Về việc đọc sách!
Đọc sách, một hành động thật nhân bản.
Thói quen đọc sách, một thói quen thật văn minh.
Không ai thành công mà lại không đọc sách cả, người trẻ Việt Nam biết thế, nhưng tại sao người trẻ Việt Nam không chịu đọc sách?
Một câu hỏi mà rất nhiều người muốn trả lời, vì chỉ khi trả lời được thì người ta mới tìm được biện pháp để thay đổi, đã có rất nhiều câu trả lời khác nhau, nhưng câu trả lời nào cũng có những cái đúng và cái sai riêng, hoặc có thể là do ta chưa thực sự dám nhìn thẳng vào vấn đề.
Người trẻ không đọc vì không biết được lợi ích của sách, đây có lẽ là câu trả lời nông cạn nhất. Vì giờ đây có người trẻ nào không đọc báo mạng, không có Facebook, không xem Youtube, mà ở đâu trên không gian mạng ấy cũng ra rả thông điệp về lợi ích của đọc sách, về việc những người thành công đọc sách gì, ...
Người trẻ không đọc sách vì không có sách hay, đây lại càng là một điều ngu ngốc khác. Thị trường sách Việt Nam đang phong phú hơn bao giờ hết, từ sách giấy đến sách điện tử, từ thể loại truyện, thơ đến sách nghiên cứu, từ tác giả Việt Nam đến tác giả thế giới.
Người trẻ không đọc sách vì có quá nhiều chương trình giải trí, một câu trả lời thiếu tầm nhìn. Việt Nam đúng là nhiều chương trình giải trí, nhưng nguồn gốc của các chương trình ấy không từ Việt Nam, mà đến từ những nước phát triển, nơi có tỷ lệ đọc sách cao nhất thế giới.
Với riêng cá nhân tôi, việc người trẻ Việt Nam không có thói quen đọc sách vì trong văn hóa của người Việt Nam không có văn hóa đọc. Câu trả lời nghe thật chua chát với một đất nước bốn nghìn năm lịch sử, nhưng đó là sự thật không thể chối cãi được. Khi khẳng định điều đó, tôi nghi ngại sẽ có nhiều người bật dậy và mắng chửi tôi, vì lịch sử chúng ta có đầy rẫy những người tài giỏi với tài văn chương, thơ phú và trí tuệ thiên tài. Nhưng văn hóa là thói quen mang tính đại chúng, một vài cá nhân đại diện và dẫn dắt không tạo nên một văn hóa. Tôi nói người Việt không có văn hóa đọc không phải là tôi nói người Việt lười biếng hay ngu dốt, tôi khẳng định điều đó ở đây là từ việc nhìn thẳng vào quá trình lịch sử.
Thứ nhất, lịch sử Việt Nam là một tiến trình đầy biến động và bị ngắt quãng, dân tộc ta đã trải qua quá nhiều các cuộc chiến tranh và bị đô hộ, và quá trình đô hộ luôn đi kèm với việc giữ cho dân tộc bị đô hộ ở tình trạng ngu dốt, do đó việc tiêu hủy các loại sách và thư tịch là điều mà những quốc gia đô hộ luôn làm, đi cùng với đó là sự hạn chế giáo dục, nếu có cũng chỉ là giáo dục để cai trị chứ không nhằm khai sáng.
Thứ hai, đất nước ta từ trước đến nay vẫn là một đất nước nông nghiệp, người nông dân vốn sinh sống bằng những tập quán và hòa thuận với thiên nhiên, do đó, đa số người dân không tiếp cận với sách hoặc các tư liệu, mà chủ yếu qua truyền miệng, các kinh nghiệm được truyền miệng lại qua các thế hệ mà không bằng việc ghi chép và đọc.
Tựu chung lại, việc những người Việt trẻ không đọc sách là vì cha mẹ chúng không đọc sách, vì môi trường chúng sống không có văn hóa đọc, không có sự đề cao tri thức và giá trị đọc.
Các bạn có thể nhắm mắt lại và nghĩ, suốt thời đi học có thầy cô nào nói với bạn rằng em hãy đọc thật nhiều sách vì những tri thức trong đó sẽ giúp em thành công, tôi dám cá là đa phần các bạn đều không thể nghĩ ra. Tiếp theo, bạn hãy nhớ xem bạn đến bao nhiêu gia đình mà nhìn thấy họ có tủ sách hay phòng đọc, câu trả lời là có cũng thật hiếm hoi và tiêu biểu.
Thói quen đọc sách hình thành trong mỗi cá nhân không dễ dàng gì, đặc biệt là trong một môi trường xã hội chưa từng có thói quen này. Những đứa trẻ có xu hướng giống cha mẹ chúng, cha mẹ chúng không đọc hẳn chúng khả năng cao cũng không đọc, đó là quy luật tâm lí.
Do đó, những người trẻ Việt hiện nay không đáng phải chịu những lời chỉ trích quá gay gắt, vì nhìn theo một góc độ nào đó thì chúng chỉ là những bản sao mà thôi.
Tuy nhiên, đó không phải là một lời biện hộ cho sự lười biếng đọc sách, đó chỉ là sự phân tích dựa trên góc nhìn lịch sử và xã hội để ta hiểu đúng vấn đề mà thôi.
Những người trẻ được sinh ra trong hòa bình và sự no đủ này, đây chính là thế hệ tiên phong trong việc đưa việc đọc sách trở thành một nét văn hóa của người Việt Nam. Tôi tin rằng, sẽ có rất nhiều người trẻ cảm thấy tự hào về sứ mệnh này của mình, nếu chúng ta làm cho chúng hiểu và trân trọng giá trị của việc đọc sách và giá trị của tri thức.
Niềm tự hào cộng thêm sự nhận thức, đó chắc chắn là chìa khóa để chúng ta có một thế hệ trẻ đọc sách, một thế hệ trẻ văn minh và tiến bộ, từ đó từng bước biến việc đọc sách trở thành một nét văn hóa của người Việt.
Tôi dám tin vào kết quả ấy, vì người Việt không phải là một dân tộc kém cỏi.
Vậy việc cần làm bây giờ là gì, đó mới là điều quan trọng. Với cá nhân tôi, chúng ta cần một người truyền cảm hứng và xây dựng môi trường đọc.
Nói về người truyền cảm hứng, tôi đã nghĩ đến một truyền thống mà các vị vua ngày xưa thường hay làm, đó là lễ tịch điền, khi vào đầu năm mới các vị vua sẽ ra đồng để cày nhằm mục đích khuyến khích dân chúng trồng trọt, hiện nay, tôi cho rằng một cuộc vận động toàn dân đọc sách bởi các sự kiện đọc sách có sự tham gia của Thủ tướng hoặc Bộ trưởng Bộ giáo dục có thể có sức thu hút lớn, và có thể tạo động lực cho giới trẻ. Với hình ảnh của chính phủ đang không được chỉnh chu như hiện nay, việc Thủ tướng với lễ đọc sách vừa là tạo động lực cho giới trẻ, còn là lời khẳng định về một chính phủ tri thức và văn minh. Hiệu ứng thu được chắc chắn sẽ rất lớn trong việc định hình văn hóa đọc, việc hình thành một văn hóa chưa bao giờ chỉ là câu chuyện của dân chúng, nó luôn có sự góp sức rất lớn từ những người quản lý đất nước, và văn hóa đọc cũng không phải ngoại lệ cho quy luật này.
Về môi trường, với việc đa số các gia đình chưa tồn tại văn hóa đọc thì trường học sẽ phải trở thành nơi hình thành thói quen đọc sách cho trẻ. Trước hết đó là định hướng từ thầy cô giáo, thầy cô phải khuyến khích và truyền cảm hứng cho các em, các thầy cô sẽ phải là người làm gương cho các em, phải có sự tham gia của các cuốn sách cuốn hút bên cạnh sách giáo khoa. Điều này sẽ đòi hỏi ngành giáo dục phải có một cuộc cách mạng trong đào tạo giáo viên, nếu giáo viên không phải là người ham hiểu biết, có thói quen đọc sách, họ sẽ không thể nào truyền cho những đứa trẻ cảm xúc yêu và trân trọng những cuốn sách, phía sau đó là tình yêu với tri thức. Hơn nữa, thầy cô còn phải là những người bạn, vì khi đọc sách, các em sẽ có rất nhiều những thắc mắc cần lý giải, và thầy cô phải là người bạn giúp các em giải đáp và định hướng việc đọc. Để phục vụ cho việc đọc, nhà trường phải đầu tư cho thư viện những cuốn sách chất lượng, hấp dẫn và đa dạng, chứ không phải chủ yếu là sách hướng dẫn học tập như bây giờ. Các em cần được mở rộng về sự hiểu biết và hình thành nhân cách sống, thư viện phải cung cấp được cho các em những cuốn sách về điều đó. Hơn nữa, nhà trường cũng phải thường xuyên tổ chức các ngày hội về văn hóa đọc, khuyến khích các em đến thư viện, mượn và trả sách dễ dàng.
Để hình thành được văn hóa đọc là một hành trình gian nan, nhưng chúng ta không được vì thế mà bỏ mặc nó, thay vào đó chúng ta càng phải dồn nhiều tâm sức hơn, để kết quả đến càng sớm càng tốt. Bởi, chỉ có tình yêu tri thức qua việc đọc sách, mới giúp người Việt có khả năng tiếp cận với tri thức thế giới, từ đó mới bước lên được vũ đài thế giới.