LÃNG QUÊN CÁI CHẾT
Tôi cứ ngỡ mình sẽ mãi không quên Nhưng thời gian tàn nhẫn và dịu dàng Những kí ức chìm dần vào quên lãng... Ngày 28/01/2020,...
Tôi cứ ngỡ mình sẽ mãi không quên
Nhưng thời gian tàn nhẫn và dịu dàng
Những kí ức chìm dần vào quên lãng...
Ngày 28/01/2020, mùi mai, mùi bánh chưng, mùi thịt kho tàu - những thứ mùi Tết nhạt nhòa vẫn còn lãng đãng trong không khí. Một ngày bình thường, tôi ước là như thế.
Nhưng những ngày bình thường thì khó lòng chiếm được vị trí nào trong trí nhớ của tôi cả, chỉ có ngày đặc biệt mới có cho mình ưu ái đó.
Phải, ngày 28/01/2020, một ngày đặc biệt đáng buồn: bác L - người hàng xóm tôi yêu quý đã nhắm mắt xuôi tay.
Vốn có tiền sử bệnh tim, trong lúc đang lau chùi bàn thờ, bác vấp chân, ngã, và vào viện. Một tuần không gặp, trong 7 ngày đó, sự biến mất của bác không làm tôi để ý cho mấy. Tôi nghĩ đơn giản lắm, Tết mà, dịch thì dịch nhưng đi gần gần thăm họ hàng chẳng lẽ không được.
Khi biết tin, tôi đã rất bàng hoàng. Lúc ấy, tôi cứ nghĩ đó là một trò đùa vô hại. Tôi không dám đối mặt với thực tại, ước chi đây là một giấc mơ. Nhưng những giấc mơ chỉ đến khi ta ngủ, thực tại là cái phải đối mặt khi tỉnh giấc. Dù muốn hay không, tôi vẫn phải chấp nhận sự thật. Tôi buồn và khóc rất nhiều.
Nhưng những cảm xúc khi bác mất không phải điều tôi muốn viết trong bài này. Tôi muốn nói về những cảm xúc sau đó, những điều xảy ra sau khi một người ra đi.
Nói thật, bác đi vào khoảng thời gian nghỉ dịch, khoảng 3 tháng sau đó, là khi bắt đầu đi học lại, tôi gần như quên hết về bác trong cuộc sống thường ngày.
Trước đây tôi hay bắt gặp bác lang thang trong cái xóm nhỏ sau khi đi học về. Bác luôn là người phát hiện ra tôi trước và gọi vang: “Chị Bo!” tôi sẽ cười chào lại và hai bác cháu cùng trò chuyện rôm rả. Những buổi gặp bất ngờ như thế thế diễn ra nhiều lần trong tuần. Đó gần như là một thói quen.
Mà bạn biết đấy, thói quen vốn không phải là một thứ dễ bỏ.
Thế nhưng chỉ trong tuần đầu tiên sau khi đi học lại, tôi thậm chí còn chẳng nhớ đến bác một lần:
Là khi về đến đầu xóm rồi chạy thẳng vào nhà mà xe chẳng đi chậm lại và tai dỏng lên để nghe tiếng gọi thân thương hồi nào.
Là mỗi lần xuống xe, cởi nón, tháo khẩu trang,... những động tác thực hiện liền mạch mà lòng chẳng còn nhớ và đợi những buổi trò chuyện.
Là những lần ngồi trong nhà bác ruột, nhìn ra cửa, vẫn con đường đó, những ngôi nhà đó,... Ừm, những khung cảnh bình thường. Tôi chẳng để ý đến sự vắng mặt của 1 người trong khung cảnh đó.
....
Hơn cả sốc trước cái chết của bác, tôi càng sốc và bất ngờ hơn khi nhận ra mình có thể quên đi một người dễ dàng thế nào. Thời gian đầu khi bác đi, tôi tự nhủ mình sẽ nhớ về bác mỗi ngày, đi lễ, đọc kinh, cầu nguyện để linh hồn bác mau chóng được an nghỉ ở chốn bên kia.
Kết quả thế nào? Kết quả là, qua tuần sau, trong đầu tôi tràn đầy những thông tin về dịch bệnh, về dự đoán thời gian đi học lại, về bài tập trên trường mà chẳng tí xíu xiu chỗ cho bác trong tâm trí. Cứ như thể rằng, sự ra đi của bác – sự biến mất của một con người trong vô vàn những con người khác trong cuộc sống tôi là một điều tất yếu, và sau thời gian đau buồn, quên nó đi và bước về trước là chuyện hiển nhiên vậy.
Ừ thì cái chết là điều ai cũng phải xảy ra, nó diễn ra thường ngày, đó là sự thật, chỉ là tôi khá lạ lẫm và bất ngờ trước cái cách tôi đón nhận và vượt qua nó – thật nhanh và dễ, trong chưa đầy 1 tuần.
Tôi nghĩ nhiều hơn về sự chết khi bắt gặp một cái chết.
Nghĩ lại thì đó giờ, cứ lâu lâu tôi lại nghe tin về cái chết của một người không quen biết, hoặc có thể là biết, chỉ là không quen, tôi chấp nhận sự ra đi của họ nhanh lắm. Một ai đó thông báo, và não tôi tự động ghi nhớ thông tin. Không buồn, không đau, không khóc, vì có thân có quen đâu mà khóc với chả buồn.
Đó là cái chết tôi hay hay gặp nhất, những sự ra đi thoáng qua, cuộc đời của họ chỉ là một hạt cát bé trong biển cát mênh mông đời tôi.
Với bác, người có tác động đến tôi, một cồn cát trong sa mạc, cái chết chẳng dễ đón nhận đến thế. Tôi cần thời gian để nỗi đau vơi đi, dài ít tùy thuộc vào độ thân thuộc, nhưng rồi cũng sẽ quên. Mỗi lần nhớ đến sẽ cảm thấy tiếc nuối, nhưng nỗi đau không đủ lớn để trở nên bi lụy và sầu thảm.
Cái chết của ba, mẹ, bác ruột, những người tôi luôn ưu tiên và quan tâm hơn cả, luôn là một điều kinh khủng. tôi thậm chí không dám tưởng tượng sẽ ra sao nếu thiếu họ - những con người tựa ốc đảo trong sa mạc. Sa mạc yêu ốc đảo, ốc đảo là nguồn nước của sa mạc, là bắt nguồn sự sống của sinh vật. Nếu ốc đảo mất đi, sa mạc phải làm sao đây? Nỗi đau sẽ quá lớn cho tôi để gánh chịu.
Nhưng dù thế nào, có thể là 1 tháng, nửa năm, 1 năm,... rồi tôi cũng sẽ chấp nhận sự thật. tôi sẽ nói về cái chết của họ với nỗi đau âm ỉ, không lớn, không cồn cào, chỉ dai dẳng. Rồi sau 3 năm, 5 năm, hoặc lâu hơn, khi tôi đã quen với cuộc sống không-có-họ, khi guồng quay cuộc sống kéo tôi vào bao mớ rắc rối, có lẽ tôi sẽ không còn nhớ về họ nhiều. tôi sẽ quên họ như cách tôi quên bác.
Quên này không phải là quên một cách triệt để, chẳng qua là tôi không nhớ đến họ trong cuộc sống thường nhật. nỗi nhớ, niềm đau và những kỉ niệm chỉ đến trong những bất chợt, có lẽ là vào những đêm khi tôi ở một mình, khi bắt gặp một khung cảnh quen thuộc, khi vô tình gặp lại người quen cũ...
Tôi chỉ biết là tôi sẽ quên, bằng cách này hay cách khác, nhanh hay chậm, vô tình hay cố ý,...
Lắm lúc tôi cảm thấy mình vô tâm, khi nay, tôi nói về cái chết của bác một cách thật bình thường, lòng đã không còn gợn và mắt đã không còn đỏ. Trong tôi chỉ có tiếc nuối trước sự ra đi quá nhanh của bác.
Kỉ niệm càng nhiều, tình cảm càng lớn, nỗi đau càng sâu, nỗi buồn càng đầy. Có lẽ bác cũng không quan trọng với tôi đến thế. Có lẽ tình cảm tôi dành cho bác cũng không sâu như thế, kỉ niệm giữa tôi và bác cũng không đủ đặc biệt.
Nếu tính cả thời gian tôi còn bé xíu, cái thời mà mẹ còn bế trên tay hát câu à ơi, bác và tôi đã quen nhau rồi.
Dùng 16 năm để thân quen, dùng 3 tháng để lãng quên nhau.
Tôi sợ.
Tôi sợ mình cũng bị quên đi như thế. Tôi không muốn đời mình, dù tốt hay xấu, sẽ bị lãng quên. Cái chết không đáng sợ, tôi sợ thứ đằng sau nó, tôi sợ bị lãng quên.
Như trong phim Coco vậy, khi người cuối cùng trên thế giới nhớ đến ông Hector cũng quên mất ông, đó là lúc ông thực sự chết đi ở thế giới thực, ông không thể về thăm lại chốn cũ được. Ông trở thành một linh hồn cô độc và lang thang.
Làm gì có ai muốn chuyện đó xảy đến cơ chứ. Ai cũng muốn được nhớ đến, được nghĩ về.
Nhưng cái chết là chuyện tất yếu, sự lãng quên cũng thế. Sau cùng, chỉ những người thân thiết nhất mới nhớ đến bạn lâu nhất.
Không phải người khóc nhiều nhất trong tang lễ của bạn sẽ là người buồn nhiều nhất, người có linh hồn bị tổn thương sâu sắc nhất trước sự ra đi của bạn mới là người đau lòng vì bạn nhất, và họ sẽ nhớ bạn hết cả cuộc đời.
Dù là vậy, thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ
Một thưở đó xưa cũ và mộng mơ.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất