Tranh từ quyển sách Strong as a Bear của Katrin Stangl
Dỗi tức là tỏ thái độ không bằng lòng, và người dỗi từ chối nói chuyện hay cười (mà tốt nhất là không giao tiếp với người nhận sự dỗi luôn) để biểu lộ rõ họ đang rất không thoải mái về chuyện gì đó. Trong tiếng Anh, đồng nghĩa với "dỗi" là từ sulk, mang nghĩa giống hệt.
Từ tranh này trở đi, tất cả tranh đều từ quyển sách Daytime Visions của Isol.
Một người dỗi và bị dỗi chắc đến ti tỉ lần trong suốt đời mình. Dỗi mẹ, dỗi bố, dỗi anh chị, dỗi bạn, dỗi người yêu, dỗi ông trời. Mặc dù ai cũng dỗi và làm điều đó nhiều lần, mỗi khi điều ngược lại xảy ra, mọi người đều khá bối rối. Vậy tại sao người ta dỗi, và nên đối xử với người đó thế nào?

SỰ BÀO CHỮA CỦA DỖI

Để hiểu được dỗi thì một người cần phải bỏ đi cái tôi của mình một chút.

Người ta thường nói, "walk in her/his shoes" hay "đặt mình vào vị trí của người khác, nhưng một nghiên cứu gần đây (2018) được đăng trên tạp chí Nhân cách và tâm lý học xã hội do các nhà nghiên cứu tâm lý học từ hai đại học của Mỹ (Đại học Chicago và Đại học Northeastern) và đại học Ben Gurion ở Israel chứng minh, việc đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu họ là thừa thãi. Sau hơn 15 thí nghiệm khác nhau với đối tượng trải dài trên đủ các mức độ của mối quan hệ từ những người lạ, bạn bè, tình nhân cho đến các cặp vợ chồng, họ đưa ra kết luận việc nên làm để hiểu tâm trí của người khác không phải đặt mình vào hoàn cảnh của họ, mà đó là HỎI TRỰC TIẾP họ để có cái nhìn trong cuộc chính xác. Chỉ riêng "đặt mình vào vị trí" ấy không thể nào có được cái nhìn của người đó, bởi ta vẫn nhìn hoàn cảnh của họ bằng ống kính riêng của ta, nên ta vẫn sẽ còn định kiến với hoàn cảnh đó. Việc hỏi sẽ làm cho ta thực sự hiểu được họ.
Vậy nên, cái tôi trong chuyện này là không cần thiết nếu bạn thực sự muốn hiểu một người và ý nghĩa những hành động của người đó.
Sau khi đã tạm gác cái tôi, những kinh nghiệm và quan điểm của bản thân, lý do của sự dỗi có thể được liệt kê như ở dưới đây.

1. Vì đó là cách họ biết về tình yêu từ thời thơ ấu

Khi một người dỗi, họ im lặng. Họ đóng cửa. Họ không chấp nhận giải thích hay cũng không giải thích. Vì sao? Vì họ cầu mong người đó có thể hiểu mà không cần nói thành lời.
Khi bạn còn nhỏ, bạn chưa biết nói, mà cùng lắm cũng chỉ nói những câu ba ba, ma ma, bà bà. Mặc dù không có giao tiếp ngôn ngữ, bố mẹ vẫn hiểu và vẫn đáp ứng tất cả các nhu cầu của bạn. Bạn đói, họ cho bạn ăn. Bạn sợ, họ ôm bạn vào lòng. Thậm chí bạn chỉ cần ho hay nhăn nhó một chút thôi, bố mẹ sẽ biết bạn bị cảm hay vừa mới ị đùn. Họ thật toàn năng, thật thấu hiểu và thật vĩ đại. Họ thật tâm lý, thật cao cả. Đó là điều đầu tiên về tình yêu và giao tiếp trong tình yêu mà bạn biết. Từ hồi nhỏ. Và trong vô thức, một người dần phát triển một quan niệm về tình yêu: nếu họ yêu ta, họ chắc hẳn phải hiểu ta đau đớn hay giận dữ nhường nào mà không cần ta nói nửa lời. Mà có phải ta không cho họ biết đâu cơ chứ. Ta đóng cánh cửa mạnh thế cơ mà! Tại sao họ cứ ngốc nghếch chưa gọi điện xin lỗi ta? Tại sao họ cứ không hiểu ta khi ta không giải thích? Tại sao chứ nhỉ?

Cho dù ta đã lớn lên thành người lớn hay có nhiều kinh nghiệm đến thế nào, ta vẫn chưa hẳn hoàn toàn thoát khỏi việc giận dỗi, hay việc lầm tưởng rằng ngay cả khi không nói ra, người bạn đời hay bạn thân nhất đều sẽ hiểu. Ấn tượng về việc bố mẹ cho ta tình yêu vô điều kiện, không cần phải nói ra thành lời từ bé đã in hằn trong vô thức của ta đến nỗi, đôi khi ta quên mất ta đã không còn là đứa bé đó nữa, không còn bú mẹ, không còn chơi đồ chơi rồi khóc vì ai đó cướp nó từ tay ta. Ta giờ đã lớn, trải qua một số kinh nghiệm nhất định, và theo đó, cảm xúc và nhu cầu của ta phức tạp hơn thế nhiều lần. Ta cần phải giao tiếp.

2. Vì họ yêu và tin rằng họ đáng được yêu

Có một sự thật thế này: chẳng ai lại đi dỗi một người mà họ không quan tâm. Một người bạn không có tình cảm gì quên ngày sinh nhật, điều đấy chẳng làm bạn bận tâm cho lắm, có chăng chỉ hơi buồn. Bạn không dỗi họ. Nhưng nếu đứa bạn thân quên, bạn sẽ tức giận vô cùng. Bạn sẽ "cắt xít" nó, không nghe điện thoại, không nhắn tin, không giải thích. Vì sao? Vì bạn yêu nó. Chỉ khi bạn có tình cảm với một người, hay đòi hỏi sự chú ý và quan tâm tương tự tới mình, bạn mới chú ý đến chuyện người đó có nhận ra mình đang giận dỗi hay không. Giận dỗi cũng là một cách để gây sự chú ý.
Trong trường hợp nào đi chăng nữa, bạn dỗi vì bạn yêu, và bạn muốn được yêu.

3. Vì họ sợ

Họ sợ người đó không yêu, không quan tâm họ như họ đang như thế. Họ sợ hãi việc phải nghĩ đến chuyện một ngày hai người không còn ở cạnh nhau, đi cùng nhau. Lý do họ chọn cách dỗi ở đây, vì việc chấp nhận sự lo sợ đó là điều hết sức yếu đuối mà không ai dám thừa nhận thẳng thắn. Làm sao ta có thể nhận rằng ta sợ mất ai đó đến nhường nào khi gần đây họ có những hành động làm bạn bực, làm mối quan hệ dường như xa rời? Việc đó giống như đứng trên đầu gối mình và chọn vị trí khiêm nhường. Việc đó giống như sự van xin, giống như bày hết ruột gan để cho người đó tùy tiện thao túng, thích làm gì thì làm. Dỗi xuất hiện như một lựa chọn tối ưu, ăn liền và dễ dàng, và họ dỗi.

Khi họ dỗi, họ có thể bảo đảm tự ái của mình, nhưng cảm xúc lo âu lại làm họ thấy tội lỗi và ngu ngốc vì điều đó. Vòng lặp luẩn quẩn được hình thành: họ dỗi, họ không nói chuyện với bạn - nhưng họ sợ mất bạn - nhưng bạn làm họ giận - họ tiếp tục dỗi - nhưng họ tiếp tục sợ điều đó sẽ xua đuổi bạn - họ ghét bản thân - họ thêm giận - họ lại dỗi -... vòng lặp cứ thế tiếp diễn, và trong trường hợp này, có người chọn cách tiếp tục dỗi, và có người sẽ tự động hết giận mà chủ động làm hòa. Dù cách này hay cách khác, dỗi là biểu hiện của nỗi lo.

4. Vì họ muốn "trừng phạt"

Anh làm tôi giận dữ, tôi sẽ trừng phạt anh bằng cách không nói không rằng trong suốt một tuần, tôi sẽ lơ đi mọi nỗ lực muốn liên lạc của anh, những trò đùa vớ vẩn của anh nữa. Tôi muốn anh đau khổ! Tôi muốn anh dằn vặt!
Cho dù nghe có vẻ ích kỷ, thì người dỗi muốn người bị dỗi phải buồn. Bản thân họ cũng buồn và tổn thương, nên họ cũng muốn điều tương tự xảy đến với người kia. Đây không phải là đặc tính riêng của một người ích kỷ hẹp hòi hay trẻ con, mà nó có thể xảy ra với bất kỳ ai, kể cả người trưởng thành hay thấu hiểu nhất. Con người về cơ bản có những nhu cầu, những ham muốn và bản năng giống nhau. Họ muốn được yêu, và dĩ nhiên muốn sự công bằng ngay cả với người mình yêu.
Tại sao ai đó lại muốn dằn vặt người mình yêu? Một phần vì lo âu, một phần vì yêu và một phần vì sự ích kỷ của bản thân. Khi yêu, người ta trở nên dễ tổn thương hơn cả, vì để thực sự kết nối với một người, ta phải cho họ thấy cả những cảm xúc sâu kín, ta phải để họ có ảnh hưởng tới cuộc đời ta. Điều đó dĩ nhiên làm cái tôi của ta lo sợ. Ta sợ khi ta đau đớn, người đó không quan tâm, và cũng không có ai đứng ra "đòi công bằng".
Việc muốn trừng phạt ai đó bằng sự dỗi, tùy theo mức độ, có thể được coi là hoàn toàn chấp nhận được hoặc hoàn toàn độc hại. Một người phải biết điểm dừng, tôn trọng giới hạn của người khác để tự điều chỉnh hành vi hay tự bảo vệ bản thân trước một người độc hại.

5. Vì họ muốn bảo vệ cái tôi

Dỗi có thể được coi là cơ chế tự bảo vệ của tâm trí, một lời bào chữa cho cảm giác rằng ta thật ngu ngốc vì đã tin và đã để cho một người có ảnh hưởng tới ta, làm ta giận dữ. Dỗi làm cho ta có cảm giác tách mình được khỏi người đó, một lối chứng minh ta không cần họ, dù họ làm ta giận. Dỗi làm cho ta cảm thấy an toàn, như một cái khiên, trước suy nghĩ rằng tiêu rồi, ta đã lỡ để họ thấy một bản thân dễ tổn thương của ta. Ta đã lỡ để họ làm cho suy suyển, lỡ có cảm xúc với một người, và để người ta thao túng cảm xúc đó. Thật là ngốc! Thật là lố bịch! Ta không phải thế! Ta không ngốc! Ta có tự ái! Ta sẽ dỗi! Ta phải dỗi! Không thể chấp nhận được!

SỰ AN ỦI CỦA DỖI

Sau khi nghe những lời bào chữa về nguồn cơn của dỗi, hẳn ai cũng muốn biết về sự an ủi. Dỗi có ý nghĩa gì, làm thế nào để dỗi hay để đối xử với người dỗi, vân vân và mây mây. Sự an ủi của dỗi thực ra rất đơn giản, đó chính là chấp nhận.
Chấp nhận rằng ta là một con người, một con người với những khuyết điểm và tổn thương, những động cơ ích kỷ. Đúng, con người là như vậy đó. Con người có góc tối của bản thân con người, và việc yêu cũng như chấp nhận một người khác, tất cả xuất phát từ việc ý thức được điều đó. Sẽ chẳng sao đâu nếu bạn biết mình không hoàn hảo, không vĩ đại, không thánh thiện và cũng không cao cả như một tượng đài. Hay bạn cũng chẳng cần cố gắng để đạt được điều đó. Ngay cả phu nhân của tổng thống Obama cũng dỗi, bạn còn mong chờ điều gì?

Dỗi làm cho ta cảm thấy được yêu, làm cho ta biết mình yêu, mình dễ bị tổn thương và cũng "người" đến thế nào. Nếu không dỗi, hẳn là cuộc sống sẽ đè nén bạn như một viên nén cảm xúc. Một lúc nào đó, bạn sẽ nổ tung.
Những người dỗi cũng cần một sự thấu hiểu, và một giới hạn. Dỗi có thể dễ sa đà vào thao túng tâm lý nếu nó được dùng quá nhiều lần để trừng phạt, để điều khiển. Học cách xây dựng, tôn trọng những giới hạn của chính mình và người khác sẽ giúp dỗi trở nên đáng yêu, dễ chịu và trở thành gia vị cần có trong mối quan hệ, để ta yêu tốt hơn, đối xử tốt hơn nữa.