Những ngày gần đây, khi tờ New Yorker đăng tải bài viết về “Public shaming” với dẫn chứng mở đầu là câu chuyện về Nhung - cô gái từng gây xôn xao khi trở thành trường hợp đầu tiên ghi nhận lây nhiễm COVID-19 tại Hà Nội. Trước Nhung, Việt Nam đã trải qua 22 ngày không có ca bệnh mới. Vậy nên việc cô không thực hiện khai báo y tế và cách ly theo quy định dù từ Ý trở về đã gây nên làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng mạng. 
Chỉ trong đêm đấy, mọi thông tin về Nhung từ gia đình, tình trạng học vấn, những chia sẻ của cô trước đây,... được truy lùng và bàn tán trên mạng xã hội. Hàng triệu bình luận tiêu cực, công kích hướng đến Nhung. Những tài khoản giả mạo được tạo ra để đăng tải các tin đồn sai sự thật, những thông tin chưa được kiểm chứng về những người mà cô từng tiếp xúc. Tài khoản xã hội của cô đầy những comment về việc “chết đi”, “bỏ tù nó”,.. cô thậm chí còn bị cộng đồng mạng chế ảnh để nhục mạ,.. Đây cũng là điều mà New Yorker gọi là public shaming - sự miệt thị của cả xã hội.
Nguồn ảnh: Christine Rösch
Không tính đến những chi tiết bất hợp lý trong bài đăng của The New Yorker khi bỏ qua hoàn toàn lỗi lầm của Nhung thì câu hỏi đặt ra vẫn là kể cả khi cô đã không thực hiện nghiêm túc việc phòng chống COVID thì Nhung có xứng đáng bị chỉ trích đến mức như vậy hay không? 
Một trường hợp tương tự có thể kể đến là khi Nguyễn Thị Thu Hằng giành chiến thắng vòng chung kết chương trình Đường lên đỉnh Olympia và trở thành quán quân năm 2020. Sau chương trình, Hằng đã nhận phải rất nhiều bình luận tiêu cực khi cộng đồng mạng cho rằng cô bộc lộ cảm xúc có phần tự tin thái quá khi... có những màn ăn mừng chỉ tay lên trời, dang rộng hai tay những lúc trả lời đúng. Thậm chí trước đây cậu bạn Trần Hoài Nam giành giải nhất trong cuộc thi tuần của Olympia cũng bị gọi là "Nhà vô địch mít ướt nhất lịch sử Olympia" chỉ vì... cậu khóc khi lên nhận giải. 
Việc public shaming trong nhiều trường hợp đã để lại những ảnh hưởng tâm lý nặng nề đến nạn nhân hay thậm chí là phá hủy toàn bộ cuộc đời họ. Justine Sacco đã mất toàn bộ sự nghiệp khi cô đăng tải dòng tweet nói đùa về việc mình là người da trắng. Hay phong trào #Metoo cũng đã dẫn đến những buộc tội sai như đã xảy ra với Alan Dershowitz - luật sư và học giả pháp lý nổi tiếng. Ông đã nhận phải sự kì thị từ xã hội và phải tốn nhiều thời gian cũng như tiền bạc vào việc kháng cáo lại các cáo buộc về mình.
Không khó để đưa ra nhận định rằng public shaming không phải là điều mà bất cứ ai mong muốn. Nhưng bạn nghĩ đâu là nguyên nhân dẫn đến việc chỉ trích người khác trở nên phổ biến như vậy? Có bao giờ bạn vô tình tiếp tay cho việc này trên mạng xã hội bằng việc đưa ra những nhận định chủ quan hay bị ảnh hưởng bởi những thông tin đăng tải trên truyền thông? Liệu bạn hay những người xung quanh đã bao giờ trải qua việc bị công kích từ cộng đồng mạng; bạn (hay người thân của mình) đã vượt qua điều đó như thế nào? Trong số 9toTalk lần này, hãy cùng chia sẻ với Spiderum về chủ đề này nhé.  
---------------------------
Xem thêm các số 9toTalk khác: