Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng phải đau đầu trong việc chọn lựa trang phục. Áo này thì nên mặc với quần nào, đi với giày màu gì. Dù tốn nhiều thời gian nhưng kết quả vẫn có gì đó sai sai hoặc lại phải chuyển sang giải pháp an toàn - đen từ trên xuống dưới cho lành. Hoặc đôi khi vào cửa hàng thì chọn ngay một chiếc áo có màu bắt mắt. Đến khi về thì mới thấy chiếc áo đó lạc lõng giữa tủ đồ, nên đành gấp gọn nó lại một góc và lần sau … vẫn như vậy. 
Để tránh tình trạng như vậy thì bạn nên nắm được một số nguyên tắc cơ bản về màu sắc. Từ đó sẽ không còn lo bị mua nhầm đồ hay phối không đẹp nữa.

1. Đặc tính của màu sắc

Đầu tiên, màu sắc gồm có ba đặc tính chính:
- Hue (tone màu): là màu gốc của một màu sắc mà chúng ta thấy bằng mắt.
- Saturation (độ bão hoà): miêu tả độ đậm nhạt của một màu sắc.
- Value (giá trị màu): hay chính là độ sáng tối của một màu sắc, càng sáng tức là value càng cao.
Sự thay đổi kết hợp của ba yếu tố này sẽ tạo nên hàng ngàn sắc thái màu sắc khác nhau. Và đó cũng là điều chúng ta cần quan tâm khi chọn lựa màu sắc cho trang phục. Những màu mà có cùng Saturation hay Value khi phối với nhau sẽ dễ dàng tạo ra sự hài hoà hơn.
Để biểu thị sự tương quan giữa các màu sắc cũng như ứng dụng trong việc pha phối, chúng ta có công cụ bánh xe màu (color wheel). Color wheel là một vòng tròn được tạo nên bởi 12 màu căn bản của Hue.
Color Wheel
Color Wheel

2. Ứng dụng với một số nguyên tắc phối màu

Phối màu Achromatic (phối màu không sắc):

Khi Hue và Saturation được kéo về 0, sự thay đổi của màu sắc bây giờ sẽ chỉ còn phụ thuộc vào Value. Chúng ta sẽ có những sắc thái khác nhau từ đen sang ghi sang trắng, hay còn gọi là những màu trung tính. Yếu tố quyết định ở đây sẽ là sự tương phản sáng tối giữa các items.

Monochromatic (phối màu đơn sắc):

Khi phối kiểu này, chúng ta sẽ sử dụng các sắc thái khác nhau của cùng một Hue, tức là sẽ điều chỉnh thay đổi ở Saturation và Value. Đây là một cách phối tiện lợi và rất an toàn. Một gợi ý là bạn có thể kết hợp với Achromatic, dùng một màu nổi bật phối với màu trung tính, hoặc quần và sơ mi là màu trung tính có tương phản thấp, màu nổi bật sẽ sử dụng với phụ kiện, giày hay áo khoác

Analogous (phối màu tương đồng):

Kết hợp các màu đứng cạnh nhau trên bánh xe màu. Các màu thuộc cùng một họ màu đứng cạnh nhau nên dễ tạo nên sự hài hoà. Tuy nhiên, cũng nên chú ý đến Saturation và Value để tránh bị đứt gãy. Để an toàn và trẻ trung hơn thì màu quần thường nên sáng hơn màu áo.

Complementary (phối màu bổ sung, hay phối màu tương phản):

Sử dụng các màu đối diện nhau trên bánh xe màu. Phối kiểu này sẽ giúp bộ trang phục sinh động hơn do có sự kết hợp tương phản của hai màu sắc. Tuy nhiên sự tương phản không phải lúc nào cũng tạo nên sự ăn nhập, nó có thể khiến bạn trông như bị chia ra thành hai khúc. Một gợi ý nhỏ là có thể sử dụng màu tương phản làm điểm nhấn ở phụ kiện, hoặc có thêm màu trung tính làm nền. Quần và sơ mi có thể dùng màu tương đồng, còn áo khoác sẽ phối màu tương phản lại

Split Complementary - Phối màu chia bổ sung:

Gần như Complementary, nhưng ở đây chúng ta sẽ chia một màu đối lập thành 2 màu tạo thành nó.

Phối màu triad (phối theo bộ ba, hay phối tam giác):

Phối màu dựa trên ba màu cách đều nhau trên bánh xe màu. Đây là một cách phối có thể tạo nên hiệu ứng thú vị, nhưng nếu không cẩn thận thì nhìn sẽ khá rối mắt khi ba màu có thể đánh lẫn nhau.
Một set đồ khá bắt mắt với 3 màu, nhưng không phải lúc nào cũng ứng dụng được
Một set đồ khá bắt mắt với 3 màu, nhưng không phải lúc nào cũng ứng dụng được
Những nguyên tắc cơ bản sẽ giúp bạn có thêm cơ sở để lựa chọn cho mình trang phục phù hợp, tránh mất thời gian và ít bị fail hơn. Nhưng cũng không nên áp dụng quá cứng nhắc, quan trọng nhất vẫn là sự hài hoà. Hãy trải nghiệm thật nhiều để có cho mình cảm nhận riêng.