“Người hài hước nhất thường là người buồn bã nhất.”
Không biết bạn có từng nghe qua câu nói trên hay chưa? Và lúc nghe được, bạn có suy nghĩ, cảm xúc thế nào? Sẽ phản bác hoặc không tin, kiểu “Sao mà thế được? Cuộc sống của họ buồn như vậy thì làm sao họ có thể cười nổi và ngược lại, người hài hước thì lúc nào chẳng vui vẻ, thời gian đâu ra để mà buồn với sầu?” Cũng có thể bạn sẽ đồng tình ngay, bởi bạn biết xung quanh bạn có một người như thế. Không cần xa xôi như Vua hề Charlie Chaplin, diễn viên hài nổi tiếng nhất mọi thời đại nhưng lại trải qua cuộc sống khổ đau đầy ẩn ức, trắc trở. Cũng chẳng cần phải nhắc tới Chester Bennington – thủ lĩnh của ban nhạc Linkin’ Park đã tự sát hồi năm ngoái vì trầm cảm, trong khi tấm ảnh được chụp vào 36 giờ trước cái chết của anh lại cho thấy một người đàn ông có nụ cười tươi rói như chẳng có gì khổ sở. Người trầm cảm hài hước nhất mà bạn biết, có khi lại là người đang ở ngay bên cạnh bạn, trước mắt bạn. Họ có thể là đồng nghiệp, bạn bè, người thân, hay thậm chí, họ là chính BẠN.  
Với tôi, người đó chính là Jenny Lawson, tác giả cuốn sách Hạnh phúc chết đi được, tên gốc tiếng Anh là Furiously Happy: A Funny Book About Horrible Things.  
“Hạnh phúc tột cùng, buồn đau tột bậc.”
Jenny không những bị trầm cảm mà còn mắc một loạt các bệnh lý tâm thần khác như rối loạn lo âu, rối loạn nhân cách tránh né, rối loạn ám ảnh cưỡng chế dạng nhẹ, rối loạn giải thể nhân cách không thường xuyên, rối loạn giật tóc, hội chứng áo choàng trắng, cũng như các vấn đề về ăn uống và tự hại,… Chưa kể cô còn bị viêm khớp dạng thấp, một căn bệnh của người già xuất hiện trên người cô khi cô còn rất trẻ.
Nhưng bù lại, cô ấy lại là một tác giả có lối viết vô cùng hài hước, hài hước đến mức “quái dị”. Cô viết về những câu chuyện không may, những mô tả bệnh trạng thê thảm của chính mình bằng giọng điệu tự trào khiến bạn phải phì cười, kiểu vui cười pha lẫn chút tội lỗi như khi con bạn thân của bạn vừa vấp ngã ngay trước mắt bạn vậy. Tên sách Furiously Happy đại diện cho thứ vũ khí Jenny tạo ra để chiến đấu chống lại những ngày trầm uất chẳng thể nào dậy nổi, những khi cơn hoảng loạn hay lo âu tấn công khiến cô chỉ muốn gục xuống đầu hàng. Giống như chúng ta cần ánh sáng để chiếu rọi những đêm tối mịt mùng, cần tình yêu để chở che đi qua những tháng ngày khắc nghiệt, Jenny Lawson dùng khả năng hài hước tuyệt vời của mình để đối mặt với những khó khăn đến từ vô số loại bệnh tật mà số phận đã vô tình nhồi nhét cho cô. Chỉ có trong đêm dài tăm tối, những ánh sao mới tỏa sáng rực rỡ nhất, chỉ khi từng buồn đau sâu sắc nhất, nhận thức về niềm vui mới trọn vẹn khác thường.
“Hài hước là vũ khí hữu hiệu để chiến đấu chống lại bệnh trầm cảm.”
Jenny Lawson đã khởi xướng phong trào Furiously Happy giúp cổ vũ, động viên các bệnh nhân trong quá trình chiến đấu và chiến thắng những bệnh lý tâm thần mà họ mắc phải. Đã đến lúc bệnh lý tâm thần nên được nhìn nhận như một căn bệnh không may giống như các bệnh về thể chất, thay vì bị phán xét, kỳ thị, né tránh hay coi thường. Bởi suy cho cùng, kẻ thù chung của tất cả chúng ta chính là những thứ xấu xa ngăn chúng ta sống vui, sống đẹp, sống trọn vẹn mọi khoảnh khắc cuộc đời trong vòng tay yêu thương của những người mà ta trân quý nhất. Furiously Happy là một cuốn sách kể về những điều tiêu cực, nhưng lại chứa đựng một nguồn năng lượng hài hước tuyệt vời giúp chúng ta cảm thấy tích cực hơn.
“Càng khổ sở, ta lại càng cần hài hước.”
Nếu hạnh phúc là đỉnh núi cao vời vợi còn buồn đau là đáy vực sâu hun hút, thì một cuộc sống cân bằng lý tưởng sẽ là đồng bằng mênh mông bát ngát, không quá cao để hít thở khó khăn, không quá thấp để toàn thân ngột ngạt. Khi ta buồn, ta không cần buồn thêm để ngày càng lún xuống sâu hơn. Khi ta vui, ta cũng không nên để bản thân bay quá cao chẳng nhìn rõ dấu chân mình trên đất. Nỗi buồn cần đến niềm vui, và niềm vui cũng không thể tách khỏi nỗi buồn. Khi ta trầm cảm, ta cần những điều tốt đẹp, vui vẻ để níu ta lại với cuộc đời này. Khi ta vụn vỡ, ánh sáng sẽ len qua những kẽ nứt để lấp đầy bên trong ta. Ta mang theo một trái tim đầy tổn thương và sứt mẻ, nhưng trái tim đó vẫn còn biết rung động trước cái đẹp, biết hát lên những lời ca vui dù cuộc đời có khắc nghiệt đến thế nào.
Vì còn sống là còn tất cả.
“Khi ngắm nhìn cuộc đời mình, tôi thấy những lúc mức độ hạnh phúc dâng lên cao nhất, nhưng đồng thời tôi cũng bắt gặp những vùng trũng hơn mà tôi phải tự thuyết phục bản thân rằng tự tử không phải một câu trả lời. Và ở giữa tôi thấy cuộc sống của tôi. Tôi thấy rằng nỗi buồn và bi kịch trong cuộc sống của tôi đã làm cho niềm phấn chấn và cảm giác ngây ngất dạt dào trở nên ngọt lành hơn rất nhiều. Tôi thấy rằng bằng cách vươn xa tâm hồn ra khắp hướng để cảm nhận từng cm của cơn trầm cảm khủng khiếp, tôi đã được trao thêm cơ hội nuôi dưỡng và tận hưởng vẻ đẹp của cuộc sống mà những người khác có lẽ chưa bao giờ từng trân trọng. Tôi thấy rằng bụi bay trong không khí cuối cùng sẽ lắng xuống sàn nhà để rồi bị cuốn trôi ra khỏi cửa như phủi đi một thứ phiền toái, nhưng trước đó, trong một khoảnh khắc rực rỡ, tôi thấy những hạt bụi bắt lấy nắng vàng rồi ánh lên tia sáng lấp lánh và nhảy múa như những ngôi sao xa xôi. Tôi thấy khởi đầu và kết thúc của vạn vật. Tôi thấy đời tôi. Nó xấu xí và lu mờ đến mức mê người theo cách thức đúng đắn của riêng nó. Nó long lanh trong vụn vỡ. Có sự ngạc nhiên và niềm vui thích trong những điều đơn giản nhất. Mẹ tôi đã đúng.
Tất cả chỉ là cách bạn nhìn nhận mà thôi.
- Hạnh phúc chết đi được, Jenny Lawson