Tiên sư anh Hoàng
Hồi cấp 3 - tức là khoảng hơn 15 năm trước, vì thi điểm văn quá thấp, mình phải vào trường ở Hà Tây chứ không vào được các trường ở...
Hồi cấp 3 - tức là khoảng hơn 15 năm trước, vì thi điểm văn quá thấp, mình phải vào trường ở Hà Tây chứ không vào được các trường ở Hà Nội. Mình ở lớp "tiên tiến," nói cách khác đội ấy 50% là con nhà rất nghèo và học rất giỏi, 50% là ở phố con nhà có quan hệ (có thể chăm học, hoặc không), và thường thì sẽ thấy ngay đứa nào ở trong nhóm 50% nào. Một trong những cú sốc khi chuyển từ trường ở Hà Nội về trường nơi ít phát triển hơn là con người, suy nghĩ rất khác. Mình có đợt ngồi cạnh một thằng cu là con của một ông thương binh mất sức quê Thường Tín. Chú học tiếng Anh thì dốt đặc chuyên phải chép bài mình, không biết cái máy tính là gì, nhưng rất chăm học và học các môn tự nhiên rất giỏi. Có một bữa mình đi nói chuyện với chú về xã hội thì thấy có vẻ chú không được đọc và không được tiếp xúc một cái gì khác ngoài báo Nhân Dân hay sao ấy. Mở miệng ra là thấy đề nghị, yêu cầu, phê bình, cảnh cáo, thực dân phát xít, phản động, xã hội chủ nghĩa, dân chủ với cả dân tân chủ nữa mới khổ thiên hạ chứ! Cho nên cũng đành chịu chứ chẳng biết làm thế nào, mình đi lêu lổng với đội ở phố.
Một hôm mình đi chơi buổi trưa đến nhà một bạn đang trọ với chị gái thì thấy ông bạn thuê nhà trọ ngay cạnh đấy. Đến thấy ông đang bận quần dài dép tổ ong kéo gàu múc nước từ giếng lên để rửa rau muống xì xà xì xụp. Ông nấu cơm để trưa còn ăn chiều còn đi học thêm. Mình đi về nhà ăn trưa mẹ nấu rồi chiều còn đi ngủ thêm. Đi ngủ thêm là từ mình phát minh ra vì mình nghĩ, nếu bảo hành động của mình là đi "học thêm" thì làm mất mặt những đứa học thật như ông bạn này. Cả tuần có 4 ngày phải đến nhà nhà mụ chủ nhiệm buổi chiều thì hoặc là đi ngủ thêm, hoặc là đi chơi thêm, hoặc là đi bắn Half-life Counter-strike thêm chứ tuyệt đối không có hôm nào là đi học thêm cả. Chính vì thế mà cấp III mình khoẻ như voi, chẳng bao giờ kêu ốm đau gì, mỗi ngày đến lớp là một niềm vui nên chỉ mong được đến lớp để nghĩ ra trò để nghịch.
Sau này nói chuyện với ông thì mới biết chắc một tháng ông bạn được bố mẹ ở quê gửi lên 700 ngàn, 250 ngàn đóng tiền trọ, 250 ngàn đóng học (thêm) phí, còn 200 ngàn tự do muốn làm gì thì làm. Thế mà có tháng ông còn không có tiền để đóng, phải viết đơn xin khất học phí. Để tiện so sánh, thì mình lúc đấy thỉnh thoảng ngứa mào lại viết báo hay làm kinh doanh ở trường. Nếu viết báo, mình sẽ được nhuận bút 300-400 ngàn để chơi điện tử đủ cả một vài tháng. Còn kinh doanh thì mình mở dịch vụ ghi CD lậu - mỗi đĩa CD mình bán chắc đủ lãi để chơi điện tử và bao bạn một ngày. Dĩ nhiên đấy là tiền chơi, tiền ngủ thêm thì xin ông bà bô. Tối về thì học thêm gia sư (anh gia sư ngày xưa vẫn là bạn mình trên Facebook).
Nhưng hình ảnh ông bạn ngồi chồm hỗm nhặt rau muống cạnh giếng nước thì mình rất ấn tượng. Đó là một thế giới mình chưa bao giờ biết nó có tồn tại, một cú sốc văn hoá. Hôm đó là ngày mình nhận ra lờ mờ cuộc sống của mình tốt như thế nào so với những người quanh mình. Sau này khi mình đi du học nó thường đến lại như một sự ám ảnh. Mình thỉnh thoảng có tự hỏi trong mắt những người bạn Tây, thì mình có lúc nào họ bắt gặp mình trong hoàn cảnh giống như mình bắt gặp ông bạn hôm đó không. Mình chắc chắn là có. Trong nhiều năm liền, mình chưa bao giờ vào ăn một nhà hàng, không biết đến nghỉ hè hay du lịch là cái gì, không biết đến cái xe ô tô là gì. 25 tuổi là lần đầu tiên mình sờ được tay đến chiếc xe ô tô đầu tiên trong đời. Trong khi các bạn Tây thì người trung lưu là được dạy lái xe ô tô lấy bằng lúc 16 tuổi, 18 tuổi có nhiều bạn được cho xe ô tô để đi đẽo giai/gái. Người Tây coi việc ăn mì gói là bần cùng của các loại bần cùng (nhiều người chết đói cũng không ăn mì gói vì "có hại cho sức khoẻ" vì họ nghĩ mì rẻ tiền thì làm sao có lợi cho sức khoẻ được), còn mình coi việc ăn mì gói là chuyện bình thường, cả tuần ăn mì gói với trứng cũng đâu có sao. Chuyện đi lêu lổng chỗ này chỗ khác, làm việc này việc khác để cứu giúp thế giới cũng nhiều bạn có khả năng làm, còn mình thì bận đi cứu giúp chính mình đâu có thời gian để đi cứu giúp thế giới. Những người bạn du học mình biết, bất kể con trai hay con gái, mình chưa biết ai không biết nấu ăn cả. Và mình chắc chắn với những người bạn từ tỉnh xa lên học cấp 3 hay đại học ở thành phố, cũng chẳng ai không biết làm đủ thứ trên đời từ khi còn rất trẻ.
Gần đây mình có đọc một số bài viết của các bạn nữ nói về chuyện giai Tây với giai Ta, những người có phong cách tự lập biết phụ nữ muốn gì, còn giai Việt thì phần lớn là dạng ất ơ đứa trẻ không bao giờ lớn, thổi cơm nấu nước cũng không biết. Mình nghĩ đó là những người chỉ nhìn thấy cái thế giới họ muốn nhìn. Có anh Tây đi du lịch đến nước Việt dạy tiếng Anh, thử nước mắm với trứng vịt lộn lần đầu với bạn đã được bạn tâng bốc là cởi mở. Chứ sự thật có bao nhiêu người Việt tự lập đến nơi khác, phải nói ngôn ngữ của người khác hàng ngày từ khi còn rất trẻ, có bao người đã trải qua bao vất vả, không coi là nghiễm nhiên những gì họ có, thì chắc chắn số người Việt đông vô kể. Mình luôn coi trọng những người từ tỉnh lẻ lên thành phố làm việc -- trong đó có rất nhiều người thành công, chứ không thích người ca đi ca lại bài Hà Nội gốc. Mình nghĩ tất cả từ đôi mắt mở ra để nhìn. Mà tổ sư, thằng bạn cấp 3 đấy tên là Hoàng. Bây giờ cũng đếch biết ông có Facebook không.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất