(trong chương trình sách giáo khoa của Bộ Giáo Dục năm 2016 )
Sách giáo khoa lớp cấp 1 dùng từ Tiếng Việt để chỉ môn Ngữ Văn của chương trình học cấp 2, 3. Ngụ ý này cũng rất rõ ràng, đó là để học sinh tiếp cận với ngôn ngữ mẹ đẻ. Sau khi hết Tiểu học, học sinh sẽ bắt đầu với những kiến thức nâng cao hơn.
Sự nâng cao kiến thức được thể hiện rõ qua cách các « bô lão » trong bộ giáo dục soạn. Sách giáo khoa chương trình Tiểu học có tiết « Luyện từ và câu ». Có thể nói 5 năm chúng ta đi học để luyện viết thành câu hoàn chỉnh, đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ (điều tối thiểu cần phải đạt được). Có luyện tập viết các bài văn chủ đề gần gũi, ít mang tầm vĩ mô quá cao, trừ các cuộc thi như viết thư quốc tế.
Bốn năm cấp 2, chúng ta đi từ các câu chuyện truyền thuyết, cổ tích. Cực dài dòng văn tự mà đứa nào cũng vẫn phải thuộc nằm lòng + cái vở soạn văn thật ba chấm – có thể nói là hơi khốn kiếp với ngay cả 1 đứa yêu đến độ lật mòn SGK. Sau này học thơ vần vần như Qua Đèo Ngang, Bánh trôi nước thấy đỡ hơn hẳn. Tiết « luyện từ và câu » vẫn còn, song hành với viết văn bản hành chính (cho học sớm quá làm chi, có ai viết giấy tờ nhà vào năm 11, 12 tuổi không ?). Tiền đề của việc thi lên lớp 10 là việc thành thạo viết đoạn văn phân tích, có vài technique viết « lắt léo » như mở bài gián tiếp, trực tiếp.
Kể ra thì môn Ngữ Văn luôn song hành với môn Lịch sử, Địa lý. Lớp 6 học về thời kì đồ đá thì ngồi « tám » chuyện dân gian, truyền thuyết. Lớp 7 học về thời Đinh, Tiền Lê với Hậu Lê thì học mấy bài về yêu nước, thân phận người phụ nữ. Lớp 8, lớp 9 cao siêu hơn, bắt đầu « hành văn » (thực ra là tự ngược mình là chính, để cho nó « hành » mình chứ mình hành được gì nó =)))
Lên đến cấp 3, ôi dồi ôi cả một bầu trời của một kỉ nguyên mới. Mặc dù lớp 10 quay ngược lại về ca dao, dân ca và nhạc cổ truyền (hơi lậm cái radio hồi còn ở nhà =)) Từ đây có cái trò ngồi đố nhau xem đứa nào thuộc nhiều tục ngữ ca dao hơn. À, còn mấy màn tỏ tình kiểu « mình trong như đã, mặt ngoài còn e »
« Gió mưa là bệnh của giời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.
Hai thôn chung lại một làng,
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này? »
của bác Nguyễn Bính. Giờ mình quên sạch rồi nhưng còn nhớ chắc ngồi thơ thẩn làm mấy bài post lên tường đi thả thính dạo rồi cũng nên. Tự dưng nhớ giọng của cô giáo dạy văn mình cấp Ba quá. Ahuhu
Sau đó, có bác Nguyễn Du là cả một bầu trời đối với các chắt. Truyện Kiều là chân ái lý thơ của các cuộc tình. Học xong rồi mới thấm cái câu các cô gái nhẹ dạ, cả tin cẩn thận gặp phải thằng Sở Khanh. Giờ các chụy em lôi nhau lai chym còn khiếp hơn Hoạn Thư năm xưa ngồi dằn mặt Thúy Kiều. Thương sao cái kiếp gặp nhau mà đúng người, sai thời điểm như Kim Trọng với Thúy Kiều.
Cao hơn còn có các scandal các chụy hồng nhan muốn làm Tuesday lại nhớ đến câu nói đau đến chua cả lòng của Hồ Xuân Hương ngày đó :
“Chém cha cái kiếp chồng chung
Kẻ ôm chăn đơn, kẻ lạnh lùng.”
(Thông tin ngoài lề, Hồ Xuân Hương là vợ lẽ, đồng thời là bạn thơ của Nguyễn Du. Nghe đồn, có giai thoại hai người bàn luận thơ với nhau ở Hồ Tây. Thành thử ra, nhắc đến Nguyễn Du mình lại không kìm lòng nhắc đến bà)
Đúng là vừa lên cấp ba phát gặp được mấy câu chuyện ngôn tình ngược tâm, SE (sad ending) đến nát cả tim. Bảo sao vừa qua được kì thi, mấy đứa lậm sách như mình không dám kiếm người yêu dù là dân đọc ngôn tình lâu năm.
Lớp 11 với 12, lại quay đến chủ đề Cách Mạng và châm biếm. Đời truyền tụng cái câu, cuộc đời ta liệu có tăm tối như cái tiền đồ của chị Dậu? Các tác phẩm sau năm 1945 ngày càng phát triển theo hướng gắn liền với thời sự nước nhà. Tính trào phúng đậm nét trong từng nét chữ của Vũ Trọng Phụng trong Số đỏ, nét diễn tả cái đói của Nam Cao và xa hơn nữa, khi đất nước lặp lại hòa bình, ta có Nguyễn Tuân đi tìm tòi cái đẹp của đất nước. Mỗi giai thoại lại mang một cách biểu đạt riêng khó có thể diễn tả hết. Có người dùng để viết những bản thời sự nhân gian. Có người dùng nó để đi cùng với kháng chiến. Ngòi bút của người viết lên nghệ thuật có khi là vũ khí chiến đấu, có khi lại là một nhành hoa hồng xoa dịu tâm hồn người khác. Một khoảnh khắc nào đấy, nó lại như một tấm gương phản chiếu lại chính chúng ta.
Nói giông nói dài, sách giáo khoa đôi khi còn nhiều tranh cãi. Quan trọng là người đã đọc những áng văn thơ đó, có thực sự hiểu và truyền tải lại đủ để lên lớp, đủ để đạt được mục đích trong học tập hay không còn là vấn đề về sự cảm thấu. Giống như việc, tôi không trong hoàn cảnh của anh, tôi khó mà cảm thông cho câu chuyện của anh. Tôi sẽ đứng ở góc nhìn nào để đánh giá anh, đánh giá tính thực tiễn mà anh đưa tới? Suy cho cùng, văn học vẫn chỉ là một thứ đi từ cái đơn giản nhất của con người: Sự thấu cảm với người khác.
01/10/2021. Hoàn thiện ngày 18/03/2022. Giọng văn có chút thay đổi vì lâu rồi chẳng viết nhiều về một cái gì lắm. Và chủ đề cũng không được hot trend như mấy cái video trên Tiktok.
“Thật tuyệt khi được viết một cái gì đó mỗi ngày,”
Bơ.
Đọc thêm tại :