Làm sao để Tiếng Việt “ngạo nghễ” với bạn bè năm châu?
Hai cách để tiếng Việt trở thành ngôn ngữ số một thế giới
Ngôn ngữ nào được sử dụng nhiều nhất trên thế giới?
Theo nghiên cứu của các chuyên gia ngôn ngữ, tiếng Quan Thoại (Mandarin Chinese) là ngôn ngữ được dùng như tiếng mẹ đẻ nhiều nhất. Nguyên nhân? Do dân số Trung Quốc vượt trội hơn hầu hết các nước trên thế giới.
Nhưng câu chuyện không đơn giản như thế. Tiếng Hán không chỉ có Quan Thoại mà còn bao gồm 12 phương ngữ khác cùng chung một hệ chữ viết, ngữ pháp và văn chương, trong đó có thể kể đến tiếng Quảng Đông, tiếng Ngô, Khách Gia, Mân Nam… Các phương ngữ này đủ khác nhau để có thể được coi là những ngôn ngữ riêng biệt. Vào buổi bình minh theo những gì ghi trong sử sách nền văn hóa Hoa Hạ tương ứng với tiếng Hán có uy thế với các nước láng giềng, nhưng ngôn ngữ này chưa bao giờ là lingua franca bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Tuy nhiên các ngôn ngữ láng giềng như tiếng Nhật, tiếng Hàn và tiếng Việt lại chịu ảnh hưởng khá nhiều từ tiếng Hán. Trong ba ngôn ngữ này có sự vay mượn về thanh điệu (tiếng Việt), phát âm (tiếng Việt và tiếng Nhật), chữ viết (tiếng Nhật và tiếng Hàn), từ vựng (tiếng Việt, tiếng Nhật và tiếng Hàn)...
Cho đến tận ngày nay, hơn 99% người nói tiếng Hán sống ở Trung Quốc, vì thế tiếng Hán không thể được coi là một ngôn ngữ quốc tế. Trường hợp này trái ngược với tiếng Anh, khi mà “native speakers” chỉ bằng 1/3 so với tiếng Hán, nhưng số lượng “non-native-speakers” lại nhiều hơn và rải rác tại 146 nước khắp nơi trên thế giới.
Quay lại với câu chuyện tiếng Việt của chúng ta, thì về cơ bản nó chưa bao giờ được coi là một ngôn ngữ mạnh, chưa kể đến việc là một ngôn ngữ quốc tế. Bây giờ, để vẽ ra một viễn tượng trong mơ là tiếng Việt thống trị toàn thế giới, hay ít nhất là trở thành một ngôn ngữ quốc tế, xếp hạng cao về số người sử dụng, thì cần phải tiếp cận như thế nào?
Và đây là giải pháp:
Hai phương pháp để tiếng Việt trở thành ngôn ngữ quốc tế
Truyền bá ngôn ngữ là một việc lâu dài, thường xuyên suốt nhiều thế hệ hay thậm chí là trong nhiều thế kỷ. Chúng ta có thể nhìn tấm gương phát triển của tiếng Hán, trong cuốn sách Các đế chế ngôn từ: Lịch sử thế giới dưới góc nhìn ngôn ngữ, tác giả Nicholas Ostler gọi là phương pháp tiếp cận của nông dân (Farmer’s Approach). Đây là cách tương đối đơn giản – tất cả những gì cần làm là đoàn kết cộng đồng và phát triển dân số. Hãy tưởng tượng bây giờ đang có khoảng 100 triệu người nói tiếng Việt, và con số mơ ước để đạt đến là 1 tỷ, tức là 10 lần dân số Việt Nam hiện tại. Đây được gọi là tăng trưởng hữu cơ, câu chuyện điển hình của các ngôn ngữ lớn ở Châu Á như tiếng Hán hay tiếng Hindi.
Với tỉ lệ tăng dân số bình quân của Việt Nam là 1,14%, lý tưởng nhất là chúng ta cần khoảng 200 năm để đạt được 1 tỉ dân, bằng với dân số của Ấn Độ ở thời điểm hiện tại. Nhưng điều này không đảm bảo được là 1 tỉ người này cùng chung một ngôn ngữ. Tiếng Việt cần phải tự vệ trước các ngoại ngữ xâm nhập và làm đứt gãy quá trình phát triển ổn định.
Vậy cách thứ hai là? Chúng ta có thể học theo cách mà tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha phát triển qua dòng lịch sử, mà Nicholas Ostler dùng thuật ngữ kinh doanh để chỉ phương pháp này: M&A (Merger and Acquisition) – Sáp nhập và Thôn tính. Ông đặt tên cho phương pháp này là con đường của thợ săn.
Cách phát triển này được chia ra làm ba loại: Di cư (Migration), trong đó một cộng đồng ngôn ngữ di chuyển như một khối trọn vẹn, mang theo một ngôn ngữ mới; Khuếch tán (Diffusion), trong đó cộng đồng những người nói một ngôn ngữ đến một địa điểm khác để đồng hóa ngôn ngữ của họ với ngôn ngữ bản địa mà họ tiếp xúc; và Thâm nhập (Infiltration) là sự pha trộn của hai loại hình trên. Quá trình phát triển của tiếng Anh ở Bắc mỹ và Úc thuộc loại hình di cư; ở Ấn Độ và Scandinavia thuộc phương thức Khuếch tán; ở Nam Phi thì là phương thức Thâm nhập. (1)
Qua 400 năm, tiếng Anh đã khẳng định vị thế của mình khi nó đạt được vị trí số một trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và văn hóa. Từ nước Anh, ngôn ngữ này lan rộng ra khắp thế giới bằng sức mạnh của một đế chế xâm lược. Hiện tại, tiếng Anh đang được nâng đỡ bởi ba yếu tố chính: dân số, vị thế và uy tín. Khi mà 375 triệu người nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ, hơn 750 triệu người dùng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai, và 1/4 dân số thế giới được học tiếng Anh trong các trường phổ thông ở khắp các nước trên thế giới. Nhưng tiếng Anh khó có thể duy trì sự thịnh hành này mãi mãi. Vừa là ngôn ngữ đầu tiên của các cộng đồng đông dân cư, vừa là một lingua franca của thế giới, mầm mống suy tàn của tiếng Anh đã bắt đầu nhen nhóm. Và đó là cơ hội cho tiếng Việt. Tại sao lại không?
Lợi thế của tiếng Việt để trở thành lingua franca
Tiếng Việt có lợi thế gì để có thể phát triển ở các nước không nói tiếng Việt? Đầu tiên là cách phát âm tiếng Việt không quá khó. Ngay cả quy tắc khó nhất trong phát âm của tiếng Việt là thanh điệu thì đều bắt gặp ở ngôn ngữ khác trong khu vực Đông Á. Về ngữ pháp, với đặc trưng là một ngôn ngữ đơn lập thì tiếng Việt không có bất kì sự biến đổi nào về hình thái từ. Chia động từ theo thời (tense) như tiếng Anh? Không. Chỉ cần thêm một vài trợ từ vào trong câu. Bất quy tắc như tiếng Đức, tiếng Pháp? Cũng không. Khi học một câu tiếng Việt, chúng ta không cần phải nhớ quy tắc của bất cứ thành phần nào của câu đó. (2).
Ngoài ra, tiếng Việt dùng bảng chữ cái Latin tương tự với nhiều ngôn ngữ như tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha và nhiều ngôn ngữ khác ở châu Âu, nên bắt đầu làm quen và học cách viết tiếng Việt không có quá nhiều trở ngại như tiếng Hán Quan Thoại, tiếng Hàn hay tiếng Nhật.
Tham khảo:
(1). Các Đế Chế Ngôn Từ: Lịch sử thế giới từ góc nhìn ngôn ngữ – Nicholas Ostler.
(2). Babel: Babel: Around the World in Twenty Languages – Gaston Dorren.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất