Chắc hẳn, ở đây ai cũng đã từng ít nhất một lần cảm thấy chán công việc của mình, hoặc là cũng đang ngán lắm rồi nhỉ? Thế nhưng, dù có "ngấy" công việc đến đâu, chúng ta vẫn không thể chia tay nó được. Chúng ta làm để sống, chứ không phải sống để làm. Phải không? Vậy, làm thế nào để tiếp tục "giữ nhiệt" với công việc của mình? Hôm nay mình sẽ chia sẻ đôi chút về bí kíp "hâm nóng" tình cảm với công việc mà mình cũng đã "chuột bạch" thành công nhé!

Vì sao chúng ta "chán" việc?

Nếu công việc của bạn không phải niềm đam mê thực sự, bạn sẽ chóng chán.
Nếu công việc bạn đang làm, bạn yêu thích, nhưng ngày tháng năm trôi qua đều không có gì mới mẻ, bạn sẽ chán.
Nếu công việc quá khó đối với bạn, loay hoay mãi không ra phương án, bạn sẽ nản, rồi lại chán.
Nếu ngày tháng năm, bạn chỉ làm như chiếc máy để đáp ứng KPI, không có thời gian tạo ra một sản phẩm mà mình cho là nổi trội, bạn cũng chán.
...
Có vô vàn lý do để bạn chán công việc của mình.
Nếu đã từng đọc những bài viết trước của mình, các bạn sẽ thấy mình mưu cầu khá sớm. Thế nên, mình đã lên kế hoạch cho mục tiêu của mình từ rất lâu. Nhưng không phải tính gì thì đều đi đúng bước đó, đôi ba lần kế hoạch của mình bị gián đoạn hoặc rẽ hướng bởi nhiều điều không lường trước được. Vậy là thay vì làm những công việc đã dự tính thì mình bắt đầu những công việc không nằm trong dự định.  
Trường hợp này hẳn sẽ có nhiều người quyết định nhảy việc. Và mình ngày đó, cảm thấy đã học đủ ở nơi này rồi, cũng nhảy việc, sang một cái giếng mới.
Mọi sự ban đầu tưởng như đã vào quỹ đạo. Thế nhưng, như thể duyên trời định, 4 lần trong vòng hơn 1 năm, mình luân chuyển công việc trong cùng một công ty. 
Không nằm trong dự tính, nhưng cũng không muốn chuyển việc sớm trước dự định, mình đi tiếp đến tận bây giờ. Dẫu sao, mỗi công việc đều mở ra những chân trời mới.
Nhưng các bạn biết rồi đấy, công việc chúng ta làm ngày ngày tháng tháng mà không có đam mê thì khó bền, mà làm lâu rồi thì rồi cũng sẽ có khi chán. Vậy, làm thế nào để có thể "hâm nóng" lại tình cảm với công việc?
----------
Gần đây mình có đọc được trong cuốn Barking Up The Wrong Tree như này.
Giờ hãy thử nghĩ về ngày đầu tiên làm việc của bạn. Mọi sự ắt hẳn không hề chán. Có rất nhiều điều để học, quá nhiều thứ mới mẻ và khó khăn cần thành thục. Có thể hơi quá sức, nhưng đầy mới lạ và thử thách. 6 tháng sau, tôi đoán mọi thứ đã chấm dứt. Mọi chuyện khi đó như thể chơi cùng một cấp độ trò chơi suốt 10 tiếng/ ngày, 5 ngày/ tuần. Đó không còn là một trò chơi vui vẻ nữa.
Công ty muốn bạn thật giỏi công việc của mình, và điều đó cũng hợp lý thôi, nhưng đó là một trò chơi mà bạn đã quá giỏi rồi. Cảm giác trống rỗng. Những trò chơi hay phải mang đến tỷ lệ 80% thất bại để kích thích bạn tiếp tục chiến đấu, nhưng công ty thì không khoái vụ thất bại. Không thất bại đồng nghĩa với không niềm vui. Và có quá nhiều việc linh tinh đến nỗi không còn một thử thách nào cả. Làm thế nào để mà khoái cho nổi?

Làm thế nào để "giữ lửa" với công việc?

Mình luôn tâm niệm, dù làm bất cứ điều gì cũng luôn phải tâm huyết. Vậy nên, mình luôn chăm chút từng tí mỗi sản phẩm của mình, ít ra là theo tiêu chuẩn của mình. 
Ở công ty nọ, có 2 người làm cùng một vị trí. KPI mỗi người được đặt ra như nhau. Thế nhưng A luôn xong sớm, đạt KPI. B thì ngồi từ sáng tới hết giờ không ngơi, mới xong sản phẩm của mình. Thắc mắc nên B hỏi, thì ra A chỉ làm cho xong, chứ không hề làm cho tốt. Một sự khác biệt nho nhỏ là A thấy chán dù đạt KPI, B có mệt, nhưng không hề chán.
Kết luận: Nếu còn yêu thích, còn tâm huyết với công việc của mình, thì ngọn lửa sẽ luôn cháy trong tim.
----------
Thế nhưng khi KPI và những luồng công việc ngoài lề không cho phép thì sao?
Bên cạnh công việc full-time, mình có nhận thêm job ngoài. Không để công việc choán hết thời gian, mình có tập thêm yoga. Tối nấu cơm mỗi ngày vì giữa tháng đã ... sắp hết lương. 
Nghe sơ sơ chắc bạn cũng hình dung được một ngày của mình "vận động" liên tục đến 10-11 giờ tối là chuyện bình thường. Thỉnh thoảng cũng hơi mệt, nhưng mình không hề "chán".
Quay cuồng như vậy trong một thời gian dài, chắc phải "bấn" tiền lắm hoặc đam mê ít nhiều mới "không chán" được. Không biết ai có suy nghĩ này không? Nếu mình không phải nhân vật trong câu chuyện đó, chắc mình cũng đôi phần nghĩ thế.
Rolleitest | Photo, In this moment, Audrey kawasaki

Nhưng thực tế, mình không phải đam mê với cả hai, nếu cần tiền thì mình cũng đã tìm một công việc khác.
Một bên là sự hứng thú với ngành nghề mới tiềm năng, một bên là hành trình trên con đường dự định, mình đều không nỡ bỏ một trong hai. 
Ngày trước, việc công ty còn rảnh, thỉnh thoảng vẫn "làm trộm" job ngoài trong giờ hành chính, về nhà vẫn còn đôi chút thảnh thơi. Nhưng rồi những ngày đó cũng qua đi. Nếu như trước kia là những ngày làm thong thả thì giờ đây 8 tiếng hành chính luôn là khoảng thời gian tập trung cao độ để đảm bảo KPI. 
Bảo không nản, không mệt thì là nói điêu, một vài giây phút còn cảm thấy "chán" cái guồng quay này. Nhưng nghĩ lại lý do bắt đầu cả hai, mình quyết định cho bản thân thêm một lần cháy hết mình vì lý tưởng.
Vẫn song song cả hai, luôn luôn bận rộn, nhưng dần vào guồng, mình lại càng thấy nhiều năng lượng hơn, dù đến đêm rồi nguồn cũng sập. Nghĩ lại những gì mình đã làm được, nhìn lại từng level mình đã vượt qua, mình thấy như được tiếp thêm động lực cho những dự tính về sau vậy.
Chúng ta thường chọn việc dễ hơn là việc mình yêu. Vậy nên khi thêm chút áp lực, nhiều người dễ nản bởi chưa từng thử vượt qua vấn đề, hoặc chỉ làm để đáp ứng người khác mà không tìm ra được lý do cho chính mình.
Khi đọc cuốn Barking Up The Wrong Tree, mình như chiêm nghiệm được bản thân trong đó vậy.
Trái lại, văn phòng làm việc thường tạo cảm giác như một trò chơi không thể chiến thắng. Bạn không cảm thấy mình có quyền kiểm soát. Bạn không cảm thấy được hành động của mình sẽ tạo ra được gì khác biệt. Ai lại muốn chơi kiểu trò chơi như thế chứ! Nghiên cứu của Dan Ariely cho thấy, khi cảm thấy những gì mình đang làm là vô ích và không có ý nghĩa, động lực và niềm hạnh phúc sẽ giảm sút. 
Nhưng bạn có thể khắc phục được điều đó. Bạn có thể không thay đổi được cách công ty hoạt động, nhưng bạn có thể định ra trò chơi để thắng cho riêng mình. Trò chơi của bạn có phải là cố học được nhiều nhất có thể để sẵn sàng được thăng tiến? Bạn có muốn cải thiện kỹ năng thuyết trình hay học hỏi thêm những kỹ năng khác? Tất cả những điều đó đều có thể chinh phục được.
Tất nhiên cũng sẽ có những người lựa chọn bỏ đi. Thế nhưng, khi có ý định từ bỏ, hãy nhớ lại lý do lúc ban đầu. Nếu như đã hoàn thành được mục tiêu, thì hãy nhảy sang một chân trời mới. Còn không, đừng để đứt gánh giữa đường.
Kết: Chán việc thì có vô vàn lý do, nhưng rút ra ở đây, bạn có thể thử biến công việc thành một cuộc chơi mà mình có thể thắng, nhưng mức độ thì phải tăng theo cấp số nhân. Mức độ ở đây có thể là tốc độ, hoặc cũng có thể là độ khó. 
Đôi khi chỉ là tìm tòi, mở rộng hơn từ công việc mình đang làm có thể khiến bạn thêm kích thích với cuộc chơi này. Thiết nghĩ, chúng ta hay chán việc là bởi chưa tạo ra được kết quả ấn tượng, chưa từng lên đỉnh với nó sau cơn sóng gió trong nghề. Một ngày bạn giỏi trong công việc của mình, bạn sẽ tự động thấy hứng thú với nó thôi.
----------
Lưu ý, bài viết chỉ mang tính chất chia sẻ cá nhân. Các bạn cùng góp vui topic nhé!