Loạt bài này mình sẽ chia sẻ những gì mình đã học được từ khoá học Learning How to Learn của Coursera.

1. Focused mode và diffuse mode   

Các nhà nghiên cứu đã tìm ra rằng con người chúng ta có hai chế độ suy nghĩ khác nhau, là focused và diffuse. Chế độ focused thì có lẽ ai cũng quen thuộc với nó. Đó là khi chúng ta tập trung tối đa vào một vấn đề nào đó mà chúng ta muốn giải quyết hoặc một cái gì mới mà chúng ta muốn học. Nhưng còn chế độ diffuse thì có lẽ không phải ai cũng biết. Đó là khi chúng ta nghỉ ngơi thư giãn thì não vẫn tiếp tục hoạt động, suy nghĩ về những vấn đề mà chúng ta đã từng tập trung tối đa vào nó khi ta ở chế độ focused. 
Các bạn học ngành máy tính và các ngành khoa học khác có lẽ đã bắt đầu cảm thấy quen thuộc. Đối với dân máy tính, khi bạn tiếp cận và tìm cách giải quyết vấn đề, bạn ngồi lì hằng giờ trước máy tính, code tới code lui, tìm giải thuật tối ưu cho bài toán, thì bạn đang ở chế độ focused. Và sau đó, nửa đêm bạn giật mình thức dậy vì bạn tìm thấy lời giải. Trong giấc mơ. Dân máy tính có lẽ ai cũng đã trải nghiệm cảm giác này. Khi bạn ngủ, não bạn vẫn tiếp tục hoạt động ở chế độ diffuse, nó tiếp tục phân tích tiếp những suy nghĩ của bạn khi bạn ở chế độ focused. Khi ở chế độ focused, chúng ta nghĩ sâu. Còn khi ở chế độ diffuse, chúng ta ở nghĩ rộng. Giống như một cái đèn pin có 2 chế độ chiếu sáng vậy. Ở chế độ focused, ánh đèn sáng nhất và tập trung ở một chỗ. Còn ở chế độ diffuse, ánh đèn không sáng lắm nhưng mà nó chiếu rộng hơn. 
Như các bạn có thế thấy, phép so sánh và ẩn dụ đóng vai trò quan trọng trong việc học điều gì đó mới. Để tận dụng được hai chế độ này, bạn chỉ cần thật tập trung ở chế độ focused, và thật thư giãn ở chế độ diffuse. Để có thể tập trung, bạn có thể xem qua một công cụ tên là Pomodoro, được phát minh bởi Francesco Cirillo. Phương pháp này rất đơn giản, bạn chỉnh đồng hồ đếm 25 phút, tắt hết mọi tác nhân bên ngoài, rồi tập trung làm việc, học tập trung 25 phút đó. Thật sự tập trung. Khi hết 25 phút, bạn thư giãn, tự thưởng cho mình trong 5 phút. Sau đó lại tiếp tục tập trung 25 phút tiếp theo. Các bạn sử dụng Google Chrome có thể cài đặt Pomodoro Timer tại đây.

2. Procrastination - Sự trì hoãn

Bất kì ai trong chúng ta cũng có vấn đề với sự trì hoãn. Chúng ta lên kế hoạch chạy bộ, thức dậy sớm, học tiếng Anh, nhưng cuối cùng lại không thực hiện được. Tất cả đều có lý do của nó. Khi bạn nghĩ đến việc làm gì đó hơi khó khăn một chút, ví dụ dậy sớm chạy bộ khi trời lạnh như mấy hôm gần đây, thì đồng thời bạn đã kích thích vùng não điều khiển cảm xúc liên quan đến những sự đau khổ, khó chịu. Và não của bạn một cách tự nhiên sẽ tìm cách chấm dứt kích thích đó bằng cách hướng suy nghĩ của bạn đến một cái khác dễ chịu hơn, như là đắp chăn và nằm ngủ tiếp. Nhưng thực tế đã chứng minh rằng, chỉ một thời gian ngắn sau khi bạn thực hiện cái hoạt động tưởng chừng như đau khổ kia, thì cảm giác khó chịu sẽ biến mất. Khi bạn lết khỏi chăn, xỏ giày vào và chạy khoảng 5 phút thì bạn sẽ không còn cảm giác muốn đắp chăn ngủ nữa, bạn chỉ muốn chạy tiếp và chạy tiếp, điều khó khăn nhất là bạn có lết ra khỏi giường được hay không thôi. 
Điều này cũng tương tự khi bạn gặp một bài viết bằng tiếng Anh dài ngoằng. Bạn biết là bạn sẽ mất một khoảng thời gian để đọc hết, và cả một chút sức lực để hiểu bài viết nếu đó là một bài viết hơi phức tạp. Khi đó, não bạn sẽ hướng bạn qua một suy nghĩ khác, là làm việc khác đỡ hại não hơn như là xem video trên youtube, hay đọc tóm tắt bài viết ở mục tl;dr. Nhưng nếu bạn chịu khó đọc một đoạn của bài viết, khi bạn hiểu được một phần nội dung, cảm được một phần ý nghĩa của bài, thì lúc đó bạn không còn cảm thấy “sợ mệt” nữa, bạn chỉ muốn đọc hết bài viết vì bạn đã thực sự hứng thú với nó. Vậy tại sao não bạn lại hướng bạn qua những hành động dễ chịu hơn, một cách hoàn toàn tự nhiên? Vì nó được thiết kế để hoạt động theo cách như vậy.
Hãy tượng tượng bạn là một con hươu nhỏ ở giữa khu rừng. 
- Khi bạn khát nước, bạn chạy ra suối uống nước.
- Khi bạn đói, bạn đi kiếm cỏ hoặc lá cây để ăn.
- Khi gặp hổ, bạn chạy.
Tất cả những quyết định của bạn, có ẢNH HƯỞNG NGAY LẬP TỨC đến cuộc sống của bạn. Khi đó, bạn - con hươu bé nhỏ, đang sống trong môi trường mà các nhà khoa học gọi là Immediate Return Environment. Bởi vì mọi hành động, mọi quyết định của bạn có ảnh hưởng ngay lập tức đến cuộc sống của bạn.
Bây giờ quay trở lại hiện thực, bạn là một thanh niên bình thường khoẻ mạnh ở thế kỉ 21. Ở xã hội hiện nay, những hành động và quyết định của bạn KHÔNG MANG LẠI LỢI ÍCH NGAY LẬP TỨC như con hươu ở khu rừng kia. 
- Nếu mỗi ngày bạn học thêm 5 từ tiếng anh mới, thì khoảng 1 tháng sau bạn mới cảm nhận được sự tiến bộ.
- Sáng mai bạn bắt đầu vô phòng gym và ăn uống điều độ thì 3 tháng sau bạn mới thấy sự thay đổi ở cơ thể mình.
- Bây giờ bạn để dành tiền tiết kiệm, thì 30 năm nữa lúc về hưu bạn sẽ có tiền dưỡng già.  
Đây chính là vấn đề.Chúng ta đang sống trong môi trường được gọi là Delayed Return Enviroment. Và não của chúng ta không được thiết kế để hoạt động trong môi trường này. Não của chúng ta hiện tại được tiến hoá từ môi trường Immediate Return. Cụ thể, phần neocortex, phần não phát triển nhất của chúng ta, chịu trách nhiệm về những tác vụ phức tạp như ngôn ngữ và khoa học, hầu như chả khác éo gì não của người tinh khôn cách đây 200,000 năm trước. Nhưng xã hội của chúng ta hiện tại chỉ mới chuyển qua môi trường Delayed Return khoảng 500 năm trở lại đây. Vâng, 500 năm trở lại đây, mọi thứ thay đổi chóng mặt, nào là xe hơi, máy bay, TV, máy vi tính, Internet và Justin Bieber. 
Có quá nhiều thứ có thể phát triển trong vòng vài trăm năm, nhưng ở góc độ tiến hoá, con số vài trăm năm hầu như không có ý nghĩa gì. Não của chúng ta trải qua hàng trăm nghìn năm tiến hoá để hoạt động trong môi trường Immediate Return, và đột nhiên ta chuyển sang môi trường Delayed Return, tất nhiên là nó không đỡ nổi. Vì nó được thiết kế để đưa ra những quyết định mang lại lợi ích ngay lập tức. Khi chúng ta muốn dậy sớm để chạy bộ buổi sáng, thì anh bạn não không thấy được lợi ích của việc này, vì nó chỉ có thể cảm nhận sức khoẻ của bạn tăng lên, dẻo dai hơn sau 1 tháng nữa. Nên nó hướng bạn đến quyết định và nó có thể cảm nhận lợi ích mang lại ngay lập tức, đó là trùm mền ngủ. Thật thoải mái và sung sướng.  Tương tự, một buổi tối nọ, bạn rãnh rỗi và muốn tìm việc gì đó để làm. Bạn nghĩ đến việc đọc sáchxem phim. 96,69% bạn sẽ cắm mặt vào laptop xem phim tới 2h sáng. Vì giữa đọc sách và xem phim, tuy đọc sách sẽ mang lại cho bạn tri thức và có ích hơn về lâu dài nhưng nó lại hại não hơn rất nhiều so với xem phim. 
Về mặt lý trí, chúng ta vẫn biết là điều gì tốt, điều gì nên làm. Ai cũng có những đêm trằn trọc dặn lòng là mai dậy sớm, ai cũng có những kế hoạch cho tương lai của mình, thậm chí chi tiết, rồi cuối cùng không làm được. Có sinh viên nào mà không ý thức được tiếng Anh quan trọng như thế nào, nhưng cuối cùng chỉ có vài bạn chinh phục được nó khi tốt nghiệp.

3. Anxiety - Sự lo âu 

Nói thêm một chút về những nỗi lo âu mà môi trường Delayed Return mang lại cho chúng ta. Những sự lo âu trầm uất mà chúng ta phải nhận trong xã hội hiện nay là do sự không tương thích môi trường của bộ não mang lại. Vài nghìn năm trước, khi còn sống trong môi trường Immediate Return, thì cảm xúc lo âu đóng vai trò quan trọng khi ta phải đối mặt với những khó khăn.
- Khi bạn khát nước, bạn lo lắng giờ mà không có nước uống thì bạn sẽ chết, điều đó thúc đẩy bạn đi kiếm nước uống. Sau khi bạn uống nước, nỗi lo lắng mất đi. 
- Khi bạn đói, bạn lo lắng giờ mà không có đồ ăn thì bạn sẽ chết, điều đó thúc đẩy bạn đi kiếm cỏ hoặc lá cây. Sau khi bạn ăn no, nỗi lo lắng mất đi. 
- Khi gặp hổ, bạn sợ là nó sẽ nhai đầu bạn, điều đó thúc đẩy bạn chạy trối chết để thoát thân. 
Sau khi bạn chạy thoát, nỗi lo lắng mất đi.
Đó là cách bộ não được tiến hoá để tận dụng nỗi lo âu. Nỗi lo đóng vai trò quan trọng, giúp ta đưa ra quyết định, bảo vệ ta khi ta sống trong môi trường Immediate Return. Nó giúp ta giải quyết những vấn đề tức thì, ngắn hạn. Và khi đó, ta cũng không phải chịu đựng nỗi lo âu kéo dài như hiện nay. 
Các nhà khoa học đã nhận ra rằng động vật hoang dã hiếm khi phải chịu đựng nỗi lo dài hạn. Khi con hươu uống nước, ăn no, chạy thoát, nỗi lo lắng mất đi. Nó chỉ lo âu trong một khoảng thời gian ngắn, và nỗi lo ấy biến mất ngay khi mối hiểm hoạ đi qua. Nhưng xã hội của chúng ta hiện tại, ở môi trường Delayed Return, chúng ta phải đối mặt với những vấn đề khác hoàn toàn.
- Sẽ ra sao nếu năm nay mình thi rớt Đại học? 
- Không biết mình có để dành đủ tiền mua nhà trong 2 năm nữa hay không? 
- Không biết mình có được tăng lương ở đợt review tới hay không? 
- Không biết mối tình này rồi sẽ đi đến đâu? 
Chúng ta luôn lo lắng về những vấn đề tương tự. Nhưng, những vấn đề đó - những vấn đề ở môi trường Delayed Return - hầu như không thể giải quyết được bằng những hành động của bạn ở hiện tại.Một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến nỗi lo âu đó là sự không chắc chắn của xã hội chúng ta. 
- Bạn học hành chăm chỉ không có nghĩa là chắc chắn bạn sẽ đậu Đại học. 
- Bạn làm việc chăm chỉ không đảm bảo là bạn được tăng lương. 
- Mà dù bạn có được tăng lương cũng chưa chắc bạn đã đủ tiền mua nhà. 
- Cuối cùng thì bạn gái của bạn cũng có thể bỏ bạn dù cái nhà của bạn có bự đến đâu. 
Xã hội quanh ta bao trùm bởi sự không chắc chắn, bất ổn và vô định.Vậy giải quyết vấn đề này như thế nào?

3.1 Measurement - Đo lường

Điều đầu tiên bạn có thể làm là đo lường, ước tính những gì bạn có thể đạt được. 
Bạn không biết là bạn có đậu Đại học hay không, nhưng bạn có thể biết được lượng kiến thức mà bạn thu nhận, ước tính được số điểm thi mà bạn có thể vươn tới. 
Bạn không biết là bạn có đủ tiền mua nhà không, nhưng bạn có thể tính được là mỗi tháng bạn để dành được bao nhiêu, sau 2 năm bạn sẽ để dành được bao nhiêu. 
Bạn không biết được tương lai của bạn và bạn gái của bạn sẽ như thế nào, nhưng bạn có thể cảm nhận được tình cảm của cả hai, biết được hai bạn đang ở đâu. 
Sự đo lường này giúp những sự không-chắc-chắn trở nên bớt không-chắc-chắn. Bạn có cái nhìn rõ ràng hơn về vị trí của bạn ở hiện tại, về cả những vấn đề trong tương lai.

3.2 Shift your worry - Chuyển hướng nỗi lo

Bây giờ, bạn đã hiểu cách bộ não của bạn hoạt động, hãy tìm cách sao cho vừa đạt được mục đích của mình vừa làm thoả mãn anh bạn não của chúng ta. Đơn giản là bạn chuyển nỗi lo âu trong dài hạn về những hành động hằng ngày mà có thể giải quyết nỗi lo dài hạn đó và tập trung vào nó. Mặt khác, não nó thích làm những việc mà mang lại lợi ích tức thời, nên ta sẽ làm những việc mà vừa làm cho nó sướng, vừa giúp đạt được mục tiêu trong dài hạn của chúng ta. Thay vì lo lắng về sức khoẻ của bạn khi về già, hãy tập trung vào việc rèn luyện sức khoẻ mỗi ngày. 
Nếu bạn cảm thấy lười đi đến phòng gym, hãy đăng kí tập gym 1 năm, đóng vô 10 triệu. Khi đó, giữa cảm giác xót tiền và cảm giác lười tập gym, thì não nó sẽ thấy đi tập gym sướng hơn là ngồi nhà và cảm thấy xót tiền. Nếu bạn có thể tìm động lực khác tốt hơn, như đến phòng gym để ngắm mấy em xinh tươi thì quá tốt. Khi bạn đã quen với gym và cảm nhận được niềm vui khi đến phòng gym thì não sẽ hoạt động một cách tự nhiên, lúc đó không được tập gym lại trở thành điều khó chịu. Cách này giúp bạn vừa làm hài lòng bộ não, vừa có thể đạt được mục tiêu dài hạn là sức khoẻ tăng lên. 
Thay vì lo lắng không biết là có để dành đủ tiền hay không thì hãy tiết kiệm từng ngày. 
Thay vì lo lắng chuyện tình cảm thì hãy dành từng giây phút để yêu thương nhau. 
Tóm lại là đừng lo lắng nữa, hãy bắt tay vào hành động. Đều đặn, điều độ và tập trung.

4. Practice makes permanent - Tập luyện sẽ hoàn thiện 

Khi học một điều gì đó mới, chúng ta đều nhận thấy những chủ đề càng trừu tượng thì càng khó để tiếp thu. Ví dụ như học toán và khoa học khó tiếp thu hơn nhiều so với học những môn học khác. 
Ví dụ như khi bạn học từ vựng mới, từ bike (xe đạp) sẽ dễ nhớ hơn nhiều so với từ idiosyncratic (tính riêng biệt). Bởi vì bạn có thể liên tưởng đến hình ảnh chiếc xe để nhớ bike là gì. Nhưng bạn lại khó có thể liên tưởng đến một cái gì đó cụ thể để liên kết với từ idiosyncratic.
Tương tự với toán, bạn cũng khó có thể liên tưởng cái gì liên quan đến đạo hàm, tích phân. Bạn có thể thắc mắc tại sao những vấn đề trừu tượng như tình yêu, hi vọng, đam mê,... thì chúng ta lại có thể hiểu được dễ dàng. Bởi vì những chủ đề đó liên quan đến cảm xúc, mà cảm xúc thì ta có thể cảm nhận được. Thậm chí, nó còn mạnh hơn cả những thực thể thật. Điều đó có nghĩa là để học một cái gì đó mới, cái gì đó khó để ta có thể hiểu và liên tưởng đến những chủ đề khác, ta cần phải luyện tập thật nhiều. Và luyện tập đúng.
Ở đây chúng ta đang nói đến vấn đề mà bạn không thể liên hệ đến những kiến thức mà bạn đã biết. Vì có rất nhiều bạn có kiến thức sâu rộng và thông minh, thì, các bạn đó có thể liên kết những điều phức tạp với những kiến thức mà bạn đó đã có, để hiểu điều phức tạp ấy một cách dễ dàng. Nếu bạn thông minh và hiểu biết thì mọi thứ sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Ví dụ như khi bạn học lập trình, nếu bạn thông minh và có nền tảng toán học vững chắc, thì bạn sẽ học nhanh hơn. Vì bạn có thể liên hệ giữa lập trình với toán. Ở công ty mình, mấy anh thậm chí còn có thể liên kết giữa ngồi thiền và nghệ thuật coding.
Quay trở lại với việc tập luyện để thấm nhuần những khái niệm và kiến thức hoàn toàn mới. Khi bạn học một kiến thức mới, các neuron thần kinh tạo ra những liên kết để ghi nhớ kiến thức đó. Bạn càng tập luyện nhiều, suy nghĩ nhiều thì liên kết đó càng mạnh và chặt chẽ. Ví dụ lần đầu tiên bạn đọc một bài viết về Reactjs, thì các liên kết đã hình thành nhưng rất yếu. Sau đó bạn làm tutorial, các liên kết dần dần chặt chẽ hơn. Rồi sau đó bạn thử build một cái app từ đầu, thì các liên kết sẽ trở nên thật sự mạnh mẽ và chặt chẽ. Và khi đó, bạn đã nắm vững những ý tưởng cơ bản của Reactjs. Một điều quan trọng không kém là bạn phải luyện tập đúng cách. Vì khi bạn học không đúng phương pháp, hoặc phương pháp không phù hợp với bạn, thì bạn đang lãng phí thời gian của bản thân mình, và có thế bị tẩu hoả nhập ma. 
Vậy nên hãy tìm một người thầy giỏi và đáng tin cậy. Và tìm một phương pháp học hiệu quả với bản thân bạn. Thà là chậm nhưng chắc. Một liên kết chưa mạnh về một kiến thức đúng, còn hơn là một liên kết mạnh về một kiến thức sai. Khi đã tìm được phương pháp, tìm được sư phụ, thì hãy chăm chỉ tập luyện đến khi đủ 10,000 giờ.Hãy cứ tập luyện, rồi bạn sẽ hoàn thiện. 

5. Working memory và long term memory 

Có nhiều cách để phân loại bộ nhớ của chúng ta. Nhưng trong khuôn khổ khoá học này, ta sẽ nói về hai phần chính đó là working memory và long term memory. Working memory là vùng nhớ xử lý thông tin mà bạn đang xử lý ngay tại thời điểm này. Khi bạn đang đọc những dòng này, thì nội dung mà bạn đang đọc đang được xử lý ở working memory. Vùng nhớ này tất nhiên có liên kết với những vùng nhớ khác, để bạn có thể truy cập thông tin ở những vùng nhớ đó. Working memory có kích thước giới hạn, nó chỉ lưu trữ được khoảng 4 chuỗi thông tin (4 chunks of information). Nó giống như một cái bảng đen có kích thước nhỏ, được kẻ ra thành 4 hàng. Nhưng cái bảng này cùi bắp ở chỗ nó sẽ tự động xoá sau một khoảng thời gian rất ngắn. Khi bạn đọc đến đây, thì chắc chắn bạn sẽ không nhớ dòng đầu tiên của phần 4. Practice makes permanent là gì. Vì nó đã bị xoá khỏi cái bảng đen mất rồi. 
Một ví dụ khác là khi ai đó đọc số điện thoại cho bạn, mà bạn lại không có gì để ghi lại, thì bạn thường lẩm bẩm nó cho khỏi quên trong khi đi tìm giấy để ghi xuống. Mặt khác, working memory có kích thước giới hạn, nên ta phải tận dụng tối đa nó trong quá trình ta tập trung. Bạn có hay phải nhắm mắt lại khi tập trung suy nghĩ để ngăn không cho những thông tin khác chiếm chỗ trong working memory, để bạn có thể suy nghĩ tập trung hơn?
Long term memory thì giống như một cái nhà kho, một cái nhà kho có kích thước rất lớn, chứa từa lưa mọi thứ trong đó. Có nhiều loại long term memory khác nhau nằm ở những vị trí khác nhau trong não chúng ta. Nghiên cứu chỉ ra rằng khi bạn muốn cho một kiến thức nào đó từ working memory vào trong long term memory để truy xuất nó sau này. Thì bạn phải lôi kiến thức đó ra xài vài lần để những lần sau khi cần nó, bạn biết nó ở chỗ nào trong cái nhà kho khổng lồ kia. Khi bạn đọc một bài viết bằng tiếng Anh, bạn gặp từ mà bạn không hiểu. Bạn google translate, khi đó từ mà bạn dịch sẽ được xử lý ở working memory. Khi bạn đọc tiếp, từ đó bị xoá, và chưa bao giờ được cho vào long term memory. Lần sau khi gặp lại từ đó, bạn không có ấn tượng gì, và bạn lại google translate. Nếu bạn ghi từ đó lại và học nó, thì nó đã được lưu trong long term memory. 
Nhưng nếu bạn không ôn lại từ đó mà chỉ học qua loa và cũng không gặp lại từ đó trong một thời gian dài, thì lần sau gặp lại từ đó, bạn sẽ nhớ là bạn đã gặp rồi, nhưng không nhớ nghĩa của nó là gì. Vì kiến thức đó vẫn nằm trong long term memory, chỉ là bạn không biết nó ở chỗ nào để truy xuất nó thôi. Giống như bạn biết là vật dụng gì đó có ở trong nhà, nhưng không nhớ là nó ở đâu. Vậy điều bạn cần làm là lâu lâu lôi nó ra xài, bạn sẽ nhớ nó đang ở vị trí nào. Để cho một kiến thức vào long term memory có một phương pháp gọi là spaced repetition. Nó cũng chỉ là lặp lại những kiến thức đã học, nhưng mà chia thời gian ra để học. Thay vì lặp đi lặp lại một từ 20 lần trong một đêm, thì bạn hãy lặp đi lặp lại cũng 20 lần, nhưng trong 1 tuần. Nó giống như xây một bức tường, phải đợi lớp gạch bên dưới khô trước khi xây tiếp lớp gạch bên trên. 
Phần mềm flash card Anki sử dụng chính xác phương pháp này. Nó chia thời gian ra, nhắc bạn ghi nhớ những từ mà bạn chuẩn bị quên. Các bạn xài Android có thể download Anki tại đây.
Túm lại, working memory giống như RAM, xử lý thông tin tức thời. Còn long term memory giống như hard disk, chứa thông tin lưu trữ và sử dụng sau này. Nhưng để lưu thông tin vô long term memory và xài được nó sau này thì cần phải tốn nhiều công sức. Để nhớ một điều gì đó lâu dài, bạn cần phải lôi nó ra đọc lại, suy nghĩ, nghiền ngẫm, lâu lâu lôi ra xài, nếu không khả năng cao là bạn sẽ quên. Hồi đó học toán lý hoá quá trời giờ có nhớ được bao nhiêu. Thậm chí có mấy bạn sang Mẽo vài năm đã quên những từ để diễn đạt trong tiếng Việt cơ mà.

6. The important of sleep - Sự quan trọng của giấc ngủ

Bạn có biết rằng khi bạn thức, cơ thể bạn tiết ra độc tố trong não? Vậy bằng cách nào mà não có thể thanh lọc được những độc tố này? Nghiên cứu chỉ ra rằng khi ta ngủ, các tế bào não của ta co lại, tạo ra khoảng trống giữa các tế bào. Chất lỏng có thể chạy qua những khoảng trống này và cuốn trôi những độc tố, giúp thanh lọc bộ não. Cho nên bạn nào nghĩ rằng ngủ là lãng phí thời gian thì nên suy nghĩ lại. Thực ra ngủ là cách não giữ cho nó được sạch sẽ và khoẻ mạnh. Không những vậy, khi bạn ngủ não tiếp tục hoạt động ở chế độ diffuse. Ngủ là lúc não tổng hợp thông tin mà bạn thu nhận được khi bạn thức. Khi đó, não sẽ lọc bỏ những thông tin không quan trọng và đồng thời củng cố những thông tin mà bạn muốn học, muốn nhớ sau này. Khi đó, các liên kết giữa các neuron thần kinh sẽ trở nên chặt chẽ và chắc chắn hơn. Tất nhiên quá trình này chỉ có hiệu quả khi bạn thực sự tập trung ở chế độ focused trước đó. Cho nên dù thế nào đi nữa, hãy ngủ đủ. Và ngủ sâu.

7. Tổng kết

Não có 2 chế độ hoạt động: focused và diffuse. Bạn cần phải thực sự tập trung và sau đó thực sự thư giãn để tận dụng hai chế độ này. Muốn tập trung, xài Pomodoro.
Dừng lo lắng và bắt tay vào hành động. Đều đặn, điều độ và tập trung.Hãy cứ tập luyện, rồi bạn sẽ hoàn thiện. Có thể chia trí nhớ thành working memory và long term memory. Working memory giống như RAM, xử lý thông tin tức thời. Còn long term memory giống như hard disk, chứa thông tin lưu trữ và sử dụng sau này. 
Nhưng để lưu thông tin vô long term memory và xài được nó sau này thì cần phải tốn nhiều công sức. Để nhớ một điều gì đó lâu dài, bạn cần phải lôi nó ra đọc lại, suy nghĩ, nghiền ngẫm, lâu lâu lôi ra xài, nếu không khả năng cao là bạn sẽ quên. Xài phương pháp Spaced Repetition nếu bạn muốn ôn luyện hiệu quả.Cuối cùng, dù thế nào đi nữa, hãy ngủ đủ. Và ngủ sâu.

8. Nguồn


Đọc bài tiếp theo ở link: Week 2 - Part 1