họ biết rất ít.
Tiêu biểu gần đây có sự kiện về việc chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh quyết định phá dỡ Dinh Thượng Thơ. Lập tức có những người cất tiếng nói rất hùng hồn giải thích tại sao chính quyền đúng và họ suy nghĩ đúng và mọi người phải nghe theo.
Có người chỉ nhìn vào kết quả tương tự ở một quốc gia khác (tức lát cắt) rồi từ đó nói mỉa mai về sự việc ở nước ta.
Cách nêu ý kiến về hành động phá bỏ tòa nhà xây thời Nhật ở Hàn Quốc như trong Facebook trên là tiêu biểu cho việc chỉ nhìn một sự việc rồi quy chụp các sự kiện tương tự là giống nhau. Không có thông tin nào cung cấp thêm giúp chúng ta hiểu: Tại sao người Hàn làm như vậy? Đâu là các yếu tố chính, sự kiện chính tác động lên nhau để dẫn đến hành động đó? Sau khi phá dỡ tòa nhà đó xong người Hàn đã làm gì? Hành động này có giống với việc phá bỏ Dinh Thượng Thơ hay không?
Hay sau sự kiện Hoa Kỳ, Anh và Pháp không kích Syria, trang Facebook Đơn Vị Tác Chiến Điện Tử đã lập tức chia sẻ bài viết này với hàm ý rằng đây chỉ là âm mưu của Thủ tướng Anh Theresa May nhằm giúp công ty bán vũ khí BAE Systesm mà chồng của bà đầu tư vào được hưởng lợi.
Trong khi nếu nhìn theo một chuỗi thời gian là một năm thì cổ phiếu của BAE Systems đang dần phục hồi sau một thời gian liên tục rớt giá kể từ tháng 07/2017 và sự phục hồi này đã bắt đầu từ tháng 1 năm nay, 3 tháng trước khi sự kiện không kích xảy ra.
Điều khiến chúng ta dễ dàng mắc sai lầm khi đánh giá nhận định vấn đề là chúng ta không nhận ra được rằng mình đang không biết điều gì. Mình đã viết chi tiết về vấn đề này trong bài viết "Bạn có biết những gì bạn không biết"
Ở phần này mình nhấn mạnh thêm rằng trong chúng ta ai cũng có những mảng nông cạn nhưng sự khác biệt giữa một người có thể đưa ra được quyết định tốt là người đó dũng cảm nói rằng:
"Mình có thể sai lắm, mình cần người khác sửa".
Nhưng tất nhiên dễ như vậy thì con người đã chẳng làm điều ngớ ngẩn. Ngay cả thiên tài quân sự như Hoàng đế Napoleon cũng đã bỏ mặc lời van nài của các tướng lãnh, quần thần để mà thân chinh đi đánh nước Nga năm 1812 và rồi gặp thảm bại, từ đó khởi đầu cho sự sụp đổ của Đế quốc Pháp non trẻ. Hay là nội các và các tướng lãnh Mỹ đã bỏ mặc các báo cáo quân sự với lời khuyên rằng không nên tham chiến ở Việt Nam, để rồi lao vào cuộc phiêu lưu quân sự đầy thảm họa. Hay khi nói về kinh tế Mỹ, sẽ có nhiều nhận xét rằng Fed là kẻ kiểm soát toàn bộ nền kinh tế vì Fed in tiền, chính phủ Mỹ không in tiền, trong khi những ai học cơ bản về kinh tế học sẽ hiểu ngay rằng đó không phải là cách nền kinh tế vận hành.
Tự nhận rằng bản thân còn nông cạn khiến chúng ta có cuộc sống dễ chịu hơn. Thay vì chăm chăm "bới lông tìm vết, bắt lỗi" hay dồn sức chứng minh rằng bản thân mình đúng, chúng ta dành công sức và thời gian kiểm tra xem mình có thể sai không, sai chỗ nào. Mình cần phải đọc thêm gì nữa?
Kết luận
Trong thế giới hiện đại, con người không thể tự đưa ra quyết định được nữa mà cần sự trợ giúp của máy tính. Con người đã nhận ra rằng họ không thể tự đọc hàng triệu dòng dữ liệu và phân tích nó và họ cần một chiếc máy tính để vẽ ra bức tranh tổng quát cho họ. Đó là lý do chúng ta càng lúc càng thấy nhiều infographic hay các biểu đồ đầy màu sắc được sử dụng rất nhiều. Nhưng ai đã dùng dashboard tương tác sẽ hiểu, những con số tưởng như đơn giản khi tách nhỏ ra sẽ tỏa ra nhiều nhánh khác nhau, mỗi nhánh góp phần giải thích điều gì đã dẫn đến con số đó.
Và điều đó giúp chúng ta rút ra được bài học: nếu chúng ta thấy một câu trả lời quá đơn giản cho một vấn đề to tát, chúng ta lập tức hiểu rằng có gì đó không ổn. Nếu bạn đọc một bài viết giật gân về một sự kiện, một con người và bạn cảm thấy rằng mình cần vô bình luận để nêu một ý kiến "cho đã tay", hãy dừng một giây và tự hỏi:
-Liệu mình đã biết hết về vấn đề chưa?
Điều này không hề dễ, bản thân mình cũng thấy khó khăn để làm vậy, nhưng ít ra càng luyện tập nhiều, chúng ta sẽ càng cải thiện.
Quay lại lớp học ở học viện Karolinska, Giáo sư Hans nói với học trò:
"Và các em có nhớ kì nghỉ hè năm ngoái, lúc em thu dọn đồ để đi dã ngoại và bà ngoại cho tụi em chút tiền không? Có lẽ các em nên đưa lại số tiền đó cho bà để bà gửi cho công ty Novartis và yêu cầu họ dùng tiền đó đi nghiên cứu chế thuốc cho người nghèo."
Chúc bạn thành công!
Nguồn cho bài viết:
Các bài tương tự:
Nếu đôi khi bạn thắc mắc sao mấy lãnh đạo nào cũng lừa đảo, vô đạo đức hay làm trò ngu ngốc, thất đức, bạn hãy xem video này để thấy sự khác biệt giữa góc nhìn trong cuộc sống hằng ngày và góc nhìn vĩ mô thế nào :)
Đóng góp cho tác giả
Các bạn có thể đóng góp ủng hộ cho tác giả để có động lực đọc và viết nhiều hơn.
Địa chỉ đóng góp: Đặng Hoàng Liên Anh
VP Bank: 101721728 Chi nhánh Sài Gòn
Rất cám ơn những bạn ủng hộ!
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất