[Về vấn đề "Lang băm" xảy ra quanh ta, và những trải nghiệm thực tế xoay quanh việc chọn sách, việc tìm một quán cà phê độc đáo, và việc tìm thấy những người "hay ho"].
[1 - Sách].
Có hai quyển sách hay ho mà nhìn vào tiểu sử tác giả, người ta sẽ rất khó đoán được họ viết hay và chân thật cho đến khi họ đọc qua:
- Quyển "Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian" của Lê Văn Nghĩa, tiểu sử tác giả chỉ vỏn vẹn vài dòng: Sinh năm 1953, đã học tại trường tiểu học Bình Tây và Petrus Ký (Rất ngắn gọn và không phô trương).
- Quyển "Tản mạn ẩm thực Chợ Lớn" của Minh Cúc, tiểu sử cũng vỏn vẹn vài dòng: Hiện đang mở cửa hàng Online, kinh doanh và giới thiệu các món ăn đặc sản của người Hoa...
[2 - Quán cà phê].
- Mình đến "Le J Roastery" (Đà Lạt) chỉ đơn giản là tình cờ tìm kiếm theo kiểu đi lang thang không chủ đích, và đột nhiên nó hiện lên như một món quà trong một đợt đi thăm bạn bè cũ, thất vọng với trải nghiệm ăn uống của Đà Lạt những năm gần đây. Đột nhiên tìm được quán này: Cà phê rất ngon, trải nghiệm tuyệt hảo: Không quảng cáo, không phô trương.
- Mình đến "Jeepgo Coffee" (Bình Dương) Cũng chỉ đơn giản là tình cờ lướt vài mục đánh giá trên Google: Cà phê ngon, Sofa siêu êm, thích hợp để làm việc cả ngày, giải trí bằng việc đọc vài ba quyển sách dễ nuốt. Không phô trương và cố gắng để tiếp cận: Mình phải đi lang thang và một sự ngẫu nhiên nào đó mới gặp được nó.
[3- Những người "Hay ho" - những "Lang băm" chính hiệu].
Thuật ngữ "Lang băm" được dựa trên một hiện tượng quan sát được của Taleb, trong quyển "Da thịt trong cuộc chơi". Đại ý ở đây là những người - Với điều kiện là ta có thông tin chính xác về thành công/ thành tựu của họ - nhưng không tương thích với vẻ bề ngoài, phần hình thức (Một bác sĩ phẫu thuật có vẻ ngoài như một lang băm) - thì hóa ra trải nghiệm về tất cả những chuyện đó (Những quyển sách được viết bởi tác giả "Lang băm", những quán cà phê "Lang băm", những người hay ho "Lang băm") lại tốt hơn nhiều, rất nhiều, so với những người có phần "Hình thức" gây cho người ta một cảm giác đáng tin - Một phát hiện xem ra rất phản trực giác.
Người ta ít khi nào suy nghĩ kĩ một chút về vấn đề này, một "Lang băm" rất phân cực: hoặc nó rất tệ (Quan sát này có thể thấy ngay được mà không bị lừa bởi phần hình thứchào nhoáng bên ngoài), hoặc nó là một kho báu thật sự: Một quyển sách hay, một người sâu sắc, một quán cà phê tuyệt vời không chạy quảng cáo.
Vì sao vậy? Vì những người thành công thật sự không cần phần hình thức để tỏ ra "Thành công": Tự thân kết quả của họ, và chỉ một yếu tố đó thôi, đã đủ làm ta tin tưởng mà không cần những yếu tố khác hỗ trợ. Cứ xem thử những người không phải "Lang băm": Những "Doanh nhân" bán khóa học "Tài chính thành công"; những môi giới chứng khoán: Họ trông còn "Doanh nhân" hơn cả những doanh nhân thực thụ: người ta dễ bị lừa khi chỉ nhìn vào phần hình thức phô trương đó.
Và để gặp những "Lang băm" này rất khó, đến mức người ta phải đào xới để gặp họ, hoặc chỉ đơn giản là ngẫu nhiên và tùy duyên.