Sang chấn tấm lý chắc hẳn làm một cụm từ vừa quen vừa lạ đối với mỗi người, nhưng chắc hẳn phần lớn chúng ta sẽ trải qua hoặc chứng kiến trường hợp bị sang chấn. Đó có thể là một tai nạn, một thảm họa tự nhiên, trường hợp khẩn cấp về y tế, hỏa hoạn hoặc có thể là bị sang chấn do người khác gây ra dưới hình thức tấn công bạo lực, lạm dụng…

Sang chấn cũng có thể đến từ việc nhìn thấy một người khác bị tổn thương nghiêm trọng hoặc bị giết hoặc tìm hiểu về điều gì đó khủng khiếp đã xảy ra với một người chúng ta yêu thương. Dù nó đến từ đâu thì dấu vết của nó để lại trên cơ thể lẫn tinh thần là điều không thể phủ nhận.
Chẳng ai muốn nhớ về sang chấn cả, từ nạn nhân cho đến xã hội. Tất cả chúng ta đều muốn sống trong một thế giới an toàn, nhân văn và có thể lường trước mọi việc. Các nạn nhân sang chấn đã nhắc nhở chúng ta rằng thế giới tuyệt vời ta hằng mơ ước này không phải lúc nào cũng tồn tại. Để hiểu được sang chấn của bệnh nhân, chúng ta phải dám đối mặt với những thực tế tàn bạo của cuộc sống, phải rèn đủ lòng dũng cảm để dám lắng nghe những lời khai của các bệnh nhân.
Trong tác phẩm Holocaust Testimonies: The Ruins of Memory (Nhân chứng nạn diệt chủng: Những ký ức đổ nát) (1991) Lawrence Langer đã viết: “Lắng nghe những câu chuyện về nạn diệt chủng, chúng ta khai quật được một bộ tranh khảm của những bằng chứng thường bị vùi lấp dưới tầng tầng lớp lớp của sự không hoàn thiện. Chúng ta vật lộn với phần mở đầu của một câu chuyện mãi mãi không bao giờ hoàn thiện, đầy những khoảng trống, đối mặt với những nhân chứng nao núng và thường câm nín trong khổ sở vì bị những ký ức sâu xa đàn áp”.
Một người sống sót khác, Charlotte Delbo, miêu tả cuộc sống kép của cô sau khi được giải phóng khỏi trại tập trung Auschwitz: “Cái ‘tôi’, người trong trại tập trung đó, không phải là tôi, không phải là người đang ngồi đây, đối diện với anh. Không, điều đó thật khó tin. Và những gì đã xảy đến cho ‘bản ngã’ này khi còn ở Auschwitz không liên quan gì đến tôi nữa, những ký ức sâu xa và những ký ức thường ngày quá khác biệt... Nếu không có sự phân tách này, tôi đã chẳng thể sống sót quay trở về”.
Cô nói rằng ngay cả lời nói cũng có ý nghĩa kép: “Nếu không thì, ai đó [trong trại] bị tra tấn bằng cách cho khát khô cổ hàng tuần liền hẳn đã chẳng bao giờ có thể nói được câu: ‘Khát ghê. Mình làm tách trà đi.’ Cơn khát [sau chiến tranh] một lần nữa đã trở thành một cụm từ được sử dụng thường xuyên. Mặt khác, nếu tôi mơ về cơn khát của mình khi còn ở Birkenau [nơi thi hành diệt chủng ở Auschwitz], tôi thấy bản thân mình lúc đó đói khát, chẳng còn lý do để sống, vất vưởng”.
Langer kết luận đầy ám ảnh: “Ai có thể tìm thấy một ngôi mộ đúng đắn cho những bức tranh khảm đã bị tàn phá của tâm trí, nơi họ có thể an nghỉ? Cuộc sống vẫn tiếp diễn, nhưng theo hai hướng thời gian cùng một lúc, tương lai không thể thoát khỏi sự kìm kẹp của ký ức đầy đau đớn”.
Bản chất của sang chấn là rất dữ dội, khó tin và quá sức chịu đựng. Thế nên, để có thể lắng nghe trọn vẹn tiếng nói của từng bệnh nhân, ta cần phải thôi nghĩ về những điều ta cho là bình thường, ta cũng cần chấp nhận rằng mình đang đối diện với một thực tế kép: cái thực tế tương đối an toàn và có thể tiên đoán được đang tồn tại song song với một quá khứ hoang tàn, chưa bao giờ bị lãng quên.
---
“Sang chấn tâm lý – Hiểu để chữa lành” sẽ cho bạn thấy bức tranh toàn cảnh của những người bị sang chấn tâm lý – dựa trên những câu chuyện có thật của các bệnh nhân mà tác giả có dịp tiếp xúc hoặc chữa trị. Quyển sách này là một tác phẩm kinh điển của tâm thần học hiện đại, trải rộng trên nhiều lĩnh vực: tâm lý học thần kinh, tâm lý học phát triển, tâm bệnh học, tâm lý trị liệu – được đúc kết qua nhiều năm kinh nghiệm của chính của tác giả - Tiến sĩ Y khoa Bessel Van Der Kolk.
Cuốn sách vừa là tài liệu hướng dẫn vừa là lời động viên những ai đang bị sang chấn hãy dám đối mặt với vết thương của mình. "Sang chấn tâm lý" chỉ ra những phương pháp làm dịu bớt hoặc thậm chí điều trị được sang chấn.
Trích sách “Sang chấn tâm lý – Hiểu để chữa lành” của Tiến sĩ Bessel Van Der Kolk