Ra Trường Làm Startup Mình Thấy Gì?
3 bài học lớn nhất của mình khi làm startup
Bài này mình viết sau khi đọc những chia sẻ của ông bạn Huskywannafly trong bài viết Ra Trường Đi Làm Mình Thấy Gì. Vì đây là một bài viết rất hay nên mình sẽ để link ở đây cho các bạn đọc thêm:
Giống như Chó Bay, mình cũng đã đi qua 1/3 cuộc đời, sống ở 3 quốc gia và có khoảng 5 năm khởi nghiệp với Spiderum. Kinh nghiệm của mình dĩ nhiên còn quá nhỏ bé, nhưng chắc chắn cũng có những điểm có ích cho các bạn trẻ còn đang hoang mang giữa dòng đời. Nếu tin mình, bạn hãy cứ đọc hết, không hữu ích thì... chửi sau cũng được ahihi.
Ok, không dông dài nữa, sau đây là 3 bài học quan trọng nhất mình đúc rút ra được:
Ý tưởng không quan trọng đến thế
Hồi bắt đầu nhen nhóm ý tưởng xây dựng cộng đồng, mình có dự định làm cùng một ông bạn thân. Đó là thời điểm trước khi mình đi học exchange ở Úc, và ý tưởng sơ khởi là xây dựng một nền tảng hỏi đáp (định đặt tên là QandA). Khi hai đứa chia sẻ ý tưởng này với nhóm bạn cấp 3, mình nhớ bản thân cũng thấy tự hào ghê lắm, giống như tìm ra được chân kinh vậy. Gần gần kiểu "Ý tưởng chưa có ai làm. Bọn mình trẻ mà đã nghĩ được ra, đỉnh vl". Sau này mới biết hóa ra ý tưởng chả có gì mới, còn khi đó bọn mình tuy không trẻ lắm, nhưng mà N-O-N. Câu chuyện này kết thúc thế nào chắc các bạn cũng biết, chả ai hưởng lợi cả, ngoại trừ một ông dev freelance nào đó kiếm thêm được ít tiền từ mấy manh chiếu mới.
Sau này khi về Việt Nam và làm Spiderum, ban đầu mình cũng định phát triển theo hướng tương tự, nghe cứ như là định mệnh vậy. Nhưng làm rồi mới thấy vấp đủ đường, sai đủ kiểu, ngã đủ tư thế. Mỗi lần như vậy chỉ có cách duy nhất là điều chỉnh và thay đổi, cứ thế cho tới tận ngày hôm nay. Ý tưởng của bọn mình ban đầu cứ dần dần thay đổi trong quá trình phát triển và khác rất nhiều so với ban đầu. Tuy nhiên điểm cốt lõi là xây dựng cộng đồng giúp người trẻ học hỏi, phát triển hơn và tạo ra giá trị tích cực cho xã hội thì vẫn được duy trì. Theo mình, đó mới là điều quan trọng nhất. Bạn có thể thay đổi công cụ, nhưng hãy tập trung vào đích đến.
Một ngày nọ, mình đi ngồi trà đá, thấy bàn bên có đại ka nào đó đang dạy dỗ tiểu đệ:
"Sống trong đời quan trọng nhất là ý tưởng, một người lo bằng kho người làm, người nghĩ ra mới khó chứ làm thì đơn giản v.v."
Mình nghe như muốn nuốt trọn từng từ, không bỏ qua một chi tiết nào hết. Cuộc chuyện trò đó thực sự đã thay đổi và giúp mình bừng tỉnh trong nhận thức; cụ thể là từ đó về sau mình tiết kiệm được rất nhiều thời gian quý giá vì cứ gặp mấy ông nào chém gió như thế thì tránh luôn, đỡ tốn mấy tiếng đồng hồ ngồi gật gù xã giao đau cả cổ.
"Tôi định làm cái này cái nọ cái kia nhưng do lý do này lý do nọ lý do kia mà..." là câu nói mình mong bản thân không phải nói ra (dù đôi lúc vẫn không tránh được, vì ở đời không ai đủ thời gian để làm tất cả mọi thứ, đạt được mọi dự định hết). Thế nhưng không hiểu sao mình từng gặp rất nhiều người nói câu này với tâm thế tiếc rẻ, theo kiểu "tôi có ý tưởng từ lâu rồi, chẳng qua vì thế này thế kia không làm nên giờ tôi mới thế này, không thì tôi đã ở tầm khác". Nhưng có thật như thế không?
Mình luôn quan niệm thế này: Bất cứ thứ gì mới mẻ bạn nghĩ ra thì gần như chắc chắn đã có người nghĩ ra trước bạn. Người đó có thể 3 năm trước, 5 năm trước đã ngồi trà đá chém gió về ý tưởng này nhưng rồi chẳng bao giờ bắt đầu. Hoặc có thể bắt đầu rồi nhưng thất bại vì nhiều lý do. Trong rất nhiều trường hợp, người thành công với ý tưởng đó cuối cùng lại là một ông... tự nhiên ngồi nghe thấy hay hay về bắt tay làm. Và ông ấy làm tốt. Thú thực với các bạn là rất nhiều ý tưởng cho Spiderum thật ra cũng không đến từ mình. Có khi chúng đến từ những cuộc trò chuyện với chính người dùng hay các thành viên khác trong Spiderum Team. Có lúc chúng đến từ đối tác. Có khi lại đến từ đối thủ, hay nhảm nhí hơn là từ những gì mình... nghe lỏm được trong những tình huống rất ngẫu nhiên, từ những người thậm chí còn chẳng quen biết. Vì quan điểm xây dựng doanh nghiệp của Spiderum là làm sao để công ty ít phụ thuộc vào bất kỳ cá nhân nào nhất nên mình thấy hoàn toàn ổn với điều này. Một trong những công ty có sức sáng tạo lớn nhất trên thế giới là 3M cũng từng rất thành công với quan điểm tương tự, nếu muốn tìm hiểu thêm các bạn có thể đọc bài viết này trên Harvard Business Review.
Suy cho cùng thì ý tưởng tới từ đâu không quan trọng, quan trọng là bạn có thực thi được nó hay không. Vậy nên thứ mà chúng ta cần quan tâm hơn là nâng cao khả năng thực thi, thay vì cứ tìm kiếm ý tưởng và cơ hội; cái này mình từng thử rồi, "tìm hoài không thấy" chứ không giống như Min hát đâu. Để có được khả năng thực thi tốt hơn thì thứ mình tập trung thực hiện là (1) tìm đúng người; (2) trao quyền và tin tưởng; (3) cung cấp cho nhân sự mô hình tư duy & quy trình làm việc đúng đắn đã qua nhiều thử - sai - rút kinh nghiệm; và (4) xây dựng cơ chế tưởng thưởng xứng đáng, minh bạch, có thể đo lường được.
Tóm lại, nếu bạn đang còn trẻ, có trong đầu rất nhiều ý tưởng hay ho muốn khám phá, thì lời khuyên của mình là hãy giữ lấy một tâm thế rộng mở và không ngừng trau đồi khả năng biến ý tưởng thành hiện thực. Hãy đi làm, học quy trình, kiến thức... từ những người đi trước chứ đừng vội vàng nhìn đâu cũng thấy "ý tưởng triệu đô", "ý tưởng tỷ đô". Mọi ý tưởng nếu không được thực hiện tốt thì chỉ có... tốn đô thôi.
Sai không đáng sợ đến thế
Nếu là một người trẻ Việt Nam, đặc biệt nếu có một chút thành tựu gì đó từ sớm, mình tin rất nhiều người thường có cảm giác sợ sai (giống như mình hồi trước). Hồi còn đi học ở nước ngoài, mình có nhiều thời điểm không dám phát biểu trong lớp chỉ vì sợ lỡ sai thì ê hết mặt. Đã nói thì phải đúng, nói sai thì quê thấy mịa...
Cũng may mình cũng đỡ dần sau nhiều lần nghe mấy thanh niên Tây trong lớp phát biểu xàm chả liên quan gì đến bài học, hoặc nói với kiến thức thiếu/sai sót tùm lum mà vẫn tỉnh bơ. Khi đó mình mới chợt nhận ra một chân lý tưởng đơn giản nhưng không hề giản đơn:
Sai thì... thôi, chả vấn đề gì. Sai mà không biết tại sao thì mới cần phải suy nghĩ.
Có lẽ từ bé đám bạn Tây của mình đã quen với việc sai nên tụi nó học từ đó rất nhanh và tự nhiên, còn mình thì đôi lúc vì sợ sai quá nên cứ giấu dốt, không hiểu hoặc hiểu sai cũng chẳng dám hỏi lại. Mặc dù về nhà có thể vẫn tự tìm hiểu được vấn đề, nhưng xét về hiệu quả thì kém xa so với việc chấp nhận rằng mình không biết, và không ngại đi hỏi để giỏi hơn. Chỉ riêng chuyện biết những gì mình không biết đã là một bước tiến lớn về tư duy và con đường phát triển của mỗi cá nhân rồi, nếu muốn tìm hiểu thêm thì các bạn thử đọc bài viết này (một lần nữa lại quảng cáo cho ông bạn Husky):
Sau khi ra trường và lao ngay vào con đường làm startup đầy rủi ro mình mới càng nhận ra chân lý này. Để tới được như ngày hôm nay các bạn đang sử dụng Spiderum thì mình đã từng sai nhiều lắm. Mình từng sai về sản phẩm (làm ra thứ mình tưởng hay nhưng chẳng ai sử dụng), sai về mô hình kinh doanh (cứ tưởng có người dùng sẽ có cách kiếm tiền nhưng thật ra thì NOPE => không bền vững, tí thì toi), sai trong việc lựa chọn đối tác/đồng đội v.v. Sau mỗi lần sai lại là một lần gỡ, gỡ rồi lại rút thành kinh nghiệm, cập nhật quy trình, cứ lặp lại như vậy mãi. Guồng quay của startup thật sự sẽ đặt bạn vào những bài toán phải ứng biến nhanh: thay vì ngồi than thân trách phận "Sao mình đen thế?" và nhìn tiền cứ bay xa bay xa mãi, bạn bắt buộc phải gạt nước mắt mà sửa sai thôi (fun fact: tụi mình vẫn đang lắng nghe, đo lường số liệu và điều chỉnh sau khi update phiên bản Spiderum mới nè).
Khi tiếp cận mọi thứ với tâm thế cho phép bản thân được sai, bạn sẽ học nhanh hơn rất nhiều. Nhìn lại nguyên một hành trình làm sách của Spiderum chẳng hạn, bọn mình đến với mô hình kinh doanh này với con số 0 tròn trĩnh về kiến thức và kinh nghiệm trong ngành xuất bản. Nếu không từng trải qua những lần sai trong đủ thứ chuyện: từ sai nhà in dẫn tới chất lượng sách chưa như ý, sai kênh bán khi tốn quá nhiều chi phí mà tỉ lệ chuyển đổi ra doanh thu không hợp lý, cho tới sai hình thức vận chuyển dẫn đến chi phí không được tối ưu,... thì không thể có ngày hôm nay, khi tụi mình tự tin là đã xây dựng và nắm vững được một quy trình làm sách đủ tốt so với chuẩn chung của thị trường. Nếu sợ sai và đợi tới khi có nhân sự đủ cứng để tránh được hết các lỗi này thì có lẽ bọn mình đã chẳng bắt đầu, và Spiderum thì chẳng đến được ngày hôm nay.
Với team Spiderum, tụi mình luôn cố gắng hướng cho anh em nhân sự tư duy "sai thì sửa, chửa thì đẻ" này; miễn là đã sai rồi thì phải ghi lại vào quy trình để không sai nữa chứ một lỗi mà cứ lặp đi lặp lại thì cũng... khá cay. Anh em team Spiderum đọc được dòng này thì cố gắng nhé, đừng làm anh buồn hic.
Mình nghĩ một doanh nghiệp/tập thể tốt là nơi mọi người được làm những thứ mình thích, được phép sai để có thể phát triển và trở nên tốt hơn. Thế nên ngay cả ở môi trường rộng hơn là cộng đồng Spiderum, thật ra có rất nhiều bài viết/ý kiến mà có thể nhiều bạn sẽ cảm thấy... sai sai nhưng vẫn cứ tồn tại. Bởi lẽ trong cuộc sống thực tế, không bao giờ có một môi trường lý tưởng nơi mọi thứ đều đúng đắn và đầy đủ, nếu bạn cứ mải mê tìm kiếm môi trường như vậy thay vì học cách cởi mở, chấp nhận cái sai của mình (và của cả người khác) để thích nghi và sinh tồn, mình nghĩ rằng bạn sẽ liên tục sống trong cảm giác thất vọng (do thực tế khác với kỳ vọng) và không phát triển được như bản thân mong muốn.
Tóm lại là, đừng sợ sai bạn eiii. Giống như khi viết bài này, mình cũng nói ra những điều bản thân tự chiêm nghiệm thôi, chắc gì chúng đã đúng? Tuy nhiên có một điều chắc chắn đúng, đó là nếu nhận được những phản hồi giá trị, mình sẽ có thêm dữ liệu để soi xét những điều mình chưa biết là bản thân không biết. Cũng hữu ích và đáng để bỏ công sức ra đấy chứ.
Đúng cũng đừng tự tin quá
Nghe có vẻ hơi kỳ nhỉ? Nhưng thật ra thì không đâu. Khi thành công, nhiều người thường có xu hướng quy tất cả kết quả nhờ vào khả năng của bản thân (còn khi thất bại thì do "đen thôi đỏ quên đi"). Mình thì không nghĩ vậy. Theo mình, trong rất nhiều trường hợp, bạn tìm được kết quả đúng đơn giản vì bạn may mắn hơn người khác, vậy thôi.
Ví dụ như trong trường hợp của Spiderum chẳng hạn, tụi mình tự tin là có rất nhiều thứ team thực hiện tốt và nhờ đó tạo ra những kết quả tích cực, nhưng chưa bao giờ (và có lẽ không bao giờ) mình dám gạt đi tầm quan trọng của yếu tố may mắn trong suốt hành trình này.
Nếu không may mắn tình cờ gặp gỡ và lập được một core team đủ "máu" và gắn bó tới giờ vẫn làm việc được với nhau và bù trừ được các nhược điểm của nhau thì có lẽ bọn mình đã fail từ lâu. Thực tế là bọn mình tìm thấy nhau một cách rất ngẫu nhiên, từ những thành viên sáng lập cho tới các thành viên chủ chốt hiện tại.
Nếu không may mắn là trong những thời điểm khó khăn nhất, tất cả các thành viên chủ chốt nhất đều không có quá nhiều ràng buộc, trách nhiệm và cũng "được" gia đình cho phép theo đuổi việc xây dựng Spiderum, dù khi ấy mọi thứ khá mờ mịt, thì có lẽ bọn mình cũng đã tan rã từ lâu. Chỉ cần một ví dụ đơn giản là nếu Nga Levi mà phải... bế con như hiện tại chứ không... ế như hồi đấy thì chắc giờ là Spideadrum chứ Spiderum gì nữa...
Nếu không may mắn gặp gỡ thuyết phục được những người dùng đầu tiên như Truê, Huskywannafly, Hexpion, Andy Lương,... và nhờ đó mà giải được bài toán con gà - quả trứng (có người viết mới có người đọc, nhưng có người đọc mới tạo được động lực cho người viết) thì chưa chắc giờ này tụi mình vẫn còn tồn tại. Rồi trong từng thời điểm, nếu không phải đột nhiên lại xuất hiện những thành viên từ chính cộng đồng, những người "thấy bọn này hay hay nên muốn tham gia cùng" rồi gánh team cũng khá gắt như anh TheMerc, anh Định Vũ... thì có khi giờ tụi mình vẫn đang loay hoay trong một mớ bòng bong không lối thoát rồi.
Sẽ luôn khó khăn để thừa nhận vai trò của yếu tố may mắn trong bất kỳ thành tựu nào. Nhưng việc đối mặt với thực tế và thừa nhận may mắn của bản thân giúp mình không sa vào bẫy "tự tin quá hóa tự cao", từ đó giảm thiểu việc đặt kỳ vọng bất hợp lý rồi ngã sml. Tất nhiên trên thực tế mình vẫn... ngã sml (nhiều), nhưng ngã với một cái đầu thực tế thì cũng đỡ đau và dễ chấp nhận để chiến tiếp hơn.
Với mình bây giờ đôi khi cảm giác mọi thứ thuận lợi, đúng đắn quá lại là cảm giác không an toàn, vì mình cảm thấy như vậy nhiều khả năng là do bản thân đang có một số điểm mù. Và rất có thể tới khi chúng đủ lớn để mình nhận ra được thì thằng Việt Anh này cũng đã sứt sẹo rồi hic
Một ví dụ khá điển hình khác theo mình quan sát thấy là thiên kiến quá tự tin (Overconfidence Bias) trong thị trường chứng khoán/coin/bất động sản... Khi thị trường lên, quyết định nào cũng đem lại lợi nhuận, khiến cho nhiều người lầm tưởng rằng mình đã trở thành một nhà đầu tư thực thụ, nắm được bí quyết giàu sang và tự tin "khô máu" nhiều hơn nữa. Kết quả là đến thời điểm thích hợp, chính họ lại bị cá voi cá mập lái sóng xuống đánh cho tụt cả quần. Các bạn cứ thử để ý mà xem, thị trường xanh thì "chuyên gia" mọc lên như nấm, đâu đâu cũng thấy khí thế rần rần; còn thị trường đỏ máu thì chỉ... còn cái nịt hoặc đôi dép trên cầu thôi.
Kết luận
5 năm làm startup thực sự đã thay đổi bản thân và cho mình rất nhiều bài học. Trong khuôn khổ bài viết này mình chỉ có thể tập trung được vào 3 bài học lớn nhất trên, nếu các bạn có bất kỳ câu hỏi nào thì cứ bình luận phía dưới bài viết nha, mình sẽ cố gắng trả lời ngay khi có thể. Cảm ơn mọi người đã đọc bài, chúc tất cả chúng ta sớm vượt qua tình hình khó khăn hiện tại :D
Hà Nội, 29/7/2021
Việt Anh
Người trong muôn nghề
/nguoi-trong-muon-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất