Tớ phát hiện ra một điều: Càng lớn người ta sẽ càng phải học cách một mình, học cách độc lập và đôi khi là cả sự cô đơn nhiều hơn. Sẽ không còn ai luôn bên cạnh cậu nhắc phải ăn cái này, uống cái kia hay ngủ mấy giờ (mặc dù hồi trước thấy mấy thứ đó phiền chết đi được). 
Chẳng còn ai hàng ngày hỏi xem hôm nay có gì vui và thực sự quan tâm những câu chuyện liên thiên cậu kể. Chỉ có bố mẹ mới như thế. Mà từ khi bị làm người lớn rồi thì họ đâu có kè kè bên cạnh nữa đâu. Cũng không thể chuyện gì cũng nói. Vì đơn giản là đã quá cái tuổi muốn bố mẹ phải lo cho mình (Suỵt! Thực ra thì đôi khi là... vẫn có!). Nhiều lúc thật lòng thèm khát được nhấc điện thoại lên, gọi cho mẹ một cuộc, kể ra những gì khiến mình ấm ức rồi khóc òa một cái. Thế rồi, lại như có ai đó nói thầm vào tai: “Đừng cứ nhì nhèo với người khác vì những vấn đề của riêng mình nữa”. Kiểu đó!
Hóa ra, cậu phát hiện mình đã (buộc phải) lớn là khi biết kiềm chế không nói ra những điều, mà thề là, rất muốn được nói ra. Cho dù là với người thân yêu nhất! 
Hồi bé thấy thời gian trôi thật chậm, thật chậm: “Bao giờ mới được làm người lớn đây?” Được tự ý mua những món đồ mình thích. Tự ý làm những gì mình muốn. Không đi học cũng chẳng còn bài kiểm tra. Càng những lúc dỗi hờn bố mẹ lại càng muốn trở thành người lớn hơn bao giờ hết.
Sau này, lớn rồi mới thấy: “Mọi thứ xảy ra nhanh quá!”. Năm này, đến năm khác, nó cứ tranh thủ lúc chúng ta không để ý mà chạy vèo một cái: tăng thêm một tuổi, đuổi thêm một cái xuân, tăng thêm áp lực, tăng thêm cả sự lão hóa... Làm người lớn là đôi khi phải đứng giữa vô vàn sự lựa chọn, vô vàn những hướng đi. Thật mệt là thường xuyên chúng nhập nhằng với nhau chẳng phân định được đúng hay sai. Mỗi lúc như thế, lại ước có một người thông thái phía trước chọn hộ một cái. Ừ thì làm người lớn là không còn lên lớp, không giáo trình, không thầy cô... Nhưng rồi sao, cũng vẫn phải học, chỉ có điều là tự mò mẫm nhiều hơn, chới với nhiều hơn!
Giờ mà có cỗ máy thời gian của Doraemon, sẽ quay lại và nói với chính bản thân mình: "Từ từ hẵng lớn vội. Hãy cứ tận hưởng cái quyền được làm trẻ con của mình đi đã!"