Đỗ Long Vân đã chỉ ra, thế giới của Kim Dung tiên khởi là một cấu trúc. Khi một nhân vật xuất hiện, nhân vật đó thường không tồn tại riêng lẻ, độc lập, mà sẽ có quan hệ về phương vị, thứ bậc với các nhân vật khác. Đã có Đông Tà, thì tất có Tây Độc, Nam Đế, Bắc Cái, Trung Thần Thông. Đã có Quang Minh tả sứ Dương Tiêu, thì tất có Quang Minh hữu sứ Phạm Dao. Võ công cũng vậy, đã có Cửu âm chân kinh, tất sẽ có Cửu dương chân kinh.
Nhưng (nếu tôi nhớ không nhầm) cái nhìn của cấu trúc là cái nhìn thô bạo, bởi vì nó sẽ ưu tiên đặt trọng tâm vào mối quan hệ giữa các thành tố, chứ không phải bản thân các thành tố. Và cũng bởi vì cái nhìn này đóng băng mọi thứ trong một khoảnh khắc của “đồng đại”, thay vì theo dõi chuyển động trong dòng chảy “lịch đại”, các nhân vật hiện ra với một vẻ đơn điệu, thiếu sự phức tạp của nội tâm. Diệt Tuyệt hiển nhiên không chỉ là một người lạnh lùng, tàn nhẫn, cũng như thể loại nhân vật Du Thản Chi, Tống Thanh Thư hay Doãn Chí Bình không thể chỉ là những kẻ nam nhân vì tình mà mù quáng. Họ tất phải có chiều sâu trong nhìn nhận. Hỗn Nguyên Phích Lịch Thủ Thành Côn, nếu nghĩ cho kỹ, sẽ quả là một tay đại ngu dốt nếu chỉ vì mối tình không thành với muội muội mà lại đi hại cho Tạ Tốn tan nhà nát cửa. Tương tự như vậy, Trương Vô Kỵ đâu nhất thiết phải trong sáng? Với một tuổi thơ như thế, lẽ ra Vô Kỵ nên là một người biết cay nghiệt, và dám lạnh lùng.
Đó là khiếm khuyết của thế giới Kim Dung. Kim Dung, cũng như những ai đã tạo ra các vũ trụ hư cấu, như J. R. R. Tolkien chẳng hạn, đã có thể dựa vào những trục sẵn có của cấu trúc để mở rộng thế giới hư cấu, nhưng bù lại họ lại không thể tạo ra được những nhân vật có nội tâm đủ sâu để chạm đến cái phổ quát. Kim Dung đã mở rộng mọi thứ về chiều ngang, chứ không phải về chiều sâu.
Kiều cũng là một thế giới hư cấu có chiều ngang, nhưng nội tâm của Thúy Kiều lại được chú trọng. Phan Ngọc khi bình Kiều đã chỉ ra cái hay của Nguyễn Du là đã tạo ra một tiền lệ trong lịch sử văn chương: cho nhân vật ở một mình. Ở một mình là cơ hội để tự tình, để các biến cố được xem trọng hơn là quy luật.
Nhưng xét cho cùng, cũng như các thể loại văn học dân gian, vốn xem trọng quy luật cấu trúc hơn là biến cố, chính sự ổn định mới tạo ra được những điển phạm. Ác thì phải là ác như mẹ con Cám, dịu hiền xinh đẹp thì phải như cô Tấm. Với Kiều, thì đó ghen như Hoạn Thư, đểu như Mã Giám Sinh. Và với thế giới Kim Dung, đó là đa tình như cha con nhà họ Đoàn, hoặc đạo đức giả như Nhạc Bất Quần.
Những điển phạm của Kim Dung vẫn có đủ tiếng cười và nước mắt để người ta ghi nhớ. Một ví dụ đáng kể đó là cuộc đời Tạ Tốn.
Cuộc đời Tạ Tốn là một vòng tròn của băng hoại và cải hồi. Bởi khổ đau và bội tín, Tạ Tốn hoài nghi mọi thứ, phỉ nhổ cả ông trời. Nếu ông trời có mắt, thì làm gì có chuyện chính người thầy mà ông hằng kính yêu lại cưỡng hiếp vợ ông, giết chết cha mẹ và cả đứa con còn nằm trong nôi của ông, đến nỗi thịt xương lẫn lộn?
Ông bôn tẩu giang hồ, tìm học kỳ thư bí tịch để mong một ngày đấu lại sư phụ mình để trả thù. Trên đường đi, ông đã chứng kiến biết bao kẻ hại người, đổi trắng thay đen, mà vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, vậy thì thiên lý ở đâu?
Tình huống đưa đẩy, khiến ông và Trương Thúy Sơn, Ân Tố Tố lưu lại băng hỏa đảo. Từ chỗ bán mạng đánh nhau, vì chung sống lâu ngày nảy sinh tình thân mà họ kết nghĩa huynh đệ. Chính hai người Ân – Trương cùng nghĩa tử Vô Kỵ đã làm cho Tạ Tốn cảm thấy được sự ấm áp của gia đình trở lại.
Nhưng tiếc thay, khi gia đình Trương Thúy Sơn trở lại Trung thổ, lục đại môn phái vì ân oán với Tạ Tốn và cũng vì lòng tham với Đồ Long Đao đã kéo lên núi Võ Đang ép hỏi họ vào đúng ngày mừng thọ của Trương Tam Phong. Vì không muốn phản bội nghĩa huynh, cũng không muốn gây phiền phức cho phái Võ Đang, cả hai tự sát.
Rời băng hỏa đảo để tìm gia đình Trương Thúy Sơn, Tạ Tốn cũng phải đối mặt với những ân oán cũ. Kết cục, ông cùng kẻ thù không đội trời chung Thành Côn đánh nhau một trận long trời lở đất. Chọc mù hai mắt Thành Côn để trả thù, Tạ Tốn sau đó cũng tự phế võ công của mình để trả ơn sư phụ dạy võ thuật. Cuối cùng, ông chấp nhận để giang hồ đến xả thịt mình mà trả thù cho người thân của họ. Nhưng rồi tất cả đều tha thứ cho ông, cũng như ông tha thứ cho Thành Côn. Tạ Tốn cuối cùng quy y cửa phật.
Cuộc đời Tạ Tốn và hình ảnh Tạ Tốn chửi trời chính là một biểu nghĩa của nỗi bi phẫn tột cùng trước sự tréo ngoe của cõi người. Hình như không có một nhân vật thứ hai trong thế giới Kim Dung đạt được mức độ hoài nghi bi phẫn như Tạ Tốn.
Không liên quan cho lắm, nhưng Quỷ Cổ Nữ đã đề cập đến hai sáng tạo của Kim Dung trong Kỳ án ánh trăng, đó là Tạ Tốn và Tuyệt Tình cốc.
02.08.2020