Vài năm gần đây, giới trẻ Việt Nam chúng tôi nhờ có internet và các phương tiện mới mà có điều kiện nói chuyện với nhau ngày càng nhiều về những tấm gương thành công. Có thể nói, chưa bao giờ việc theo đuổi “con đường thành công” của thanh niên lại nhộn nhịp như lúc này. Không chỉ các sinh viên ngành kinh tế xã hội, mà các sinh viên kỹ thuật như trường Bách Khoa chẳng hạn, cũng có thể kể cho bạn vanh vách về những tấm gương thành công ở nước Mỹ, Âu như Bill Gates, Steve Jobs, Donald Trump hay Richard Branson…
Giờ đây, chủ đề chính trong câu chuyện của những người trẻ không còn là mức lương sau khi ra trường, vào biên chế hay lấy một cô vợ giáo viên nữa, mà thay vào đó là chuyện khởi nghiệp, theo đuổi ước mơ và những chiếc xe hơi. Nhưng để đến được cái đích đó, các bạn trẻ cũng lờ mờ hiểu rằng, có một giai đoạn không hề dễ chịu gọi là “thất bại” và “theo đuổi đam mê”. Các bậc tiền bối của chúng ta, dù Tây hay Tàu, từ Nam chí Bắc, đều thống nhất với nhau rằng, chuyện thành công không dễ đến mà bạn phải có một đam mê và dám theo đuổi nó đến cùng trước khi muốn tận hưởng thành quả. Và thế là người trẻ bắt đầu nói với nhau về khái niệm đầy lôi cuốn : Đam mê.
Tôi muốn chia sẻ một cái nhìn của mình vì tôi thấy có vẻ như đến 90% các bạn sinh viên không thực sự hiểu rõ về đam mê, mà nguyên nhân có thể các “tiền bối” của chúng ta cũng chỉ dạy quá mơ hồ. Một số người nói đam mê là việc gì đó khiến bạn yêu thích, hào hứng dù không được trả tiền. Tôi cho rằng đó mới chỉ được gọi là niềm “say mê” mà thôi. Tôi thích coi bóng đá, thích đi phượt lòng vòng và thích uống bia tán dóc với bạn bè. Những việc này tôi làm chẳng cần ai ép, và cũng khỏi cần tiền, thậm chí tôi sẵn sàng bỏ tiền để được làm, nhưng tôi e rằng nó sẽ không phải là con đường tốt để đi đến thành công.
Trong một buổi nói chuyện gần đây với các bạn sinh viên, tôi đã được hỏi về trường hợp một bạn sinh viên đại học Ngoại Thương (nếu tôi không nhầm là Bùi Thị Phương) dũng cảm bỏ học để khởi nghiệp và đã thành công với mức thu nhập “khủng”, cùng việc làm chủ nhiều cơ sở kinh doanh… Tôi đã phải cảnh báo các sinh viên về việc họ đang nhầm lần trong cách ngưỡng mộ. Điều thực sự đáng học tập ở bạn trẻ nói trên là tinh thần dám nghĩ dám làm, dám theo đuổi ước muốn của mình, chứ không phải ở mức thu nhập hay sự thành đạt về tài chính. Tôi cho rằng, một người như vậy dù chưa giàu, cũng vẫn đáng để chúng ta học hỏi. Nếu các bạn sinh viên cứ nhắm vào mức thu nhập và sự nổi tiếng để bỏ học thì đó quả là một chuyện tai hại.
Trong cuốn sách "Steve Jobs", Tim Cook cho biết Steve Jobs vẫn làm việc và triệu tập họp đến ngày cuối cùng trong đời, bất chấp căn bệnh ung thư quái ác
Ở góc độ cá nhân, tôi xin mạo muội đưa ra cách nhìn của mình về đam mê như thế này. Đam mê là một loại động lực làm việc, nhưng không phải động lực làm việc nào cũng gọi là đam mê, mà có thể tạm chia làm 4 nhóm như sau:
- Động lực làm việc vì bản thân mình, không vì người khác gọi là tham vọng. Ví như bạn muốn có nhiều tiền, danh tiếng, muốn có nhà cao cửa rộng…, bạn phấn đấu vì điều đó. Bản thân tham vọng không xấu không tốt, ăn thua là cách bạn đạt được nó mà thôi.
- Động lực làm việc không vì mình, cũng không vì người khác gọi là sở thích. Bạn thích ngâm thơ, yêu hội họa, thích đi câu cá… chẳng để đạt được quyền lợi gì, cũng chẳng giúp cho ai thì đó là sở thích, mà thích thì … nhích thôi :)
- Động lực làm việc vì mọi người xung quanh, rất ít vì bản thân gọi là đam mê. Một ca sĩ muốn đem tiếng hát phục vụ khán giả, một nhà khoa học muốn cống hiến cho đời sống con người, một nhà báo muốn đấu tranh với bất công trong xã hội… Chìa khóa của vấn đề nằm ở chỗ vì mọi người, nhờ có nó mà trên con đường sự nghiệp, điều bạn đang làm mới xứng đáng được cộng đồng tôn vinh, và lúc đó người khác thường gọi bạn là thành công.
- Động lực làm việc không chút nào vì bản thân, mà chỉ vì xã hội, dân tộc gọi là lý tưởng và hoài bão. Những chiến sĩ hy sinh thân mình vì bình yên của đất nước, những anh hùng một đời đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, hay những con người xả thân vì nền hòa bình, vì môi trường của thế giới… họ có lý tưởng và vì thế nhân loại phải nhớ về họ qua nhiều thế hệ.
Tôi đã cố gắng nêu cái hiểu của mình về bốn mức độ này một cách rõ ràng nhất có thể, và mong sao những người trẻ chúng ta đừng nhầm lẫn hay ảo tưởng về đam mê của bản thân. Chúng ta hãy cùng đối chiếu lại động lực làm việc thực sự của mình, xem nó là đam mê thực sự, hay chỉ là một chút sở thích cộng với phần nhiều tham vọng mà thôi?
Những kỹ sư tận tụy của SONY thuở ban đầu
Để minh họa cho câu nói “Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn”, tôi xin kể một số câu chuyện mà ai cũng biết:
- Ông Steve Jobs (1955 – 2011) là nhà sáng lập ra hãng máy tính Apple. Mặc dù Apple là công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất trên toàn cầu, nhưng Steve chỉ nhận lương 1 USD/năm, ngoài ra ông không bao giờ bán bất cứ cổ phiếu nào (trừ một lần ông muốn trả thù các cộng sự đã đẩy mình ra khỏi công ty, nhưng sau đó ông đã mua lại còn nhiều hơn thế). Điều đó có nghĩa là, trong suốt 35 năm làm việc tại Apple, Steve Jobs chỉ nhận được vỏn vẹn chừng hơn 30 Dollar, không cần lợi nhuận, không cần nhà cao cửa rộng, không cần xe sang… Nếu tiền bạc và danh vọng là những điều Steve Jobs tìm kiếm, tôi tin người ta đã không gọi ông là một “huyền thoại”. Ông được nhớ đến, không phải là người giàu nhất, không phải ở vị trí cao nhất (Apple có nhiều CEO khác bên cạnh Jobs), mà là người thay đổi ngành công nghiệp máy tính và cuộc sống của hàng tỷ người trên thế giới theo một cách tốt đẹp hơn.
- Hãng điện tử SONY, ra đời năm 1946 đã thay đổi diện mạo của ngành công nghiệp Nhật Bản sau Thế chiến lần thứ hai. Hãng được sáng lập bởi 2 doanh nhân Masaru Ibuka và Akio Morita. SONY là một phần quan trọng giúp nước Nhật từ một nước kiệt quệ sau chiến tranh vươn lên thành một cường quốc nhất nhì thế giới. Nhờ có các tập đoàn như SONY hay TOYOTA, cụm từ Made in Japan đã là một thương hiệu toàn cầu. Giờ đây người dân trên toàn thế giới đều thích dùng hàng Nhật, gồm cả người Mỹ. Đằng sau ánh hào quang đó, ít người biết hai nhà sáng lập này đều là những thợ kỹ thuật, và sau chiến tranh, họ chỉ có một nguyện vọng : Mong sao dân Nhật ai cũng có cái radio tốt để dùng mà thôi. Những ước muốn tưởng như giản dị đã tạo nên sự vươn mình thần kỳ của đất nước mặt trời mọc.
- Ông Jack Ma, chủ tịch của Alibaba, tập đoàn thương mại điện tử số 1 ở Trung Quốc và trên toàn cầu, vốn lại không phải chuyên gia công nghệ hay doanh nhân mà chỉ là một giáo viên tiếng Anh. Nhiều lần phiên dịch cho những người nước ngoài đến Trung Quốc, Jack Ma thấy hàng hóa Trung Quốc tuy nhiều nhưng khó bán ra nước ngoài vì không có cách truyền thông hiệu quả, ông đã lập ra website alibaba.com để giúp các công ty Trung Quốc giới thiệu sản phẩm của mình. Hiện nay alibaba.com đã trở thành website xúc tiến thương mại lớn nhất trên thế giới với các nhà cung cấp đến từ rất nhiều quốc gia. Nếu bạn làm việc trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, bạn không thể không biết alibaba.com. Ngoài ra, Jack Ma còn ôm ấp một mong ước giúp dân Trung Quốc mua mọi thứ mà không phải ra khỏi nhà, và ông đã lập nên 1688.com (tiếng Trung đọc là Yi Liu Ba Ba, gần giống với alibaba) để phục vụ thị trường trong nước. Tại các website của Alibaba, bạn có thể mua những thứ nhỏ bé như cái kẹp tóc, đến đồ nội thất, vật liệu xây dựng và thậm chí là cả các khu bất động sản rộng lớn.

Jack Ma chưa bao giờ nghĩ đến kinh doanh để trở thành tỷ phú, cho đến tận khi điều đó xảy ra
Còn vô số câu chuyện tương tự mà chúng ta đã hoặc chưa biết đến, là những minh chứng cho nguyên lý đam mê sẽ tạo dựng nền tảng cho thành công, chính đam mê chứ không phải tham vọng!
Vậy thì người trẻ làm sao tìm kiếm nổi chìa khóa của thành công mang tên niềm đam mê nếu chúng ta chẳng nghĩ gì cho những người xung quanh cả. Sự thật là tôi liên tục được đóng vai tổng đài tư vấn cho các bạn khác với những câu hỏi thế này:
- Phải chăng đam mê của tôi là bán quần áo?
- Nếu tôi theo nghề báo, sau đó phát hiện ra đó không phải là đam mê thì sao nhỉ?
- Haiz, tôi chẳng biết đam mê thực sự của mình là gì nữa?
- Tôi đam mê kinh doanh lắm, tôi có nên nghỉ việc và mở công ty không?
….
Vâng, chúng ta phải làm gì đó thay vì thắc mắc, nếu bạn muốn tìm thấy đam mê, đừng cố tìm hiểu mình, hãy nhìn ra xung quanh và kiếm việc gì giúp ích cho mọi người, càng nhiều người càng tốt. Thay cho lời kết, chúc các bạn trẻ, ai cũng tìm thấy đam mê và đạt được thành công theo cách của riêng mình :)
Chu Ngọc Cường