Ngày nay, bên cạnh trí thông minh thì ta cũng thường xuyên bắt gặp thuật ngữ ‘trí tuệ cảm xúc’ (EQ). Vậy thì chính xác thì đó là cái gì? Lợi ích của ‘trí tuệ cảm xúc’ là gì? Và quan trọng hơn cả là làm cách nào để rèn luyện trí tuệ cảm xúc? Đó là những câu hỏi mà chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong bài viết này.
Đầu tiên thì định nghĩa của trí tuệ cảm xúc nhìn chung là khả năng nhận dạng, kiểm soát và điều hướng cảm xúc bản thân. Bên cạnh đó thì trí tuệ cảm xúc cũng bao gồm việc nhận biết cảm xúc của người khác nữa . Và trí tuệ cảm xúc sẽ thường được nhắc đến nhiều thông qua cái tên "Emotional Intelligence" hay nói cách khác là EQ.
Và lợi ích của trí tuệ cảm xúc phải nói là vô cùng rộng lớn. Nhìn tổng thể thì trí tụê cảm xúc sẽ cần thiết cho sự phát triển của cá nhân trên nhiều phương diện nhưng đặc biệt là phương diện tinh thần.
Người có khả năng nhận dạng và kiểm soát cảm xúc của mình thường sẽ sống hạnh phúc hơn vì nó góp phần to lớn vào việc xây dựng và duy trì những mối quan hệ xã hội cũng như thành công về mặt sự nghiệp của một cá nhân.
Vậy thì tại sao lại như vậy? Đó là bởi vì những người có trí tuệ cảm xúc cao sẽ tự nhận thức về bản thân tốt hơn vì họ hiểu được cảm xúc của chính mình. Việc hiểu về bản thân ở một mức độ sâu sắc như thế giúp định hướng hành động của chúng ta sao cho phù hợp với giá trị của riêng mỗi người.
Ngoài ra, chúng ta còn có thể hiểu về người khác nữa. Chúng ta sẽ trở nên tinh tế hơn trong việc nhận dạng cảm xúc của người đối diện và vì vậy mà có những cách ứng xử phù hợp. Giao tiếp cần khéo léo như vậy chứ đôi khi nói chuyện sai thời điểm một phát là thành vô duyên mấy hồi luôn rồi.
Vậy chúng ta sẽ cùng đến với 3 phương pháp để rèn luyện trí tuệ cảm xúc nhé.

1) Nhận diện và gọi tên cảm xúc của mình

Trước khi 'đọc' được cảm xúc của người khác thì chúng ta cần hiểu được cảm xúc của chính mình trước cái đã. Nhiều khi bạn sẽ nghĩ rằng "Sao tôi lại không hiểu cảm xúc của mình cơ chứ?". Thì đúng là chúng ta sẽ hiểu được cảm xúc của chính mình rồi nhưng mức độ sâu sắc đến đâu thì còn tùy. Bạn hãy tự hỏi chính mình rằng “Bây giờ mình đang cảm thấy thế nào?”.
Đa số mọi người sẽ trả lời là "Bình thường" hoặc "Tàm tạm".
Bạn cứ thử thực hành bài tập "Gọi tên cảm xúc" này thì có khả năng cao bạn sẽ phát hiện ra rằng vốn từ vựng của mình về vấn đề cảm xúc nó ít ỏi đến đáng thương luôn. Và sự thật là có hơn cả 1000 tính từ dùng để chỉ cảm xúc đấy các bạn thân mến.
Nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng những người hiểu rõ về cảm xúc của mình sẽ có xu hướng gọi tên chúng ra một cách cụ thể như "giận dữ", "hoài nghi", "kinh hãi", "lo lắng', "háo hức", "phấn khởi" chứ không phải những từ chung chung như "bình thường", "ổn", "cũng tàm tạm".
Nguồn chỉnh sửa ảnh: Canva
Nguồn chỉnh sửa ảnh: Canva
Vậy nên hãy học các gọi tên cảm xúc của bạn ra vì đó cũng là một cách để giúp bạn hiểu rõ hơn về cảm xúc của chính mình. Tiếp đến thì hãy tìm hiểu nguyên nhân tại sao mình lại cảm giác như thế trong đúng hoàn cảnh đó. Lấy ví dụ như mỗi khi mà mình thuyết trình trước đám đông thì tim mình đập mạnh mà chân thì run nữa.
Khi ấy thì mình biết rằng bản thân đang có cảm giác căng thẳng, sợ hãi xen lẫn phấn khích nhè nhẹ. Và mình muốn tìm hiểu sâu hơn là tại sao mình lại có cảm giác như vậy. Khi ấy thì mình biết rằng mình căng thẳng là vì mình có mong muốn thể hiện tốt nhất năng lực của mình trước đám đông.
Còn về phần sợ hãi thì mình sợ bản thân lỡ phạm lỗi ngớ ngẩn nào đó nên bị chê cười. Và cuối cùng là sự phấn khích vì mình thấy đó là một cơ hội để mình rèn luyện một số kỹ năng mềm như thuyết trình hay phản biện.
Sau khi hiểu rõ về nguồn gốc của cảm xúc thì mình thấy sự căng thẳng hay nỗi sợ cũng không còn ghê gớm lắm nữa vì mình hiểu thấy hiểu chúng hơn và cũng thấy bắt đầu bớt nhìn nhận chúng như những thứ tiêu cực hay không nên có.
Và như vậy mà mình cho rằng việc nhận diện cảm xúc có thể giúp chúng ta học cách đối diện và chấp nhận cảm xúc tích cực lẫn tiêu cực như một phần của con người. Nhờ vậy mà bài tập nho nhỏ này có thể giúp chúng ta hiểu hơn về bản thân và xây dựng mối quan hệ tốt với chính mình.

2) Chịu trách nhiệm cho cảm xúc của mình

Sau khi hiểu được nguồn gốc của cảm xúc thì bạn hãy tập chịu trách nhiệm cho cảm xúc của bạn và những hành động của mình. Và thực trạng là chúng ta thường hay vô tình than những câu như "X làm tôi tức chết mà”, "A làm tôi buồn quá" hay “B chẳng bao giờ khiến tôi bớt lo được cả”.
Dùng những câu như thế nhiều sẽ khiến chúng ta vô tình cho rằng người khác quản lí cảm xúc của mình. Và như thế thì việc bạn vui hay buồn đã nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn mất rồi.
Vậy nên, việc chịu trách nhiệm cho cảm xúc của mình là rất cần thiết để chúng ta có thể học cách điều khiển chúng. Vì giống như bạn lái xe vậy, bạn phải nhận thức được rằng mình là người lái thì bạn mới có thể điều khiển được chiếc xe chứ.
Có lẽ bạn sẽ nghĩ rằng “Nhưng thực sự có một vài người có thể làm người khác tức chết được mà. Họ không … thì tôi đâu có tức”. Và mình hoàn toàn đồng ý điều đó. Nhưng mà không phải chỉ hành động của người khác mới đóng vai trò quan trọng đâu mà cách chúng ta lí giải hành động của họ cũng quan trọng chẳng kém.
Mình lấy ví dụ là mình là người đặc biệt rất khó chịu mỗi khi đang nói chuyện mà bị người khác phớt lờ. Bình thường mà bị ‘bơ’ là mình tức lắm nhưng mà đôi khi mình biết rằng họ đang bận hay không cố ý làm lơ mình thì cảm thấy đỡ tức hơn nhiều. Ngược lại, khi biết họ đang bận thì mình còn có cảm giác thông cảm với họ nữa.
Vậy thì trong trường hợp trên chính là cách mình lí giải hành động của người khác dẫn đến hai thái cực cảm xúc như thế. Và vì vậy mà thứ sinh ra cảm xúc của con người là suy nghĩ hay cách ta lí giải sự vật, hiện tượng quanh mình.
Và biết được như thế không những giúp chúng ta có trách nhiệm hơn với suy nghĩ của mình mà còn khiến ta học cách thay đổi suy nghĩ để điều hướng cảm xúc. Giống mình thì sau này khi người khác không chú tâm đến lời mình nói lắm thì mình hay tự nhủ với bản thân “Có lẽ người khác đang bận” hoặc “Thôi, không cần chấp đâu. Tui rộng lượng bỏ qua đó”. Thế mà đỡ tức hơn hẳn thật.
Nguồn chỉnh sửa ảnh: Canva
Nguồn chỉnh sửa ảnh: Canva

3) Điều chỉnh hành vi của bản thân

Sau khi đã nhận thức và biết cách chịu trách nhiệm cho cảm xúc của chính mình thì tiếp đến là sẽ đến phần điều chỉnh hành vi của bản thân. Bởi vì mục tiêu của hiểu về cảm xúc là để điều chỉnh hành động.
Hãy thử chú ý đến mỗi khi tâm trí bạn bị những cảm xúc tiêu cực như âu lo, muộn phiền hay giận dữ chiếm đóng thì bạn sẽ hành xử ra sao?
Bạn muốn bản thân hành động như thế nào?
Làm thế nào để bạn không bị những cảm xúc này điều khiển trong lần tới?
Nguồn chỉnh sửa ảnh: Canva
Nguồn chỉnh sửa ảnh: Canva
Mình lấy một ví dụ của bản thân nhé. Bình thường thì cuộc trò chuyện giữa mình và mẹ luôn tồn tại những cuộc tranh luận không hề nhỏ vì cả hai bên đều có ý kiến riêng của đối phương. Đương nhiên là vì vấn đề tự tôn nên hai bên chẳng ai nhường ai cả và kết quả là mỗi lần trò chuyện xong là giận nhau mấy hôm luôn.
Và mình tự hỏi bản thân tại sao lại có vấn đề như thế thì mới ngộ ra rằng bình thường mỗi khi tranh luận thì mình và mẹ đều vô thức mà nâng cao tông giọng lên - như một cách để áp chế đối phương bằng lời nói.
Và mỗi khi như vậy thì mình có cảm giác khá tức giận lẫn mệt mỏi. Đương nhiên lần tới mình không muốn phải cãi vã với mẹ để rồi chiến tranh lạnh nữa nên mình chọn cách im lặng. Mà cũng hiệu quả thiệt vì thấy mình không nói hăng say như bình thường là mẹ mình tự thấy chán mà chuyển chủ đề liền.
Chúng ta có thể rèn luyện trí tuệ cảm xúc qua những việc vụn vặt hằng ngày như tán gẫu với người thân, bạn bè như thế đấy. Bởi cảm xúc ảnh hưởng tới quyết định của con người trên rất nhiều phương diện và đặc biệt là phương diện hành vi. Hiểu được lí do tại sao mình lại hành động như vậy trong hoàn cảnh đó giúp chúng ta làm chủ được hành vi của chính mình.
Và mình muốn tặng các bạn thêm một mẹo nhỏ để rèn luyện trí tuệ cảm xúc. Mẹo này chỉ gói gọn trong hai chữ “Lắng nghe”. Hãy chủ động lắng nghe tiếng nói nội tâm của chính mình, hãy chủ động lắng nghe người khác khi họ đang nói chuyện.
Suy cho cùng thì nếu không có sự lắng nghe, chúng ta sẽ chẳng thể hiểu được bản thân và không cần nói gì đến người khác nữa. Lắng nghe là tiền đề của thấu hiểu. Và khi thấu hiểu, chúng ta có thể hành động một cách khôn ngoan nhất.
Vậy những cách lắng nghe bản thân có thể là thiền hành hay đi dạo bộ một mình trong công viên. Khi ấy, không gian sẽ đủ yên tĩnh để bạn có thể nhận thức được những luồng suy nghĩ của bản thân. Hãy ngắm nhìn chúng, không phán xét gì cả và cứ coi đây là cơ hội để bạn tìm hiểu hơn về chính mình.
Còn khi nói chuyện với người khác thì chỉ cần đơn giản bỏ chiếc điện thoại trên tay xuống mà dành cho đối phương một sự chú ý chân thành. Vậy là đủ rồi, đơn giản lắm thay.
Chúc bạn tìm được những điều tuyệt vời trên hành trình rèn luyện trí tuệ cảm xúc nhé!