Cân bằng và lập dị.
Người ta phải giành lấy quyền được có một lối sống cân bằng. ...
Người ta phải giành lấy quyền được có một lối sống cân bằng.
Cũng giống tư bản, người ta có thể khó chịu với nó, nhưng không thể sống thiếu nó.
Và cuộc cách mạng nông nghiệp, khi những người săn bắt hái lượm chia rẽ, một nhóm tiến lên làm nông và thống trị, trong khi một số lại từ chối và bị thoái hóa. (Harari)
Công việc cũng vậy. Ta có thể từ chối làm việc quá nhiều, dành thời gian cho những khía cạnh khác, để giữ cho mình một tinh thần cân bằng. Thế nhưng trong một xã hội "Nhanh" như hiện tại, hóa ra lối sống đó lại trở nên lập dị, vì bị cho là "An phận".
Bỏ qua vấn đề lao động giúp giải quyết vấn đề mưu sinh ( Và hơn thế nữa, để có Danh vọng, đạt được sự công nhận của xã hội), còn gì hợp lý hơn việc lao động để thấu hiểu bản thân và thế giới?
Vấn đề nằm đâu nhỉ? Nó nằm ở mức độ áp lực khi phải làm việc. Một công việc, dẫu cho có cao quý và đáng thèm muốn đến cỡ nào, cũng phải xếp sau một lối sống cân bằng, chính để bảo vệ công việc và cả người đó nữa.
Cũng giống như John Stuart Mill khi ông lập luận về Tự do: hóa ra cho phép Tự do, xét về lâu dài, sẽ tạo ra nhiều hạnh phúc hơn so với chủ nghĩa Vị lợi.
"Khi cho phép tự do, một quan điểm từ thiểu số, khi đem ra tranh biện, có thể thay đổi một ý kiến chủ lưu. Và dẫu cho không thể thay đổi, việc đem một ý kiến ra tranh biện đó cũng không làm cho ý kiến chủ lưu trở nên giáo điều" (Mill).
Một lối sống cân bằng cũng vậy. Hóa ra việc duy trì một lối sống cân bằng, kèm với một chút áp lực (thay vì áp lực thường trực), xét về lâu dài sẽ khiến con người ta minh mẫn hơn, sáng tạo hơn và gắn bó với công việc lâu hơn, thay vì cố gắng gạt qua hết những khía cạnh quan trọng khác để toàn tâm toàn ý cho công việc (Cách này, hóa ra lại dẫn người ta đến tình trạng kiệt quệ sớm hơn).
Nhưng để nhìn thấy được kết quả đó, phải chờ hàng năm, và đa phần người ta không đủ kiên nhẫn và dũng cảm để theo đuổi lối sống kiểu này, do áp lực từ xã hội, hoặc nghi ngờ kết quả tốt sẽ không đến.
Vậy, khi công ty yêu cầu ta làm thêm giờ, ta nên dũng cảm nói "Không", để bảo vệ những khía cạnh khác mà ta thấy là quan trọng và nên dành thời gian cho nó. Những người lãnh đạo hoặc những thiên tài, họ có một khao khát mãnh liệt đến mức họ sẵn sàng bỏ qua tất cả khía cạnh khác gia đình, sức khỏe,... Ta thấy Enstein, Lev Tolstoy, Hawking đã đạt được những thành tựu vĩ đại, nhưng cái giá phải trả là gì? Một cuộc sống gia đình méo mó và tan nát.
Nhưng trong một tổ chức, đâu phải ai cũng có những đam mê mãnh liệt với tổ chức như những lãnh đạo, đến mức họ sẵn sàng từ bỏ sức khỏe, gia đình? Có ảo vọng quá không khi ta nghĩ ai cũng sẽ đam mê mãnh liệt như vậy? Đa phần người ta chỉ hơi thích công việc đó, và khi được hỏi liệu "Phê-rô, anh có từ bỏ tất cả để theo một vị Chúa Công Việc hay không?", khả năng cao người ta sẽ từ chối nên Thánh.
Điều đó dẫn đến sự điều độ và một "Hành trình hai mươi dặm" (Jim Collins), khi công ty và những người lãnh đạo hiểu được tầm quan trọng của việc tự kiềm chế, hiểu được những người "Bình thường", và chấp nhận họ.
Và cuối cùng, ta nên thông cảm và chấp nhận những quán cà phê nghỉ một số ngày trong tuần, và từ chối phục vụ quá giờ. Những quán đó, hóa ra lại trụ lâu hơn cả, mà độ ổn định lúc nào cũng cao.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất